làng nghề ở tỉnh Đồng Tháp trong thời gian tới
Để các làng nghề phát triển bền vững, công tác quản lý đối với các làng nghề có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo, việc tăng cường công tác QLXH nhằm phát triển các làng nghề ở tỉnh Đồng Tháp trong thời gian tới cần thực hiện theo một số phương hướng sau:
Một là, tăng cường sự quản lý của Nhà nước trong quá trình hoạt động của các làng nghề nhằm bảo tồn và phát triển các làng nghề một cách bền vững. Cần có sự phân công, phân cấp quản lý các làng nghề rõ ràng, phù hợp để tạo sự thống nhất trong quản lý, tránh chồng chéo giữa các cơ quan quản lý trong thực hiện nhiệm vụ. Tăng cường quản lý nhà nước đối với các làng nghề theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các làng nghề tồn tại và phát triển trên cơ sở đảm bảo tuân thủ chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương.
Hai là, triển khai rà soát, đánh giá lại thực trạng hoạt động của các làng nghề trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, nhiều làng nghề tuy đã được công nhận nhưng hoạt động kém hiệu quả, cầm chừng, thậm chí có làng nghề đã không còn hoạt động. Bên cạnh đó, có nhiều nghề mới phát sinh trong thực tiễn và từ nhu cầu của thị trường, có khả năng và điều kiện để hình thành làng nghề theo các tiêu chuẩn quy định. Vì vậy, thực hiện rà soát, đánh giá lại hoạt động của các làng nghề là điều hết sức cần thiết và gấp rút. Đây là cơ sở cho việc quản lý các làng nghề một cách hiệu quả.
Ba là, tập trung vào công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển làng nghề. Thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển các làng nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2035. Trong đó, tập trung vào quy hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ các hoạt động của làng nghề, quy hoạch vùng nguyên liệu, hệ thống xử lý phát thải từ làng nghề, quy hoạch nguồn lao động…Tiến hành điều tra, khảo sát, xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển làng nghề phù hợp với điều kiện, tiềm năng và lợi thế của tỉnh Đồng Tháp. Công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược, kế hoạch phải thực hiện đồng bộ, khoa học, phù hợp với địa phương và có tính khả thi.
Bốn là, rà soát lại hệ thống pháp luật, các cơ chế chính sách có liên quan đến bảo tồn và phát triển làng nghề. Thời gian qua, Nhà nước và UBND Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản qui định, chính sách nhằm thúc đẩy các làng nghề phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, chỉ một số chính sách phát huy hiệu quả và có những tác động tích cực đối với sự phát triển của các làng nghề, vẫn còn một số chính sách chưa thực sự mang lại hiệu quả. Do vậy, cần rà soát lại quá trình tổ chức thực hiện các chính sách phát triển làng nghề, dựa trên
các báo cáo, đóng góp của cơ quan quản lý, các cá nhân, tập thể làng nghề để bổ sung, hoàn thiện và xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp.
Năm là, phát huy vai trò của các tổ chức CT-XH, XH-NN trong việc đoàn kết các cá nhân, tập thể làng nghề, tuyên truyền, vận động thực hiện tốt chủ trương, chính sách, quy định của Đảng và Nhà nước đối với các hoạt động của làng nghề, nâng cao hiệu quả công tác vận động, hỗ trợ, giúp đỡ, xây dựng thương hiệu các sản phẩm làng nghề. Đồng thời, nâng cao hiệu quả việc giám sát, phản biện đối với các làng nghề, để các tổ chức CT-XH, XH-NN thực sự là cầu nối gắn kết giữa cơ quan quản lý với các làng nghề, góp phần bảo tồn và thúc đẩy các làng nghề phát triển bền vững.
Sáu là, nâng cao năng lực của đội ngũ lãnh đạo, quản lý liên quan đến hoạt động của các làng nghề để đội ngũ này nắm chắc thực trạng phát triển các làng nghề trên địa bàn, có đủ năng lực trong công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch, tổ chức thực hiện chính sách, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động của làng nghề. Trình độ, năng lực của đội ngũ lãnh đạo, quản lý góp phần quyết định đến sự phát triển của các làng nghề.