Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác QLXH đối với các làng nghề ở Tỉnh Đồng Tháp vẫn còn những hạn chế nhất định, cần sớm được khắc phục trong thời gian tới để các làng nghề phát triển bền vững.
Thứ nhất, về công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển các làng nghề trong Tỉnh
Công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển các làng nghề vẫn chưa được quan tâm đúng mức, còn nhiều bất cập từ khâu xây dựng tới khâu tổ chức thực hiện và thanh kiểm tra. Qua nhiều năm, quy hoạch phát triển các làng nghề trong Tỉnh vẫn chưa được hoàn thiện và ban hành, Tỉnh chỉ tập trung vào quy hoạch các KCN, TTCN mà không chú trọng đến các làng nghề, hộ gia đình làm nghề sản xuất xen kẽ với khu dân cư.
Kế hoạch bảo tồn và phát trển các làng nghề trên địa bàn Tỉnh được xây dựng và ban hành chậm trễ, không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Kế hoạch đã được UBND Tỉnh chỉ đạo xây dựng từ năm 2015 nhưng đến năm 2017, kế hoạch này mới được ban hành và tổ chức thực hiện cho giai đoạn 2017 – 2020.
Các quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển làng nghề đôi khi xác định không rõ ràng, không xây dựng trên cơ sở thực trạng của làng nghề, chưa xác định các bước đi tiếp theo rõ ràng dẫn đến tình trạng quy hoạch, kế hoạch, chiến lược bảo tồn và phát triển làng nghề bị bỏ dở giữa chừng, ban hành chậm trễ hoặc thiếu tính thực tế và không mang tính khả thi cao.
Thứ hai, về xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách phát triển làng nghề
Các chính sách phát triển làng nghề tuy đã được quan tâm ban hành nhưng hiệu quả còn thấp vì nhiều nội dung chưa phù hợp với thực tế. Thủ tục hành
chính để hưởng các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn còn rườm rà, công tác quản lý vẫn còn sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan quản lý làng nghề là Sở Công Thương và Sở NN&PTNT. Đồng Tháp có nguồn thu ngân sách ít nên khả năng hỗ trợ cho việc phát triển làng nghề cũng bị hạn chế, các dự án, kế hoạch triển khai thực hiện nhưng tiến độ còn chậm vì phải chờ nguồn vốn từ Trung ương đưa về.
Đối với chính sách về vốn cho sản xuất làng nghề, tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng vấn đề vay vốn của các hộ gia đình và các cơ sở kinh doanh tại các làng nghề vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do nguồn vốn từ chính sách nhà nước còn hạn hẹp, thời gian vay ngắn, khó tiếp cận và thủ tục vay rườm rà. Các cơ sở sản xuất nhỏ không có vốn đầu tư sản xuất, doanh nghiệp làng nghề thiếu vốn kinh doanh, lại luôn chịu áp lực về biến động phức tạp của giá vật tư, nguyên liệu cho hoạt động sản xuất dẫn tới việc tiêu thụ sản phẩm cũng gặp nhiều khó khăn. Các định mức hỗ trợ thiết bị máy móc, hỗ trợ xây dựng mô hình…trong định mức khuyến công nhiều nội dung chưa phù hợp đã được xây dựng từ trước năm 2010, đến nay đã thấp và lạc hậu. Các cơ sở, doanh nghiệp làng nghề tuy đã được vay để mua máy móc, các thiết bị phục vụ sản xuất nhưng doanh nghiệp vẫn cần tài sản thế chấp gây khó khăn cho các doanh nghiệp hoặc hộ sản xuất mới thành lập hoặc không có tài sản thế chấp.
Chính sách đào tạo nghề được tổ chức thực hiện khá tốt nhưng do nguồn kinh phí hạn hẹp và định mức hỗ trợ cho đào tạo nghề còn thấp nên kết quả hỗ trợ cho đào tạo lao động trong làng nghề còn hạn chế. Đa số người lao động trong làng nghề tự tổ chức dạy nghề cho nhau, nên thời gian học việc đối với một số nghề còn kéo dài, hiệu quả công việc chưa cao. Bên cạnh đó, chính sách về khen thưởng, đãi ngộ nghệ nhân, thợ giỏi trong làng nghề vẫn chưa được quan
tâm đúng mức, chưa được hưởng các chế độ ưu đãi phù hợp, thiếu động viên kịp thời để khuyến khích họ sáng tạo, truyền dạy nghề cho các thế hệ sau.
Thứ ba, về công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động của các làng nghề
Công tác giám sát, thanh kiểm tra đối với hoạt động của các làng nghề trong tỉnh vẫn còn chưa sát sao, đôi khi còn tồn tại những cuộc giám sát dàn trải, ốn kém kinh phí mà không mang lại hiệu quả. Trong khi đó, bộ máy quản lý lại chưa thường xuyên tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh làng nghề nhằm kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm.
Các cuộc thanh, kiểm tra hoạt động làng nghề còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Trong một năm, Các cơ quan Thanh tra của Tỉnh và các sở ban ngành chỉ tổ chức vài đợt thanh, kiểm tra đối với các làng nghề, còn tình trạng né tránh thanh tra, kiểm tra và xem vấn đề các làng nghề gây ô nhiễm môi trường là vấn đề nhạy cảm, cần thời gian dài để xử lý và khắc phục, không thể làm mạnh tay và kiên quyết xử lý.
Hoạt động xử lý vi phạm pháp luật đối với các làng nghề tuy được quan tâm nhưng vẫn chưa đúng mức và còn tình trạng “nhẹ tay”, nhất là đối với vấn đề gây ô nhiễm môi trường. Các chế tài, qui định trong xử lý vi phạm đối với hoạt động làng nghề còn chưa đầy đủ, chưa mang tính răn đe thực sự đối với những trường hợp vi phạm.
Thứ tư, về công tác tổng kết, báo cáo và khen thưởng đối với làng nghề
Công tác tổng kết, báo cáo tình hình hoạt động của các làng nghề trên địa bàn Tỉnh thời gian qua chưa đảm bảo yêu cầu về thời gian và chất lượng các báo cáo còn thấp. Trước đây, nhiệm vụ quản lý phát triển các làng nghề là của Sở
Công Thương, đến năm 2005 Tỉnh đã có văn bản giao cho Sở NN&PTNT thực hiện nhiệm vụ này và có quy định về chế độ báo cáo hằng năm, chậm nhất là ngày 15 tháng 12. Tuy nhiên, báo cáo này thường hay được thực hiện chậm trễ và nội dung báo cáo chưa phản ánh đầy đủ thực trạng hoạt động, thuận lợi, khó khăn, phương hướng và giải pháp nhằm phát triển các làng nghề, thiếu khảo sát thực tế và những căn cứ khoa học, chủ yếu lấy số liệu báo cáo chung từ UBND các huyện, thị, thành phố gửi về. Bên cạnh đó, không kịp thời có những báo đột xuất, chuyên đề khi các làng nghề đối mặt với khó khăn, thử thách, hoạt động không ổn định và có nguy cơ mai một, thất truyền.
Hoạt động vinh danh, tôn vinh, khen thưởng đối với các cá nhân, tập thể tiêu biểu trong các làng nghề ở tỉnh Đồng Tháp thời gian qua tuy được tâm nhưng vẫn chưa phát huy hiệu quả và còn mang tính hình thức. Vẫn chưa có quy định, tiêu chuẩn rõ ràng về công nhận, khen thưởng đối với những nghệ nhân, thợ giỏi trong làng nghề, vẫn còn lồng ghép hoạt động khen thưởng các cá nhân, tập thể làng nghề vào các chương trình, hoạt động khác của tỉnh.
Thứ năm, về vai trò của các tổ chức CT-XH, XH-NN
Các tổ chức CT-XH như: MTTQ, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội nông dân…và các hội nghề nghiệp như Hội quán làng Hoa Sadec, Hội quán làng Bột Sa Đec”, Hội làm nghề đan, Hội thợ dệt…. còn hạn chế trong công tác tuyên truyền giáo dục về chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước cho các làng nghề, cơ sở sản xuất và kinh doanh làng nghề. Nội dung và phương pháp tuyên truyền còn đơn điệu, chưa thiết thực và mang tính hình thức, đôi khi chồng chéo, trùng lắp giữa các tổ chức, đơn vị.
Chưa phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội trong tham gia quản lý và phát triển các làng nghề. Là cầu nối giữa làng nghề và các cơ quan quản lý
làng nghề nhưng các tổ chức CT-XH, hội nghề nghiệp trong Tỉnh chưa có nhiều đóng góp để xây dựng và hoàn thiện các chính sách nhằm bảo tồn và phát triển các làng nghề, chưa có nhiều đóng góp trong việc hỗ trợ các làng nghề phát triển về mặt huy động nguồn vốn, tổ chức tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, tổ chức đào tạo nghề, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm…, chưa mạnh dạn chỉ ra những sai phạm, hạn chế trong hoạt động của các làng nghề, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề.