Xây dựng nông thôn mới góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa nông thôn truyền thống, khắc phục hủ tục lạc hậu, lỗi thờ

Một phần của tài liệu Vai trò của các tổ chức chính trị xã hội trong xây dựng nông thôn mới ở huyện phù ninh, tỉnh phú thọ hiện nay (Trang 34 - 36)

Trên phương diện văn hóa, xây dựng NTM không có nghĩa là chúng ta phá bỏ tất cả những cái cũ vì một trong những mục tiêu của xây dựng NTM là xây dựng xã hội nông thôn giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Điều đó có nghĩa là xây dựng NTM góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa NT truyền thống, khắc phục những hủ tục lạc hậu, lỗi thời.

Tương ứng với cấu trúc vật chất của văn hóa nông thôn, các giá trị văn hóa tinh thần của nền văn hóa nông thôn có sự hình thành, phát triển với những biểu hiện rất đa dạng và phong phú, tinh tế và sâu sắc. Các giá trị tinh thần của văn hóa nông thôn thể hiện đặc sắc trong nền văn hóa dân gian truyền thống, mang tính truyền miệng và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó là những câu tục ngữ, những bài ca dao, câu hò, bài vè, lời hát đối đáp, những giai điệu dân ca, làn điệu chèo... có sức quyến rũ, truyền cảm sâu lắng, dễ nhớ, dễ thuộc và dễ đi vào lòng người. “Mỗi câu tục ngữ, bài ca dao, làn điệu dân ca... đều chứa đựng những bài học kinh nghiệm sâu sắc về sản xuất, canh tác, bài học về truyền thống đạo lý, cách đối nhân xử thế giữa con người với nhau; về những điều hay lẽ phải, việc nên làm, điều nên tránh” [34, tr. 318]. Chúng được kết tinh thành các giá trị văn hóa tinh thần, giáo dục về truyền thống dân tộc, niềm tự hào về quê hương của mình.

Nét đặc thù trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân nông thôn còn thể hiện ở các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian, tổ chức các hoạt động lễ hội mang tính cộng đồng. Tùy thuộc vào truyền thống, phong tục tập quán của mỗi vùng, mỗi làng mà các sinh hoạt văn hóa dân gian có những biểu hiện khác nhau, như hội thi chèo thuyền, nấu cơm, đấu vật, đánh cờ; các sinh hoạt tín ngưỡng như tế thần, rước thành hoàng làng, cúng cơm mới... Các hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân, tạo cơ hội để mọi người có dịp bày tỏ tình cảm, chia sẻ và thông cảm với nhau hơn, qua đó tăng cường tình đoàn kết bên trong cộng đồng làng xã nông thôn.

Xây dựng NTM cần hướng tới giữ gìn, tôn vinh và phát huy những giá trị vật chất, tinh thần giàu bản sắc dân tộc của nền văn hóa nông thôn. Bên cạnh đó cũng

góp phần khắc phục những hủ tục lạc hậu, lỗi thời đang tồn tại ở nông thôn..

Đa phần dân cư nước ta làm nghề nông, sống khép kín bởi cộng đồng làng xã. Tại các làng xã nông thôn thường có sự hiện diện của những thói quen, nếp sống rất căn bản của người dân nông thôn, như thức khuya, dậy sớm, cần cù lao

động, tác phong giản dị, tiết kiệm trong tiêu dùng, coi trọng tình làng nghĩa xóm, tương trợ nhau trong sản xuất và đời sống... Song, bên cạnh đó, mặt trái của tính quần cư cho thấy sự nổi lên của tính cục bộ địa phương, sự ích kỷ, hẹp hòi cá nhân, sự đề cao gia đình, dòng tộc... Nếp sống nông thôn đang bộc lộ những hạn chế, nhược điểm, như việc tổ chức hội hè, đình đám, ma chay, cưới xin, giỗ chạp nhiều lúc, nhiều nơi còn cồng kềnh, tốn kém và lãng phí; các tập quán, hủ tục lạc hậu, lỗi thời, mê tín dị đoan đang trở lại; trình độ dân trí nói chung, dân trí về pháp luật nói riêng còn thấp; những thói hư, tật xấu và tệ nạn xã hội phát sinh, như ma túy, mại dâm, cờ bạc, số đề [9, tr. 222]. Những thói hư, tật xấu đó đã và đang gây khó khăn, cản trở, tác động tiêu cực tới nhiều hoạt động kinh tế - xã hội ở nông thôn, trong đó có hoạt động xây dựng NTM.

Từ thực tế trên đây, việc xây dựng NTM có vai trò khắc phục những hủ tục lạc hậu, lỗi thời, bài trừ mạnh mẽ các thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội... Triển khai việc xây dựng Làng văn hóa phù hợp với tiêu chuẩn làng văn hoá theo Quy chế công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá”, “Làng văn hoá”, “Tổ dân phố văn hoá” ban hành kèm theo Quyết định số 62/2006/QĐ-BVHTT ngày 23/6/2006 của Bộ Văn hoá - Thông tin, thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội ở NT phát triển một cách hài hòa, bền vững chính là nhằm mục tiêu đó.

Một phần của tài liệu Vai trò của các tổ chức chính trị xã hội trong xây dựng nông thôn mới ở huyện phù ninh, tỉnh phú thọ hiện nay (Trang 34 - 36)