Đặc điểm tình hình kinh tế xã hộ

Một phần của tài liệu Vai trò của các tổ chức chính trị xã hội trong xây dựng nông thôn mới ở huyện phù ninh, tỉnh phú thọ hiện nay (Trang 48 - 50)

Khi mới tái lập, huyện Phù Ninh chỉ là một huyện thuần nông, cơ sở hạ tầng yếu kém, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn; công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp chủ yếu là sản xuất nông cụ, vật liệu xây dựng, chế biến nông - lâm sản chỉ để phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân tại chỗ. Xác định phát triển kinh tế là yếu tố tiên quyết giúp cho sự thành công trên nhiều lĩnh vực khác nên sau khi tái lập huyện, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phù Ninh đã bắt tay ngay vào hành động trên mặt trận sản xuất ra của cải vật chất, đã mạnh dạn thay đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, đưa nhanh tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng tập trung... Trên nền tảng quyết tâm chính trị đó, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Phù Ninh giai đoạn 2010 - 2015 đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, tạo cơ sở kinh tế cho việc thúc đẩy công cuộc xây dựng NTM trên địa bàn huyện.

Việc huy động, lồng ghép các nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng có bước phát triển đột phá. Nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã

hội được tăng cường; hạ tầng về giao thông, cấp nước sạch, thương mại dịch vụ, hạ tầng cụm công nghiệp, mạng lưới điện, trụ sở làm việc, trường học, trạm y tế, trung tâm học tập cộng đồng được cải tạo, nâng cấp, đầu tư mới đã tạo nền tảng để kinh tế vượt qua khó khăn, ổn định, phát triển và tăng trưởng khá; cơ cấu chuyển dịch tích cực; xây dựng NTM đạt được nhiều kết quả tích cực. Xây dựng, đưa nhà máy nước công suất 24.000 m3/ngày đi vào hoạt động; nhiều trục tuyến giao thông quan trọng được cải tạo, nâng cấp và đầu tư mới, như đường 323E, 323C...; đường giao thông NT được kiên cố hóa đạt 57%. Tổng vốn đầu tư trong 5 năm ước đạt 6.700 tỷ đồng, tăng 3,35 lần so với giai đoạn 2005 - 2010; trong đó, vốn ngân sách nhà nước tăng 4,5 lần, nhân dân đóng góp tăng 5,8 lần, đầu tư từ doanh nghiệp tăng 2,8 lần.

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và tăng trưởng khá. Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh trên thị trường, ưu tiên các ngành, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế. Tăng cường các biện pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, đầu tư xây dựng cụm công nghiệp, bố trí không gian sản xuất công nghiệp hợp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, đã lấp đầy khu công nghiệp Phù Ninh. Giá trị tăng thêm bình quân 9,36%/năm, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế tiếp tục phát triển, như giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 50,8%; chế biến nông lâm sản tăng 60,2%; vật liệu xây dựng tăng 56%... Chú trọng khôi phục và phát triển các làng nghề thủ công truyền thống, nhân cấy nghề mới, đã có 06 làng nghề được công nhận, trong đso có 03 làng nghề mới [xem: 18, tr. 6].

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển khá toàn diện, triển khai tích cực xây dựng NTM. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm và khuyến khích phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế các tiểu vùng sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp được chú trọng. Các ngành dịch vụ phát triển đa dạng cả về quy mô, ngành nghề và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân; chất lượng hoạt động của các ngành dịch vụ, vận tải, bưu chính viễn thông, tín dụng ngân hàng, bến bãi, kho tàng, nhà hàng phát triển nhanh; hệ thống các chợ, cửa hàng ở NT cơ bản đáp ứng yêu cầu tiêu dùng phục vụ đời sống của nhân dân. Giá trị bình quân ngành dịch vụ đạt 4,97%/năm [xem: 18, tr. 6 - 7].

Hoạt động tài chính, tín dụng, ngân hàng có nhiều chuyển biến tích cực. Hiệu quả quản lý tài chính công, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong quản lý ngân sách được nâng cao; thực hiện tốt các giải pháp tăng nguồn thu và khai thác có hiệu quả các nguồn thu.Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn bình quân tăng 13,2%/năm. Huy động của hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng tiếp tục được mở rộng, góp phần tích cực trong xóa đói giảm nghèo và phát triển sản xuất; nguồn vốn huy động tăng 20,5%; dư nợ tăng 10% so với năm 2010; làm tốt công tác thu hồi nợ, cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Quan hệ sản xuất được củng cố, các thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển. Kinh tế tư nhân phát triển nhanh, kinh tế tập thể (nòng cốt là hợp tác xã) được củng cố, tăng cả về số lượng và quy mô; đa dạng về ngành nghề và hình thức hoạt động [xem: 18, tr. 7].

Những kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế của huyện Phù Ninh giai đoạn 2010 - 2015 được Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVIII ghi nhận: “Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân ước đạt 7%/năm; Thu nhập bình quân đầu người đạt 32,56 triệu đồng; Giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản 4,48%/năm; sản lượng lương thực bình quân đạt 31.000 tấn; Giá trị trên 1ha đất canh tác 45 triệu đồng; Giá trị tăng thêm các ngành công nghiệp, xây dựng tăng bình quân 9,36%/năm; Giá trị tăng thêm các ngành dịch vụ tăng bình quân 4,97%/năm; Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 13,2%/năm; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 67.000 tỷ đồng; Tỷ lệ đô thị hóa 22%; Tỷ lệ đường giao thông NT được kiên cố hóa 57%” [18, tr. 4].

Một phần của tài liệu Vai trò của các tổ chức chính trị xã hội trong xây dựng nông thôn mới ở huyện phù ninh, tỉnh phú thọ hiện nay (Trang 48 - 50)