Khái niệm vai trò là khái niệm được sử dụng khá phổ biến trong khoa học xã hội và nhân văn, đặc biệt là trong xã hội học, chính trị học.
Trong xã hội học, “Khái niệm vai trò được dùng như một trong những yếu tố cơ bản để lý giải các quan hệ xã hội (giữa cá nhân và cá nhân, cá nhân và tập thể, xã hội...) cũng như để tìm hiểu sự phát sinh và phát triển của nhân cách. Nếu coi hoạt động xã hội như một trận đá bóng thì mỗi cá nhân hoạt động như một cầu thủ, không chỉ đáp lại những cử động của các cầu thủ khác, mà còn bằng những cử động của mình gây ra những phản ứng thích hợp của các cầu thủ khác; mỗi cầu thủ đóng một vai trò nhất định trong trận đá bóng. Đó là vai trò được hiểu theo nghĩa thô sơ nhất. Khái niệm vai trò phải được hiểu gắn liền với những khái niệm khác như quy chế, chức năng, nghĩa vụ, quyền hạn... Vai trò được hiểu là một tập hợp các chuẩn mực hành vi, nghĩa vụ và quyền lợi gắn liền với một vị thế xã hội nhất định” [34, tr. 58]. Nhìn dưới góc độ này, khái niệm vai trò chủ yếu gắn liền với quá trình xã hội hóa cá nhân.
Dưới góc độ chính trị học, khái niệm vai trò không chỉ gắn liền với chủ thể là từng cá nhân, như vai trò của lãnh tụ, vai trò của chính trị gia, vai trò của nhà quản lý...; mà còn được hiểu gắn liền với chủ thể là các tập thể, đơn vị, tổ chức,
trong đó có các tổ chức chính trị - xã hội, dựa trên các quy chế, chức năng, trách nhiệm, nghĩa vụ của từng chủ thể. Tuy nhiên, vai trò không chỉ là kết quả thụ động của những quy chế, chức năng, trách nhiệm hay nghĩa vụ được trao sẵn, mà còn là kết quả của sự lựa chọn có tính chủ động, tích cực của các chủ thể khi tham gia vào các lĩnh vực hoạt động CT - XH.
Xây dựng NTM là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta nhằm làm thay đổi căn bản bộ mặt của nông thôn phù hợp với thời kỳ công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn. Với tư cách là là tập hợp những người có chung mục tiêu về chính trị, có cùng đặc điểm xã hội đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng xây dựng nước Việt Nam XHCN, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, các tổ chức CT - XH có vai trò rất quan trọng trong việc hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng NTM.
Vai trò của các tổ chức CT - XH trong xây dựng NTM được nêu cụ thể tại Thông tư liên tịch 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC: “Xây dựng NTM là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; cấp ủy đảng, chính quyền đóng vai trò chỉ đạo, điều hành quá trình xây dựng quy hoạch, đề án, kế hoạch, và tổ chức thực hiện. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội vận động mọi tầng lớp nhân dân phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng NTM” [6, Điều 2].
Mục tiêu của việc đề cao vai trò của các tổ chức CT - XH trong xây dựng NTM là huy động sự nỗ lực tham gia, đóng góp trí tuệ, công sức của các tổ chức CT - XH vào thực hiện Chương trình xây dựng NTM thông qua hoạt động tham mưu, tư vấn chính sách, kế hoạch cho cấp ủy, chính quyền địa phương, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân địa phương tích cực tham gia xây dựng NTM. Bằng chức năng, nhiệm vụ đặc thù của mình và thông qua những phương thức hoạt động riêng, mỗi tổ chức CT - XH sẽ góp phần làm cho những kết quả của xây dựng NTM được lan tỏa rộng hơn; tạo thêm những điều kiện, động lực phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thu hút nhân dân các địa phương đóng góp sức người, sức của, tham gia kiểm tra, giám sát quá trình xây dựng NTM nhằm
hạn chế tệ quan liêu, tham nhũng, mất dân chủ trong hoạt động này; đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển chung của mỗi địa phương và đất nước.
Như vậy, vai trò của các tổ chức CT - XH trong xây dựng NTM là sự tham gia đóng góp trí tuệ, công sức của các tổ chức đó vào việc xây dựng NTM thông qua hoạt động tham mưu, tư vấn chính sách, kế hoạch cho cấp ủy, chính quyền địa phương, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân địa phương chủ động, tích cực tham gia xây dựng NTM; thể hiện trách nhiệm của các tổ chức CT - XH theo phương thức riêng của từng tổ chức nhằm hiện thực hóa Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.