Thực hiện vai trò tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về xây dựng NTM, vận động nhân dân tham gia xây dựng NTM

Một phần của tài liệu Vai trò của các tổ chức chính trị xã hội trong xây dựng nông thôn mới ở huyện phù ninh, tỉnh phú thọ hiện nay (Trang 43 - 45)

về xây dựng NTM, vận động nhân dân tham gia xây dựng NTM

Tuyên truyền, vận động là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của các tổ chức CT - XH nhằm tập hợp, lôi cuốn các thành viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân cùng nhau thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tuyên truyền là hoạt động có mục đích truyền bá, giáo dục, giải thích về một vấn đề, nội dung cụ thể nào đó nhằm làm chuyển biến, nâng cao nhận thức của những đối tượng nhất định; qua đó, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, xây dựng niềm tin, thúc đẩy đối tượng hành động một cách tự giác, tích cực thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác tuyên truyền, bởi tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại. Mục đích của tuyên truyền trước hết là làm thông suốt tư tưởng, tạo nền tảng để hành động đúng đắn, thống nhất. Người nói: “Trong Đảng và ngoài Đảng có nhận rõ tình hình mới, hiểu rõ nhiệm vụ mới thì tư tưởng mới thống nhất, tư tưởng thống nhất thì hành động mới thống nhất” [31, tr. 319]. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tư tưởng đòi hỏi phải bám sát tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, có liên quan đến sự thành bại của sự nghiệp cách mạng. “Lãnh đạo quan

trọng nhất là lãnh đạo tư tưởng, phải hiểu tư tưởng của mỗi cán bộ để giúp đỡ thiết thực trong công tác; vì tư tưởng thông suốt thì làm tốt, tư tưởng nhùng nhằng thì không làm được việc” [31, tr. 466]; bởi vậy, Hồ Chí Minh luôn yêu cầu: “Cán bộ lãnh đạo và cán bộ các ngành, tư tưởng phải thông, phải thật thông. Phải có quyết tâm khắc phục khó khăn, làm tròn nhiệm vụ” [32, tr. 224]. Những nội dung được Hồ Chí Minh đề cập trên đây đã nói lên vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, vận động.

Các tổ chức CT - XH có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về xây dựng NTM. Vai trò tuyên truyền, phổ biến của các tổ chức CT - XH phải hướng tới hướng dẫn, giải thích cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ về ý nghĩa, mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ và những giải pháp của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; từ đó, cổ vũ, động viên nhân dân hưởng ứng, tự giác và tích cực làm theo. Đồng thời, công tác tuyên truyền, phổ biến của các tổ chức CT - XH còn phải hướng tới giáo dục, bồi dưỡng cho nhân dân NT về đạo đức, lối sống, nếp sống mới văn minh, tiến bộ, về truyền thống cách mạng của giai cấp nông dân; bồi dưỡng kiến thức khoa học - kỹ thuật và những kiến thức cần thiết khác cho nhân dân; trên cơ sở đó, động viên nhân dân tham gia xây dựng NTM, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa NT. Hồ Chí Minh khẳng định: “Phải đánh thông tư tưởng và động viên sáng kiến và lực lượng của toàn Đảng, toàn dân. Mọi người quyết tâm làm cho được và tin tưởng làm nhất định được” [32, tr. 246].

Trong giai đoạn hiện nay, cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức CT - XH có vai trò tập trung tuyên truyền, giúp nhân dân nông thôn hiểu được các nội dung cơ bản của các chính sách, pháp luật cơ bản về xây dựng NTM sau:

- Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn [8].

- Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ Về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, tập trung vào xây dựng xã NTM gồm 5 lĩnh vực với 19 tiêu chí cụ thể [47].

- Thông tư số 54/2009/TT-BNNPTNT ngày 21/8/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển NT Hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về NTM, tập trung vào các quy định về nội dung, phương pháp xác định các tiêu chí tương ứng với 19 tiêu chí; quy định về tổ chức đánh giá, xét duyệt đạt chuẩn NTM [5].

- Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ

Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTMnông thôn mơi giai đoạn 2010 - 2020 [48]

- Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13/4/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển NT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính Hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 [6].

Vai trò đặc biệt quan trọng của các tổ chức CT - XH còn thể hiện ở việc vận động nhân dân tham gia xây dựng NTM. Với tư cách thành viên của MTTQ, các tổ chức CT - XH với tính chủ động, tích cực, sáng tạo, sẽ phát huy mạnh mẽ vai trò vận động nhân dân nông thôn tham gia xây dựng NTM. MTTQ, HLHPN, ĐTNCS Hồ Chí Minh, HCCB, HND các cấp, tùy theo tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, có thể tham gia vận động nhân dân ở mức độ, nội dung công việc phù hợp thuộc chương trình xây dựng NTM. MTTQ các cấp có thể thực hiện phong trào “Dân vận khéo” nhằm vận động các hộ dân đóng góp tiền của, ngày công, hiến đất, vườn để làm đường giao thông nông thôn. ĐTNCS Hồ Chí Minh phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ trong tuyên truyền, vận động và trực tiếp tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM tại cơ sở. HLHPN phát động, vận động các hội viên phụ nữ đi đầu trong vận động gia đình, thôn xóm giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường. HCCB phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” gương mẫu đi đầu trong việc chấp hành và vận động hội viên thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng NTM...

1.3.2.3. Thực hiện vai trò tiên phong, gương mẫu của các thành viên, hội viên thuộc các tổ chức CT - XH trong tham gia xây dựng nông thôn mới

Một phần của tài liệu Vai trò của các tổ chức chính trị xã hội trong xây dựng nông thôn mới ở huyện phù ninh, tỉnh phú thọ hiện nay (Trang 43 - 45)