Những kết quả đạt được

Một phần của tài liệu Vai trò của các tổ chức chính trị xã hội trong xây dựng nông thôn mới ở huyện phù ninh, tỉnh phú thọ hiện nay (Trang 64 - 69)

- Yếu tố văn hóa lối sống bao giờ cũng thuộc về một môi trường văn hóa

2.2.1.1. Những kết quả đạt được

Những kết quả đạt được về thực hiện vai trò của tổ chức CT - XH trong xây dựng NTM ở huyện phù Ninh được thể hiện trên các phương diện cụ thể sau:

Thứ nhất, trong tham mưu, tư vấn chính sách, kế hoạch thực hiện cho cấp ủy Đảng, chính quyền, tham gia Ban Chỉ đạo xây dựng NTM cùng cấp: Thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch xây dựng NTM của tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, MTTQ Việt Nam huyện Phù Ninh, các tổ chức CT - XH thành viên trong huyện đã nhận thức đầy đủ, vị trí, vai trò của mình trong phối hợp, tham gia thực hiện chương trình xây dựng NTM nên đã chủ động, tích cực phối hợp, tham mưu, tư vấn cho Huyện ủy Phù Ninh ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU ngày 28/01/2011 Về xây dựng NTM huyện Phù Ninh giai đoạn 2011 - 2015; tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình, ban hành quy chế, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, ban hành văn bản chỉ đạo xây dựng xã điểm NTM... Các tổ chức CT - XH huyện đã phối hợp với phòng chức năng chỉ đạo thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ như: Chính sách hỗ trợ chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm giai đoạn 2010 - 2015 (xây dựng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, hỗ trợ phân bón cho sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng cho chương trình cây ăn quả, hỗ trợ con giống cho sản xuất thủy sản, hỗ trợ kinh phí cho việc triển khai công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ rừng); Chỉ đạo hỗ trợ, đầu tư, huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm, chương trình phát triển giao thông, thủy lợi, giáo dục đào tạo, dạy nghề, văn hóa, thể thao, y tế, môi trường; chương trình tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, NT... Trên cơ sở đó, các tổ chức CT - XH cấp xã cũng đã chủ động, tích cực tham mưu, tư vấn cho Đảng ủy, UBND cấp xã xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động nhằm đưa chương trình xây dựng NTM đi vào thực tiễn trên địa bàn các xã; tư vấn cho UBND xã đề nghị cấp trên quy định tỷ lệ thu đấu giá đất để lại ngân sách các xã xây dựng NTM...

Ngay sau khi ban hành nghị quyết, kế hoạch xây dựng NTM, Huyện ủy, UBND huyện đã nhanh chóng chỉ đạo thành lập các tổ chức để chỉ đạo, quản lý, điều hành và thực hiện chương trình xây dựng NTM từ cấp huyện đến cấp xã theo đúng quy định, cụ thể: Ở cấp huyện thành lập Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, Tổ công tác giúp việc cho Ban Chỉ đạo. Ở cấp xã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý và Ban Phát triển thôn. Các Ban chỉ đạo, Ban quản lý và các tổ giúp việc từ huyện đến cơ sở đều ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, thường xuyên được kiện toàn, bổ sung khi có thay đổi về tổ chức, đảm bảo duy trì hoạt động chỉ đạo điều hành thường xuyên, kịp thời. Trong Ban Chỉ đạo từ cấp huyện đến cơ sở đều có sự tham gia của đại diện MTTQ và các tổ chức CT - XH để các tổ chức này có thể thực hiện, phát huy vai trò của mình trong xây dựng NTM.

Thứ hai, trong tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về xây dựng NTM, vận động nhân dân tham gia xây dựng NTM: Ngay sau khi chương trình xây dựng NTM được triển khai, MTTQ, các tổ chức CT - XH các cấp trong huyện đã thường xuyên phối hợp với Ban Chỉ đạo cấp huyện và cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng NTM và các tiêu chí xây dựng NTM với nhiều hình thức, như: qua các phương tiện thông tin đại chúng, khẩu hiệu, pa nô, áp phích, các hội nghị, hội thảo, hội thi... Kết quả, đã làm 185 băng zôn, 68 áp phích, triển khai 136 văn bản, tổ chức 260 buổi họp, 365 buổi phát thanh, 03 buổi truyền hình, tổ chức 179 lễ phát động thi đua với 10.739 lượt người tham gia; tiếp nhận và cấp phát tài liệu tuyên truyền như tờ rơi, sổ tay hướng dẫn xây dựng NTM cấp xã gửi đến các xã, các khu dân cư trong toàn huyện để tuyên truyền đến từng người dân; phối hợp với Đài Truyền thanh huyện, Đài Phát thanh - Truyền hình Phú Thọ, Báo Phú Thọ xây dựng và phát sóng 350 chương trình tuyên truyển về xây dựng NTM, đã có 245 tin bài, 20 phóng sự truyền hình, xây dựng 6 trang cấp huyện, 4 tác phẩm dự thi liên hoan Đài phát thanh truyền hình lần thứ 6, 7, 8 có nội dung xây dựng NTM, có 215 tin bài đăng tải trên báo Phú Thọ để tuyên truyền phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của huyện [56, tr. 1].

Qua triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, vận động đã góp phần làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện về xây

dựng NTM, tạo ra khí thế, động lực thực hiện phong trào gắn với xây dựng đời sống văn hóa tại cộng đồng dân cư, góp phần quan trọng trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Phù Ninh.

Thứ ba, trong công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về xây dựng NTM cho đội ngũ CBCC: MTTQ, tổ chức CT - XH từ cấp huyện đến cấp xã đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng và cử đi tập huấn, bồi dưỡng cho trên 1.200 lượt CBCC cấp huyện, xã, khu dân cư. Nội dung đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng tập trung chủ yếu về kiến thức cơ bản trong công tác xây dựng NTM, gồm nghiệp vụ công tác quản lý, điều hành chương trình, nghiệp vụ đấu thầu, nghiệp vụ quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, nghiệp vụ giám sát cộng đồng... Thông qua các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, học tập kinh nghiệm, trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ chỉ đạo, quản lý thực hiện chương trình các cấp đã được nâng lên, áp dụng trực tiếp vào xây dựng NTM ở địa phương một cách hiệu quả [57, tr. 2 - 3].

Thứ tư, những kết quả cụ thể thực hiện, phát huy vai trò của MTTQ, từng tổ chức CT - XH trong xây dựng NTM ở huyện Phù Ninh:

- Đối với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phù Ninh: Tích cực thực hiện nội dung cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng NTM; triển khai tích cực cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội. Tổng số quỹ đã hỗ trợ là 1.522.750.000 đồng, giúp 157 hộ xóa nhà tạm bằng 999.500.000 đồng; tặng 323 xuất quà bằng 123.900.000 đồng; hỗ trợ 27 hộ khó khăn bằng 28.500.000 đồng. Vận động được 18/18 xã xây dựng hội trường kiêm trung tâm học tập cộng đồng, đạt 100%; tất cả các khu dân cư thuộc 18 xã trong huyện có nhà văn hóa, đạt 100%. Phối hợp vận động các tổ chức, cá nhân tham gia chương trình hỗ trợ người nghèo đón Tết; làm tốt công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc, không để phát sinh tội phạm, góp phần tích cực giữ gìn an ninh trật tự nông thôn.

- Đối với ĐTNCS Hồ Chí Minh huyện Phù Ninh: Đã tổ chức được 19 buổi tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng NTM cho hơn 2.000 thanh niên NT, tổ chức 02 buổi tư vấn việc làm, định hướng nghề cho thanh niên; thành lập 18 trung tâm giới thiệu việc làm cho thanh niên tại 18 xã; giúp đỡ, chăm sóc hộ gia đình chính sách nghèo; vận động hiến đất, làm đường giao thông nông thôn;

tổ chức các chương trình hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn gồm, tu sửa đường giao thông nông thôn, thu gom rác thải, phát động trồng cây xanh tại khuôn viên cơ quan, trường học. Tổ chức ngày hội thanh niên nông thôn xây dựng làng, xã xanh, sạch, đẹp. Tích cực phát triển kinh tế nông thôn, phối hợp tổ chức tập huấn, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho thanh niên nông thôn; là lực lượng xung kích trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giữ gìn an ninh trật tự và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền ở nông thôn.

- HLHPN Việt Nam huyện Phù Ninh: Hội đã tập trung vào các hoạt động hỗ trợ phụ nữ thực hiện các tiêu chí phát triển kinh tế, như: xây dựng 11 mô hình với 614 hội viên tham gia, hỗ trợ 2.000 con gà giống và thuốc thú y, kỹ thuật nuôi ước trị giá 40 triệu đồng; phát động thi đua hướng về phụ nữ và trẻ em nghèo nông thôn, đã hỗ trợ xây dựng 08 nhà mái ấm tình thương trị giá 190 triệu đồng, phối hợp với ngân hàng Chính sách xã hội giúp phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế, tổng vốn đạt 31.924 triệu đồng cho 1.583 hộ vay. Hội Phụ nữ cũng tham gia có hiệu quả vào phong trào phát triển văn hóa - xã hội nông thôn, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nông dân; thực hiện hiệu quả cuộc vận động 5 không, 3 sạch; tổ chức các cuộc tọa đàm, hoạt động ngày hội gia đình hạnh phúc; triển khai tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tuyên truyền, giáo dục về bà mẹ nuôi dạy con tốt.

- HND huyện Phù Ninh: Hội đã phát động hội viên thực hiện phong trào vận động tương trợ giúp nhau làm kinh tế, kết quả đã giúp nhau bằng tiền 1.904 triệu đồng, 16.440 ngày công, 21.578 kg lương thực, 163.000 cây giống các loại cho 4.057 hộ nông dân; đã phối hợp với HND tỉnh cho hộ nông dân mua 113,9 tấn phân NPK trả chậm; phối hợp với các ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng chính sách cho 12.015 hộ nông dân vay 150.294 triệu đồng; phối hợp với Trung tâm dạy nghề hỗ trợ việc làm: mở 216 lớp tập huấn cho 15.928 lượt hội viên tham gia tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.

Các cấp Hội đã chủ động tham gia vào việc xây dựng quy hoạch và giám sát quá trình thực thi quy hoạch để bảo vệ quyền lợi chính đáng của nông dân; phổ biến, tuyên truyền rộng rãi để hội viên, nông dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa,

nội dung Chương trình xây dựng NTM. Huyện Hội đã chủ động đăng ký tham gia thực hiện một số tiêu chí trong nội dung Chương trình xây dựng NTM, như tham gia phối hợp thực hiện xây dựng thiết chế văn hóa, đường giao thông nông thôn, công trình thuỷ lợi nội đồng quy mô nhỏ và xây dựng các mô hình cấp nước sạch, thu gom xử lý rác thải, vệ sinh môi trường. Thông qua phong trào thi đua xây dựng NTM, hội viên nông dân tham gia bằng việc làm thiết thực, như hiến hàng ngàn m2 đất, đóng góp trên 8 tỷ đồng, hơn 70 ngàn ngày công để làm mới và sửa chữa gần 250 km đường giao thông nông thôn, hơn 300 km kênh mương nội đồng và nhà văn hóa xã... Tính đến hết năm 2014 đã có 4/19 xã cơ bản đạt tiêu chí xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm đến nay còn 4,8%, đời sống vật chất, tinh thần của hội viên nông dân được cải thiện rõ rệt [17, tr. 4].

Các cấp Hội đã tổ chức tới cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với xây dựng NTM; tích cực vận động hội viên, nông dân tham gia các câu lạc bộ gia đình nông dân văn hoá, gia đình nông dân hạnh phúc; thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội; phòng, chống các tệ nạn xã hội, giữ gìn trật tự, an ninh trên địa bàn NT và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, như các Hội thi “Tiếng hát đồng quê”, cuộc thi “Nhà nông đua tài”... Hằng năm có khoảng 95% hộ gia đình nông dân đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

- HCCB huyện Phù Ninh: Các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên học tập nghị quyết của Đảng, tuyên truyền, phổ biến pháp luật với kết quả đã tổ chức 830 buổi cho 27.450 lượt hội viên tham gia; tháo gỡ khó khăn và hòa giải 122 vụ cho 138 đối tượng; vận động hội viên hiến hơn 92.428 m2 đất, hàng ngàn ngày công trị giá hàng tỷ đồng cho xây dựng NTM. Dịp kỷ niệm Ngày thương binh liệt sỹ 27/7 đã tặng 850 xuất quà trị giá trên 52 triệu đồng, huy động 1.754 ngày công để góp phần tu bổ các nghĩa trang liệt sỹ, thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, chính quyền địa phương.

Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đã góp phần từng bước làm thay đổi nhận thức trong đội ngũ CBCC và nhân dân trong huyện về xây dựng NTM, tạo ra khí thế mới, phong trào mới gắn với xây dựng đời sống văn hóa tại cộng đồng dân cư, tích cực góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đã vận động người dân tích cực, chủ động tham gia xây dựng NTM, như thảo luận, quyết định phương án quy hoạch, xây dựng đề án, trực tiếp tham gia quản lý, giám sát thi công các công trình trên địa bàn, chủ động xây dựng, chỉnh trang nhà cửa, cổng, vườn, đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, vệ sinh môi trường nơi sinh sống, ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp công sức, hiến đất đai để thực hiện dự án phát triển sản xuất, giao thông, thủy lợi, giải phóng mặt bằng, điển hình ở các xã: An Đạo, Phú Nham, Gia Thanh, Trung Giáp, Tử Đà, Hạ Giáp...

Một phần của tài liệu Vai trò của các tổ chức chính trị xã hội trong xây dựng nông thôn mới ở huyện phù ninh, tỉnh phú thọ hiện nay (Trang 64 - 69)