7. Bố cục của luận văn
3.1.2. Hiện thực xã hội
Tâm linh có cội nguồn từ văn hóa xa xưa và tồn tại trong xã hội qua bao thời đại. Nhưng khi chủ nghĩa duy lí thống trị xã hội, một mặt nó đem lại cho con người một sức mạnh nhận thức mới để chiếm lĩnh thế giới chung quanh, khiến cho con người có được nhiều thứ hơn – vật chất cũng như tinh thần - mà trước chưa từng có một mặt nó lại làm cho con người mất đi nhiều thứ vốn có của nó, trước hết là đời
sống tâm linh. Qua thời gian, với sự sàng lọc của văn hóa, tâm linh được thừa nhận và “đối xử một cách văn hóa” bởi “bất cứ sự cố gắng nào đạt đến sự tăng trưởng kinh tế mà không tính tới những đặc điểm văn hóa dân tộc nhất định dẫn đến sự phá hoại nghiêm trọng cơ cấu kinh tế và giá trị văn hóa, dẫn đến sự suy yếu nghiêm trọng toàn bộ những tiềm năng sáng tạo của quốc gia” [64; tr11]. Văn hóa tâm linh không chỉ được thể hiện qua hiện thực của đời sống tâm linh mà còn những hiện tượng tâm linh tồn tại trong cuộc sống xã hội cũng được các nhà văn thể hiện trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932- 1945. Đó là những hiện tượng tâm linh tồn tại ở những hành vi cụ thể trong thực tế đời sống như: thờ cúng, khần vái, thực hiện các lễ nghi, phong tục...
Quan niệm về thế giới siêu nhiên tồn tại bên trên con người không chỉ là những ý niệm về thế giới vô hình tồn tại trong tâm thức mà con người còn tìm cách hữu hình hóa thế giới ấy qua những hình thức vật chất hóa. Những công trình đình, đền, chùa, miếu... là các thiết chế văn hoá cổ truyền, là một bộ phận không thể tách rời khỏi đời sống văn hóa của con người trong xã hội. Đó là nơi để người dân biểu hiện niềm tin, khát vọng, gửi gắm khát khao và quan niệm về chân – thiện – mỹ. Qua các hoạt động tín ngưỡng dân gian, đình, đền, chùa, miếu không chỉ là một sản phẩm về nhận thức thế giới của tư duy con người, mà còn là một phương tiện làm nên sức mạnh, giúp con người tồn tại và phát triển. Dường như tâm linh và cuộc sống như là linh hồn và thể xác vậy, thử nghĩ nếu không có thế giới tâm linh trong tâm hồn mỗi người, cuộc sống này khác nào một cổ máy khổng lồ. Con người gắn với tâm linh qua các hình thức thờ tự, cúng viếng, khấn vái, thề nguyền, kiêng kị... đặc biệt vào những thời gian thiêng và những không gian thiêng chính là đã làm phong phú thêm phần hồn của dân tộc mình. Đó là hình thức bảo tồn bản sắc văn hóa quốc gia trong quá trình hiện đại hóa đất nước.
Hằng năm vào những dịp lễ hội người tổ chức lễ với những nghi thức thiêng liêng, tất nhiên có thêm phần hội để vui chơi, giải trí tạo môi trường giao tiếp cộng đồng. Những ngày rằm, người ta lên đi lễ chùa với lòng thành kính Phật và tìm đến một không gian thanh tịnh giúp con người có một khoảng lặng tâm linh. Đặc biệt ở
Việt Nam có rất nhiều ngày tết như tết Nguyên Đán, tết Hàn Thực, tết Đoan Ngọ, tết Trung Nguyên, tết Hạ Nguyên, tết Thượng Nguyên, tết Trung Thu, tết Thanh Minh... Nhưng quan trọng nhất là tết Nguyên Đán gắn với những việc làm thể hiện niềm tin tâm linh gắn với những ước muốn tốt đẹp. Tết Nguyên Đán gắn với tục thờ cúng tổ tiên và tiễn đưa ông Táo về trời ngày 23 tháng Chạp. Tục kiêng kị ngày tết cũng là một trong những phong tục mang tính tâm linh không thể giải thích vì sao chỉ biết “ông bà tôi kiêng, rồi cha mẹ tôi kiêng thì đến tôi, cháu tôi có thể có óc khoa học hơn tôi, nhưng rồi cũng cứ sẽ kiêng như thế” [6; tr 282]
Người dân Việt từ xưa đã sống bằng nghề trồng lúa nước, cuộc sống của họ phụ thuộc vào tất cả trời đất nắng mưa... đối với họ đây là lực lượng siêu nhiên chứa một sức mạnh huyền bí, có khả năng chi phối đời sống sinh hoạt hằng ngày của họ. Tục thờ cúng, lễ tế trời đất, thần thánh chính là được xuất phát từ niềm tin này. Lễ cầu đảo là một trong những phương thức giúp con người tiếp xúc với thần linh, xin thần linh phù trợ. Trong tác phẩm Con trâu của Trần Tiêu, lễ cầu đảo được miêu tả tỉ mỉ....Lễ hội vào những ngày đầu xuân cũng được ông thể hiện hết sức tinh tế. Đó là không khí ba kỳ lễ hội ngày xuân tại làng Cầm. Mồng hai tết lễ đón ông thủ chỉ làng “từ xưa đến giờ, hôm mùng hai tết vẫn là hôm dành riêng cho ông thủ chỉ thôn làm cỗ mừng thôn”. Đến mùng sáu, làng có ngày hội quan lão “mồng sáu tháng giêng, ngày hội “quan lão”, là một ngày vui vẻ, sầm uất, náo nhiệt nhất làng Cầm”. Rồi đến “ngày mồng chín, một ngày tấp nập nhất trong thôn tiền, lúc này ông đại mới thật là ông đại”. Cây niêu ngày tết, tục xông nhà, xem giò gà đầu năm, kiêng kị ngày tết... là những điều có thực trong phong tục ngày tết của người dân với niềm tin mong muốn xua đuổi tà ma, mong những điều tốt đẹp cũng như biết trước vận hạn trong năm mới. Tất cả đã được Trần Tiêu phản ánh rất chân thực và sâu sắc.
Người Việt ta tin vào thế giới vô hình cho dù đó như là một quán tính hay là xuất phát từ vô thức đi chăng nữa thì niềm tin ấy phải thừa nhận là đã ăn sâu trong tâm thức. Người ta thường kêu “Trời” như một sự vô thức khi có việc gì xảy ra đột xuất. Trong cuộc sống khi người ta đã cố gắng hết sức mà không thành công người
ta bảo tại số trời, ý trời, mệnh trời. Chính vì thế, trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945, các nhân vật cũng suy nghĩ như thế. Đó là cách nói rất tự nhiên của ông thầy thuốc “ông lang Tại, có tiếng danh sư, ba đời làm thuốc (...) cũng phải nói lưỡng lự (...) Việc tôi chữa thì tôi cứ chữa cón nhờ số mệnh. Nếu có phải tại số thuốc hay đến đâu cũng chịu” (Con trâu – Trần Tiêu). Ý niệm ấy như là lời giải đoán số mệnh con người vì tại sao cả đời xã Bổng ăn nhín nhịn thèm, đầu tắt mặt tối mà không tậu được con trâu, khiến Mít không hiểu nên phó thác cho trời “nhưng còn nhờ trời, nhờ số phận, mình biết trước sao được” (Con trâu – Trần Tiêu). Tin vào số trời là niềm tin không chỉ phổ biến trong văn học mà đó là một hiện thực vẫn đang gắn liền với con người trong cuộc đời.