Kế thừa yếu tố tâm linh trong văn học dân gian Việt Nam

Một phần của tài liệu văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam (1932 – 1945) (Trang 37 - 40)

7. Bố cục của luận văn

1.4.1. Kế thừa yếu tố tâm linh trong văn học dân gian Việt Nam

Văn hóa dân tộc Việt Nam được hình thành từ lâu đời, trải qua các thời kì phát triển, nền văn hóa ấy vẫn tồn tại và được thể hiện trong hầu hết các sáng tác từ xưa đến nay. Truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945 vừa ảnh hưởng sâu sắc yếu tố tâm linh trong văn hóa Việt Nam, vừa kế thừa nó trong văn học dân gian và văn học trung đại.

Kế thừa yếu tố tâm linh từ văn học dân gian, truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945 mang dấu ấn của thể loại tự sự dân gian: các truyện thần thoại, truyện cổ tích, truyền thuyết dân gian, truyện ngụ ngôn... Đó là những câu chuyện mang nhiều yếu tố hoang đường, hư hư thực thực khiến cho con người cảm thấy phân vân giữa cái thực và cái ảo, về những lẽ huyền nhiệm trong vũ trụ và trong thế giới tâm linh của mỗi người.

Trước hết, truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945 mang dấu ấn của thần thoại. Các nhà văn đã thể hiện một sự tưởng tượng phong phú bắt nguồn từ thế giới quan cổ xưa của con người về thế giới. Đó là những truyện kể liên quan đến sự tích các vị thần sáng tạo ra thế giới tự nhiên và văn hóa, phản ánh nhận thức, cách hình dung của người thời cổ về nguồn gốc của thế giới và đời sống con người. Những tác phẩm lấy chất liệu từ thần thoại được xây dựng bằng những hình ảnh, chi tiết không có thực mà chỉ là hư ảo do con người tưởng ra dựa trên quan niệm về sự tiến hóa loài người mà sau này chỉ có các nhà khoa học mới giải thích được. Đó là những quan niệm theo lối thần thánh hóa các lực lượng tự nhiên, xem nguồn gốc của vũ trụ do một vị thần tối cao sáng tạo nên. Qua đó thể hiện ý thức muốn tìm hiểu vũ trụ, lý giải vũ trụ và chinh phục thế giới tự nhiên của con người. Luôn tiếp xúc với thiên nhiên kỳ vĩ, bí ẩn, con người đã hình dung, lý giải thiên nhiên bằng trí tưởng tượng của mình, tạo ra cho các hiện tượng xung quanh mình những hình ảnh sáng tạo, những câu chuyện phong phú, hình dung ra các vị thần lớn lao, những lực lượng siêu nhiên, hữu linh. Cụ thể trong truyện ngắn giai đoạn 1932-1945 có Mặt Trời, Trên Bồng Lai, Đi tiêu dao, Người con gái thần Rắn, Hoàng Kim Ốc của Cung Khanh; Con bò dưới Thủy

Tản của Nguyễn Tuân. Các yếu tố tâm linh xuất hiện trong truyện ngắn, tiểu thyết 1932-1945 như là sự quay về với tâm thức cộng đồng bởi thần thoại “là phương tiện nhận thức quan trọng của người nguyên thuỷ, cũng là một trong những nguồn hình thành những giá trị tinh thần truyền thống đầu tiên của dân tộc” [22; tr.1646-1648].

Mang đậm dấu ấn văn học dân gian, truyện ngắn, tiểu thuyết giai đoạn 1932- 1945 thể hiện những rõ nét những yếu tố tâm linh từ truyện cổ tích. Đó là sự xuất hiện của các lực lượng thần kì, nhân vật có phép thuật có thể tế độ cho con người trong các tác phẩm Cây Đa ba chạc của Đỗ Huy Nhiệm; Con Thuồng Luồng nhà họ Ma của Lan Khai; Bóng người trong sương mù của Nhất Linh; Đàn bồ câu trắng của Hoàng Trọng Miên; Ngủ với ma của Đỗ Huy Nhiệm. Bên cạnh đó còn có sự tương thông với thế giới khác (cõi âm, cõi Trời, cõi mộng...) tạo nên những cuộc gặp gỡ chỉ có trong mơ. Ở đó, người cõi dương gặp gỡ và bày tỏ tâm tư với người cõi âm qua những giấc mộng như Tâm sự của nước độc (Trích Chùa Đàn), Loạn âm

của Nguyễn Tuân; Câu chuyện mơ trong giấc mộng của Nhất Linh; Chiều sương, Một trận bão cuối năm của Bùi Hiển. Bên cạnh đó còn có những câu chuyện thể hiện sự liên hệ với đời sống hiện thực, bày tỏ niềm tin của con người vào sự công bằng của “luật đời” theo quan niệm dân gian “ở hiền gặp lành”, “ác báo ác giả”, “gieo gió gặt bão” như Oan nghiệt của Tchya Đái Đức Tuấn; Khoa thi cuối cùng, Xác ngọc lam của Nguyễn Tuân; Ông Rắn của Đỗ Huy Nhiệm, Thần Hổ của Tchya Đái Đức Tuấn, Gò Thần của Lan Khai... Sự linh ứng và phép biến hóa kì lạ cũng tạo một ấn tượng về niềm tin tâm linh trong các truyện ngắn, tiểu thuyết giai đoạn này qua các tác phẩm Đôi vịt con, Ma Thuồng Luồng, Gò Thần, Người hóa hổ, Người

lạ, Khảm khắc của Lan Khai; Trại Bồ Tùng Linh của Thế Lữ.

Dấu vết của truyền thuyết vẫn còn lưu giữ trong những tác phẩm ngày nay. Đó là những truyện góp phần giải thích nguồn gốc các vị thần được nhân dân lập miếu, am thờ phụng. Tuy nhiên, họ không phải là là những nhân vật có lai lịch thần bí, không phải là những anh hùng có công với nước với dân. Họ chỉ là những người dân lao động bình thường như ông già mù kéo xe tay đói khổ, khi chết được dân làng thờ phụng như Thành hoàng làng trong Am culy xe của Thanh Tịnh; Con Trâu

của Trần Tiêu; Một truyện ghê gớm của Thế Lữ; Trăng xanh huyền hoặc của Hoàng Trọng Miên... Một số tác phẩm giải thích một địa danh gắn với niềm tin tâm linh của con người như Con bò dưới Thủy Tề, Gò thần của Lan Khai; Trên đỉnh non Tản của Nguyễn Tuân; Vàng và máu của Thế Lữ...

Dấu ấn của yếu tố tâm linh trong văn học dân gian còn được thể hiện ở đề tài, cốt truyện thậm chí cả tâm hồn tư tưởng chung của truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945. Đó là đề tài về hiện tượng thần báo mộng, trừng phạt Con bò dưới

Thủy Tề, Ông rắn, Trên đỉnh non Tản... đề tài về những người nghèo khổ, hiền lành

được phù trợ trong truyện Con Thuồng Luồng nhà họ Ma của Lan Khai, Xác ngọc lam, Rượu bệnh của Nguyễn Tuân; những người phụ nữ khao khát hạnh phúc lứa đôi cũng được bù đắp xứng đáng trong Trại Bồ Tùng Linh của Thế Lữ; Thần Hổ của Tchya Đái Đức Tuấn; Rừng khuya của Lan Khai... Ngoài ra, còn có những tác phẩm ca ngợi tình cảm thủy chung, ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của con người trong hành trình đến với cái đẹp, cái thiện như Tình trong câu hát, Ngậm ngải tìm trầm

(Thanh Tịnh), Bóng người trong sương mù (Nhất Linh), Tâm sự của nước độc, Đới Roi, Xác ngọc lam (Nguyễn Tuân). Đồng thời có một số tác phẩm là lời cảnh báo, phê phán những hành vi và cách ứng xử của con người đối với thiên nhiên, con người với nhau trong xã hội và với chính bản thân mình: Hai lần chết (Thế Lữ); Ai phải (Trần Tiêu), Tết trên Mường, Cây đa ba chạc (Đỗ Huy Nhiệm), Đôi vịt con

(Lan Khai); Con bò dưới Thủy Tề (Lan Khai)...

Kho tàng truyện dân gian với nhiều yếu tố tâm linh giai được khai thác và sử dụng một cách sáng tạo trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn này rộng. Dấu ấn của văn học dân gian trong truyện ngắn, tiểu thuyết 1932-1945 là bằng chứng xác thực khẳng định ảnh hưởng mạnh mẽ của nó đối với văn học Việt Nam. Đi tìm yếu tố tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945 qua ảnh hưởng của văn học dân gian là góp phần khẳng định giá trị của một nét văn hóa cổ truyền rất độc đáo đã được bảo tồn trong kho tàng văn học dân tộc.

Một phần của tài liệu văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam (1932 – 1945) (Trang 37 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(168 trang)