Chi tiết, tình huống

Một phần của tài liệu văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam (1932 – 1945) (Trang 130 - 134)

7. Bố cục của luận văn

3.3.1. Chi tiết, tình huống

Trong truyện ngắn, chi tiết giữ vai trò quan trọng vì “nếu ý tưởng là cội rễ thân cành thì chi tiết là lá hoa, làm nên sự sinh sắc tươi mát của cây cối. Chi tiết là cái làm cho tư tưởng mang đậm máu thịt, hơi thở của đời sống” [90; tr 170]. Chính vì thế, những chi tiết kì lạ, khác thường trong các tác phẩm có yếu tâm linh luôn làm “lạ hóa” cuộc sống, gây một hiệu ứng thẩm mĩ tích cực đối với người đọc.

Thế giới tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945 đã tạo được sự hấp dẫn bởi các chi tiết lạ, mang màu sắc huyền ảo cùng những tình huống kì lạ, đậm chất ma quái qua những câu thần chú, những cảnh chết chóc tang thương, những nỗi kinh hoàng và sự bất ngờ luôn tạo cho con người sự bàng hoàng, kinh hãi, ám ảnh. Chính những chi tiết, tình huống đó khiến con người phải suy tư, băn khoăn về điều thực hư trong cõi đời. Đó cũng là nét đặc sắc trong những truyện ngắn, tiểu thuyết có yếu tố tâm linh của Nguyễn Tuân, Tchya Đái Đức Tuấn, Thế Lữ, Lan Khai, Đỗ Huy Nhiệm...

Tính chất kì lạ và sự linh ứng là một trong những đặc điểm khá nổi bật trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945. Sự linh ứng dù là điều khó tin nhưng không phải là không xảy ra trong cuộc sống của mỗi con người. Khai thác yếu tố tâm linh này từ quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” trong dân gian, các nhà văn đã sáng tạo nên những thiên truyện li kì hấp dẫn qua những chi tiết thể hiện sự linh ứng của lời nguyền thề, lời khấn vái, giấc mộng... Đó là sự linh ứng từ lời nguyền trả thù của người vợ tên tướng giặc Hoàng Sinh Mẫn khiến cả gia tộc Vương Tổng đốc bị diệt vong trong những trường hợp cực kì thê thảm vì lời nguyền

“nhằm phải giờ thiêng, hóa thành linh ứng” (Oan nghiệt – Tchya Đái Đức Tuấn). Lời nguyền báo oán của người thiếp bị cụ Huấn – thân sinh hai ông Đầu Xứ Anh và Đầu Xứ Em phụ phải tự ải lúc mang thai, sự linh ứng của lời nguyền khiến hai người con ông Huấn trượt mãi trong các kì thi vì “nó còn đi thi, cô còn báo mãi” (Khoa thi cuối cùng – Nguyễn Tuân). Có những chi tiết kì lạ khiến người đọc cảm

thấy vừa mơ vừa thực, vừa rợn người vừa thú vị khi thấy sự huyền bí của những câu thần chú lạ lùng. Đó là cảm giác của ông Bá khi đi tìm kho báu của người Tàu trong hang núi. Sau khi ông đọc câu thần chú dứt đoạn thì “cửa đá im lìm bỗng tách đôi ra” (Một truyện không nên đọc lúc giao thừa – Nguyễn Tuân). Sự hiển linh thể hiện qua lời dặn dò của cô Nhình – cô gái miền núi khi đưa cho chồng hai quả trứng đã yểm bùa trước khi chồng mình về ở luôn dưới xuôi. Quá hạn một tháng, anh Biên – chồng cô Nhình thổ huyết và “một đôi vịt con tự trong bụng chàng vụt chui qua cuống họng ra ngoài rồi biến mất”(Đôi vịt con – Lan Khai).

Những chi tiết lạ về những cảm nhận mơ hồ cũng gây cho người đọc sự chú ý. Bởi trong cuộc sống, con người vẫn thường có những linh cảm vô cớ nhưng ứng vào những sự việc xảy ra trong thực tế cuộc sống. Tuy mang màu sắc huyễn hoặc nhưng lại có thật không thể giải thích. Tựa như nàng Oang Cơ trước khi lên đường về Phong Thổ - một chuyến đi định mệnh, nàng “không hiểu tại sao, nàng cảm thấy một sự gì buồn buồn khó tả, tựa hồ báo trước cho nàng biết, nàng sắp gặp những tai nạn bất ngờ” (Ai hát giữa rừng khuya – Tchya Đái Đức Tuấn). Linh cảm có màu sắc huyền bí nhưng nó gắn với tâm linh mỗi người, nhất là khi ta quên một điều gì đó, tự nhiên trong người cảm thấy bần thần khó tả. Hiện tượng đó thể hiện rõ qua chi tiết nhân vật Tôi bỗng “tự nhiên thấy bồn chồn một cách kì lạ” (Làng – Thanh Tịnh) và sực nhớ ra năm ấy đến phiên mình hương khói am Cô Giang.

Chi tiết lạ trong các tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945 như sự minh chứng có tồn tại một thế giới siêu nhiên vô cùng huyền bí tạo nên sức hấp dẫn cho người đọc. Chính vì thế, người đọc theo dõi câu chuyện một con hổ trả thù cả dòng họ Đèo không sao không ám ảnh chi tiết về dấu hiệu Thần hổ trả thù còn để lại trên mỗi xác chết “xác nào cũng bị móc mất mắt bên trái và mất bộ hạ” (Thần Hổ - Tchya Đái Đức Tuấn). Phải chăng đó là một lời cảnh báo cho con người khi sát hại loài vật một cách tàn khốc?. Lạ lùng thay ! khi lá bùa của Peng Slao có thể giúp Đèo Lầm Khẳng ẩn mình “mỗi khi anh thấy hổ, anh trông thấy nó mà nó không thấy anh” (Thần Hổ - Tchya Đái Đức Tuấn). Ta cũng không thể ngờ là sự trả ơn của Thuồng Luồng đã làm cho cuộc sống của người đàn bà nghèo khổ khi mỗi

buổi sáng “chị chàng rất ngạc nhiên thấy đã sẵn một món tôm cá rất tốt để chờ mình” (Con Thuồng Luồng nhà họ Ma – Lan Khai). Tất cả những chi tiết ấy cứ ánh ảnh và gây cho con người sự hoang man thật sự.

Sự lung linh huyền ảo của yếu tố tâm linh đem lại cho người đọc nhiều cảm giác khác lạ. Chứa nhiều mĩ cảm nhất là những chi tiết về sự hóa thân của con người sau khi chết. Đó là linh hồn của người vợ hiện về “hình người đàn bà hiện về

trên sa mù” và “lấy tay làm hiệu”để giúp người chồng phanh xe lại tránh tai nạn vì

“cái cầu N.G bị nước nguồn chảy về xoáy gãy làm đôi”. Linh hồn người vợ đã hóa thành bướm “một con bướm thật to, vướng vào đèn đương đập cánh” (Bóng người trong sương mù – Nhất Linh). Những linh hồn của các vị danh nhân hiền triết hóa kiếp thành tiên “nhẹ bỗng tợ khói, uốn thành hình người” (Trên bồng lai – Cung Khanh). Người tài tử tận trung tận mĩ như Bá Nhỡ dường như cung hóa kiếp sau khi chết“Phía sau gáy Bá Nhỡ, vụt bay lên một con bướm đen loang lổ những chấm tròn hồng hoàng” (Tâm sự nước độc – Nguyễn Tuân). Càng lạ hơn khi ta bắt gặp sự hóa kiếp ngay trong cuộc sống thực. Đây là một sáng tạo rất độc đáo của các nhà văn trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945. Con người trong cuộc sống thực đôi khi cũng bị hóa vật do nhiều nguyên nhân. Có những nguyên nhân mang tính “tiền kiếp” khó giải thích như hiện tượng người hóa hổ trong truyện Người hóa

hổ của Lan Khai. Nhưng cũng có khi vì cuộc sống mưu sinh con người dường như chấp nhận sự “hóa vật” để mong tìm chút cơm no áo ấm như bác Diệm trai trong

Ngậm ngải tìm trầm của Thanh Tịnh.

Như vậy, sử dụng những chi tiết mang màu sắc huyền ảo, hư hư thực thực không những tạo được sự lôi cuốn hấp dẫn, gây ngạc nhiên cho người đọc mà còn giúp tác giả trình bày một hiện thực trong đời sống tâm hồn con người. Bởi trong cuộc đời con người không chỉ “nghe” và “thấy” mà còn phải suy ngẫm về số phận, niềm tin và khát vọng của con người trong mọi thời đại. Vì thế những chi tiết lạ bao giờ cũng có một sức gợi rất lớn và dư âm của nó lâu bền trong tâm trí người đọc.

Tạo được sức hấp dẫn lớn trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932- 1945 không chỉ có chi tiết mà còn có tình huống lạ. Tạo tình huống truyện là

phương thức nghệ thuật độc đáo. Việc tạo tình huống lạ đã góp phần “điểm huyệt hiện thực” góp phần thể hiện “cái chủ yếu nhưng lại bị che giấu trong muôn mặt cuộc sống hằng ngày” [86; tr 365]. Qua tình huống truyện, người đọc dễ dàng nắm bắt tư tưởng tình cảm truyện ngay khi tiếp xúc tác phẩm. Đó là chính sức hút lôi cuốn sự chú ý của người đọc trong truyện ngắn, tiểu thuyết.

Truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam mang yếu tố tâm linh giai đoạn 1932- 1945 khai thác tính huyền ảo, sự nhiệm mầu của cuộc sống con người qua tình huống về những cuộc gặp của hồn ma ở cõi âm và người trần. Đó là sự hội ngộ của hồn ma Peng Slao và Đèo Lầm Khẳng (Thần Hổ - Tchya Đái Đức Tuấn) ; Tuấn và Hoàng Lan Hương (Trại Bồ Tùng Linh – Thế Lữ) ; Vũ và Ngọc Bách (Người con gái tỉnh Bắc – Phạm Cao Củng); hồn ma những người dân chài trở vế gặp bạn bè và người thân (Chiều sương, Một trận bão cuối năm – Bùi Hiển); Chánh Thú gặp Cô Tơ (Tâm sự của nước độc, phần 2 Chùa Đàn – Nguyễn Tuân)... Qua những tình huống về những cuộc gặp gỡ lạ lùng giữa hồn ma và con người, các tác phẩm không chỉ gây được sự kinh ngạc, cảm giác lạ nơi người đọc mà hơn thế người đọc cảm nhận được những nỗi niềm đáng cảm thông, những khát vọng chính đáng mà thầm kín, những day dứt khôn nguôi về số phận của con người.

Tiếp xúc với những tình huống trong truyện ngắn, tiểu thuyết có yếu tố tâm linh trong giai đoạn này, người đọc cảm thấy rất thú vị khi kết thúc tác phẩm bất ngờ không theo một lối mòn theo lôgich cuộc sống mà nó diễn ra phù hợp với qui luật tâm hồn. Điều đó khiến người đọc phải luôn suy ngẫm để tự giải đáp cho mình. Đọc Con Thuồng Luồng nhà họ Ma, người đọc không thể ngờ người đàn bà nghèo khổ sau khi nhận được lời báo triệu của Cuổng con “hễ thấy khúc trắng nổi lên thì mẹ chém” nhưng “chị đã hấp tấp chém phải đứa “con nuôi” yêu mến, chị đã vô tình cắt đứt cái tựa nương của đời mình!...” (Con Thuồng Luồng nhà họ Ma – Lan Khai). Cũng như hình ảnh người Culy xe nghèo chết cóng bên bờ sông đã hóa thần khi làng Thanh Trúc – nơi ông chết có “tiếng nhạc xe trước cổng đình” (Am Culy xe – Thanh Tịnh). Cũng không ai ngờ rằng cành đa về phái Tây – cây đa ba chạc

ảnh hưởng đến sự thịnh suy của ngành võ trong làng nên khi cành đa ấy gãy ứng với cái chết của cụ Đô Thống (Cây đa ba chạc – Đỗ Huy Nhiệm).

Sự xuất hiện bất ngờ của cái ảo trong một thế giới được điều hành bởi luật nhân quả, luân hồi cũng tạo nên cho người đọc những giây phút căng thẳng, kịch tính. Không ai ngờ rằng cô Liệt đã lấy ông ông Bá – người giết chồng cô và mượn lời thầy bói đưa ông Bá đến chỗ tự thú tội khiến lão cũng bất ngờ kêu trời “Trời ơi ! Nó giết tôi rồi!” (Giết chồng báo thù chồng – Nhất Linh). Tình huống truyện gây cho người đọc nhiều cảm giác kinh hãi là sự trả thù tàn bạo của Lý Thạch đối với dòng họ Mã Hồng (Một truyện ghê gớm – Thế Lữ). Hay nhân quả của nhà họ Vương do linh hồn người vợ Hoàng Sinh Mẫn quấy phá khiến con cháu họ Vương

“chết dần, chết mòn, chết hết” rồi vì vợ chồng họ Hoàng hăng hái trả thù quá lại gieo nghiệp chướng nên phải đầu thai làm con nhà họ Vương là Liễu nhi để chịu hộ những nỗi đau của nhà họ Vương vì “đời người chỉ thấy toàn quả báo” (Oan nghiệt – Tchya Đái Đức Tuấn). Người đọc càng ngạc nhiên khi những người trong dòng họ Đèo gặp Thần Hổ trong những tình huống kinh hãi nhất và sự báo thù dai dẳng của loài mãnh thú thật đáng sợ khi nó ám ảnh đến cuộc sống của người họ Đèo cuối cùng không bệnh mà chết vì bị Thần Hổ liếm mặt giải thiêng lá bùa hộ mệnh trước khi con hổ chết bởi “cái vết lưỡi của Thần hổ (...), thực lợi hại và linh nghiệm”

(Thần hổ - Tchya Đái Đức Tuấn).

Như vậy, yếu tố tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932- 1945 đã phần nào góp phần tạo nên tình huống truyện hấp dẫn và li kì. Đó là những tình huống “kì” mà không “quái” vì nó mang hơi thở của những tác phẩm văn học dân gian, truyền tải những gì rất gần gũi với tập quán thưởng thức văn học nghệ thuật của người dân Việt.

Một phần của tài liệu văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam (1932 – 1945) (Trang 130 - 134)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(168 trang)