Hệ thống ngôn từ

Một phần của tài liệu văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam (1932 – 1945) (Trang 134 - 137)

7. Bố cục của luận văn

3.3.2. Hệ thống ngôn từ

Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp và tư duy của con người. Hơn thế, “ngôn ngữ là một bộ phận cấu thành quan trọng của văn hóa. Mỗi hệ thống ngôn ngữ đều mang đậm dấu ấn văn hóa của cộng đồng” [21; tr 8]. Để diễn đạt văn hóa tâm linh của người Việt, các nhà văn đã khai thác một lớp ngôn từ độc đáo. Từ ngữ sử dụng

trong truyện ngắn, tiểu thuyết có yếu tố tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945 là một hệ thống ngôn từ đa nghĩa, giàu hình ảnh gợi nhiều liên tưởng cho người đọc.

Trước hết, truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1932-1945 đã gây ấn tượng về thế giới tâm linh thể hiện ngay ở nhan đề mỗi tác phẩm. Đó là, lớp từ báo hiệu sự tồn tại của thế giới thần : Thần hổ, Người con gái Thần Rắn, Con bò dưới Thủy Tề, Gò Thần, Trên đỉnh non Tản, Trên bồng lai... Có những nhan đề đưa người đọc đến với cõi âm, thế giới của những hồn ma: Loạn âm, Ma đưa, Ngủ với ma, Ma xuống thang gác, Trại Bồ Tùng Linh, Trăng xanh huyền hoặc, Con Thuồng Luồng nhà họ Ma, Ma thuồng luồng... Một số tác phẩm có nhan đề gợi người đọc sự liên tưởng đến những sự việc kì dị lạ khác thường như : Ngậm ngải tìm trầm, Người hóa hổ, Tiếng hú ban đêm, Một truyện ghê gớm, Người bạn kì dị, Một chuyện lạ, Người lạ,Số đỏ, Am Culy xe, Oan nghiệt, Một truyện không nên đọc lúc giao thừa, Vàng và máu, Bữa rượu máu, Tâm sự của nước độc, Linh hồn, Nhà sư nữ chùa Âm Hồn... Những nhan đề ấy phát tín hiệu về thế giới tâm linh có khả năng giúp người đọc nắm bắt ngay tác phẩm có yếu tố tâm linh và dù chưa cảm nhận được những diễn biến cụ thể của cốt truyện nhưng những dư vị về cõi tâm linh mà nó gợi ra vẫn còn đọng mãi.

Khai thác chiều sâu tâm thức của con người, các tác giả đã sử dụng một lớp từ giàu sắc thái biểu cảm, gây hồi hộp. Tiếp xúc lớp từ mang tính “yêu ngôn” ấy, người đọc như bị bủa vây bởi một mạng lưới từ mang tính chất bất thường của những thay đổi đột ngột của tự nhiên, sự an bày của định mệnh con người và những phép mầu diệu kì từ cuộc sống gây một hiệu quả thẩm mĩ trong tâm trí người đọc về một thế giới tâm linh huyền bí. Có thể nói, người đọc vô cùng hồi hộp và chờ đợi sau các từ ngữ gây hiệu ứng ấy như: bỗng, chợt, không hiểu sao, quả nhiên, rồi bỗng dưng, kinh ngạc, thốt nhiên, đột nhiên, sự kì dị, vẻ đẹp khác thường, vụt biến ngay, huyền hoặc, vô hình, lạ thật... Đặc biệt là lớp từ trực tiếp gây cảm giác rùng rợn, bất an: một cảm tưởng là lạ ám đến, một cảm giác rất dị thường, ghê rợn, hồi hộp, rợn rợn, rợn người, sởn tóc gáy, nổi da gà, tin lực cạn kiệt... Ngoài ra còn có

một hệ thống từ diễn tả ranh giới giữa hư và thực như vong linh “vong linh chú Khì đánh tổ tôm với tôi lần đầu” (Chú Khì – người đánh tổ tôm vô hình), linh hồn “tôi

vẫn yên trí là linh hồn nhà tôi đã nhập vào con bướm này để phù hộ cho tôi” (Bóng người trong sương mù – Nhất Linh) hoặc duyên nợ “Duyên ta chỉ có một hồi, anh nên để cả trăm năm vào sự ngắn ngủi ấy” (Trại Bồ Tùng Linh – Thế Lữ) và một số từ giấc mơ, hồi ức, vô thức... thể hiện sự mờ nhạt và rất mong manh của đường biên giữa hai thế giới cõi âm và cõi trần. Sự chi phối của cái huyền ảo, siêu nhiên được diễn tả qua các biệt ngữ : cúng, giỗ, lập đàn tràng, khấn, vái, thề, nguyện, cầu, siêu linh, bói toán, tâm niệm, bùa, ngải, thành tâm... Thêm vào đó là một mạng lưới từ ngữ đầy ma lực bởi tính kì bí, lạ lùng, hư huyễn: bí ẩn, kì quặc, thiêng liêng, cõi âm, cõi hồn, lạ lùng, huyền thoại, ma quái, giải hạn, số kiếp, định mệnh... Dường

như bầu sinh quyển thâm u, rợn ngợp, hư hư thực thực đã thâm nhập vào từ làm cho các khía cạnh hình tượng cũng trở nên huyền bí, lung linh.

Lời văn đẹp mang tính huyền thoại khi diễn tả về những mối tình lãng mạn trong khung cảnh thiêng liêng mang tính huyền thoại. Đó là thiên nhiên núi rừng mờ ảo nuôi dưỡng mối tình chung thủy giữa Mai Kham và Lìu Khắc, một thiên hận sử không cùng trong rừng khuya “ánh trăng khuya pha cùng sương trắng nhuộm sự

vật một vẻ mơ màng như cảnh mộng” (Khảm Khắc – Lan Khai). Nơi rừng thiêng ấy cũng là nơi gặp gỡ “tiền duyên” của cô Dó và cậu Năm – họ Chu làng giấy Hồ Khẩu khiến “con suối bạc cảm động quá ngừng hẳn lại, không chịu chảy xuôi nữa. Lòng suối im ả như gương tàu phản chiếu không nhòe lấy một đường viền nào, cái bóng hai người đang lấy tà áo chùi lẫn nhau những lệ châu hạnh phúc sớm mờ”

(Xác ngọc lam – Nguyễn Tuân). Đó là lớp từ mang màu sắc huyễn hoặc của Quang và Sao như một giấc mộng “cô Sao mừng rỡ vừa nói vừa kéo tay Quang chạy vào trong đám hoa (...) những bông hoa mềm và mát rung rinh bên má chàng như mơn man, ve vuốt...” (Lan Rừng – Nhất Linh).

Ngôn ngữ với sứ mệnh thể hiện yếu tố tâm linh đã được các tác giả truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945 kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa cái ảo và cái thực, góp phần làm cho câu chữ trong tác phẩm mang vẻ lung linh đa sắc lôi

cuốn người đọc. Đây là hệ thống ngôn ngữ độc đáo dẫn dắt người đọc vào thế giới bí ẩn đầy phức tạp và tinh tế của tâm hồn con người. Từ đó mở ra cách cửa để đi vào thế giới tâm linh của mỗi con người trong thời đại.

Một phần của tài liệu văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam (1932 – 1945) (Trang 134 - 137)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(168 trang)