Khấn vái, thề nguyền

Một phần của tài liệu văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam (1932 – 1945) (Trang 66 - 72)

7. Bố cục của luận văn

2.2.3. Khấn vái, thề nguyền

Theo Từ điển Tiếng Việt, “khấn” là “nói lẩm bẩm một cách cung kính để cầu xin (thần linh, tổ tiên) điều gì”; khấn vái là “vừa khấn vừa chắp tay lạy vái” [73; tr 615].

Trong nghi thức khấn vái thường có nén nhang, với mùi thơm thanh nhẹ và làn khói tỏa tạo nên không gian thiêng khiến tâm hồn con người như dễ hòa vào không gian u huyền, thoát tục. Đó là nét tâm linh phổ biến trong nhân dân được bắt rễ trong tín ngưỡng dân gian và sự tiếp hợp từ Nho- Phật- Đạo để trở thành một

quan niệm sống thiết thực và nhân ái. Khấn vái là một “thủ tục” trong các nghi lễ để người sống giao tiếp với thế lực vô hình nên ông Kinh Trịnh “mỗi đêm ông lại bẻ ở buồng cau xuống một quả đặt bên là cây hương ở ngoài sân với một lá trầu, rồi đứng ra giữa trời khấn vái và cầu bình yên” (Loạn âm – Nguyễn Tuân). Khấn vái là nghi thức thông linh với thánh thần ma quỉ, mời họ về tham gia với những công việc của người sống trong những sự kiện trọng đại thiêng liêng. Vì thế, Quan Chánh Chủ khảo khấn: “Báo oán giả, tiên nhập; báo oán giả, thứ nhập” (Khoa thi cuối cùng – Nguyễn Tuân). Trong lễ hội mang tính tâm linh của người đường rừng “các cô sơn nữ đua nhau đốt hương, khấn khứa cái hình nhân là “nàng Cuôi” trong một cuộc vui ở đường rừng” (Đôi vịt con – Lan Khai). Trong một hoàn cảnh mà con người cảm thấy yếu đuối, cần sự chở che của thế lực vô hình, họ thường khấn vái như một hình thức thông linh với thần thánh đem lại cảm giác có điểm tựa tinh thần. Đó là lí do đứng trước trận bão có thể những người thân đã bị nhấn chìm vào lòng biển thế nhưng “một đám người dân làng chài tụ họp trước miếu thờ... Họ vào miếu sì sụp khấn vái và hi vọng” (Một trận bão cuối năm – Bùi Hiển). Khấn vái còn là cách con cháu tạ tội với ông bà tổ tiên mỗi khi làm điều gì sai trái. Chính vì thế thằng khách Lí Thạch “phục vị xuống trước bệ thờ”, “tiếng khấn nhè nhẹ, đều đều”

dường như thay lời tạ tội với cha mẹ đã khuất. Trong Tâm sự của nước độc (trích Chùa Đàn) cô Tơ muốn giao tiếp với ông Chánh Thú nên vào bàn thờ châm đèn hương, thỉnh chuông và cầm hai đồng tiền gieo xuống đĩa xin âm dương, khấn “ tôi gieo tiền mình bằng lòng thì một đồng xấp một đồng ngửa”. Sau lời khấn cô Tơ nhận sự linh ứng từ hồn ma Chánh Thú vì “không keo nào được cả”. Trong Xác ngọc lam, cậu Năm nhà họ Chu phải “khấn xin cô Dó cho thấy mặt” và lòng thành của cậu đã được linh ứng.

Người ta thường khấn vái ở những chốn linh thiêng, trong những khoảnh khắc mà con người lắng đọng tâm linh. Vì vậy, ngôi chùa hoang là không gian thiêng khiến “quanh năm vẫn tấp nập nghi ngút, khách thập phương qua lại cầu

khẩn rất nhiều” (Những tiếng nói thì thầm – Thế Lữ). Khấn vái, lễ viếng chùa, đền, miếu, phủ... với tâm thành là cách hành xử quen thuộc thể hiện nét đẹp truyền thống

của dân tộc Việt. Người ta đến đình, đền, chùa... để thi lễ là cầu mong những điều tốt đẹp trong cuộc sống trần thế chứ không mưu cầu sự giải thoát sau khi chết. Chính vì thế, từ niềm mong mỏi đứa con của xã Bổng khiến chị hướng đến việc vào đền cầu tự mong thánh thần phù hộ “vào đền đức thánh Mẫu thì tín ngưỡng của

nàng chú trọng cả vào đấy (...) cúi rạp người xuống, chắp tay cầu khẩn” (Chồng con – Trần Tiêu).

Trong nhiều tình thế khác nhau có nguy hại đến tính mạng hoặc bất lực trước sức người nhỏ bé, con người cần đến sự cứu rỗi của đấng siêu nhiên như để tìm một sự giải thoát, một sự giúp đỡ nhiệm mầu, coi đó như một chỗ nương tựa để cầu xin những điều tốt đẹp. Điều đó tựa như một thói quen bật ra từ vô thức của mỗi người. Trong tình cảnh chơ vơ giữa núi sâu rừng thẳm, ba anh em Văn Quản (và hai em gái Huyền Cơ và Oanh Cơ) cảm thấy cái chết đã cận kề nên “khấn vái, cầu xin thánh Mẫu, các thần, ông Hoàng bà Chúa, thần Bạch Hổ : ba anh em cùng thành kính lên cửa đền, quỳ xuống lễ hết cả mọi linh vị thờ thánh Mẫu và các thần bộ hạ cùng các ông Hoàng bà Chúa. Khi đến trước thần tượng đức Bạch Hổ giữ đền, cả ba cùng khấn khứa rất lâu, cầu đức Bạch Hổ phù trì cho giữa buổi xông pha rừng núi” (Ai hát giữa rừng khuya - TCHYA Đái Đức Tuấn). Họ thật sự sống với phần tâm linh của mình “nhắm mắt đưa chân, cúi đầu thành kính trước thần linh, rồi phó mặc tấm thân cho số mệnh” và sự bình an của họ là sự hiển linh chăng “có lẽ đức Thánh Mẫu đã thương hại phù trì... Bao giờ xong việc trở về, thế nào cũng sẽ vào đền lễ tạ Mẫu” khi lạc bước giữa rừng sâu núi thẳm, lo lắng cực điểm, họ lại “vừa đi vừa niệm Phật”. Niềm tin Thánh Thần, Trời, Phật... đã ăn sâu vào tâm thức của mỗi người đến mức nhiều khi không cần phải có một không gian thiêng, người ta thực hiện việc khấn vái ngay trong đời sống lao động hằng ngày. Bởi trong cuộc sống trần thế bao giờ con người cũng hướng đến thế lực vô hình với ý niệm tâm linh để mong cầu sự thưởng phạt, lẽ công bằng và bày tỏ lòng biết ơn. Điều đó đã thể hiện trong câu nói hồn nhiên của bác xã Chính “biết đâu nhờ trời, nhờ Phật, nhờ thánh tổ, nhờ phúc ấm, được mùa ba bốn năm liền” (Con Trâu – Trần Tiêu), là cách nghĩ tự nhiên của Nàng Oanh Cơ khi thoát nạn, nàng “nửa cảm ơn Trời Phật đã run rủi

nàng khỏi thác lại oán trách quỷ thần đã xui khiến cho nàng mất cả anh lẫn chị”(Ai hát giữa rừng khuya – TCHYA Đái Đức Tuấn).

Chúa và Mẹ Maria cũng là nơi con người nương tựa trong những hoàn cảnh hoạn nạn. Đó là lời cầu nguyện của Hai mươi hai (một nữ tù nhân bị tên cai ngục Năm Béo hãm hiếp khi đang mang thai) trong hoàn cảnh bi đát nhất“Chúa thương

xót chúng tôi! Chúa cứu chữa chúng tôi! Chúa nhận lời chúng tôi!” (Linh hồn – Nguyên Hồng). Đó cũng hình ảnh Mẹ Maria nhân từ trong tâm trí Bính như một niềm tin cứu rỗi “Mẹ nhân lành làm cho chúng tôi được sống được, được vui (...) Chúng tôi ở nơi khóc lóc, than thở kêu khẩn bà thương...” (Bỉ vỏ - Nguyên Hồng).

Bày tỏ lòng tin vào lẽ công bằng, sự phù trợ mà đấng siêu nhiên là đại diện, khi con người chịu nhiều uất ức, mang mối hận trong lòng mà không có phương cách giải quyết, họ khấn vái để cầu xin thần linh trừng phạt những kẻ độc ác để an ủi chính mình. Khi đó khấn vái thể hiện qua hình thức: những lời thề, những lời nguyền độc ác nhất dành cho kẻ thù. Trong hoàn cảnh bi thương, Lý Chu thấy vợ bị Mã Hồng hãm hại thê thảm nên “Chu cuồng dại lên vì đau xót, thề nguyền rất độc rằng sẽ ăn gan uống máu Mã Hồng” (Một truyện ghê gớm - Thế Lữ). Nhân vật Tôi khi đã chứng kiến tội ác man rợ của thằng khách Lí Thạch trong sự phẫn nộ cực độ đã thốt ra lời nguyền “Tôi đem hết khinh bỉ vào trong một câu rẽ rọt, ghê gớm, như

một lời tuyên án, một lời nguyền” nhưng sở dĩ Lí Thạch hành động dã man như thế cũng chỉ vì mối hận mà hắn đã nguyền cả quyết báo thù cho cha mẹ “Lý Thạch còn báo thù nữa... để hả oan hồn của cha mẹ họ hàng” (Một truyện ghê gớm – Thế Lữ).

Trong Truyện quê của Trần Tiêu người vợ của xã Khoản dường như tin có Trời, Phật, Thánh thần nên khi bị uất ức trong cuộc sống chị chỉ biết nói trổng có ý rủa người hàng xóm “Cu ơi! Cu nhớn lên, cu đừng có ăn hà ăn hiếp người ta lắm

nên giời làm cho toét mắt, chẳng ma nào nhìn. Rồi thì còn thong manh, còn đui mù nữa ấy cu ạ!” và hình như rủa được như thế, lòng chị ta hả hê . Trước nỗi đau con

gái bị hổ vồ, bà Mi-Nàng đã “phun xuống những lời nguyền rủa độc địa” (Tiếng hú ban đêm – Thế Lữ) như là sự mong cầu về một sức mạnh tâm linh giúp bà chiến thắng kẻ thù hung mạnh. Phải chăng sức mạnh vô hình của một trái tim người mẹ

và tình mẫu tử thiêng liêng đã giúp bà giết chết con hổ?. Đó là lời nguyền độc địa và hành động quyết liệt của vợ Hoàng Sinh Mẫn trong tình cảnh chồng cô bị Vương tổng đốc hành quyết “Hỡi thằng quan tàn ác kia! Mày đã nhẫn tâm làm tuyệt tự dòng họ chồng ta (...) ta chết đi sẽ theo dõi dòng họ mày mà báo thù cho đến thuở đá cạn sông mòn (...) ta sẽ làm cho con cái mày cũng như ta, chết giữa thời niên thiếu” và lời nguyền rủa ấy nhằm phải giờ thiêng hóa thành linh ứng.

Thề nguyện mang đậm tính tâm linh bởi đó là cách thức giúp con người có được sự thanh thản với ý niệm “người nào đã biết trời đà biết cho” vì thế Cô Tơ đã thề nguyện “Ðối với đàn hát từ bây giờ ta nguyện làm một người điếc, một người cô đơn, một người phản bội. Và trên vong linh Bá Nhỡ, ta thề độc là không bao giờ cầm đến một cái chén nào của cuộc đời này”. Khấn vái là cách giúp cô Tơ giao tiếp với linh hồn Chánh Thú, mỗi khi cần hỏi ý kiến chồng, cô Tơ “vào bàn thờ châm đèn hương, thỉnh chuông và cầm hai đồng tiền gieo xuống đĩa xin âm dương khấn”

(Tâm sự của nước độc - trích Chùa Đàn – Nguyễn Tuân).

Cúng bái, vái lạy, cầu khấn... xét đến cùng vẫn là những mong cầu của con người về một cuộc sống hiện thực cơm no áo ấm, niềm mong cầu cuộc sống bình yên giản dị, mộc mạc mà thường hằng trong cuộc sống. Người ta thường khấn vái để cầu xin những điều tốt lành. Chính ý nghĩa tâm linh thiết thực ấy mà việc khấn vái luôn đi liền với con người trong cuộc sống thường nhật. Nhất là đối với những người lao động ở miền quê xa đô thành hay những miền núi hẻo lánh. Vì thế, trong cuộc sống của người dân Nùng, có người làm thầy “mo”... Hắn liền đốt lửa giữa lều, gõ thanh la, niệm thần chú để tạ ông “thẻng” ông “thần” ở đấy: “Xin ông “thẻng” ông “thần” ở đây... để người đi săn giết nhiều hổ, nó vẫn làm hại cho con cho cháu người dân người làng, nó vẫn ăn trộm con lợn, con bò của người dân người làng” (Một truyện ghê gớm – Thế Lữ). Khấn vái không chỉ nhằm mục đích xin Thánh Thần, Trời, Phật... phù trợ mà còn được thực hiện khi con người phạm lỗi để xin sự tha thứ, không trách phạt. Đó việc làm của bố mẹ thằng bé chăn trâu vì nó lỡ ăn trộm bưởi ở vườn chùa “bố mẹ phải đem trầu cau, vàng hương đến khấn xin ngài, mãi ngài mới tha” (Con trâu – Trần Tiêu). Đó có khi cũng là hình thức liên

hệ của nguồi sống với người chết để bày tỏ tâm tư của mình như thằng khách Lí Thạch bày tỏ lòng mình với cha mẹ ở suối vàng “nó phục vị xuống trước bệ thờ. Tôi nghe tiếng lầm rầm ... Tiếng khấn nhè nhẹ, đều đều” (Một truyện ghê gớm – Thế Lữ).

Khấn vái còn là để người sống bày tỏ tâm nguyện cũng như những nỗi niềm của mình với người chết. Nhất là khi con người rơi vào cái nghèo khó, lời khấn không chỉ làm động lòng các bậc thánh thần, tiên tổ mà nó còn lay động cả tâm can người sống. Ấy là lời khấn chứa những giọt nước mắt đắng chát của bác xã Chính khi bàn thờ nhà bác đã bị bà Khán lấy mất cái bát hương vì thiếu nợ “bác trai ứa hai hàng nước mắt, sụt sùi khấn trước bàn thờ xin ông bà ông vải đại xá, chỉ vì nghèo túng mà đến nỗi vi phạm đến danh dự gia tiên” (Con Trâu – Trần Tiêu).

Khấn vái vừa là cách ứng xử quen thuộc với thế giới thần linh vừa là nét văn hóa tâm linh phổ biến của người Việt trong suốt một thời kì lịch sử. Vì vậy nó cũng xuất hiện khá thường xuyên trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945. Niềm tin thiêng liêng trong tín ngưỡng tôn giáo tất yếu dẫn đến việc hình thành những không gian thiêng. Từ đó nước ta có một hệ thống đình đền miếu mộ... khá tôn nghiêm từ làng xã đến cấp quốc gia. Mặc dù cơn bão văn minh từ phương Tây thổi tới tràn vào các đô thị lớn rồi lại xâm nhập mảnh đất làng quê êm ả thanh bình của người dân Việt nhưng không thể phá vỡ không gian của niềm tin thiêng liêng ở họ. Đình, đền, chùa là những kiến trúc văn hóa phổ biến ở làng xã. Ở mỗi đơn vị đình, đền thường chỉ thờ một vị thánh thần theo tín ngưỡng của địa phương. Đó là nơi diễn ra những hoạt động tâm linh quan trọng trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Trong tâm thức dân gian, niềm tin tâm linh không chỉ được thể hiện qua việc khấn vái, nguyện cầu ở những không gian tâm linh như đình, đền, phủ, miếu... mà còn là những việc làm bình dị mà thiêng liêng trong mỗi gia đình và bản thân con người khi cần sự trợ giúp của thế lực siêu nhiên. Tất cả là lối ứng xử mang tính tâm linh của người dân Việt đã được phản ánh rất chân thật và sinh động trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945.

Một phần của tài liệu văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam (1932 – 1945) (Trang 66 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(168 trang)