7. Bố cục của luận văn
2.4.1. Phép thuật, bùa ngải, phù chú
Phép thuật, bùa ngải, phù chú có nguồn gốc từ Đạo giáo (đặc biệt là Đạo
giáo phù thủy) của Trung Quốc. Khi vào Việt Nam, nó tìm thấy ngay rất nhiều điểm tương đồng với tín ngưỡng ma thuật của người Việt. Vì thế, Đạo giáo ăn sâu vào người tâm thức người Việt rất dễ dàng. Trước đó người Việt đã từng sùng bái ma thuật, phù phép. Họ tin rằng những lá bùa, những câu thần chú có thể chữa được bệnh tật và trị được tà ma. Dưới thời Bắc thuộc, Đạo giáo rất phát triển ở Việt Nam. Nhiều quan lại Trung Hoa sang Việt Nam cai trị đều thích phương thuật. Đặc biệt là thuật phong thủy với ông tổ của nó là Cao Biền. Thế nên, nếu Nho giáo phải đến thời Lý mới được thừa nhận thì Đạo giáo hòa trộn với tín ngưỡng ma thuật đến mức không còn ranh giới. Từ đó trong tín ngưỡng của người Việt, lực lượng thần bí không chỉ định đoạt, tiên tri phúc họa cho con người mà quyền năng ma thuật còn có thể làm những việc ngoài khả năng của người trần. Quyền năng ấy, được thông qua những con người có phép thần thông: thầy phù thủy, pháp sư, đạo sĩ, ông đồng bà cốt... Những người này do tu luyện hoặc có căn cốt nên họ có khả năng làm bùa phép chữa bệnh trừ tà hoặc đi mây cưỡi gió... giúp con người thông tri với thế giới siêu nhiên. Niềm tin về phép thuật, bùa chú đã đi vào tâm thức dân gian Việt khá sâu rễ bền gốc. Nó đã kích thích óc tưởng tượng của người cầm bút trên con đường đi tìm cái đẹp trong cuộc sống con người, làm cho con người trở nên ngày một hoàn thiện hơn, hưởng thụ được nhiều mỹ cảm văn học hơn. Chính niềm tin ấy đã góp phần dẫn dắt truyện ngắn, tiểu thuyết 1932-1945 đi sâu hơn vào địa hạt tâm linh của con người Việt Nam.
Theo dòng chảy của văn hóa tâm linh trong văn học, dấu ấn phép thuật, bùa chú của truyện truyền kì và tiểu thuyết chữ Hán còn thể hiện rõ trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945 qua việc xây dựng những nhân vật, không
gian, thời gian thần tiên và những linh nhiệm về phép thuật bùa ngải cũng cho thấy rõ sự huyền bí của hiện tượng này.
Sách Đạo giáo có nói như người tiên, lấy thuốc để dưỡng sinh, lấy thuật số để kéo dài tuổi thọ, khiến cho bên trong bệnh tật không phát sinh, bên ngoài tai nạn không xâm nhập, tuy sống lâu không chết mà thân hình vẫn trẻ mãi như xưa, nếu biết đạo thuật thì chẳng có gì là khó. Hoặc có đoạn nói người tiên có kẻ thót lên mây, không cánh vẫn bay được; có kẻ cưỡi rồng mây đến cõi trời; có kẻ bay lượn trên danh sơn; có kẻ ăn nguyên khí; có kẻ nhá cỏ chi; có kẻ tới lui cõi nhân gian mà không người biết; có kẻ tàng ẩn thân hình nên chẳng ai hay (Thần tiên truyện, Bành Tổ truyện). Đây là phát triển những ý cơ bản vốn có trong thiên Tiêu dao du ở sách
Trang Tử khi nói về đặc điểm của Chân nhân với đặc điểm không ăn ngũ cốc, chỉ hít gió uống sương, cưỡi rồng mây mà rong chơi ngoài bốn biển (Bất thực ngũ cốc, hấp phong ẩm lộ, thừa vân khí, ngự phi long nhi du hồ tứ hải chi ngoại). Nói tóm lại, thần tiên có hai đặc trưng, một là trường sinh bất tử, và hai là thần thông quảng đại, phép thuật cao cường. Hai đặc trưng đó của Đạo giáo khi vào truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945 được thể hiện qua sự xuất hiện “một nhà tu hành kì quái, không ở đâu lại, thinh không hiện ra giữa chừng không trung” (Hoàng Kim Ốc – Cung Khanh). Nhà tu hành có phép lạ giúp Thổ công, Thành Hoàng, Đông trù thấy được Hoàng Kim Ốc bằng cách “rút trong tay áo ra một hạt ngọc trong như thủy tinh, hạt ngọc chiếu những tia sáng tinh anh (...) tức thì cách đó ba dặm, trong một cảnh thật huyền ảo, cái nhà vàng rực rỡ xuất hiện giữa một vườn cây kì dị” (Hoàng Kim Ốc – Cung Khanh). Nhà tu hành chính là một đạo sĩ có phép thần thông biến hóa. Đạo sĩ đã biến thành cây đèn (thần đăng) đã hai mươi năm cùng chàng thư sinh miệt mài trên những trang sách. Thần đăng có phép biến hóa lạ lùng “chiếc đèn bỗng nhiên sáng rõ khác thường” đưa chàng thư sinh “đi vào một cõi sống khác (...) có thể lướt qua những lá liễu, đùa những làn hương và tia sáng” rồi
“ngọn đèn tự nó dài ra mãi, tượng thành một dạng người, rồi lìa cái thân bằng sành, Đạo sĩ hiện ra nhè nhẹ” (Hoàng Kim Ốc – Cung Khanh). Những con người cốt cách khác người mà theo quan niệm của dân gian, họ là cầu nối giữa thế giới
siêu nhiên và người trần thế. Họ luôn luôn thoắt ẩn thoắt hiện, họ xuất hiện gắn với những điều kì lạ “vào năm Gia Long, ở làng Gía Lụa, một buổi chiều bỗng có ráng
vàng như nghệ. Từ Đông sang Tây, dải cầu vòng ngũ sắc vắt ngang (...) Giữa lúc ấy, một ông già, râu tóc bạc phơ, không biết từ đâu đến, chống gậy trúc (...) bộ râu ba chòm trắng xóa và mớ tóc như bông (...) người ta chịu không đoán được tuổi ông” (Cây đa ba chạc – Đỗ Huy Nhiệm). Ông già có phép thuật lạ ấy đã chọn gò Con Qui làm nơi tịnh tọa và luyện phép “chỉ giơ một ngón tay lên trời, thằng bé tự nhiên ríu hai chân lại, không tiến được một bước” (Cây đa ba chạc – Đỗ Huy
Nhiệm). Nhờ phép thuật, vị thần tiên đã giúp chàng Thi sĩ đi tìm nguồn mạch nuôi dưỡng tâm hồn đẹp đẽ và nhận ra thiếu tài năng thi sĩ sẽ cằn cỗi già nua và chết “ông lão đầu râu bạc trắng, mặc áo thụng màu lam”, vị thần tiên dùng phép thuật “hóa gió và biến linh hồn người chết thành hạt mưa rào để vào được thế giới bên trong của thi sĩ” (Đi tiêu dao – Cung Khanh). Ông phó Sần được “một ông cụ già râu tóc lông mi trắng xốp như bông chống một cái gậy trúc” chỉ bảo về việc đi tu sửa đền Đức Thánh Tản. Cả đám thợ lên đỉnh núi bằng phép thuật của người nữ tỳ - người nữ tỳ hầu cận nữ Sơn chủ “cô cầm trong tay một nắm lá trông sắc đỏ như lá mãn đình hồng, phân phát cho mỗi người một lá, bảo ngậm lấy, lấy sức mà lên cao” (Trên đỉnh non Tản – Nguyễn Tuân). Trên đỉnh non Tản là một chốn bồng lai tiên cảnh mà con người không biết tới với những con voi trắng kéo gỗ xây đền, những vườn hồ đào, những hồ cá ngư hương, những chiếc cung tên vàng, bạc để con người tha hồ bắn cá bắn chim mà “cứ bắn ra, rồi mũi tên sẽ vòng quay lại, không bao giờ hết tên”. Thế giới ấy mãi mãi chỉ tồn tại trong tâm linh mỗi con người về nơi ngự trị và những điều “thiên cơ thần cơ” của non ngàn núi thẳm – nơi ngự của một vị thần trong Tứ bất tử Thánh Tản Viên. Trên cõi bồng lai, những linh hồn của các vị danh nhân hiền triết hóa thành tiên“nhẹ bỗng tợ khói, uốn thành hình người” (Trên bồng lai – Cung Khanh).
Ma thuật, bùa ngải phổ biến trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932- 1945 chủ yếu là những hình thức bùa ngải mà con người tin rằng nó có khả năng giúp họ phòng thủ trước sự đe dọa của thú dữ, ma quỷ, tai ương... hoặc thứ bùa ngải
giúp họ thực hiện những điều mong ước trong cuộc sống. Đó là những hình thức làm phép, niệm thần chú, đeo những chiếc bùa hộ mệnh có những vật kỵ ma tà làm bằng túi vải, bên trong ghi câu thần chú, bùa làm bằng chỉ ngũ sắc... Đó là lá bùa hộ thân mà nàng Peng Slao cho Đèo Lầm Khẳng uống có phép tránh bị hổ ăn thịt “đạo
bùa ấy sẽ làm cho anh có phép ẩn mình; mỗi khi anh thấy hổ, anh trông thấy nó mà nó không thấy anh” tuy nhiên bùa phép cũng sẽ vô hiệu nếu người được hộ mệnh không giữ những điều kiêng. Vì vậy nàng Peng Slao dặn dò “anh không bao giờ
nên ngủ trong rừng, vì hễ ngủ, anh sẽ bị hiện nguyên hình, hổ sẽ trông thấy anh. Nó sẽ không hại được anh ngay, vì anh đã làm phép thế thân rồi. Nhưng nếu lúc đó, nó liếm vào mặt anh, thì bao nhiêu phép thiêng của đạo bùa mất hết; và không những thế, tính mệnh anh cũng khó bảo toàn” (Thần Hổ - Tchya Đái Đức Tuấn). Trong
cuộc mưu sinh, muốn cho gia đình được no ấm, bác Diệm trai phải ngậm ngải tìm trầm. Ngải là loại luyện những giống thực vật đặc biệt và truyền cho chúng những khả năng siêu nhiên “Ngải là một thứ củ cây do người Mọi ở Trường Sơn luyện rất công phu. Họ hấp củ cây ngải trong vò rượu mật ong một tháng, để giữa dòng suối chảy một trăm ngày. Đoạn phải đặt trong tay đủ năm người chết, và đeo trước ngực năm bà già trong đời giữ vẹn trinh tiết. Xong phải nhét vào trong cái giò heo để lừa cho hổ ăn. Đoạn phải bẫy cho được con hổ ấy, rồi giết ngay và lấy ngải ra. Ngải là cái bùa thiêng có sức mạnh huyền bí. Ai ngậm nó mà đi vào rừng không ăn không uống cũng sống được. Và thú dữ đi bên cạnh cũng không thấy mình được. Nhưng hạn trong ba tháng mười ngày phải trở về nhà nhả ngải ra. Nếu không thì người ấy sẽ mọc lông, trổ vuốt, thêm nanh và hóa ra hổ” (Ngậm ngải tìm trầm – Thanh Tịnh). Vì không tìm được trầm mà bác Diệm quên hay bác vẫn nhớ nhưng cố tìm được trầm để việc ngậm ngải quá cả kỳ hạn. Bác phải hóa thành hổ và vĩnh viễn bị ngăn cách với thế giới loài người. Trong tác phẩm Đôi vịt con - Lan Khai, cô Nhình vì quá yêu chồng, không muốn người chồng phụ bạc mình nên trước khi Biên – người chồng cô Nhình về trung châu, cô đã luộc hai quả trứng mà bố cô đã yểm bùa ngải để cho chồng ăn. Dường như cô biết sự hữu hiệu của phép thuật ấy nên căn dặn chồng phải trở lại trong một tháng “nếu đúng hẹn mà không lên thì có sự chẳng
lành”. Quá hạn một tháng thầy Biên “tự nhiên nổi cơn đau bụng dữ dội” sau đó “thổ huyết rất nhiều rồi chết. Biên vừa tắt nghỉ, một đôi vịt con tự trong bụng chàng vụt chui qua cuống họng ra ngoài rồi biến mất” và “ở trên rừng, người ta thấy xác mẹ con cô Nhình nổi lập lờ theo dòng suối trong xanh” (Đôi vịt con – Lan Khai). Niềm tin về phép thuật, bùa ngải có tính thần bí mông lung nhưng con người vẫn cứ tin và tìm đến nó trong những lúc họ cần một cứu cánh để cân bằng cuộc sống tinh thần. Cũng vì thế, vợ Bổng sau khi tìm mọi cách để cầu con “vào tận Hương Tích kêu cầu, xin dấu”, “hội Đền nào nàng cũng gửi tiền”, “nàng mua cả thuốc Mường, thuốc Mán” và nàng “tìm đến sư cụ chùa Tiên nổi tiếng về môn phù thủy một đạo bùa cầu tự buộc vào cổ yếm” (Con Trâu – Trần Tiêu). Đó là thứ bùa mà người khách Tàu mang theo một cách bí mật cả cuộc đời và khi biết mình không còn sống, ông trao lại cho ân nhân đã tốt bụng cho ông tá túc. Vợ chồng ông Bá ngạc nhiên vô cùng trước túi bùa của người Tàu và “ông Bá máy tay, bèn mở cái túi bùa đeo ở cổ xác chết, gỡ hết mấy lần lụa phết nhựa ... Ngắm kĩ thì là một ngón tay út, đủ ba đốt” (Một truyện không nên đọc vào lúc giao thừa – Nguyễn Tuân). Từ niềm tin vào phép thuật bùa ngải mà dân làng Sam Na “nhờ một thầy pháp bện cho họ mấy sải dây ngũ sắc và yểm phép vào dây để họ đi rình trói con mụ ké hay là con hùm tinh”
(Tiếng hú ban đêm – Thế Lữ).
Ngoài phép thuật, bùa ngải, sự linh ứng mang tính ma thuật còn thể hiện qua những câu thần chú. Thần chú là những mật ngữ giúp con người giao tiếp với thế giới vô hình tựa như tờ giấy mà người trai Thổ lấy từ tay ông già bị chết khi vào hang thần Văn Dú. Người Thổ Kao Lâm gọi đó là thần chú: “Miệng có hai răng... ba chân bốn tay” “Mày vào trăm chân, mày lên ba tay...tên mày là đá, đá sinh ra trứng... Trứng đá giữ của. Mày có sức mang... Mày giàu mày chết” (Vàng và máu – Thế Lữ). Đó cũng là những câu thần chú mà người Tàu - khách bán thuốc ơ truyền dạy cho vợ chồng ông Bá để vào hang núi lấy của “Dzế pẳn dì! Dzế pẳn dì! “tả sín tì. “Coỏng voòng vảy. Sồi sắn hối mùn. “Hối mùn!” (Một truyện không nên đọc vào lúc giao thừa – Nguyễn Tuân). Ông Bá đọc thần chú “giữa rừng khuya sâu, như các bài chú về hư linh”, dứt tiếng hô bỗng “có tiếng nổ như tiếng ống lệnh rồi ầm
ầm cây và đá tảng đổ nhào và cứ bắn thẳng vào cái miếu sơn thần” (Một truyện không nên đọc vào lúc giao thừa – Nguyễn Tuân). Phép thuật, bùa chú không biết là thực hay hư nhưng tất cả những phép thuật, bùa chú trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945 đều có sự linh ứng như xác tín cho một niềm tin thiêng liêng tồn tại trong đời sống tâm linh của dân người Việt thời đại đó.
Vấn đề ma thuật, bùa chú không rõ là có thật hay chỉ là sự ảo tưởng nhưng hiển nhiên trở thành một hiện tượng văn hoá mang tính trao truyền giữa các thế hệ. Đặc biệt đối với người dân ở những miền đất xa xôi hẻo lánh, rừng thiêng nước độc, những vùng thượng du... niềm tin và sự thực hành về phép thuật, bùa chú vẫn còn tồn tại. Điều đó cho ta thấy sự ảnh hưởng dai dẳng của Đạo giáo đối với văn học và đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam.