Không gian thiêng

Một phần của tài liệu văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam (1932 – 1945) (Trang 140 - 143)

7. Bố cục của luận văn

3.3.4. Không gian thiêng

Không gian nghệ thuật là khái niệm của thi pháp học chỉ “hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật, là sự mô hình hoá thế giới của tác giả. Không gian nghệ thuật trong tác phẩm mang tính biểu trưng và quan niệm” [57; tr120]. Do đó, thông qua việc tìm hiểu không gian nghệ thuật, chúng ta có thể hiểu được quan niệm thẩm mĩ, trình độ tư duy cũng như tâm lí sáng tạo của con người ở những thời điểm và địa điểm mà tác phẩm ra đời. và không gian là thế giới mà con người tồn tại, con người cảm thấy vị trí và số phận của mình ở trong đó. Không gian trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945 được sử dụng là không gian thiêng. Đó là không gian gợi sự u huyền làm nổi bật cảm giác của con người trong một thế giới tâm linh – thế giới đã được xử lý, nhằm thể nghiệm chính nó với tư cách là con người tự ý thức về tồn tại và hiện sinh. Nghệ thuật xử lý không gian trong các tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết có yếu tố tâm linh có khi là không gian hiện thực của cuộc sống và có khi là không gian hư ảo thuộc về thế giới tâm linh trong tâm hồn con người.

Không gian thiêng là không gian mang tính tâm linh đem lại cho con người những cảm giác lạ về sự tồn tại của yếu tố tâm linh như không gian của cõi trần thế mang không khí hư ảo, nhòe mờ để thần linh, ma quỷ xuất hiện và người sống và người chết có thể gặp gỡ nhau. Không gian thiêng phổ biến trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945 là không gian núi rừng, bến sông, ngôi chùa, ngôi đền,

ngôi miếu hoang, cái am... Trong tác phẩm Vàng và máu của Thế Lữ là một không gian rừng núi u hiển “Sừng sững giữa trời, bao quát đồi cây gò đất, núi ấy trông đường bệ hách dịch như đứng làm chúa tể cho cả một vùng phong cảnh hoang vu (...) Văn Dú lại hiện ra một vẻ riêng oai nghiêm và màu nhiệm” (Vàng và máu – Thế Lữ). Không gian rừng núi hoang vu đáng sợ luôn là dấu hiệu cho những chuyện kì lạ “Đền nằm ở giữa một nơi rừng núi sâu thẳm, chung quanh toàn là những cảnh

rùng rợn hoang vu” (Ai hát giữa rừng khuya – Tchya Đái Đức Tuấn). Trong Thần hổ, Tết trên Mường, Truyện không nên đọc lúc giao thừa, Người lạ, Ma Thuồng Luồng... không gian rừng núi ma mãnh và hoang dại ấy là không gian của những hồn ma trành, ma xó, ma cụt đầu, ma tài tử, ma giữ của...

Không gian thiêng còn là không gian tĩnh lặng, vắng vẻ, hoang phế, tịch mịch ở những ngôi miếu hoang, ngôi đền cổ, ngôi nhà bỏ phế... Đó là không gian của một căn gác trọ bỏ không, lâu ngày không có người ở. Nơi đó là chỗ ẩn của Ngọc Bách - một linh hồn oan khuất vì chết trong chiến tranh loạn lạc “thấy gian gác này trước bị bỏ không, nay có ánh lửa và bóng người, nên tò mò nhìn vào” (Người con gái tỉnh Bắc – Phạm Cao Củng). Sở dĩ nhà văn tên Tuấn gặp cô gái có hành tung bí mật Hoàng Lan Hương là vì anh đã chọn đúng một không gian hoang phế, vắng vẻ cô tịch đậm màu sắc Liêu Trai “một cái trại rộng ngót hai mẫu và rậm như một khu rừng. Cây toàn là cây cỗi (...) lại thêm hai gốc đa cổ kính” (Trại Bồ Tùng Linh – Thế Lữ). Đó còn là không gian của những ngôi miếu hoang trong tác phẩm Một chuyện ghê gớm của Thế Lữ, Cây đa ba chạc của Đỗ Huy Nhiệm ; ngôi đền cổ trong Ông Rắn của Đỗ Huy Nhiệm, Người con gái Thần Rắn của Cung Khanh, Ai hát giữa rừng khuya của Tchya Đái Đức Tuấn hay một cái chòi canh trong Người lạ của Lan Khai...

Không gian mông lung, huyễn hoặc, không gian hiện thực được huyền thoại hóa, không gian cõi tiên... cũng là không gian thiêng rất phổ biến trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945. Đó là không gian trăng đẹp lung linh huyền ảo trong các tác phẩm Trăng xanh huyền hoặc, Một đêm trăng, Đi tiêu dao, Trên bồng lai, Hoàng Kim Ốc, Trên đỉnh non Tản...

Không gian mồ mả, tha ma, nghĩa địa cũng phát tín hiệu thiêng khiến người đọc liên tưởng đến một thế giới của người chết. Trong tác phẩm Ngủ với ma của Đỗ Huy Nhiệm hiện ra không gian “ở giữa bãi tha ma đó có bốn cái mã mới bốc được ít lâu” (Ngủ với ma – Đỗ Huy Nhiệm). Không gian nghĩa địa, tha ma luôn gắn với những sự việc lạ trong Người bạn kì dị, Tết trên Mường, Loạn âm, Lửa nến trong tranh, Bữa rượu máu...

Kiểu không gian thường được sử dụng để con người có cơ hội đối diện với bản thân mình, với cái tôi nhỏ bé giữa rộng lớn không gian, đó là không gian xa lạ. Ở đó, con người không còn cảm thấy an nhiên tự tại, hoà mình vào vũ trụ theo kiểu Thiên - Nhân hợp nhất nữa mà là sự nhỏ bé trước sự hùng vỹ, vô biên của tạo hoá. Con người trong không gian xa lạ ấy mới cảm thấy hết được sự hữu hạn của cuộc sống, sự cô đơn của kiếp người. Không gia này xuất hiện nhiều trong các tác phẩm của Lan Khai như Người hóa hổ, Con bò dưới Thủy Tề, Con Thuồng Luồng nhà họ Ma...

Không gian của những giấc mơ là không gian ảo, chủ yếu là để cho nhân vật tự thể hiện mình, bộc lộ những ẩn ức, dự cảm, khát vọng. Với không gian giấc mơ, thế giới tiềm thức của con người, là nơi con người bộc lộ mình rõ nhất. Không gian trong những giấc mơ thể hiện những khát vọng, ám ảnh, những mặc cảm của con người thể hiện qua các tác phẩm Câu chuyện mơ trong giấc mộng (Nhất Linh), Con Trâu (Trần Tiêu), Bỉ Vỏ, Linh hồn (Nguyên Hồng)...

Không gian thiêng gắn với sông nước, biển trời rộng lớn. Dường như trước không gian mênh mông ấy thường mở ra nỗi buồn mênh mang của kiếp người. Con người không khỏi trầm tư mặc tưởng trước không gian sông nước “trên dòng sông (...) hơi nước tỏa ra mằn mặn bốc trong gió mát thổi vi vu. Mặt phá rộng mênh mông lấp lánh ánh trăng vàng” (Tình trong câu hát – Thanh Tịnh). Không gian biển cả vô tận cũng báo hiệu những điều thiêng liêng “trên mặt biển ùn ùn từ đâu đến – Dân chài bảo từ Thủy phủ đùn lên – một đám sương mù dày đặc, mang vị mặn và hơi lạnh thấm thía (...). Rồi một bóng đen hiện ra trong sương (...) bóng đen rõ dần thành một chiếc thuyền, thuyền lố nhố những bóng người chèo” (Chiều

sương – Bùi Hiển). Không gian ấy là nơi trở về của hồn ma những người dân chài đã vĩnh viễn nằm dưới lòng biển sâu, họ đã hiện về “để tìm lại chút hơi ấm cuộc đời” chứ không hề có ý phá hại cuộc sống của con người.

Nhìn chung, không gian thiêng là một thành tố quan trọng tạo nên sự huyền bí, hư ảo cho các truyện ngắn, tiểu thuyết có yếu tố tâm linh giai đoạn 1932-1945. Trong không gian ấy bao giờ cũng mang một vẻ đẹp huyền bí, nhiệm màu nhưng chứa đựng biết bao nỗi trăn trở suy tư về nhân sinh thế sự. Chính trong không gian ấy, con người soi chiếu được tâm hồn mình, đồng thời nó là tín hiệu để biểu đạt tư tưởng tình cảm của nhà văn.

Một phần của tài liệu văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam (1932 – 1945) (Trang 140 - 143)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(168 trang)