7. Bố cục của luận văn
3.1.1. Hiện thực đời sống tâm linh
Tâm linh là niềm tin thiêng liêng xuất phát từ hiện thực trong tâm hồn mỗi con người. Tuy niềm tin ấy mơ hồ, huyễn hoặc nhưng nó đã trở thành nếp cảm nếp nghĩ của con người mang tính trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nói như GS. TS Nguyễn Văn Hạnh “Tâm linh có vị trí hiển nhiên và nổi bật trong đời sống tinh thần của con người. Có thể coi con người là một sinh vật tâm linh. Chỉ con người mới có đức tin về những điều huyền nhiệm, mới có những suy nghĩ, tưởng tượng sáng tạo về trời, phật, thượng đế, về thánh thần, về thiên đường và địa ngục, về kiếp trước và kiếp sau, về đạo đức được đền bù và tội ác bị trừng phạt” [33; tr 328]. Truyện ngắn, tiểu thuyết Viết Nam 1932-1945 với nhiều biểu hiện của yếu tố tâm linh là sự xác tín cho một hiện thực đời sống tâm linh phong phú vẫn tồn tại trong tâm thức con người. Những hiện tượng tâm linh có thể là những ảo giác, cảm nhận mơ hồ (linh cảm, mộng mị, điềm báo, kiêng kị...) cũng có thể đó là niềm tin vào lực lượng vô hình có sức mạnh chi phối cuộc sống (Trời, Phật, Thánh Thần, Chúa, Thượng đế, ma...). Tuy mang tính duy tâm thần bí nhưng niềm tin ấy vẫn luôn gắn liền với suy nghĩ và việc làm của mỗi người dân Việt trong cuộc sống thường nhật.
Thế giới tâm linh trong tâm hồn mỗi người trước hết thể hiện qua niềm tin vào sự tồn tại của thế giới thần linh vô hình nhưng hữu lực, có khả năng chi phối cuộc sống của con người. Đó là niềm tin vào sự linh thiêng của ông bà, tổ tiên. Đối với mỗi con người Việt Nam luôn hiện hữu “niềm tin rằng tổ tiên mình là thiêng liêng, dù đã đi vào cõi vĩnh hằng vẫn có mối liên hệ huyền bí và mạnh mẽ với con cháu, phù hộ và chỉ bảo họ tránh điều ác, giữ điều lành” [52; tr 66]. Tín ngưỡng
thờ cúng tổ tiên với ý nghĩa đạo lý tốt đẹp đã trở thành một truyền thống được bảo tồn từ trong mỗi gia đình dòng tộc, mỗi làng xã và đến cấp quốc gia. Vì thế, trong mỗi con người dường như có sợi dây vô hình kết nối với tổ tiên “Dọc phá tôi mới sực nhớ năm nay đến phiên tôi “hương khói am Cô Giang và tự bảo có lẽ vì thế nên “ông bà” bắt mình phải nóng lòng nóng ruột” (Làng – Thanh Tịnh). Trong cuộc sống con người cũng nghĩ về kiếp sống mai sau, một cõi sống tốt đẹp hơn. Đó là những hoài bão, khát vọng hướng thượng, hướng thiện, vươn tới cái tuyệt đối, cái vô hạn, cái siêu việt, cái thiêng liêng. Cõi sống tận thiện tận mĩ mãi “vừa là đích hướng tới không nguôi của con người, vừa là cái không bao giờ đạt tới được. Và dù không bao giờ đạt tới được, nhưng bao giờ nó cũng vẫy gọi con người. Nó trở thành cái tiềm thức, cái vô thức ở con người” (Nguyễn Kiên). Chính vì thế sự linh thiêng và cõi tiên bất tử, nơi ngự của thần Sơn Tinh trên đỉnh núi Ba Vì có lẽ vẫn mãi ăn sâu vào tâm thức con người. Trong tác phẩm Trên đỉnh non Tản của Nguyễn Tuân đã tái hiện một thế giới của cõi tiên, cõi mộng, một chốn bồng lai tiên cảnh mà con người không biết tới với những con voi trắng kéo gỗ xây đền, những vườn hồ đào, những hồ cá ngư hương, những chiếc cung tên vàng, bạc để con người tha hồ bắn cá bắn chim mà “cứ bắn ra, rồi mũi tên sẽ vòng quay lại, không bao giờ hết tên” (Trên đỉnh non Tản – Nguyễn Tuân). Dù nơi đó có hay không nhưng niềm mơ ước của con người về cõi tiên ấy vẫn là khát vọng vĩnh hằng. Chẳng thế mà khi có ai đó được sung sướng hạnh phúc người ta lại bảo bằng câu cửa miệng quen thuộc “sướng như tiên”.
Đời sống tâm linh đòi hỏi một sự thừa nhận cái thiêng liêng. Nó được con người hữu hình hóa vào một đối tượng nào đó như một vật, một người, một ý niệm để con người thông qua đó mà chiếm lĩnh sức mạnh siêu việt. Khi con người thấy một lẽ huyền vi nào đó là thiêng liêng thật và sùng kính những cái đó một cách thiêng liêng thì dường như tính thiêng liêng của chúng truyền vào bản thân mỗi người và họ cảm thấy yên tâm hơn, có sức chịu đựng hơn, tỉnh táo hơn, tự tin hơn. Đó là sức mạnh của lòng tin nơi con người. Người dân Việt vẫn tin vào Trời, Phật, Thượng đế, thánh thần... cũng với niềm tin “có thờ có thiêng có kiêng có lành” là
vậy. Niềm tin vào thần linh còn thể hiện rõ qua truyện ngắn Một truyện không nên đọc vào lúc giao thừa của Nguyễn Tuân. Đó là niềm tin vào bùa chú và thần giữ của rất phổ biến trong đời sống của các dân tộc thiểu số. Có thể niềm tin hư ảo ấy xuất phát từ nhận thức còn hạn chế của con người nhưng đó là một niềm tin mãnh liệt vẫn còn sống và chi phối mỗi con người. Niềm tin về Thần thể hiện rõ qua tác phẩm
Gò Thần, Con thuồng luồng nhà họ Ma của Lan Khai khiến ta có cảm tưởng như những huyền thoại về thần đất, thần sông, thần núi... vẫn còn đọng trong tâm thức của con người hiện đại.
Quan niệm “thiên nhân tương dữ” chưa hẳn đã mất đi trong suy nghĩ con người cho nên nhìn thấy sự thay đổi bất thường trong thiên nhiên đất trời khiến họ nghĩ đến “điềm trời”. Cho dù cuộc sống có văn minh hiện đại đến mấy nhưng sống dưới gầm trời rộng lớn, con người luôn tin rằng Trời nắm giữ vận mạng của mỗi người và thông tri cho con người qua điềm báo. Vì vậy, mỗi khi có chim cú mèo kêu là ứng với điềm có người chết (Một truyện không nên đọc lúc giao thừa – Nguyễn Tuân, Oan nghiệt – Tchya Đái Đức Tuấn), khi thấy nhện sa là có điềm xấu (Nhà sư nữ chùa âm hồn – Nguyên Hồng; Ai hát giữa rừng khuya – Tchya Đái Đức Tuấn), hiện tượng nháy mắt và nhện sa báo hiệu sự thay đổi cuộc đời cô Ngọc (Lều chõng – Ngô Tất Tố), chuột tha lá đắp mặt người là điềm báo cái chết (Thần hổ - Tchya Đái Đức Tuấn), sự thay đổi thời tiết, thiên nhiên điềm báo cho sự thay đổi lớn trong làng (Loạn âm – Nguyễn Tuân; Cây đa ba chạc – Đỗ Huy Nhiệm). Trong cuộc sống thường nhật, con người vẫn có luôn suy tư chiêm nghiệm trước những thay đổi thất thường của mọi vật xung quanh và trong bản thân mỗi người. Đó là một niềm tin dù không thể giải thích thỏa đáng nhưng nó là một “niềm tin sống” gắn liền với đời sông tâm linh bởi “điều anh tin, người khác lại không tin. Điều anh
không tin thì người khác lại tin. Trong niềm tin, rất khó nói ai đúng ai sai, cũng như khó đem lý lẽ ra để khẳng định hay bài bác” [33; tr329].
Bên cạnh điềm báo, niềm tin vào mộng mị cũng còn tồn tại trong đời sống tâm linh của con người. Họ tin giấc mộng luôn ẩn chứa những ý nghĩa thông tin nhất định. Giấc mộng kỳ lạ của Sinh gặp gỡ với giấc mơ của Tuyết là câu chuyện về
định mệnh của con người. Giấc mộng của ông Kinh Trịnh trong Loạn âm là chìa khóa mở ra cho con người những suy tư về sự sống và cái chết, cõi âm và cõi trần. Người ta tin rằng mơ là sự thông tri của thần linh đối với người nằm mộng. Vì thế, Bếp Nai sau khi giết con lợn thần đã mơ thấy hai người đàn bà đến tra vấn “sao dám bắn chết lợn của ta” (Gò Thần – Lan Khai). Tin vào giấc mộng là sự thông tri nên người ta có nhu cầu đoán mộng, giải mộng. Qua giấc mộng, Bếp Nai đoán rằng
“cứ như lời thần mộng, con lợn rừng hẳn đã chết rồi!” (Gò Thần – Lan Khai). Mộng trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945 rất đa hình đa diện. Có thể mộng là do cơ thể mỏi mệt hoặc xuất hiện do nguyên nhân tâm sinh lí. Song qua giấc mơ, thế giới tâm linh bí ẩn của con người được hé lộ. Mặc dù giấc mộng nhiều khi không nói lên được điều gì chắc chắn nhưng nó là một hiện tượng ẩn chứa niềm tin tâm linh của con người.
Tin vào thuyết linh hồn bất tử, con người luôn hướng về thế giới bên kia. Thế giới của những hồn ma vô hình nhưng hữu lực, có thể chi phối cuộc sống của người trần. Vì thế, sự trở về của những hồn ma luôn là nỗi trăn trở của những người còn sống. Trong tác phẩm Ngủ với ma(Đỗ Huy Nhiệm), thế giới tâm linh được biểu hiện qua sự thông linh giữa cõi âm và cõi dương, giữa địa phủ và trần gian. Sa nhiều lần đến ngủ nhà sơ Célina ở cạnh hồ Tây nhưng thực chất là ngủ với hồn ma ở nghĩa địa bên cạnh bốn cái mả mới bốc. Đây là một hiện tượng tâm linh mờ khuất nhưng vẫn tồn tại hiển nhiên trong đời sống thực. Đó là sự trở về của hồn ma Ngọc Bách, một người con gái bị chết do chiến tranh loạn lạc chỉ còn “một đống xương người, nhện chăng, bụi phủ” mà không có ai chôn cất. Niềm tin về sự hiện hữu của hồn ma xuất phát từ hiện thực tâm linh của mỗi người, bật ra từ cõi vô thức của họ qua những lời nói bộc phát “ác như quỷ”, “xấu như ma”, “chẳng có ma nào nhìn”, “ở với ma”, “sợ ma”...
Phản ánh hiện thực đời sống tâm linh của con người, không thể thiếu niềm tin vào luật nhân quả với quan niệm “ác giả ác báo”, “ở hiền gặp lành”, “gieo
nhân nào gặt quả nấy”... Những kẻ làm việc xấu, việc ác không tránh khỏi những hậu quả khó lường hoặc nhận lấy những tai ương trong cuộc sống. Ông cụ Huấn vì
lúc sinh thời đã gây ra cái chết của một cô hầu lúc cô mang thai nên “âm oán” gieo cho ông Đầu Xứ Anh và ông Đầu Xứ Em trong những khoa thi khiến hai ông đều bị trượt (Khoa thi cuối cùng – Nguyễn Tuân). Ông Vương Tổng đốc vì không xót thương trước lời van vái của hai người đàn bà đã khiến vợ Hoàng Sinh Mẫn phải tự vẫn đã nhận lấy quả báo diệt vong cả mấy đời (Oan nghiệt – Tchya Đái Đức Tuấn). Mão rắp tâm hại Tâm Nhưng chính Tâm đã giết chết Mão và dù pháp luật có tha thứ nhưng lương tâm Tâm đã tự kết án mình và anh tự tìm đến cái chết. Đó là niềm tin vẫn hằng trong tâm thức mỗi người về lẽ “giết người đền mạng”. Quả báo sở dĩ vẫn là một hiện tượng tâm linh tạo được sức hút đối với người đọc là vì ngay trong tâm hồn của họ đã có niềm tin ấy. Xưa nay người Việt ta vẫn tin vào lẽ huyền nhiệm của “Đạo Trời” và “Luật đời” vốn là lẽ công bằng đáng tin cậy nhất.
Thuyết vạn vật hữu linh vẫn còn dấu ấn trong tín ngưỡng dân gian. Người ta tin rằng con người và thiên nhiên không thể tách rời. Nếu con người không biết trân trọng thiên nhiên thì con người phải trả giá rất đắt. Truyện Con bò dưới Thủy Tề của Lan Khai là lời cảnh tỉnh cho những ai còn xúc phạm đến thần thánh. Cũng vì thế sự trả thù dai dẳng của Thần hổ đối với dòng họ đã ra tay sát hại Thần mãi là bài học về lối ứng xử của con người với loài vật.
Tâm linh tồn tại trong bản thể của con người. Vì vậy, ngay trong nhận thức của con người hiện đại cũng có một thế giới tâm linh hết sức phong phú. Niềm tin tâm linh bất thành văn ấy vẫn đọng sâu trong tâm thức mỗi người. Nó mang tính trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mặc dù chưa được giải thích hay không cần giải thích, mỗi con người vẫn có một niềm tin tâm linh làm điểm tựa để họ có được sự thăng bằng trong cuộc sống.