Bối cảnh văn học 1932-1945

Một phần của tài liệu văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam (1932 – 1945) (Trang 31 - 34)

7. Bố cục của luận văn

1.3.1.Bối cảnh văn học 1932-1945

Trong những năm đầu thế kỉ XX, xã hội Việt Nam có nhiều chuyển biến lớn. Một hệ thống đô thị lớn xuất hiện ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn... dẫn đến sự hình thành tầng lớp thị dân, tư sản, tiểu tư sản, trí thức "Tây học" và cả dân nghèo thành thị. Văn hoá phương Tây chi phối phức tạp đến đời sống tinh thần dân chúng ở các thành phố. Người ta gọi đây là thời kì "mưa Âu gió Mỹ", "cũ mới tranh nhau", "Á Âu xáo trộn"... Văn hóa phương Tây lan rộng trong đời sống thị thành dẫn đến những chuyển biến sâu sắc trong tinh thần thời đại. Hơn thế, cơn bão văn minh từ phương Tây thổi tới, ngỡ như chỉ tràn vào các đô thị lớn, lại còn xâm nhập mảnh đất yên bình của làng quê, phá vỡ không gian cổ truyền của làng, áp đặt sự hiện diện của nó lên một xứ sở đã bị đánh bại nhưng không chịu khuất phục.

Viết văn làm báo trở thành nghề mưu sinh của các nhà văn. Có thể nói đây là những gì rất mới đối với người cầm bút đương thời và góp phần làm nên diện mạo riêng của văn học Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX. Đổi thay chữ viết là cuộc cách mạng quan trọng về chất liệu văn học, tạo cơ sở cho quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam theo những xu thế của nhân loại. Trong hoàn cảnh đất nước lầm than nô lệ, ý thức tự chủ về văn học của dân tộc ta đã trỗi dậy mạnh mẽ. Bối cảnh văn học Việt Nam 1932-1945 gắn liền với sự biến thiên đó của lịch sử nước nhà.

Trước hết, hoạt động giao lưu văn hoá phương Đông - phương Tây đã tạo tiền đề cho sự xuất hiện văn học dịch thuật. Các dịch giả người Việt đã lần lượt giới thiệu, biên khảo và dịch sách văn hoá, văn học Pháp và phương Tây sang chữ quốc ngữ. Sách dịch được đăng tải trên Nam Phong tạp chí, Đông Dương tạp chí và các ấn phẩm của nhà xuất bản "Âu Tây tư tưởng". Trên thực tế, dịch giả Phạm Quỳnh đã lần lượt giới thiệu văn học và triết học Pháp qua một số tên tuổi nổi tiếng

như Corneille, Molière, Montesquieu, Rousseau, Voltaire, Baudelaire, Pierre Loti, Anatole France, Courteline, Maupassant Auguste Comte, Bergson... Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch và đăng trên Đông Dương tạp chí những sáng tác ngụ ngôn của La Fontaine, tiểu thuyết của Victor Hugo, A. Dumas và Balzac, kịch của Molière... Văn học Pháp và tư tưởng của các nhà Khai Sáng đã đến với công chúng Việt Nam, gợi ý và thúc đẩy quá trình đổi mới văn học, làm nảy sinh nhiều khuynh hướng văn học mới.

Từ sau năm 1930, văn học đã vượt thoát khỏi cảm hứng phóng tác. Những ảnh hưởng của văn học phương Tây, văn học Pháp đối với văn học Việt Nam đã đạt đến độ "chín" nhất định, tạo điều kiện cho các nhà văn bước vào giai đoạn sáng tác thật sự ở các thể loại. Những mầm mống về một nền văn học hiện đại có điều kiện đâm chồi nảy lộc. Trước hết, chuyển động hiện đại hoá văn học bắt đầu từ văn xuôi. Tác phẩm đầu tiên phải kể đến là truyện Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản đến Hồ Biểu Chánh là tiểu thuyết gia Nam bộ với biệt tài phóng tác. Đặc biệt, năm 1925, Hoàng Ngọc Phách sáng tác tiểu thuyết Tố Tâm có những nét mới của tiểu thuyết lãng mạn Pháp với sự manh nha của quan niệm yêu đương tự do của nam nữ thanh niên. Tuy nhiên văn xuôi Việt Nam thật sự phát triển mạnh mẽ cả hai xu hướng lãng mạn và hiện thực phê phán từ sau năm 1930 với những tên tuổi Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam trong nhóm Tự Lực văn đoàn, Nguyễn Tuân với Vang bóng một thời, Vũ Trọng Phụng với Số đỏ, Ngô Tất Tố với Tắt đèn, Lều chõng, Nam Cao với Chí Phèo, Đời thừa....

Từ những năm 1920, sau chính sách khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp, xã hội Việt Nam có nhiều biến đổi lớn lao về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội. Giao lưu văn hóa không còn bó hẹp sau lũy tre làng như trong xã hội nông nghiệp truyền thống xưa mà đã mở rộng hòa nhập với cả khu vực. Cơ chế kinh tế thị trường đã bắt đầu tác động đến hoạt động báo chí và văn học nghệ thuật. Một lớp độc giả mới xuất hiện có trình độ văn hóa và nhu cầu thẩm mỹ cao hơn, đòi hỏi văn học nghệ thuật phải làm một cuộc canh tân triệt để hầu bắt kịp trào lưu tiến bộ của thế giới. Chữ quốc ngữ thay thế chữ Hán, chữ Nôm và được các sĩ phu yêu

nước vận động thành một trào lưu rộng rãi cũng là một nhân tố quan trọng thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa văn học. Giai đoạn này yêu cầu đổi mới nền văn học nước nhà để bắt kịp các nước trên thế giới đã trở thành một vấn đề vô cùng cấp thiết. Trên hành trình tìm kiếm đổi mới đó, theo Nguyễn Huệ Chi thì Tự Lực Văn Đàn là một tổ chức hàn lâm văn học sang trọng, phát ngôn cho mọi chuẩn mực giá trị của văn học được công chúng xa gần thừa nhận, đã ra đời với tôn chỉ với mục đích đem phương pháp Thái Tây áp dụng vào văn chương An Nam. Để xây dựng một nền văn chương tiếng Việt hướng về đại chúng, Tự Lực Văn Đàn đã quy tụ được rộng rãi tinh hoa văn nghệ trong cả nước và có ảnh hưởng sâu rộng đến tầng lớp thanh niên trí thức thời bấy giờ.

Có thể thấy ảnh hưởng của trào lưu văn học phương Tây đã đi vào tâm hồn của nhân dân Việt Nam nhất là trí thức, học giả, tác giả cùng thời từ Nam chí Bắc. Tuy nhiên từ truyện ngắn đầu tiên viết theo kĩ thuật phương Tây: Truyện thầy Lazaro Phiền (1887), Nguyễn Trọng Quản đã nói mục đích sáng tác của mình là làm cho dân tộc các xứ biết rằng người An Nam sánh trí sánh tài thì cũng chẳng thua ai. Phạm Quỳnh (1917) chủ trương đọc sách Tây là để thâu thái lấy tư tưởng, lấy tinh thần văn hóa Âu Tây để bồi bổ cho nền quốc văn còn khiếm khuyết. Khái Hưng (1934) thì tha thiết: “Tôi vẫn mong mỏi sẽ có nhà văn dung hợp được văn Thái Tây với văn Á Đông, để gây một lối văn viết theo óc khoa học mà vẫn giữ được thi vị của văn Tàu” [5; tr 416].

Xu hướng tiếp nhận văn học phương Tây của văn học Việt Nam là không cắt đứt quá khứ mà chỉ tiếp nhận để bồi bổ thêm, làm giàu đẹp thêm cho bản sắc vốn có của dân tộc. Văn xuôi 1932-1945 đổi mới rõ rệt theo khuynh hướng hiện đại hóa. Phá bỏ hệ thống ước lệ của văn học cổ điển. Khuynh hướng hiện đại hóa đã chi phối việc chọn lựa đề tài, chủ đề, việc xây dựng hình tượng, cốt truyện, thi pháp, việc sử dụng các hình thức tu từ, mỹ từ và ngôn ngữ văn học nói chung. Văn học được lái dần đúng hướng trên tinh thần dân tộc, khoa học, đại chúng... Truyện ngắn và tiểu thuyết được nâng lên địa vị quan trọng nhất trong đời sống văn học và thật sự phát triển mạnh làm thay đổi diện mạo văn học.

1.3.2. Thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết có yếu tố tâm linh trong văn học Việt Nam 1932-1945

Một phần của tài liệu văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam (1932 – 1945) (Trang 31 - 34)