7. Bố cục của luận văn
2.2.4. Lập miếu (am, miễu)
Niềm tin thiêng liêng trong tín ngưỡng và tôn giáo tất yếu dẫn đến việc hình thành những không gian thiêng. Từ đó nước ta có một hệ thống những công trình kiến trúc đình, đền, chùa, miếu...khá tôn nghiêm từ đơn vị làng xã đến cấp quốc gia. Là một bộ phận của văn hóa tâm linh, miếu cũng là một biểu tượng phát tín hiệu thiêng liêng. Toan Ánh cho rằng Miếu “là nơi quỷ thần an ngự”. Miếu là một dạng di tích văn hóa trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, có quy mô nhỏ hơn đền. Miếu thường được toạ lạc ở nơi xa làng, yên tĩnh, thiêng liêng và chỉ là nơi yên nghỉ của các vị thánh thần. Khi miếu phối hợp thờ Phật cùng thì được gọi là Am, ở Nam Bộ miếu còn được gọi là miễu.
Xuất phát từ đời niềm tin “chẳng thiêng sao gọi là Thần”, người Việt có
những tín ngưỡng lớn như thờ các đức “thượng đẳng”, “trung đẳng” mang tính cổ truyền như một phong tục tập quán. Ngoài ra, niềm tin tâm linh mang tính nhân văn đáng quí trong đời sống con người là tín ngưỡng thờ các loại “hạ đẳng thần”. Đó là những người dân bình thường, thậm chí có thân phận thấp hèn, bơ vơ, đói khổ trong cuộc đời. Khi chết, họ được người dân lập miếu thờ do sự hiển linh phù trợ, tác phúc cho con người. Người dân thường lập đền, miếu thờ mong tìm lành lánh dữ. Chúng ta thường thấy những ngôi miếu nhỏ bỏ hoang hoặc đặt ngay dưới những cây đa cây gạo hoặc những cái am dọc đường không có bàn thờ bài vị, chỉ có một bát hương hay bình vôi như “Cái am vôi trơ trọi đứng một mình gọi là Am kẻ Chài” và “Trong am đếm được hơn ba trăm bát lư hương vừa sành vừa gỗ”(Làng – Thanh Tịnh). Những cây nhang chính là tấm lòng của người sống hướng về người đã khuất như xóa bỏ ranh giới giữa cõi âm và cõi trần. Đó là một tình cảm nhân văn cao đẹp tự bao đời của người dân Việt.
Trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945 ta thấy phổ biến hơn cả là đền, miếu thờ hạng người cùng đinh, bần hàn, không họ hàng thân thích. Họ tuy không được triều đình sắc phong nhưng rất linh thiêng có thể ban phúc hay gây họa cho con người. Vì thế, người dân làng Tiên lập đền thờ Vua Cuốn Chiếu như một vị Thành hoàng mặc dù đó “là một ông lão nghèo khổ. Mùa đông, tháng giá, ông
thường khoác manh chiếu làm áo tơi, co ro trên bờ đầm, bờ sông câu cá”. Ông là vua của lũ mục đồng đã “hóa ngài” khi “ông nằm chết co quắp ở cạnh cái quán ngói thuộc về làng Tiên. Rồi ông linh thiêng báo mộng cho dân làng ấy (...) nếu không thờ sẽ động” (Con trâu – Trần Tiêu). Đó là sự thờ phụng người Culy xe già tứ cố vô thân đã chết trong cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn đáng thương “Cái am ấy nhỏ bằng vôi dựng trên bờ sông Bồ thuộc về làng Thanh Trúc. Trong am chỉ đặt một bát hương và cặp đòn con bằng gỗ tiện. Trước cửa am có che một bức xáo kẻ chữ thọ màu hồng. Cách am năm bước có cái mồ đắp lên khá cao. Ngôi mả của người cu-ly xe” (Am cu ly xe – ThanhTịnh).
Đền, miếu không chỉ là nơi ngự của các thần là người “hóa ngài” sau khi chết mà còn là nơi ẩn thân của những con vật thiêng trong tín ngưỡng của người Việt Nam “Về phí Nam suối Ngọc có một cái miếu cổ (...) trong miếu có (...) một con rắn to lớn không biết ngần nào. Rắn sống lâu năm, linh thiêng (...) Cây đào bên miếu sống cũng lâu và cũng thiêng” (Người con gái thần Rắn – Cung Khanh). Cũng như miếu, đền thường gắn với không gian thiêng “Tại làng Long Xú, thuộc tỉnh Cao Bằng, có một ngôi đền rất linh ứng. Đền nằm vị trí thiêng “dựa vào gốc một cây đa cổ thụ (Ông Rắn – Đỗ Huy Nhiệm). Đền, miếu là nơi để con người thực hiện niềm tin tâm linh “trước thần tượng đức Bạch Hổ giữ đền, cả ba cùng khấn khứa
rất lâu, cầu đức Bạch Hổ phù trì cho giữa buổi xông pha rừng núi” (Ai hát giữa rừng khuya – Tchya Đái Đức Tuấn). Vì ý nghĩa đó, sau trận bão cuối năm, đám nhà giàu không bị thiệt hại, ầm ĩ đón năm mới còn đám dân chài nghèo khổ, thiệt người mất của chỉ biết “tụ họp trước miếu thờ dựng cạnh ngả đường ra cửa lạnh. Họ vào miếu sì sụp khấn vái và hi vọng” (Một trận bão cuối năm – Bùi Hiển).
Không gian núi rừng quạnh hiu, hoang dại ; rừng thiêng, bóng cả cây già, hùng vĩ nhưng thâm u luôn chứa nhiều bí ẩn. Những ngôi miếu luôn là biểu tượng tâm linh đối với “người đường rừng” vì vậy ngôi miếu hoang “tuy bỏ vắng nhưng cũng đã phụng sự một uy quyền nào ở đây, không thì cũng đã yên ủi một vong hồn bị oan khuất” (Một truyện ghê gớm – Thế Lữ). Những câu chuyện huyền bí của núi rừng khiến con người luôn hãi hùng và lập miếu thờ các thế lực vô hình đã chỉ phối
cuộc sống của họ “trên đỉnh, mọi khi để hoang vu, ngày nay có một cái am cỏ khổng
lồ, khói hương nghi ngút”(...) mọi người kéo nhau đi vòng quanh cái miếu thổ thần để lấm lét nhìn (Cây đa ba chạc – Đỗ Huy Nhiệm). Dường như trong tâm thức con người thiên nhiên huyền bí cũng có đời sống riêng, con người một khi không có cách ứng xử đúng mực thì thiên nhiên sẽ phẫn nộ và hậu quả khó lường. Chẳng phải ngẫu nhiên mà con hổ biết “chờ sẵn ở một ngôi miếu cổ để trả thù Đèo Thắng Mãnh” (Thần Hổ - Tchya Đái Đức Tuấn).
Truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945 dày đặc những biểu trưng đó: những am Sơn Thần (Ngậm ngải tìm trầm – Thanh Tịnh), chùa Linh San (Làng – Thanh Tịnh), miếu thờ Sơn thần (Một truyện không nên đọc lúc giao thừa – Nguyễn Tuân), đền Vua Cuốn Chiếu (Con Trâu – Trần Tiêu) ... Đó là những biểu tượng phát tín hiệu thiêng liêng về thế giới quỷ thần. Nỗi sợ hãi ma quỷ, thánh thần, cùng niềm tin vào sự linh ứng của thế giới kỳ bí, mông lung vừa giúp cho con người thời đại ấy giữ gìn những điều nhân nghĩa cổ xưa vừa giúp họ nuôi dưỡng những giá trị đạo đức, tình cảm thiêng liêng.
Tóm lại: Những biểu hiện của hệ thống kiến trúc gắn với văn hóa tâm linh hữu hình: chùa, đình, đền, miếu, am... là những biểu hiện văn hóa tâm linh vẫn được lưu giữ và bảo tồn cùng các nghi thức tâm linh trong việc cầu đảo, thờ cúng, khấn vái... của con người là những biểu biện của văn hóa tâm linh người Việt. Trước sự tấn công dữ dội của văn hóa ngoại lai nhưng những nét đẹp văn hóa ấy vẫn trụ vững đã góp phần làm cho làng quê Việt Nam có những nét cổ truyền riêng. Truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945 đã thực hiện sứ mệnh bảo tồn những nét đẹp nhân văn sâu sắc ấy như giữ lại chút duyên nợ với văn học truyền thống trước khi hòa mình vào dòng chảy của văn học thế giới.