Kế thừa yếu tố tâm linh trong văn học trung đại Việt Nam

Một phần của tài liệu văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam (1932 – 1945) (Trang 40 - 43)

7. Bố cục của luận văn

1.4.2.Kế thừa yếu tố tâm linh trong văn học trung đại Việt Nam

Văn hóa trung đại là văn hóa của quan niệm Thiên, Địa, Nhân hợp nhất thành một thể. Nhìn chung thế giới quan thời trung đại của người dân Việt là niềm tin vào thần linh, tin vào một lực lượng siêu nhiên có khả năng chi phối cuộc sống con người, đó là một nét văn hóa truyền thống vốn ẩn tàng trí tuệ theo lối hướng nội - một phương thức tư duy đặc thù. Con người thời trung đại có thế giới quan gắn với tín ngưỡng về một lực lượng siêu nhiên. Niềm tin tâm linh ấy là bến đỗ của tâm hồn. Tín ngưỡng chi phối cách hành xử của con người. Đối với chân lý của vũ trụ, họ hết sức tin phục và tôn trọng, lấy đó làm nguyên tắt hướng dẫn cho mọi hành động của mình. Vì vậy trong hoàn cảnh nào, vào bất kỳ lúc nào họ cũng trước sau bảo trì niềm tin kiên định.

Văn học là sản phẩm của lịch sử, tự nó là tấm gương phản chiếu hiện thực cuộc sống. Văn học mỗi thời đại đều chịu sự chi phối mạnh mẽ của đời sống xã hội. Vì thế, yếu tố tâm linh trong đời sống con người thời trung đại cũng được thể hiện qua từng trang văn như một sự thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan của tác giả. Thông qua các tác phẩm của mình, các nhà văn đã cho chúng ta biết về đời sống tinh thần, nếp cảm nếp nghĩ của con người thời đại ấy.

Văn học trung đại hình thành và phát triển trong một thời đại lịch sử đặc thù. Con người dường như tự giam chặt mình trong những khuôn khổ cứng nhắc của gia đình và làng mạc, của những qui định lễ giáo. Sự sợ hãi muôn thuở của một kiếp người bấp bênh, một cuộc sống chật hẹp đưa con người hướng đến đấng siêu nhiên, khẳng định tất cả là ý muốn của trời. Khổng Tử nói: “Duy thiên địa vạn

vật chi mẫu, duy nhân vi vạn vật chi linh” (“Chỉ có Trời Đất là mẹ của vạn vật, chỉ có con người là anh linh của vạn vật”), cho rằng Trời là nguồn gốc chi phối mọi nguyên tắc đạo đức. Bởi vậy người xưa kính trọng Trời và tin vào Thần, “Xem Đạo

của Trời để hiểu được Đạo làm người”. Trời là đấng tối cao của tất cả, con người cần thành kính, khiêm tốn trong tâm, bởi Trời có mặt khắp mọi nơi chứng kiến mọi hành vi của con người. Mặc dù theo các nhà Nho đương thời, những vấn đề thuộc về tâm linh bị xem là dị đoan nhưng yếu tố tâm linh vẫn luôn tồn tại. Chính yếu tố

tâm linh đã có sức hút kì lạ ngay cả với các tác giả là môn đệ của Nho gia. Nó được thể hiện cụ thể là sự xuất hiện các yếu tố tâm linh trong các sáng tác giai đoạn này. Các yếu tố tâm linh xuất hiện trong văn học như một sự hồi sinh tất yếu bởi tác dụng của nó trước hết là “gia tăng về phương diện thẩm mĩ, nghệ thuật” cho tác phẩm tạo nên những “kì văn”.

Yếu tố tâm linh trong văn xuôi trung đại được thể hiện chủ yếu ở thể loại truyền kì - hình thức ban sơ của truyện ngắn và tiểu thuyết chương hồi. Do đó truyền kì và tiểu thuyết chương hồi có ảnh hưởng lớn đến việc thể hiện yếu tố tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết 1932-1945. Tâm linh trong văn xuôi trung đại là niềm tin thiêng liêng, lòng tôn sùng, ngưỡng mộ của con người với các lực lượng siêu nhiên. Đó là niềm tin vào giấc mộng, cầu cúng, khấn vái (Lệ Nương truyện, Khoái Châu nghĩa phụ truyện, Tô Lịch giang truyện...), tin vào điềm báo (Thần hồ Động Đình, Hồi thứ 4, Hồi thứ 17 của Hoàng Lê nhất thống chí, Trà Đồng giáng đán lục...), hóa kiếp, đạo sĩ làm bùa phép trừ tà ma... Tuy nhiên, được hình thành và phát triển trong thời đại khác nhau nên yếu tố tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết 1932-1945 cũng mang những nét đặc trưng riêng của nó.

Kế thừa những yếu tố tâm linh trong văn xuôi trung đại, truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945 thể hiện trước hết ở hiện tượng cầu cúng, khấn vái, một biểu hiện của tín ngưỡng, phong tục Việt Nam với những biểu hiện cụ thể ở những nghi thức cầu đảo như lễ cầu đảo trong Truyện quê (Trần Tiêu), lễ cầu mưa trong

Con trâu (Trần Tiêu), lập đàn tế trời trong Khoa thi cuối cùng (Nguyễn Tuân), tục thờ cúng Thành hoàng, thờ cúng ông bà tổ tiên trong Lều chõng (Ngô Tất Tố), Một trận bão cuối năm (Bùi Hiển), Một truyện ghê gớm (Thế Lữ), việc thờ phúc thần, tà thần cũng được đề cập trong Ai hát giữa rừng khuya, Thần Hổ (TCHYA-Đái Đức Tuấn), Con trâu (Trần Tiêu), Một trận bão cuối năm (Bùi Hiển)... Bên cạnh đó, các hình thức khấn vái, nguyền rủa, lập miếu... cũng được thể hiện sinh động trong văn học giai đoạn này qua các truyện, tiểu thuyết như : Đới Roi, Khoa thi cuối cùng

(Nguyễn Tuân), Con trâu (Trần Tiêu), Oan nghiệt (Tchya Đái Đức Tuấn), Một truyện ghê gớm (Thế Lữ)...

Trong văn học trung đại, mộng được thể hiện ở ý nghĩa là điềm báo, xuất hiện nhiều trong Lĩnh Nam chích quái ( và Việt điện u linh (Lí Tế Xuyên); sự gặp gỡ với người đã chết trong Báo ân tháp (Lan trì kiến văn lục), Lê Kính (Nam thiên

trân di tập)... Tuy nhiên mộng xuất hiện trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945 có thể là điềm báo, là nơi gặp gỡ với người đã chết: Loạn âm, Khoa thi cuối cùng, Tâm sự của nước độc - trích Chùa Đàn (Nguyễn Tuân), Trại Bồ Tùng Linh (Thế Lữ), Chú Khì – người đánh tổ tôm vô hình (Nam Cao), Lều chõng (Ngô Tất Tố)... Không chỉ thể hiện qua mộng, điềm báo còn được thể hiện từ sự thay đổi của tự nhiên. Có thể nói hầu hết điềm báo được thể hiện từ xưa đến nay là điềm báo cho sự chẳng lành. Trong văn xuôi trung đại thể hiện trong tác phẩm Trà Đồng giáng đán mục, Đào Thị Nghiệp oan ký (Truyền kì mạn lục)... và được tái hiện trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945 qua những tác phẩm: Thần Hổ, Ai hát giữa rừng khuya (TCHYA-Đái Đức Tuấn), Chú Khì – người đánh tổ tôm vô hình (Nam Cao), Tiếng hú ban đêm (Thế Lữ), Chém treo ngành, Loạn âm, Khoa thi cuối cùng, Một truyện không nên đọc vào lúc giao thừa, Thiếu quê hương (Nguyễn Tuân), Ông rắn(Đỗ Huy Nhiệm)...

Ngoài ra, những hiện tượng mang tính huyền bí của phép thuật, bùa chú cũng được thể hiện ở tác phẩm Hoàng Kim Ốc, Trên bồng lai, Quyến rũ, Đi tiêu dao

(Cung Khanh). Thuật tướng số, bói toán vẫn còn tồn tại và được thể hiện trong các tác phẩm: Ai phải, Năm hạn (Trần Tiêu), Trại Bồ Tùng Linh (Thế Lữ), Con trâu

(Trần Tiêu), Lều chõng (Ngô Tất Tố), Số đỏ(Vũ Trọng Phụng)...

Luật nhân quả của nhà Phật đã tồn tại trong dân gian từ xưa đến nay và trở thành một niềm tin bền vững trong tâm thức của mỗi con người. Văn học mọi thời đại đều không thể không đề cập. Có thể nói, đây chính là lí lẽ thuyết phục nhất cho việc giáo dục con người thông qua văn chương. Nó được thể hiện từ những câu chuyện cổ tích đến những tác phẩm văn học trung đại và đến những truyện ngắn hiện đại như tác phẩm Hai lần chết (Thế Lữ), Khoa thi cuối cùng (Nguyễn Tuân),

Từ xưa, con người luôn tin có sự tồn tại của thế giới bên kia, của linh hồn sau khi chết. Niềm tin ấy được thể hiện từ trong văn học dân gian đến văn xuôi trung đại. Ngoài các trường hợp ma hiện về qua âm thanh vọng ra từ vật cư trú như miếng gỗ (Nam Hải Long Vương), nhập vào người khác (Miếu Phạm Nhan) hay hiện hình người như khi còn sống (Lê Duy Vĩ trong Hồi thứ 3- Hoàng Lê nhất thống chí). Phần lớn ma hiện thành những cô gái đẹp với những mong cầu khác nhau: khi thì trăng gió với người trần như Xương Giang yêu quái lục (Truyền kì mạn lục); khi thì hiện lên để gặp người yêu như Trần nhân cư thủy phủ (Thánh Tông di thảo)... Những hiện tượng tâm linh ấy lại tiếp tục tái hiện trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945 như Trại Bồ Tùng Linh (Thế Lữ), Người con gái tỉnh Bắc

(Phạm Cao Củng), Thần Hổ (TCHYA-Đái Đức Tuấn)...

Tóm lại, những hình thức biểu hiện tâm linh từng xuất hiện trong văn xuôi trung đại đều được thể hiện trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945. Tuy nhiên, mỗi thời đại có những biểu hiện cụ thể mang nét đặc trưng của nó. Thông qua đời sống tâm linh dưới ngòi bút của các tác giả trung đại, những niềm tin tâm linh cũng như nguyện vọng, ước mơ của con người trung đại được thể hiện. Đó cũng là một trong số những cơ sở góp phần làm nên yếu tố tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết 1932-1945.

Một phần của tài liệu văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam (1932 – 1945) (Trang 40 - 43)