7. Bố cục của luận văn
3.2.1. Yếu tố tâm linh –Ý nghĩa giáo dục
Trong xã hội Việt Nam xưa, khi chủ nghĩa duy lý chưa chi phối đời sống con người, đời sống tâm linh ở con người rất dễ nhận thấy, thậm chí nó thâm nhập tất cả các mặt đời sống khác của con người. Nhưng từ khi xã hội bước vào thời kì hiện đại với nhiều biến động từ cơn bão tố của văn hóa phương Tây, cuộc sống của con người khó trụ vững trên nền tảng những giá trị được xây dựng từ truyền thống. Con người chạy theo những nhu cầu vật chất dễ đánh mất những giá trị tinh thần. Tuy nhiên “Công nghệ hiện đại đem lại cho chúng ta sự giàu có, sức khỏe, tiện nghi, mọi thuận lợi trong đời sống; nó cho phép chúng ta lập ra một thiên đường mới trên Trái đất. Nhưng các khoa học về sự sống vô cùng lạc hậu so với các khoa học về tinh thần” [Nguyễn Kiên; tr1]. Vì thế, tâm linh – một mặt của đời sống tinh thần con người, với niềm tin vào cái thiêng liêng đã đọng lại trong văn học Việt Nam như là một sự gạn đục khơi trong của văn hóa dân tộc. Truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945 với yếu tố tâm linh, luôn chuyển tải những thông điệp về đạo đức, về những bài học luân lí, giúp con người có cách ứng xử đúng mực giữa con người với con người, con người với thiên nhiên và con người với chính bản thân mình. Bởi với “cái huyền nhiệm, thiêng liêng cũng như cái cao cả phần nào cũng khiến người ta biết sợ, biết sự hữu hạn của con người và của đời người trước sự vô cùng,
bí ẩn của trời đất, của vũ trụ. Nhưng không vì thế nó làm cho con người nhỏ bé đi; ngược lại, nó nâng con người lên với sự khiêm nhường, với đức tin, với cảm giác và ý thức về sự tiếp cận, giao hòa cùng thế giới siêu nhiên, lạ lùng, kì vĩ” [33; tr329].
Trong Khoa thi cuối cùng, Xác ngọc lam, Trên đỉnh non Tản... Nguyễn Tuân gởi gắm những bài học luân lí, sự báo ứng đối với những việc làm trái đạo lí, là cách phản ứng trước những sự tầm thường, xô bồ, hỗn độn của đời sống.
Trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945 sự xuất hiện của những hồn ma gợi cho người đọc nhiều suy tư về cuộc sống. Bởi vì “hình như loại chuyện
ma quái ở Việt Nam có một đặc điểm là thấm đậm chất nhân văn một cách sâu sắc lạ lùng” [44; tr 24]. Đó là những hồn ma vất vưởng không nơi nương tựa như hồn ma Ngọc Bách (Người con gái tỉnh Bắc – Phạm Cao Củng); hồn ma cụt đầu của hai anh em Trong Khôi và Trọng Việt (Ai hát giữa rừng khuya- Tchya Đái Đức Tuấn). Khiến con người không khỏi ám ảnh về sự sống và cái chết. Chết có phải là hết không? Cái chết là điều không tránh khỏi đối với mỗi người, vì vậy phải có cách ứng xử đúng đắn với người đã chết để linh hồn họ được siêu thoát. Đó là lời nhắc nhở con người phải có trách nhiệm trước những hành vi của mình đối với người chết. Bởi “Ai biết nghĩ đến cái chết chính là đang ý thức cuộc sống của mình” [112; tr 34]. Viết về những hồn ma, các tác giả luôn để lại trong ta những ám ảnh về cái chết và sự cảm thương sâu sắc về những kiếp người. Đó là hồn ma của những cư dân vùng biển “Trong tiếng sóng, phải chăng có chen lời than vãn của những kẻ đáng thương, chết không mồ mả, thân thể bị nước mặn hung hăng nhồi lắc, ray rứt đến rã rời từng mẫu thịt sũng mềm?” (Một trận bão cuối năm – Bùi Hiển). Và dù đã gửi xác dưới lòng sâu của biển cả nhưng linh hồn họ vẫn tràn đầy tình nghĩa “Anh em gửi lời chào bà con cả. Anh em ở xa ghé về thăm nhà một tý, giừ đi đây” (Một trận bão cuối năm – Bùi Hiển). Những lời nói mà hồn ma Ngọc Bách thổ lộ cùng chàng thư sinh khiến chúng ta phải suy nghĩ “mong anh thương người bạc phận, ra
tay tế độ, chôn cất cho yên đẹp nắm xương tàn của em mà thôi”(Người con gái tỉnh Bắc – Phạm Cao Củng). Những yếu tố tâm linh biểu hiện là hồn ma luôn nhắc nhở ta về tình cảm thiêng liêng của con người. Con người không thể tránh khỏi cái chết.
Vì vậy, phải sống như thế nào để khi lìa khỏi cõi đời vẫn nhẹ nhàng thanh thản. Đồng thời người sống phải có trách nhiệm với những người đã khuất để không còn những hồn ma trở vì “vướng nợ trần gian”.
Niềm tin vào “luật nhân quả” là sự xác tín quả quyết đời sống tâm linh vẫn tồn tại trong tâm thức con người. Nó vô cùng cần thiết để mỗi con người soi rọi lại những hành vi của mình, để chiêm nghiệm, để trầm tư mặc tưởng và biết ăn năn sám hối vì những hậu quả do mình gây ra. Trước hết đó là những quả báo mang tính
“quả báo nhãn tiền”, “đời cha ăn mặn đời con khát nước” thể hiện trong tác phẩm
Khoa thi cuối cùng của Nguyễn Tuân. Vì một tội lỗi do cụ Huấn gây ra lúc sinh thời
“cụ đã mang lấy trách nhiệm tinh thần về cái chết của một nàng hầu tài hoa nổi tiếng một thời. Người thiếp đó, lúc tự ải, có mang được sáu bảy tháng” và cái âm oán đó theo đuổi hai người con trong những kì thi. Quả báo mà dòng họ của Vương Thái Công phải chịu thật thê thảm “từ ngày ông kết án xử tử Hoàng Sinh Mẫn, bỗng xảy ra lắm tai nạ dị kì. Nào Vương công bị tai bay vạ gió bất thường (...) mấy người con ông không bệnh tật gì, mà ngã quay ra chết” (Oan nghiệt – Tchya Đái Đức Tuấn). Đó là những bài học luân lí về sự báo ứng đối với những việc làm trái luân thường đạo lí.
Trước những sự tầm thường, xô bồ, hỗn độn của đời sống, con người rất dễ đánh mất những giá trị đạo đức thiêng liêng. Truyện ngắn, tiểu thuyết 1932-1945 đã xây dựng chân dung những con người mà trong họ vừa có phần “thiên thần” vừa có phần “ác quỉ”. Dưới ngòi bút của các nhà văn, các nhân vật “đã vật lộn, giằng xé,
đấu tranh quyết liệt với cái ác, cái xấu, cái thấp hèn...” như Tám Bính (Bỉ vỏ), Trương (Bướm Trắng), Đới Roi (Đới Roi)... Đó là những con người biết trăn trở giữa sự sống và cái chết, giữa cao thượng và thấp hèn và kết cục cuộc đời mỗi người là bài học về cách sống, về trách nhiệm của bản thân trước cuộc đời. Phải sống sao cho có đạo đức và lí tưởng thì cuộc sống con người mới có ý nghĩa.
Là một dân tộc biết trọng những giá trị đạo đức luân lí của nền Khổng học, mỗi người dân Việt như đã thấm nhuần câu “một lần mất tin vạn lần mất tín”. Bởi khi cuộc sống thay đổi con người cũng dễ đổi thay khó lòng giữ vững những chân
giá trị. Thế nên trong cuộc đời, người ta rất cần tấm lòng thành thật ngặt nỗi sự đời vồn dĩ “dò sông dò biển dễ dò nào ai lấy thước mà đo lòng người”. Vì thế, lời nguyền, lời thề đã thật sự có giá trị tâm linh rất lớn và nó góp phần đắc lực trong việc giáo dục con người. Khai thác yếu tố tâm linh này đã giúp cho các tác giả truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945 đã củng cố chữ tín trong lòng mỗi con người qua lời nguyện, lời thề. Một khi con người thề nguyền thì phải có trách nhiệm với lời thề ấy và nếu phản bội lại thì phải chịu những hình phạt thích đáng bởi
“người đà không biết trời đà biết cho”. Chính vì thế trong Truyện Thạch tinh trong ruột một người kể về người đàn ông ăn cơm thiên hạ có nhiều sạn sỏi, lâu ngày đúc thành hòn cuội trong dạ dày và “một lần ông ta dám thề nhảm với một người đàn bà
và rủi gặp giờ thiêng, sau khi uống những giọt nước mắt của người đàn bà vào ruột, những hòn cuội kia bèn hóa thành thạch tinh. Nhưng thạch tinh ấy biết nói chuyện và làm hại người sống. Nó phá từ trong lòng người ta mà phá ra. Phá hại lúc còn sống chưa đủ, nó lại còn theo dõi đến lúc xuống huyệt nữa. Vì thế mà thi hài đã mai táng xong xuôi tưởng yên ấm, bỗng một hôm vào sáu tháng sau, nổ bật lên như có kẻ cắm cốt mìn vào mà bắn” (Thạch tinh trong ruột một người – Nguyễn Tuân). Trong truyện Đôi vịt con của Lan Khai, người chồng vì không giữ trọn lời hứa để người vợ cùng đứa con thơ dại phải mòn mỏi đợi chờ nên đã bị “thổ huyết”
và “một đôi vịt con tự trong bụng chàng vụt chui qua cuống họng ra ngoài rồi biến mất”(Đôi vịt con – Lan Khai). Đọc tác phẩm Oan nghiệt của Tchya Đái Đức Tuấn, người đọc cảm thấy rợn người trước sự hiển linh của lời nguyền khi vợ Hoàng Sinh Mẫn bị đẩy vào tình cảnh quá bế tắt phải tự vẫn. Trước khi chết cô nguyền “ta năm
nay mới có mười tám tuổi đầu, ta chết đi sẽ theo dõi dòng họ mày mà báo thù cho đến thuở đá mòn sông cạn, ta sẽ làm cho họ mày, cũng như họ chồng ta, tuyệt tự, ta sẽ làm cho con cái mày cũng như ta, chết giữa thời niên thiếu, lúc trên đầu chưa đội hết đôi chín xuân xanh” (Oan nghiệt - Tchya Đái Đức Tuấn). Lời nguyền ứng nghiệm nên gia đình họ Vương “xảy ra lắm tai nạn dị kì”; “hai người con, trong ba người còn lại, cũng theo ông tất tưởi về trời”; còn duy nhất một người sống sót thì lại “dở mù dở điếc” và con cháu của họ Vương cứ “chết dần, chết mòn, chết
hết, cứ nhớn lên là chết, hễ đứa nào nhớn đến mười tám tuổi là tự nhiên không tật bệnh, cũng tự hủy mình một cách thảm thương” (Oan nghiệt – Tchya Đái Đức Tuấn). Những lời thề nguyền có sự linh ứng chính là những bài học răn đời có sức ám ảnh nhất khiến con người biết “phân biệt cái thấp hèn và cái cao cả, cái phàm tục và cái thiêng liêng” để sống với niềm tin tưởng vào sự công bằng của “đạo trời” và “luật đời” vì “đạo đức được đền bù và tội ác bị trừng phạt” [33; tr328].
Không chỉ là con người, thế giới loài vật cũng có sự sống cần được con người tôn trọng và quan tâm. Lòng yêu thương loài vật sẽ làm cho con người gắn bó với thiên nhiên. Dường như thiên nhiên cũng biết “ân đền oán trả” rất tự nhiên và sòng phẳng. Vì vậy, con người sẽ nhận được những ân huệ từ thiên nhiên nếu ta có lối ứng xử tốt và ngược lại. Con người phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước sự phẫn nộ của thiên nhiên. Người đàn bà nghèo khổ đã được Thuồng Luồng trả ơn vì đã cưu mang nó “chị ta có ngờ đâu việc mình làm, đối vớ vật vô tri, lại thành ra ơn nặng tình sâu” (Con thuồng luồng nhà họ Ma). Bởi xúc phạm đến Hổ thần nên cả dòng họ Đèo phải trả giá. Rắn thần cũng đã báo thù kẻ giết hại mình (Ông rắn). Chỉ vì thất kính với “của thiêng” mà con người đã phải trả giá bằng cái chết “cái gò đất,
như một con cá kình vừa thức giấc, lặn băng xuống đáy hồ, để lại một đám bọt nổi là khu nhà của mẹ Thái Ảnh” (Con bò dưới Thủy Tề - Lan Khai). Tất cả là lời răn
đe và cảnh tỉnh con người trong cách ứng xử với thiên nhiên.
Trên hành trình tìm hướng đến Chân – Thiện – Mĩ các nhà văn còn khai thác yếu tố tâm linh để hiện thực hóa cái ác dưới nhiều hình thức. Trong Một đêm trăng của Thế Lữ là cảnh trả thù rùng rợn của cô gái Thổ đối với ông Ba - một kẻ lừa tình
“một tay nó xốc ông Ba đứng dậy, một tay nữa nâng ở ngang lưng (...) dướng mình văng cái thây chết xuống. Rồi, không biết vì quá đà hay cố ý, cả người con gái cũng văng theo” (Một đêm trăng – Thế Lữ). Cái chết thảm hại của ông Ba là bản án thích đáng cho kẻ thiếu lương tri, chuyên lừa tình để chiếm đoạt phụ nữ. Cái chết của cô gái Thổ khiến ta thấy băn khoăn về cách trả thù giữa con người với con người. Truyện Một truyện ghê gớm cũng khiến người đọc ghê sợ trước hành động tác oai tác quái của tên quan cao phẩm Mã Hồng và cách trả thù hết sức man rợ của Lý
Thạch “thủ cấp của ngươi ta đem tế cha ta, còn tính mạng vợ ngươi ta sẽ đem tế mẹ ta ngày nay ở dưới cửu tuyền vẫn đợi trông ta báo phục” (Một truyện ghê gớm – Thế Lữ). Con người Lý Thạch đã bị thù oán làm mất nhân tính. Lẽ nào cứ “oan oan tương báo”, con người chẳng lẽ sống để hận thù? Thế thì còn đâu là nhân tính, đạo đời. Tác phẩm Oan nghiệt của Tchya Đái Đức Tuấn cũng viết về mối thù giữa họ Vương và họ Hoàng. Bằng những yếu tố tâm linh, tác giả đưa người đọc vào một thế giới mà âm - dương không phân định. Trong thế giới ấy, sự thù oán là vòng dây oan trái thít chặt kiếp người. Vì Vương Tổng Đốc lạnh lùng vô cảm trước lời cầu xin khẩn thiết của mẹ và vợ Hoàng Sinh Mẫn. Vì thế mối thù hận đã ăn sâu vào lòng người vợ trẻ. Cuối cùng chính Liễu lại là kiếp sau của người vợ Hoàng Sinh Mẫn, vì trả oán quá tay nên kiếp này đầu thai vào nhà họ Vương để chịu bớt nỗi oan nghiệt ấy. Lời tuyệt bút của Liễu mãi là bài học về đạo làm người “Trời là đấng chí công chí minh, ta có ra ngoài cõi thế, nhìn vào phàm trần, mới trông thấy lắm điều chí lý mà khi làm người, ta không bao giờ tưởng tượng được” khiến người đọc suy tư về cách ứng xử trong cuộc đời “lấy oán báo oán; oán chất chồng; lấy đức báo oán; oán tiêu tan”. Như vậy, dù viết về cái xấu, cái ác, tác giả vẫn không tỏ ra đồng tình, cổ súy mà đó là cách phơi bày chúng để người đọc nhận ra lẽ phải và điều thiện. Trước cái ác cái xấu, con người biết sợ, biết lánh chẳng phải là sự trở về với chân – thiện- mĩ đó sao?
Bên cạnh những tác phẩm vạch trần cái xấu cái ác, những thiên truyện ca ngợi vẻ đẹp về nhân cách của con người cũng khá phổ biến trong truyện ngắn, tiểu thuyết 1932-1945. Đó là câu chuyện về những người dân lao động nghèo mà tràn đầy tình yêu thương nhân ái. Hành động của người dân xứ Quảng trước cái chết của một ông già mù cơ cực chính là sự sẻ chia, thương cảm “dân trong xóm thương tình, người ít kẻ nhiều dồn nhau mua cái hòm mới và chôn cất người kéo xe già tử tế” và “dân làng Quảng sốt sắng góp tiền rất nhiều (...) Lòng từ thiện đã qua sông”
(Am culy xe – Thanh Tịnh) nói lên nghĩa cử cao đẹp “nghĩa tử là nghĩa tận” và đạo lí ngàn đời của dân tộc “lá lành đùm lá rách”. Truyện ngắn Tình trong câu hát (Thanh Tịnh) là câu chuyện đậm chất kì ảo chứa đựng ân tình sâu nặng của đôi vợ
chồng yêu thương tha thiết nhưng âm dương cách biệt. Dù vậy tình vợ chồng vẫn keo sơn khi Đạt tìm về chốn cũ. Kỉ niệm ngày xưa với Liên lại ùa về trong tâm trí khi “chiếc thuyền trước chạy như bay thấp thoáng trong chiều sương trông như bóng nhạn” (Tình trong câu hát). Ẩn trong cái màn sương mờ ảo của cõi sống và cõi chết là câu chuyện ngợi ca tình nghĩa vợ chồng thủy chung son sắt.
Tóm lại, sử dụng những chi tiết hoang đường, kì lạ để truyền tải những thông điệp về cuộc sống. Dường như các tác giả mong muốn con người nhận thức và hành xử đúng đắn trong mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên; con người với con người trong xã hội và con người với chính bản thân để có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Từ những yếu tố tâm linh, mỗi tác phẩm là một bài học có giá trị giúp con người hoàn thiện nhân cách. Bởi sử gia Dương Trung Quốc cũng đồng ý là vào thời điểm này chúng ta không còn ở thời kỳ chủ nghĩa vô thần thô mộc nữa. Chúng ta tin rằng có đời sống tâm linh, nó là một phần giá trị của đời sống thực, nó giúp cho đời sống thực tốt hơn bằng những nguyên lý mang tính đạo đức. Yếu tố tâm