7. Bố cục của luận văn
3.3.3. Hệ thống nhân vật
Nhân vật trong tác phẩm là phương tiện phản ánh hiện thực vì “nhân vật văn học là hình thức khái quát đời sống” [57; tr282]. Thế giới nhân vật trong những truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam có yếu tố tâm linh giai đoạn 1932-1945 là thế giới của tiên thần, ma quỷ, con người khác thường (là con người có những đặc điểm khác người bình thường: hình dạng, lối sống, khả năng...), con người bình thường ... cùng đan xen tạo thành bức tranh đa diện nhiều màu sắc về hiện thực cuộc sống. Mỗi loại nhân vật luôn gởi gắm những thông điệp riêng về bản chất của con người. Trong số đó, các nhân vật mang dấu ấn tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945 chủ yếu là các nhân vật hồn ma, con người dị thường.
Xuất phát từ quan niệm con người có hai phần hồn và phần xác, khi chết đi hồn rời khỏi xác, xác có thể tan rửa và mất đi nhưng hồn còn tồn tại dười dạng hồn ma. Ma là linh hồn người chết, là thực thể tinh thần lẩn khuất nhưng rất gần với con người. Ma thường quay trở về cuộc sống ở chốn trần gian bởi chưa dứt nợ trần gian. Nhân vật hồn ma – người chết hiện về xuất hiện nhiều trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945 là hồn ma của những cô gái trẻ đẹp với những nét riêng lạ thường như hồn ma nàng Peng Slao “Thiếu nữ đi như không bước, thế mà nàng tiến lại mé đông người. Môi nàng đỏ thắm như hoa, cười một nụ cười say đắm. Hàm răng trắng nõn như ngà (...) đôi con mắt đen sáng như gương, dưới vành lông mày dài, vành cong bán nguyệt, chiếu ra một luồng quang tuyến kì dị” (Thần Hổ - Tchya Đái Đức Tuấn). Cũng vẻ đẹp ma quái, Hoàng Lan Hương đã làm say lòng chàng văn sĩ tên Tuấn vì “bàn tay nàng ta trắng nuột, nhỏ và dẻo một cách lạ (...) nước da trên mặt cũng trắng nuột (...) Khuôn mặt thanh tú ở giữa những đường cong nét uốn hòa đối và mĩ lệ lạ thường” Trại Bồ Tùng Linh – Thế Lữ). Hầu như các hồn ma nữ đều có vẻ đẹp kì lạ, hình như họ hiện thân cho cái đẹp tuyệt mĩ khó thấy trên trần thế. Dường như vẻ đẹp của họ thuộc về một thế giới khác ở đó cái đẹp
được thăng hoa. Đó là vẻ đẹp hoàn mĩ của nữ Thủy Thần trong Trăng xanh huyền hoặc của Hoàng Trọng Miên; vẻ đẹp thanh khiết như đóa hoa lan rừng của cô Sao trong Lan rừng của Nhất Linh; vẻ đẹp mê hoặc và giọng hát mê ly của nàng Oanh Cơ trong Ai hát giữa rừng khuya của Tchya Đái Đức Tuấn. Điều đáng nói là họ trở về cõi trần gian với mục đích được gặp người mình yêu thương để được âu yếm và ân ái. Cuộc gặp gỡ của họ với những chàng trai họ yêu thương là do duyên nợ tiền kiếp. Những hồn ma nữ thường là những trang tuyệt thế giai nhân, rất xinh đẹp, quyến rũ và mạnh mẽ, chủ động trong tình yêu. Những hồn ma ấy biết khát khao tình yêu và hạnh phúc lứa đôi nơi trần thế. Phải chăng đó là tiếng nói đấu tranh cho quyền tự do bình đẳng của người phụ nữ trong xã hội?
Trong tâm thức con người thường khi nhắc đến ma là người ta sợ hãi và lãng tránh. Bởi ma quỷ thường là thế lực đáng sơ vì chúng hay gây họa, quấy nhiễu cuộc sống con người. Thế nhưng những hồn ma trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945 đem lại cho người đọc những mĩ cảm khó phai mờ. Họ không những hiện hình thành những trang tuyệt thế giai nhân khiến con người cũng đắm say mà họ còn là hiện thân cho biết bao mảnh đời oan khuất đáng thương. Thật không khỏi xót xa khi ta hiểu được sự trở về của hồn ma hai anh em Lê Trọng Khôi và Lê Trọng Việt. Họ đã chết oan khuất và oan hồn họ tuy không siêu thoát nhưng họ hiện về chỉ để “trổ hết tài nghệ cho thỏa thích, cho bõ nhớ nhung cái thời oanh liệt chúng đã từng sống, mà không được sống tới cùng” (Ai hát giữa rừng khuya – Tchya Đái Đức Tuấn). Sự hiện về của hồn ma Ngọc Bách thật khiến ta thương cảm vì cô chỉ mong “nắm xương tàn được vùi sâu, chôn chặt” (Người con gái tỉnh Bắc – Phạm Cao Củng). Đáng thương hơn là hình hài của bọn ma trành và lũ ma rừng gợi biết bao suy ngẫm về thân phận con người trong kiếp nhân sinh khi lũ ma rừng hiện về với hành hài rách rưới “đứa nào cũng quần áo rách rưới hoặc trần như nhộng, trông người gầy gò đen đủi, xấu xí lắm” (Ai hát giữa rừng khuya – Tchya Đái Đức Tuấn). Đặc biệt là nhân vật ma trong Am Culy xe của Thanh Tịnh, đó là một ông gài mù kéo xe trong nhọc nhằn đói rét và chết cóng bên bờ sông. Nhưng hồn ma ông hiện về như để tiếp tục công việc của mình còn dang dở với đời. Vì thế,
đêm đêm, nhất là những đêm trăng, người ta vẫn thấy ông trở về với công việc kéo xe “Và giữa đêm mưa lạnh (...) còn nghe thấy cả tiếng nhạc xe trước cổng đình”
(Am Culy xe – Thanh Tịnh). Và không ai có thể quên được những hồn ma dân chài hiền hòa thân thiện, dẫu lìa xa cõi đời vẫn cứ vương vấn kiếm tìm hơi ấm tình người trong Chiều sương, Một trận bão cuối năm của Bùi Hiển với lời chào vĩnh biệt:
“Anh em gởi lời chào bà con cả. Anh em ở xa ghé về thăm nhà một tí, giừ đi đây”
(Một trận bão cuối năm – Bùi Hiển). Những bóng ma hiền lành như thế cứ mãi ám ảnh trong lòng người đọc không chỉ không làm họ sợ mà còn đọng lại nỗi xúc động khôn nguôi.
Bên cạnh nhân vật ma quỷ, truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932- 1945 mang dấu ân tâm linh trong cách xây dựng những nhân vật dị thường. Đây là sản phẩm của trí tưởng tượng phong phú của các nhà văn nhằm truy tìm tận cùng bản thể con người với những mặt đối lập vốn dĩ của nó. Nhân vật con người dị thường chính là ẩn dụ của các mặt đối lập: tốt – xấu; thiện – ác; cao thượng – thấp hèn; dục vọng – nhân tính... Đó là nhân vật Bát phẩm Lê (Bữa rượu máu – Nguyễn Tuân) với khả năng dị thường: chém đầu người theo lối treo ngành một cách sắc lạnh. Qua đó, tác giả muốn vẽ lên một hiện thực ghê người về cái trò quái dị của một bọn người vô nhân trong xã hội. Xây dựng nhân vật dị thường như Bố Ô (Rượu bệnh – Nguyễn Tuân) uống rượu thay cơm, sống bằng rượu và chết cũng bằng rượu. Nhân vật Đới Roi nghèo vẫn giữ cốt cách của người tài tử, thà chấp nhận cái chết chứ nhất định không bán rẻ nhân cách vì không muốn “buộc một quả chì vào đời người ta để rồi mà chịu ơn đời đời” (Đới Roi – Nguyễn Tuân). Nhân vật Bá Nhỡ (Tâm sự của nước độc – Nguyễn Tuân) sẵn sàng nhận “bản án tử hình”để cầm vào cây đàn kì quái tấu lên khúc nhạc hay nhất của nghiệp cầm ca. Nhân vật Thanh yêu sống yêu chết một bức tượng về “một thiếu nữ trẻ đẹp chừng hai nghìn tuổi, mà Thanh vẽ rồi yêu, tan ra vì khoái lạc trong lúc Thanh âu yếm” với niềm tin “Người xưa đã
yêu một pho tượng đá và pho tượng đã cảm động hóa ra người” (Người đẹp phương Đông – Hoàng Trọng Miên). Những nhân vật dị thường là hiện thân của những con người trong hành trình đi tìm cái tận chân, tận thiện, tận mĩ hoặc là sự
trãi nghiệm của con người với những cảm giác tận cùng từ miền sâu thẳm của tâm hồn.
Như vậy, yếu tố tâm linh đã chi phối cách xây dựng nhân vật trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945. Những nhân vật ấy là biểu tượng của cuộc sống muôn hình muôn vẻ và lung linh huyền ảo khó nắm bắt hết. Ngoài những điều hiện diện trong hiện thực cuộc sống còn có cả những điều khó nắm bắt hiện diện trong tâm hồn mỗi con người. Chính yếu tố tâm linh đã góp phần tạo nên những hình tượng nhân vật “kì” mà không “quái” trong văn học khiến cho thế giới tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945 nói riêng và văn học Việt Nam nói chung thêm phong phú và đặc sắc.