Nền văn hóa gốc nông nghiệp trồng lúa nước

Một phần của tài liệu văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam (1932 – 1945) (Trang 27 - 30)

7. Bố cục của luận văn

1.2.1. Nền văn hóa gốc nông nghiệp trồng lúa nước

- Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên:

Việt Nam là một đất nước có nền văn hóa gốc nông nghiệp trồng lúa nước. Ngay từ buổi đầu con người đã phải lệ thuộc vào tự nhiên. Thiên nhiên bí ẩn mà con người lại chưa đủ khả năng tìm hiểu. Vì thế hình thành tâm lí tôn sùng và thần thánh hóa tự nhiên. Bằng trí tưởng tượng của mình họ cho rằng mỗi hiện tượng tự nhiên đều có một vị thần chi phối và họ tôn sùng tất cả: trời, đất, nắng, mưa, sấm, sét... Đó là cơ sở hình thành tín ngưỡng đa thần.

Trong tín ngưỡng đa thần của người Việt, trời đất không những là vị thần quyết định đối với nghề nông mà còn là đấng tối cao linh thiêng định đoạt phúc họa, vận số, may rủi cho con người. Vì thế tục tế lễ trời đất với ý nghĩa cầu khẩn, cảm tạ đã trở nên phổ biến trong dân gian. Trong tâm thức dân gian trời là đấng tối cao ngự trị khắp mọi nơi, thấu hiểu mọi tình cảnh của con người. Trong những lúc khó khăn nhất, người ta nghĩ đến trời, khấn nguyện, van vái, thề nguyền... trước trời đất như một lối ứng xử thường nhật của con người nhằm tạo dựng cuộc sống tốt đẹp cho mỗi cá nhân.

Với khát vọng có cuộc sống bình yên, con người thời xưa luôn mong muốn hòa hợp với tự nhiên nên họ tỏ lòng tôn kính, thành tâm trước vạn vật. Họ tin rằng

“vạn vật hữu linh”. Nhận thức ấy đã trở thành phổ biến trong thời đại mà năng lực nhận thức thế giới của con người còn giới hạn. Đó là cội rễ của những hình thức thờ cúng cây cối, các con vật linh, núi, sông, đất đá...

- Tín ngưỡng sùng bái con người

Người Việt xưa cho rằng con người gồm thể xác và linh hồn. Khi chết hồn lìa khỏi xác và đi từ cõi dương gian đến cõi âm ty, cõi đó cũng được tưởng tượng như ở cõi dương gian. Vì thế, thờ cúng người chết đã trở thành truyền thống của dân tộc Việt. trong đó, thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng phổ biến, có vị trí quan trọng nhất trong đời sống tinh thần của người dân. Đây là một tín ngưỡng bản địa, có truyền thống liền mạch từ cảm thức thiêng liêng và tôn kính về duy trì nòi giống tổ tiên... Thờ cúng tổ tiên của cả nước song hành và gắn bó với thờ cúng tổ tiên từng gia đình, gia tộc.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là niềm tin rằng tổ tiên mình là thiêng liêng, dù đã đi vào cõi vĩnh hằng vẫn có mối liên hệ huyền bí và mạnh mẽ với con cháu, phù hộ và chỉ bảo họ tránh điều ác, giữ điều lành “người chết chỉ có thể yên ổn trong

phần mộ của mình hay trên bàn thờ nếu con cháu dâng cúng lễ vật theo nghi thức. Ngược lại, người sống chỉ sung sướng khi được bao bọc bởi ảnh hưởng tốt lành của người chết đang che chở họ một cách bí ẩn” [52; tr 66] Niềm tin về mối liên hệ thiêng liêng giữa người sống và người chết, giữa hiện tại và quá khứ đã trở thành triết lí sống của người Việt, thành đạo lí nền tảng của cuộc sống được thể hiện trong ca dao, tục ngữ: chim có tổ người có tông, sông có cội nước có nguồn... Thể hiện trong đời sống thường nhật là phong tục, tạp quán, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên “xét cái tục phụng sự tổ tiên của ta rất là thành kính, ấy cũng là một lòng bất vong bản; cũng là một việc nghĩa vụ của người” [52; tr 67]

Trong gia đình, ngoài thờ tổ tiên, người Việt Nam còn có tục thờ Thổ Công, một dạng của Mẹ Đất. Đây là vị thần trông coi gia cư, ngăn chặn tà thần, định đoạt phúc họa cho một gia đình. Sống ở đâu thì có Thổ Công ở đó: đất có Thổ Công,

sông có Hà Bá. Thổ Công định đoạt phúc họa cho cả nhà nên rất quan trọng phải được thờ cúng tôn kính.

Tín ngưỡng thờ thần của Việt Nam không chỉ đóng khung trong phạm vi gia đình. Ngoài các vị thần tại gia, còn có các thần linh chung của thôn, xã, quan trọng nhất là việc thờ thần Thành Hoàng - vị thần cai quản, che chở, định đoạt phúc họa cho dân làng. Thành Hoàng có thể là những vị có tên tuổi, tước vị rõ ràng, những vị có công lập ra làng xã, những anh hùng dân tộc liên quan đến làng được vua thừa nhận, ban sắc phong thần. Ngoài ra, còn có những Thành Hoàng vốn là những kẻ có “lí lịch” không hay ho gì như trẻ con, ăn mày, ăn trộm, người mù... Loại này bị gọi là tà thần. Sở dĩ họ được thờ làm Thành Hoàng là những người này, theo niềm tin của dân làng, chết vào giờ thiêng nên đã ra oai (gây dịch bệnh cho người, gia súc, gây hỏa hoạn ...) khiến cho dân nể sợ.

Trong phạm vi dân tộc, người Việt Nam thờ vua tổ - vua Hùng. Mảnh đất Phong Châu (Vĩnh Phú), nơi đóng đô của các vua Hùng khi xưa, trở thành đất tổ. Ngày 10-3 là ngày giỗ Tổ. Bên cạnh đó, người Việt Nam còn có một tín ngưỡng đặc biệt là tục thờ tứ bất tử (bốn người không chết): Tản Viên, Thánh Gióng, Chữ Đồng Tử và Liễu Hạnh. Tất cả tạo nên một giá trị văn hóa tinh thần rất đẹp của dân tộc, là tinh hoa chắt lọc qua suốt chiều dài lịch sử biểu tượng cho sức mạnh liên kết của cộng đồng để làm ruộng và đánh giặc, cho khát vọng xây dựng một cuộc sống vật chất phồn vinh và tinh thần hạnh phúc.

Đất nước, quê hương của người Việt là sản phẩm gắn bó máu thịt với con người, được trao truyền từ đời này qua đời khác. Con người sống với đất nước của mình bằng tất cả ý thức trách nhiệm và tình cảm, được vun đắp theo bề dày lịch sử, tạo thành tâm thức cộng đồng, thành cái thiêng liêng chi phối cách sống của họ. Bắt rễ từ ý thức trách nhiệm và tình cảm sâu nặng với mảnh đất và con người như vậy, cái thiêng của người Việt không tồn tại trong lời cầu nguyện một hạnh phúc mơ hồ, không tồn tại lơ lửng trong lời răn đe trừng phạt tội lỗi, không lưu truyền bằng ngôn ngữ hóc hiểm của kinh thánh hay các khái niệm mù mờ của thần học. Nó tồn tại trong đời sống thực tiễn cảm tính của con người và truyền tải từ thế hệ này sang thế

hệ khác bằng kinh nghiệm sống, bằng sự minh triết dân gian, bằng phong tục và lễ nghi, bằng cung cách ứng xử của con người với thiên nhiên và giữa con người với nhau.

Tìm hiểu văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932- 1945, chúng tôi tập trung khai thác yếu tố tâm linh trong tín ngưỡng dân gian. Những niềm tin tâm linh đã tồn tại qua bao biến thiên của lịch sử. Niềm tin ấy dẫu có lúc bị cho là duy tâm thần bí, mê tín dị đoan nhưng nó đã nhất thành bất biến trong tâm thức người Việt.

Một phần của tài liệu văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam (1932 – 1945) (Trang 27 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(168 trang)