Thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết có yếu tố tâm linh trong văn học Việt

Một phần của tài liệu văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam (1932 – 1945) (Trang 34 - 37)

7. Bố cục của luận văn

1.3.2. Thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết có yếu tố tâm linh trong văn học Việt

Sự xuất hiện các thể loại văn xuôi những năm 30 đầu thế kỷ XX như một sự bù lấp vào khoảng trống trong bức tranh toàn cảnh của văn học Việt Nam. Đó là những sản phẩm nghệ thuật phong phú, đa dạng đan xen nhiều khuynh hướng thẩm mĩ khác nhau từ kiểu dạng, đề tài đến kết cấu. Xét trên góc độ loại hình, đây là những tác phẩm tự sự được chia thành nhiều kiểu loại. Đặc biệt truyện ngắn, truyện dài (tiểu thuyết) là thể loại đã thành hình có nhiều cách tân đáng chú ý nhất.

Truyện ngắn có yếu tố tâm linh là những truyện chứa nhiều chất huyền bí, kì dị kiểu truyền kì của phương Đông xen lẫn những yếu tố kinh dị của phương Tây như truyện Người lạ, Ma thuồng luồng, Đôi vịt con, Người hoá hổ (Lan Khai), Một truyện ghê gớm,Tiếng hú ban đêm (Thế Lữ), Đỉnh non Tản (Nguyễn Tuân), Người

con gái của thần rắn (Cung Khanh). Truyện truyền kì, kinh dị có sự tiếp biến từ văn học dân gian và văn học trung đại Việt Nam mang đậm dấu ấn của văn học Trung Quốc và văn học phương Tây. Kiểu truyện đường rừng đặc sắc với những truyện ngắn mang nhiều yếu tố tâm linh của những cây bút như Thế Lữ, Lan Khai, Tchya Đái Đức Tuấn... Đó là sự kế thừa thành tựu từ những cây bút mở đường nền văn học quốc ngữ trên mảnh đất Nam kì như Biến Ngũ Nhy, Phú Đức, Lê Hoằng Mưu, Sơn Vương... Điều có thể thấy rõ rằng các tác phẩm có yếu tố tâm linh giai đoạn này không vay mượn nguyên mẫu rập khuôn và ngẫu nhiên mà có quá trình bắt nguồn từ ý thức chủ động học tập tư tưởng văn học Âu Tây để làm giàu văn học dân tộc của cả một thời đại. Chất duy lý khoa học phương Tây được quyện lẫn với tính chất huyền bí ma quái của Bồ Tùng Linh và cái kì ảo hoang đường của truyện truyền kì dân gian Việt Nam làm thành các tác phẩm văn học có yếu tố tâm linh trong truyện ngắn Việt Nam.

Tiểu thuyết có sự cách tân đổi mới, phá bỏ tính chất qui phạm của tiểu thuyết trung đại tiếp thu những yếu tố mới của tiểu thuyết phương Tây. Đáng chú ý là những tiểu thuyết mang yếu tố tâm linh đã thể hiện sự phức tạp trong tâm hồn con người. Những băn khoăn về đời sống hữu hạn vô thường vốn đã sinh ra từ nguồn

cội xa xưa của tư tưởng phương Đông. Ở đây, những vấn đề về nhân sinh, sự xa lạ với nhân gian, cảm thức về hiện sinh hữu hạn của con người, sự phi lý và bất khả tri trong đời sống được tập trung thể hiện trong tiểu thuyết như một tất yếu trong văn học của một giai đoạn đầy biến động nửa đầu thế kỷ XX.

Yếu tố tâm linh được nhà văn sử dụng ở đây như một phương tiện hướng tới những chân lý nghệ thuật nhằm giúp người nghệ sĩ phản ánh cái hiện thực vô hình của cuộc sống tự nhiên, đồng thời qua đó để thoả mãn nhu cầu thẩm mỹ của người thưởng thức. Bên cạnh truyện ngắn ta còn thấy xuất hiện một số tiểu thuyết như:

Vàng và máu, Tiếng hú hồn của mụ ké (Thế Lữ), Thần Hổ, Ai hát giữa rừng khuya

(Đái Đức Tuấn)… và đến Đoạn tuyệt (1934), Lạnh lùng (1936), Đôi bạn (1937),

Bướm trắng (1939)... Nhất Linh đã thực sự hiện đại hoá tiểu thuyết của chính mình và của văn đoàn. Bướm trắng của Nhất Linh là tiểu thuyết hiện đại, là thành tựu mới trong sự nghiệp văn chương của nhà văn. Tiểu thuyết đi sâu vào “thế giới bên trong” con người vô cùng biến động, cái ý thức và cái tiềm thức, cái vô lý và cái phi lý, giấc mơ, mê sảng, linh cảm... Tất cả được Nhất Linh miêu tả, phân tích một cách tinh vi. Nếu như trước đó với Tố Tâm, Hoàng Ngọc Phách đã miêu tả nhân vật có chiều sâu song mới chỉ dừng lại ở “tâm lý trên mặt phẳng” thì ở Bướm trắng của Nhất Linh là hành trình bên trong đầy bí ẩn của con người. Tiểu thuyết giai đoạn 1932-1945 đã hướng tới những nhân vật của đời sống thường ngày. Nhà văn không nhìn nhân vật với thái độ chiêm ngưỡng, sùng mộ hoặc khinh khi, xa lạ mà miêu tả nhân vật như tự nó vốn thế, vừa khách quan vừa thân mật, gần gũi. Nhân vật trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn có độ nhoè giữa nhân vật phản diện- chính diện, tốt- xấu, thiện- ác. Nhà văn có ý thức đi sâu vào phân tích tâm lý và thế giới bên trong của nhân vật. Các tiểu thuyết gia văn đoàn tự lực đã thành công trong nghệ thuật khám phá những cung bậc khác nhau của con người cá nhân, với kiểu nhân vật tự thức tỉnh. Nhưng do áp lực luận đề, nhân vật của tiểu thuyết lãng mạn chưa được cá thể hoá một cách sinh động và đầy đặn như nhân vật của nhà tiểu thuyết hiện thực: Tám Bính (Bỉ vỏ – Nguyên Hồng), Xuân tóc đỏ (Số đỏ – Vũ Trọng Phụng), Thứ (Sống mòn – Nam Cao).

Cũng giống như những truyện ngắn có yếu tố tâm linh, các tiểu thuyết này cũng mang yếu tố tâm linh đưa người đọc lạc vào thế giới thẳm sâu của tâm hồn con người đồng thời các tác giả khai thác những sinh hoạt tín ngưỡng, những phong tục tập quán, những nghi lễ... của con người trong đời sống thường nhật. Song tất cả những yếu tố đó không ngoài mục đích tạo ra những thành phẩm nghệ thuật mới lạ nhằm phản ánh trí tưởng tượng phong phú của nhà văn. Các câu chuyện ở đây có kết cấu theo nhiều mô thức về tình yêu, vận mệnh, hiện thực, phi hiện thực, ảo hoá… đã tạo được sự khác biệt so với các truyện cổ dân gian và những tác phẩm văn xuôi trung đại. Tiểu thuyết hiện đại có một nội dung dân tộc và liên tục gắn liền với truyền thống: tính lý tưởng, giáo dục quần chúng khi xã hội đã đô thị hóa, hiện đại hóa.

1.4. Cơ sở hình thành yếu tố tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam1932-1945

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kĩ thuật, nhân loại cũng cần đến một hình thái nhận thức thẩm mĩ, một loại hình văn học nghệ thuật giàu trí tưởng tượng để truy tìm thế giới bí ẩn bên trong tâm hồn con người. Bởi lẽ, con người khi sống trong một xã hội mà nhịp độ căng thẳng và sự xô bồ của nó có thể làm “tha hoá” và xơ cứng tâm hồn. Trong xã hội mà thân phận con người như con ong cái kiến và những tai vạ có cớ hoặc vô cớ sẵn sàng giáng xuống cho con người bất cứ lúc nào, con người cũng khó phân biệt thiện – ác; tốt – xấu. Từ đó, các nhà văn đã sử dụng yếu tố tâm linh trong sáng tác của mình để tạo ra thế giới ma quái hư ảo không hoàn toàn nhằm mục đích cuối cùng là hiệu ứng hoang mang trước sự rạn nứt của hiện thực mà chủ yếu là “phương tiện để chuyển tải tư tưởng, bài học nhân sinh, đạo lí của cuộc đời” [5; tr 415].

Yếu tố tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945 có chân đế từ văn hóa dân tộc. Nó góp phần khẳng định có một dòng văn học về tâm linh vẫn ngầm chảy trong tiến trình lịch sử văn học dân tộc. Tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết 1932-1945 có sự kế thừa yếu tố tâm linh trong văn học dân gian và văn học trung đại Việt Nam.

Một phần của tài liệu văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam (1932 – 1945) (Trang 34 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(168 trang)