7. Bố cục của luận văn
2.4.2. Bói toán, tướng thuật
Bói toán là hành động tiên đoán tương lai, vận mệnh cho ai đó. Do nhu cầu cuộc sống đòi hỏi con người phải tìm hiểu sự biến đổi của tự nhiên và sự ảnh hưởng của nó đối với đời sống của mỗi con người. Vì thế xuất hiện một số người chuyên đi tìm những điều bí ẩn đó. Mặc dù dân gian nói “thiên cơ bất khả lậu” nhưng trong cuộc sống, con người luôn mong biết được vận hạn của mình để tìm cách ứng xử trong những hoàn cảnh cụ thể, để hiểu thời cuộc, tiên tri tương lai. Từ đó xuất hiện các hình thức bói toán: tử vi, bói âm dương, tướng thuật...
Bói toán có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng khi du nhập vào Việt Nam, nó cũng được thay đổi thành nhiều hình thức nhằm phù hợp với đời sống tâm linh của người dân. Trong sách Phong tục tập quán các dân tộc Việt Nam có viết “Nước ta
tin việc quỉ thần, cho nên cũng theo cách Tàu mà chuộng việc bói toán. Bói cốt là đem việc mình mà hỏi quỉ thần, để quyết cái lòng mình ngờ vực, định cái sự mình hồ nghi” [58;tr714]. Vì người Việt Nam tin vào bói toán nên nó trở thành một hiện tượng phổ biến trong đời sống tâm linh của họ. Đó là lối bói tử vi xem vận hạn của Xuân Tóc Đỏ đã hiện qua lá số “Tuần triệt đương đầu kiếp không thân mệnh” ứng vào số bồ côi sớm của Xuân. Số Xuân có danh phận to về sau vì quẻ bói gieo “Khốc Hư tý ngọ cư quán, Tiếng tăm dậy khắp giang sơn” và “Từ năm nay trở đi đã mở
vận đấy”. Quả thật lời tiên đoán đã ứng nghiệm khi Xuân Tóc Đỏ đã liên tục thăng tiến bằng sự may mắn khó lí giải nổi. Bói toán là cách con người tìm đến trong những lúc con người không tự tìm được cách giải thích thỏa đáng, không tự mình quyết định được cảnh ngộ của mình. Vì thế trước sự thay đổi thất thường của chủ, thằng Dần đi xem bói “ ngài dạy cậu gặp vía âm, phải cúng ngay mới giải được hạn” (Trại Bồ Tùng Linh – Thế Lữ). Vợ Khoản xem bói “tôi còn nhớ nhời thầy bói bảo mình năm băm nhăm mới khấm khá”. Không biết lời thầy bói có thiêng hay không nhưng nó cũng giúp cho vợ chồng Khoản có thêm niềm tin, niềm hi vọng vào tương lai “chồng sung sướng tủm tỉm cười” và “đêm ấy, hai vợ chồng không nằm yên, cùng mơ tưởng đến cách làm giàu” (Con Trâu – Trần Tiêu). Bói toán khi du nhập vào Việt Nam, nó được người dân thay đổi để phù hợp với tâm lí và tín ngưỡng của dân tộc mình. Cô Ngọc tìm đến cách bói Kiều để biết vận mệnh và tiên tri tương lai với lời khấn “Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều, tên tôi là Hoàng Thị Ngọc, ở làng Vân Trình, thành tâm xin một quẻ” (Lều chõng – Ngô Tất Tố). Và những điều ứng trong những trang sách có vẻ rất phù hợp với vận hạn của cô. Tuy nhiên, bói toán cũng là cách cô Liệt lợi dụng để tìm ra thủ phạm giết chồng. Cô đã lấy kẻ bị tình nghi là giết chồng mình và sắp đặt dặn dò trước với cô thầy bói rồi “một hôm Liệt gọi một ông thầy bói vào xem. Cô thầy bói gieo quẻ”, nói “nhà này như có oan hồn lẩn khuất, phải lập đàn giải thoát không thì tai vạ”
(Giết chồng báo thù chồng – Nhất Linh). Bói toán là biểu hiện tâm linh của người Việt rất dễ trở thành mê tín dị đoan nếu gặp những thầy bói “buôn Thần bán Thánh lợi dụng lòng tin của người dân để trục lợi.
Tướng thuật là thông qua hình thể để đoán biết cát hung họa phúc của một con người. Sự quan sát hình thể nhằm mục đích vạch ra thiện ác về tính tình, sự thiện ác của tính tình là cơ sở của cát hung. Tướng thuật cho rằng mệnh người do thiên bẩm và biểu lộ ra ở hình thể. Tướng số xem tính mệnh lộ ra ở hình cốt, cát hung thể hiện ở khí mạo. Thuật tướng số xem xét vận mệnh mỗi người biểu lộ ra từ những dấu hiệu trên cơ thể như mặt mũi chân tay dáng vẻ, thần sắc... Chỉ cần nắm vững quy tắc vận động của hình thái, nhà tướng thuật có thể hiểu rõ và đưa ra
những thông tin về số mệnh. Trong con mắt nhà tướng thuật không có sự huyền bí mà chỉ do con người không hiểu được các “mật mã” chỉ thị số mệnh mà thôi. Đó là cách bói của ông thầy số khi nhìn bà Phó Đoan “tướng bà lớn tốt lớn, mười hai
cung chỉ đáng phàn nàn một cung. Bẩm ấy là cung phối hợp, nghĩa là cung chồng con. Gò má hơi cao” (Số Đỏ - Vũ Trọng Phụng). nhưng nhiều khi, thuật tướng số cũng khó lí giải khi tướng của vợ xã Bổng lẽ ra lắm con mới phải vì “vú nở và lưng hơi gù” vậy mà nàng “bảy tám năm giời mà chưa có con” (Con Trâu – Trần Tiêu).
Hình thức bói phong thủy của Đạo giáo cũng còn ảnh hưởng trong văn hóa người Việt. Vì tin vào ma quỉ thần thánh nên người Việt cho rằng núi sông cũng có hồn thiêng. Hồn thiên sông núi thể hiện ở thế đất hay còn gọi là long mạch. Long mạch là một dòng chảy chứa linh khí trời đất tích tụ trên núi cao và đi theo mạch núi, sông, suối, mạch nước ngầm. Vùng đất có long mạch là “mảnh đất tốt, quyết định vận mệnh con người” sẽ khiến tâm hồn con người thanh thản, yên bình, an vui... mọi vật sinh sôi, phát triển theo chiều hướng tốt đẹp. Thưở xưa, người ta tìm nơi có long mạch để táng cha mẹ, hay chính mình, để mong con cháu được “phát”. Nếu tham vọng cao hơn, người ta cũng tìm long mạch để xây cất, mong nghiệp đế vương được lâu dài. Quan niệm ấy được người dân Việt tiếp nhận qua thuật phong thủy. Điều ấy cũng được văn học phản ánh tuy không đậm nét. Đó là cái cách tìm long mạch của nhân vật Hải Vân để cho sinh phần của nhà Nghị Hách được tốt nhất. Niềm tin ấy còn hiện rõ qua lời của cụ già có cái “hành tung bí mật” về ba cành đa kì lạ “cây này sẽ có ba ngọn hướng về ba phương Đông, Tây và Nam. Mỗi ngọn ứng vào sự phát văn, phát võ và nền kinh tế trong làng”(Cây đa ba chạc – Đỗ Huy Nhiệm). Dù long mạch có thật liên quan đến vận mệnh con người hay không thì chưa có lời giải đáp nhưng niềm tin ấy là có thật trong đời sống tâm linh của người dân trở thành nếp nghĩ mang tính “đất lề quê thói” trong làng quê Việt. Vì thế việc đào ao của Khoản đã bị qui vào tội “động đến mả ông tam đại” của xã Cỏn. Lời lẽ của Lí Tảo thuyết phục các cụ trong làng bởi long mạch của nhà Lí Tảo
“thuộc vào kiểu địa lí tối can hệ với làng” (Ai phải – Trần Tiêu). Mỗi khi đào kênh lạch, “các cụ” trong làng rất coi trọng long mạch “khốn nỗi các cụ không dám cho
đào, sợ đứt long mạch, động đến làng, đến mồ mả nhà các cụ” (Con trâu – Trần Tiêu).
Như vậy, so với các yếu tố tâm linh khác, phép thuật, bói toán xuất hiện không nhiều trong các truyện ngắn, tiểu thuyết có yếu tố tâm linh giai đoạn 1932- 1945. Mặc dù bị cho là mê tín dị đoan nhưng hình thức tâm linh này cũng đã trở thành một niềm tin dai dẳng trong nếp nghĩ của bao người. Có lẽ, trong thực tế đời sống tâm linh phức tạp của con người ai cũng thầm hiểu điều không có thực đối với người này chưa hẳn là không có thực đối với người khác. Xưa nay người Việt ta vẫn có nếp cảm nếp nghĩ như vậy.