Yếu tố tâm linh – Khát vọng hạnh phúc

Một phần của tài liệu văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam (1932 – 1945) (Trang 123 - 130)

7. Bố cục của luận văn

3.2.2.Yếu tố tâm linh – Khát vọng hạnh phúc

Truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945 tồn tại và phát triển trong một xã hội có sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Đông – Tây. Văn hóa phương Tây như cơn lốc cuốn theo bao nhiêu giá trị đạo đức của văn hóa truyền thống. Trước những đổi thay của thời đại, những giá trị của văn hóa truyền thống bị cuốn đi như một cơn lốc, số phận con người cũng chao đảo trong cơn bão tố của văn minh phương Tây. Tuy nhiên những gì thuộc về phần thiêng liêng trong tâm hồn dân tộc Việt vẫn neo đậu vững bền qua thử thách của thời gian. Tâm linh có chân đế từ văn hóa dân tộc nên khó có thể mất đi trong mọi thời đại. Truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932- 1945 đã sử dụng yếu tố tâm linh như một chất liệu cần thiết để nói lên tiếng nói đấu tranh cho hạnh phúc cá nhân mỗi con người – đặc biệt là người phụ nữ. Nó làm lay động tâm hồn con người, hướng con người đến cuộc sống tốt đẹp với những ước mong và hi vọng về một hạnh phúc bền lâu.

Sử dụng yếu tố tâm linh, các nhà văn thường đi sâu vào khai thác chủ đề tình yêu đôi lứa, nỗi bất hạnh trong tình yêu của con người. Tình yêu và thân phận tình yêu là chủ đề được các nhà văn khai thác hết sức sâu sắc và cảm động bằng những truyện ngắn, tiểu thuyết đậm màu sắc tâm linh. Đó là cuộc tình của những con người mà trên hành trình kiếm tìm hạnh phúc, họ dám vượt qua những định kiến của lễ giáo và những ràng buộc của cuộc đời. Tình yêu của họ một lời tuyên bố đòi quyền sống chính đáng của con người. Những mối tình luôn ám ảnh da diết trong lòng người đọc là những mối tình của người và hồn ma. Tình yêu giữa người và hồn ma bao giờ cũng say đắm và ngọt ngào. Dường như họ tự tìm đến nhau theo tiếng gọi của con tim mà không hề có sự đắn đo suy tính của lí trí. Thật là một cuộc tình lãng mạn khi một anh chàng văn sĩ tên Tuấn gặp cô gái đẹp tuyệt trần Hoàng Lan Hương ở chốn Liêu Trai. Ngay khi biết nàng là một oan hồn, Tuấn cũng không thể rời bỏ và quên được nàng. Không đến được với nàng, chàng coi như “đàn bà, đối với Tuấn, không ai có nhan sắc nữa” (Trại Bồ Tùng Linh – Thế Lữ). Dù cuộc tình của họ đậm màu sắc ma mị nhưng đó là tình yêu thiêng liêng đáng được trân trọng, cảm thông. Trong tác phẩm Thần hổ của Tchya Đái Đức Tuấn là câu chuyện tình yêu tha thiết và thủy chung của nàng Peng Slao và Đèo Lầm Khẳng. Dường như họ có duyên tiền định với nhau nhưng khi sống họ không được ở bên nhau cùng hưởng hạnh phúc lứa đôi. Vì thế, dẫu chết đi Peng Slao vẫn một lòng yêu thương và chung thủy với người mình yêu. Hồn ma của Peng Slao đã dẫn lối để người mình thương cùng đến với mình để hưởng thú ái ân. Cuộc ân ái cuồng si giữa một người trần và một hồn ma khiến ta suy ngẫm. Dường như cái tình của ma còn say đắm nồng nàn hơn cả tình người. Và dẫu là ma thì khao khát hạnh phúc lứa đôi vẫn là những khát khao nóng bỏng nhất. Chàng và nàng dường như không còn ranh giới âm dương trong nồng nàn ân ái “Chàng không thấy lạnh lẽo nữa, dẫu rằng ngủ không chăn, không đệm. Nàng yêu đương chàng một cách nồng nàn thân thiết, vuốt ve chàng và lên giọng nỉ non hát ru cho chàng ngủ, khiến hồn chàng phút chốc như chia ra tan tác, như bay bổng lên một tầng thế giới xa xăm. Gối lên cánh tay ngà ngọc của người yêu, chàng thiu thiu buồn ngủ” (Thần hổ - Tchya Đái Đức Tuấn). Nỗi khát

khao tình yêu của những hồn ma chính là ước vọng thầm kín của mỗi con người về một tình yêu thiêng liêng cao đẹp vượt lên mọi giới hạn vật chất tầm thường như lời bày tỏ chân thật của Xuân Diệu:

“Kẻ đa tình không cần đủ thịt da Khi chết rồi thì tôi sẽ yêu ma”

(Đa tình – Xuân Diệu) Sử dụng yếu tố tâm linh, các tác giả đã xây dựng những mối tình bất tử. Đó là thiên tình sử của nàng Dun Phăn và chàng Mai Kham. Họ đã yêu nhau bằng thứ tình cảm trong sáng và chân thành của đôi trai gái miền sơn cước. Tình yêu của họ đẹp như nụ hoa chớm nở. Mỗi giây phút được sống bên nhau đối với họ thật là hạnh phúc không gì sánh nổi “sự yêu thương như chìm đắm cả hai linh hồn, một sự yêu thương nồng nàn thấm thía đến nỗi cả hai người như quên hẳn sự đam mê nhục thể, xoắn xuýt lấy nhau và yên lặng rất lâu trong cái yên lạnh của đêm thanh” (Rừng khuya – Lan Khai). Thế nhưng tình yêu ấy đã bị lòng hiềm khích đố kị của con người chia cắt. Họ đã cùng chết bên nhau như một hành động quyết liệt để chống lại quyền lực và tiền tài. Dường như đối với họ trong tình yêu không có chỗ cho những thứ cám dỗ tầm thường ấy. Chi tiết mang đậm yếu tố tâm linh trong tác phẩm đã chắp thêm đôi cánh thiên thần cho tình yêu chung thủy lứa đôi “từ đấy, trong rừng khuya người ta bắt đầu nghe có tiếng chim ai oán gọi đàn (...) người ta bảo đó là oan hồn của đôi tình nhân xấu số đã hóa đôi chim để nghìn muôn năm ca khúc hận tình dưới trời đêm lạnh” (Rừng khuya – Lan Khai). Mối tình của chàng trai tên Thế và Người con gái tên Trăng cũng khiến ta cảm động vô cùng. Hai người yêu nhau tha thiết nhưng vấp phải rào cản của gia đình. Trở lực ấy khiến bao mối tình tan vỡ thương tâm và ít có ai đủ sức vượt qua. Trăng đã chết một cách đột ngột và dường như chỉ có hai trái tim yêu thương nhau thật sự mới có cùng nhịp đập. Trước cái chết bất thường của người yêu, Thế có linh cảm lạ và theo sự mách bảo của linh cảm, chàng đã kịp cứu người yêu. Đó là tiếng nói ca ngợi tình yêu chung thủy và sự đột phá vào thành trì của lễ giáo phong khiến với sự ràng buộc của những định kiến lạc hậu, lỗi thời.

Tình yêu và hạnh phúc vốn là nỗi khát khao chính đáng, một quyền sống cần được trân trọng của con người. Tuy nhiên để hiểu được giá trị của tình yêu đích thực con người phải trăn trở, suy tư và tìm kiếm đến tận cùng ý nghĩa thiêng liêng của nó. Nó là một tình cảm thiêng liêng, một lẽ sống cao đẹp không thể thiếu của con người. Và tình yêu mãi mãi không thể cắt nghĩa. Vì thế xây dựng một câu chuyện mang dáng dấp truyện cổ, tác giả Cung Khanh đã xây dựng một mối tình đẹp huyền ảo giữa thần Rắn (hóa thành trang thanh niên tuấn tú) và hoa Anh Đào (hóa thành trang tuyệt thế giai nhân). Họ yêu say đắm và tình yêu đã đơm hoa kết trái khi nàng hạ sinh một người con gái xinh đẹp. Nàng được cha dạy “nếu con muốn giữ vẹn toàn đức tính, con phải xa lánh tình yêu đi”(Người con gái thần Rắn – Cung Khanh). Từ đó, người con gái thần Rắn thù hận ái tình và đi tìm ái tình để tiêu diệt. Thế nhưng, chính nàng cũng bị ái tình cám dỗ và cũng chết khi hạ sinh một đứa con của ái tình. Cái chết của nàng thật ngây ngô khi một con người đắm say ái tình nhưng bị khuôn chặt vào một định kiến khô cứng. Ẩn sau câu chuyện hoang đường ấy, ta cảm nhận một thông điệp về sự tồn tại vĩnh hằng của tình yêu.

Mô tip hồn ma được sử dụng trong các tác phẩm thường gắn với số phận những người phụ nữ có trẻ đẹp như : nàng Oanh Cơ (Ai hát giữa rừng khuya - Tchya – Đái Đức Tuấn), Peng Slao (Thần hổ - Tchya – Đái Đức Tuấn), Sao (Lan rừng – Nhất Linh), Người đàn bà (Người đàn bà trong trắng – Hoàng Trọng Miên), Người đẹp phương Đông (Người đẹp phương Đông - Hoàng Trọng Miên), Hoàng Lan Hương (Trại Bồ Tùng Linh – Thế Lữ), Ngọc Bách (Người con gái tỉnh Bắc – Phạm Cao Củng)... Họ là những người phụ nữ trẻ đẹp là hiện thân cho cái đẹp mang thiên tính nữ với những mong ước về tình yêu, hạnh phúc. Dưới ngòi bút của nhà văn, người phụ nữ được chiêm ngưỡng bằng đôi mắt nghệ thuật. Họ là những kiệt tác nghệ thuật về cái đẹp “tuyệt mĩ” chỉ tìm thấy trong cõi tâm linh của con người. Đó là vẻ đẹp của nàng Peng Slao “nàng là một thiếu nữ Mường, nhưng là một thiếu nữ Mường tuyệt sắc (...) Môi nàng đỏ thắm như hoa, cười một nụ cười say đắm. Hàm răng trắng nõn như ngà (...), đôi con mắt đen sáng như gương, dưới vành lông mày dài, phăn, vành cong bán nguyệt” (Thần hổ - Tchya – Đái Đức Tuấn); nàng

Oanh Cơ là người lạ thường “là một công trình tuyệt mĩ tuyệt xảo của Hóa công, gồm cả thanh âm lẫn nhan sắc. Đó là người đàn bà độc nhất vô nhị trong một thời, mà cứ khoảng trong năm sáu trăm năm, mới được gặp một lần trên cõi phàm tục” với vẻ đẹp hoàn mĩ như “một pho tượng ngọc ngà vô giá, tóc đen đen nháy dài chấm gót, da trắng trắng hồng mịn như lụa, ngực nở mông cong, lưng thon vai nhỏ càng trông càng đắm càng ngắm càng duyên” (Ai hát giữa rừng khuya - Tchya – Đái Đức Tuấn). Hoàng Lan Hương có nét đẹp “khuôn mặt tuyệt mĩ với nước da trắng, và từng nét môi, từng vòng mi, từng vành tai nhỏ và nhất là đôi mắt đen láy lóng lánh sáng và yên lặng một vẻ dị thường” (Trại Bồ Tùng Linh – Thế Lữ ); vẻ đẹp của Nữ Thủy Thần thật sự như một tuyệt tác của hóa công “đôi mắt xanh biếc

với làn mi dài uốn cong (...) suối tóc xanh mượt tuôn chảy trên một thân hình lồ lộ, da thịt xanh màu ngọc thạch để nổi những làn gân nhạt, và hai vú tròn trĩnh, trinh, bạch ngon lành như trái cây tươi” (Trăng xanh huyền hoặc – Hoàng Trọng Miên). Mỗi người mang một vẻ đẹp khác nhau nhưng ở họ luôn ẩn chứa những khao khát tình yêu và hạnh phúc trần thế. Dù là hồn ma nhưng sự hiện diện của họ trên cõi trần là để mưu cầu hạnh phúc lứa đôi. Đó là những khát khao chính đáng của người phụ nữ mà những nhà văn vô cùng trân trọng. Chính vì thế miêu tả những giây đam mê trong tình yêu được nhà văn khắc họa rất thật và tinh tế. Đó là những giây phút

“Chàng quỳ xuống, nắm lấy bàn tay xinh đẹp in mấy làn gân xanh nhạt, nàng để yên cho Thanh. Chàng ấp vào bàn tay nàng, ngẩng đầu lên nhìn rồi ngả mình vào lòng nàng, nhắm mắt hôn lên má, môi, cổ, làn ngực trắng nõn nà” (Người đẹp phương Đông – Hoàng Trọng Miên). Hay “Nàng yêu đương chàng một cách nồng

nàn thân thiết, vuốt ve chàng và lên giọng nỉ non hát ru cho chàng ngủ, khiến hồn chàng phút chốc như chia ra tan tác, như bay bổng lên một tầng thế giới xa xăm. Gối lên cánh tay ngà ngọc của người yêu, chàng thiu thiu buồn ngủ” (Thần hổ - Tchya Đái Đức Tuấn) hoặc “Tuấn ôm bên mình một mỹ nhân nhu mì, thuần thục nhưng nồng nàn xiết bao! Anh cuối xuống dần. Đôi mắt kia dìu Tuấn vào một bể sôi nổi (..) Tuấn âu yếm bước xa dần ánh đèn trên bàn viết, bên vai trĩu một sức nặng bàm víu lả lơi. Nàng ngoan ngoãn như trẻ thơ, bước chân nhẹ nhàng và ân ái theo

Tuấn” (Trại Bồ Tùng Linh – Thế Lữ). Có thể nói tiếng nói đam mê ấy cất lên từ sâu thẳm trong đời sống tình cảm của người phụ nữ trong thời hiện đại. Phải chăng đây chính là khởi nguồn cho dòng văn học giải phóng tình yêu hạnh phúc.

Nhìn chung các tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945 sử dụng yếu tố tâm linh không chỉ để khai thác, khám phá những mặt trái của lễ giáo phong kiến, những định kiến lạc hậu của xã hội khiến con người phải chịu nhiều bất hạnh – đặc biệt là bất hạnh trong tình yêu mà còn giúp cho các tác giả khai thác thấu triệt những khát khao tình yêu và hạnh phúc lứa đôi của con người trong cuộc sống hiện đại. Đồng thời qua những tác phẩm, tác giả thể hiện cái nhìn bao dung độ lượng đối với những con người sống thật với chính mình, tự do kiếm tìm hạnh phúc. Đó cũng là niềm tin bất diệt vào sự chiến thắng cuối cùng của sức mạnh tình yêu và trân trọng khát vọng hạnh phúc lứa đôi của con người.

Khám phá về khát vọng hạnh phúc của con người trong cuộc sống đời thường, các tác giả còn đề cập đến thân phận của những người lao động đáng thương trong cuộc đời. Đó là mảnh đời bé mọn lẻ loi trơ trọi của người đàn bà bị phụ tình (Tiếng hú ban đêm – Thế Lữ); là thân phận của những người lao động nghèo vì cuộc sống mưu sinh phải ngậm ngải tìm trầm cho đến ngày hóa hổ (Ngậm ngải tìm trầm – Thanh Tịnh); là câu chuyện về những người dân chài miền biển cả cuộc đời sống và chết lặng lẽ âm thầm với sóng gió của biển khơi (Một trận bão cuối năm, Chiều Sương – Bùi Hiển). Yếu tố tâm linh trong truyện ngắn 1932-1945 đi sâu vào tâm hồn con người, khám phá những miền cõi sâu thẳm nhất. Đó là nỗi buồn cô đơn của con người trong cuộc đời khiến con người không khỏi băn khoăn

“Trời ơi, cuộc đời con người ta sống giữa thiên nhiên mà sao gieo neo, đơn độc, luôn luôn bị những bệnh lão, chứng lo sợ nó giày vò.” “nắng làm khô cạn cả ngòi lạch, vàng úa cả hoa màu; mưa lớn tràn ngập cả đồng áng, lở sụt cả núi non; bão táp vặn đổ cả cây cối, xiêu vẹo cả nhà cửa; sấm chớp làm ù tai, hoa mắt, chết người, cháy rừng, hết thảy được anh coi như những vật có linh hồn, có cảm giác, rất huyền bí, rất hung tàn, đáng cho loài người phải kinh khiếp. Ngoài ra thì nào hùm gấu, sài lang, rắn rết, đỉa vắt là những kẻ thù hàng ngày người ta phải đối địch

để giữ lấy sinh mệnh của mình. Sau cùng đến cỏ rả, lau sậy thường lấn hiếp hoa màu, luôn luôn định phá hoại những công cuộc mồ hôi nước mắt của người ta. Cả đến những cây to trong rừng, mỗi khi chém gần đổ, cũng biết rền rĩ lên để nguyền rủa kẻ vác rìu đẵn gốc” (Người hóa hổ - Lan Khai). Đó cũng là mảnh đời cô độc của người đàn bà nghèo khổ “chị ta nhìn thiên nhiên mà thở dài. Rồi, nỗi lòng nao nao, chị chàng khẽ cất tiếng hát. Cái giọng hát mới buồn làm sao!” (Con Thuồng Luồng nhà họ Ma). Sự xuất hiện của con Cuổng “vật trả ơn” cũng chỉ đem cho người đàn bà “thoáng một nụ cười” rồi lại “quay về với những nỗi nhọc nhằn lận đận” (Con Thuồng Luồng nhà họ Ma). Đối với những con người như thế khát vọng hạnh phúc vẫn mãi là tiếng vẫy gọi thiêng liêng nhất, là cái đích mà họ mãi vươn tới trong kiếp hiện sinh và cả kiếp lai sinh.

Nhìn chung yếu tố tâm linh xuất hiện trong truyện ngắn, tiểu thuyết 1932- 1945 đã góp phần khám phá thế giới tâm hồn đa chiều và con người tâm linh. Đó là nỗi trăn trở về tình yêu, hạnh phúc; cảm thức cô đơn, số phận mỏng manh và khát vọng về hạnh phúc của con người trong cuộc đời. Đó cũng là những vấn đề muôn thuở để con người nhận thức và suy ngẫm.

Tóm lại: Dường như khi nền văn minh nông nghiệp hiền hòa đang bị thời đại cơ khí làm xáo trộn, con người không tìm thấy sự bình yên và hạnh phúc trong cuộc sống nên họ tìm về cõi tâm linh để gửi gắm khát vọng, niềm tin. Những giấc mộng, lời thề nguyện, việc cúng tế, khấn nguyện... như giúp họ có được thế cân bằng trong cuộc sống để vơi đi những lo âu, phiền muộn. Niềm tin thiêng liêng sẽ cho con người có thêm sức mạnh hướng đến cái tuyệt đích, thỏa mãn khát vọng hạnh phúc. Tâm linh là nguồn mạch của nền văn hóa Việt Nam. Văn hóa tâm linh để lại biết bao giá trị văn hóa vật chất và tinh thần, là phần hồn dân tộcViệt.

3.3. Yếu tố tâm linh – Giá trị nghệ thuật đặc sắc của truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945

Một phần của tài liệu văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam (1932 – 1945) (Trang 123 - 130)