Tâm vốn không, cảnh vốn lặng, nhưng do con người cứ mải quen theo sự “chấp nhân thủ ngã” khiến cho cảnh và tâm đều thành xao động. Thế nên, con đường Thiền học theo yếu chỉ “phản quan tự kỷ”, “phản văn tự tính” chính là con đường “vô tâm đối cảnh” để thật sự sống với con người thật của mình giữa cuộc đời duyên sinh giả hợp.
Bài thơ Đạo ý của đại thi hào Nguyễn Du cho chúng ta thấy bản chất tịch tịnh của cảnh và không rỗng của tâm:
Minh nguyệt chiếu cổ tỉnh, Tỉnh thủy vô ba đào.
Bất bị nhân khiên chỉ, Thử tâm chung bất dao. Tụng bị nhân khiên chỉ, Nhất dao hoàn phục chỉ. Trạm trạm nhất phiến tâm, Minh nguyệt cổ tỉnh thủy.
(Trăng sáng soi giếng cổ, Nước giếng không gợn sóng. Không bị người khuấy động, Lòng này vốn lặng yên. Ví bị người khuấy động, Động rồi lại như thường. Vằng vặc bầu tâm sáng,
Giếng cổ, nguyệt ngời gương)
Trăng sáng là tâm, giếng nước thanh trong không gợn sóng là cảnh. Tâm vốn không, cảnh vốn lặng. Sở dĩ “cảnh có vui đâu” là do lòng “người buồn” và sở dĩ lòng người “đau đớn” là do xúc động trước “những điều trông thấy” giữa cuộc bể dâu. Nhưng khi tâm đã yên thì phiền não kia cũng đoạn. Chính Nguyễn Du cũng đã có lần tự mình xác nhận:
Diệp lạc hoa khai nhãn tiền sự Tứ thời tâm kính tự như như.
(Chuyện trước mắt đổi thay như hoa nở lá rụng Quanh năm tâm hồn vẫn thản nhiên như không)
Đạt được tâm không như thế thì dẫu vật đổi sao dời, lòng người vẫn không quản ngại:
Đản tự vô tâm ư vạn vật
Hà phương vạn vật thường vi nhiễu.
(Chỉ giữ vô tâm cùng vạn vật Ngại gì vạn vật phủ vây mình)
“Đối cảnh vô tâm” có nghĩa là khi lục căn tiếp xúc với lục trần mà tâm không khởi tham, sân, si, ưu, bi, khổ, não. Đối với ngoại cảnh, dù đẹp xấu, thuận nghịch,… tâm mình đều không dấy động. Đó là căn cốt của Thiền, chính là “vô tâm Thiền”:
Bên ngoài xa lìa các tướng tức là Thiền. Bên trong không loạn tức là Định.
Nội Thiền, ngoại Định nên gọi là Thiền Định.
Nói cách khác, “vô tâm đối cảnh”, tức là trước mọi biến dịch bên ngoài, tâm hoàn toàn an nhiên, dứt trừ mọi vọng niệm, từ bỏ tham sân si để “kiến tính thành Phật”.
Trần Nhân Tông ý thức được tính chất vô thường của thời gian trần thế, ý thức được sự hữu hạn của đời người không phải để tiếc nuối, khổ đau trước chuyện thịnh - suy, được - mất; không phải để mang nặng trong lòng “nỗi buồn quán trọ trần gian”. Trái lại, nhận ra quy luật là để chấp nhận quy luật và vượt lên trên quy luật, đạt đến cảnh giới cao nhất của sự giác ngộ. Con người ấy thời trẻ chưa hiểu lẽ “sắc không”, có lúc lầm tưởng vạn sự thế gian là vĩnh hằng, bất biến nên thường “gửi lòng nơi trăm hoa”, để tâm hồn xao động trước những biến dịch từ ngoại cảnh. Đến khi đủ trải nghiệm để nhận ra “diện mạo của chúa xuân” thì tâm hồn trở nên an lạc, tĩnh tại:
Niên thiếu hà tằng liễu sắc không Nhất xuân tâm tại bách hoa trung Như khim khám phá đông hoàng diện Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.
(Thời trẻ đâu biết được lẽ sắc không Xuân đến để lòng trong trăm hoa
Đến nay đã khám phá ra được diện mạo của chúa xuân Ngồi trên tấm bồ đoàn giữa thiền bản ngắm cánh hồng rụng)
(Xuân vãn – Cuối xuân)
Bài thơ thể hiện phút giây con người phản tỉnh, tự vấn, tự xét, nhận ra mê - ngộ, đúng - sai, từ đó có những điều chỉnh trong suy nghĩ và hành động. Với trí tuệ thâm viễn và tầm nhìn xa rộng, Trần Nhân Tông không ngừng chiêm nghiệm khiến nhận thức liên tục vận động và thay đổi qua thời gian. Con người lúc “bất tri kiến” thì đối cảnh sinh tình, tâm động theo cảnh, hoa nở thì mừng vui, hoa tàn thì nuối tiếc. Con người sau khi đã “tri kiến” thì “đối cảnh vô tâm” hay “đối cảnh kiến chân như”, tìm thấy chân lí ngay trong cái động của ngoại cảnh. Nhận xét về bài thơ Xuân vãn, Nguyễn Hữu Sơn cho rằng: “vẫn là cảnh xuân,
vẫn là trăm hoa năm nào đấy thôi nhưng dường như bây giờ nhà thơ mới nhận diện được bản chất của sự sống. Đó là sự trả giá bằng cả thời gian đời người, bằng sự nghiệm sinh trong cuộc sống, sự thức tỉnh và thức nhận bản chất lẽ sinh - tử, còn - mất, hữu - vô”. [44].
Bài Xuân cảnh (Cảnh xuân) cũng thể hiện tinh thần “đối cảnh kiến chân như” này:
Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì, Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi. Khách lai bất vấn nhân gian sự, Chỉ bạng lan can khán thúy vi.
(Bờ liễu hoa dầy, thỉnh thoảng có tiếng chim hót, Nhà vẽ, bóng thềm, chòm mây chiều bay.
Khách tới không hỏi thăm chuyện nhân gian, Chỉ cùng nhau tựa lan can ngắm nhìn trời xanh)
Khách đến chẳng cần hỏi thăm chuyện nhân gian làm gì. Hoa cứ nở, chim cứ hót, mây cứ bay, khách cứ đến. Chủ khách không nói chuyện nhân gian vì đã không còn cho chuyện vui là vui, chuyện buồn là buồn nữa. Chỉ cùng nhau ngắm nhìn bầu trời xanh thẳm. Trong cái im lặng thấy cái chân lí của tồn tại. Nếu tâm ta thanh tĩnh thinh không thì chân thể của tồn tại, thế giới bản thể hiện ra trước mắt. Không cần đi đâu xa, vẫn đứng giữa cuộc đời, vẫn nghe thấy tiếng chim hót, vẫn thấy mây bay, nhưng giữa thực tại của thế giới cảm tính thanh tĩnh mà cảm nhận về thế giới bản thể. Đó là “đối cảnh kiến chân như”, đó là “đối cảnh vô tâm”. Muốn đạt tới điều này phải qua quá trình tu Thiền và rèn luyện, nhưng rèn luyện không phải bằng đọc kinh, bằng miệt mài tọa thiền như Phật gia truyền thống mà bằng quan sát, tiếp xúc với thế giới cảm tính để thể nghiệm và nhận thức “tự tính”.
Cảm giác bình thản của tâm hồn người khi đã hiểu lẽ “sắc không” một lần nữa được Trần Nhân Tông diễn tả trong một bài thơ khác:
Thị phi niệm trục triêu hoa lạc, Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn. Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch, Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn.
(Niệm phải trái rụng theo hoa buổi sớm, Tâm lợi danh lạnh cùng trận mưa đêm. Hoa tàn, mưa tạnh, non im vắng,
Một tiếng chim kêu báo xuân tàn)
Cái tâm được nhắc đến ở đây là “tâm không vọng động’’, cái tâm đã loại bỏ thị phi, họa phúc; trở nên vô đoan, vô cầu, vô ngại và không còn bị thế giới ngoại vật chi phối.
Bằng chiều sâu của lý trí và sự mẫn tiệp của tư duy, Trần Nhân Tông không ngừng suy ngẫm để giác ngộ chân lý, để ý thức được rằng đời người như mây nổi, phú quý chỉ là giấc chiêm bao:
Ai ai xá cốc,
Bằng huyễn chiêm bao; Xảy tỉnh giấc hòe, Châu rơi lã chã. Cốc hay thân huyễn, Chẳng khác phù vân, Vạn sự giai không, Tựa đường bọt bể. Đem mình náu tới, Cảnh vắng ngàn kia
(Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca) Đoạn ca xuất hiện một con người với hai thái độ ứng xử khác nhau của nhận thức. Con người ấy khi chưa hiểu rõ quy luật thì cảm thấy xót xa, buồn bã trước cái hư ảo của cuộc đời. Để rồi trong giây phút “chợt tỉnh
giấc hòe’’, cảm thấy trống rỗng mà “châu rơi lã chã’’. Nhưng khi đã nhận
ra quy luật “vạn sự giai không / tựa đường bọt bể’’ thì tâm trạng trở nên thanh thản, an nhiên tự tại nhìn sự vật vần xoay.
Trần Nhân Tông nói tới “cư trần lạc đạo” trên cơ sở nền tảng Phật học vững chắc, một quá trình tu luyện công phu, nội lực mạnh mẽ và trí tuệ thượng thặng. Cũng có thể dùng lời ngợi ca Tuệ Trung Thượng sĩ để nói về
ông: “Pháp hải độc nhãn; Thiền lâm tam giác (Biển pháp một ngươi / Rừng Thiền ba phía).
Có thể nhận thấy dấu ấn triết lý của Mạnh Tử, triết lý về “đạo” của Lão Tử cũng như triết lý của Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng sĩ trong tư tưởng của Trần Nhân Tông. Song, những triết lý huyền vi ấy được ông tiếp thu một cách sáng tạo để phù hợp với văn hóa - tín ngưỡng dân gian Đại Việt. Trước hết, nó đã giải quyết được những yêu cầu đang đặt ra cho Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ, nhu cầu thế tục hóa Thiền. Mặt khác, những triết lý trong dân gian cũng được ông Thiền hóa để mang những nét tính cách tiêu biểu cho văn hóa thời Trần, một nét văn hóa đọng lại sâu đậm trong hầu hết các loại hình văn hóa - văn nghệ mà thơ văn, nghệ thuật Lý - Trần là những minh chứng xác thực cho nó. Việc xử lý mối quan hệ giữa tri Thiền và hành Thiền, đạo pháp và đạo đời trong nhân cách Trần Nhân Tông là hài hòa và nhất quán lúc bấy giờ. Có lẽ vì thế, hình ảnh về một đức vua - Thiền sư Trúc Lâm được phần đông nhân dân ái mộ, tin yêu. Người Việt rất coi trọng đời sống tâm linh, sinh hoạt tinh thần, hướng thiện, hòa mục. Do đó, có thể nói triết lý Trần Nhân Tông đã sáp hợp được một cách tài tình việc đề cao, nâng tầm cho cái tâm con người trong việc làm chủ thể xác, quán xuyến ngoại giới một cách siêu nghiệm của Thiền học với triết lý sống giản dị, hướng thiện của dân tộc. Đây có lẽ là đóng góp quan trọng nhất của Trần Nhân Tông vào triết lý nhân sinh của người Việt.