Là một Thiền sư nhưng đồng thời lại mang bản chất thi sĩ nên tâm hồn Huyền Quang như “cửa mở tận tầng mây” (“Môn khai vân thượng tầng” –
Yên Tử sơn am cư). Cho nên, đến với thơ ca của ông là tiếp xúc với thế giới
thiên nhiên vừa rộng rãi, khoáng đạt vừa trong trẻo, trầm lặng. Đó là mây núi mênh mông cô tịch, mùa thu trầm mặc đầy cảm xúc, không gian sông nước, bóng trăng, giang hồ tiêu dao,… Thiên nhiên với vô vàn biểu hiện là nơi Huyền Quang tự do đi về với tâm thái an nhiên tự tại và niềm say mê cái đẹp.
Trong mấy chục năm xuất gia đầu Phật, Huyền Quang đều dành phần lớn thời gian tu hành tại chùa Vân Yên trên non cao Yên Tử. Có thể nói không gian núi mây Yên Tử - không gian của tâm Thiền, an nhiên và tịch liêu, là nơi chốn yêu thích của Huyền Quang. Về với không gian thiên nhiên núi mây chính là trở về với người bạn tri kỷ tâm giao, trở về với
người bạn thuở “sơ tâm”… Vì cây cỏ chim muông trong núi quá nửa đã làm bạn cùng Thiền sư rồi:
Trúc Lâm đa túc điểu, Quá bán bạn nhàn tăng.
(Yên Tử sơn am cư) (Trúc Lâm nhiều chim muông
Quá nửa làm bạn với nhà sư thanh nhàn)
Đỉnh Vân Yên, núi Yên Tử, nơi “Non muốn dứt tình mây chẳng
dứt” (Thanh sơn dục đoạn vân vô đoạn – Di Đà tự cảm tác, Thạch Liêm),
với Huyền Quang chính là biểu tượng cho nơi an trú tâm linh của mỗi người. Vì thế “Buông niềm trần tục / Náu tới Vân Yên” (Vịnh Vân Yên tự
phú) là một cách để Thiền sư ẩn mình vào trong thiên nhiên bao dung, nơi
không còn khởi lên vọng động của tâm. Cõi vô tâm đó là cái hư không thanh tĩnh tuyệt đối, là cõi tâm không siêu thoát. Khi ấy cõi tâm của Thiền sư cũng hồn nhiên trống rỗng như am vắng trên non, như mây khói phiêu du đầu núi:
Non Linh Thứu ai đem về đây, Cảnh Phi Lai mặt đà thấy đấy. Vào chưng cõi Thánh thênh thênh, Thoát rẽ lòng phàm phây phấy.
(Vịnh Vân Yên tự phú)
Nếu như không gian non cao Yên Tử là cảm thức về cõi an nhiên và tịch liêu của tâm Thiền thì không gian trời nước mênh mang là cảm thức về thú giang hồ tiêu dao.
Không gian trời nước trong thơ Huyền Quang mênh mông vô tận như một tấm gương lòng trong sáng có thể hòa hợp và bao dung mọi biến chuyển của đất trời và lòng người. Trên nền không gian ấy, nhà thơ lên đường ngao du như một khách hải hồ trên một lá thuyền con giữa mênh
mông sóng nước: “Nhất diệp biển chu hồ hải khách” (Khách hải hồ trên một chiếc thuyền con – Chu trung); “Tiểu đình thừa phong phiếm diểu
mang” (Con thuyền nhỏ lướt gió mà chơi trên dòng sông mênh mang – Phiếm chu). Lá thuyền lướt theo cánh gió của khách hải hồ Huyền Quang
chứa trong mình cái phong thái khoái hoạt thư thái để tiếng địch lướt theo ánh trăng ướt sương đêm đang lặn ngụp trên sóng. Hồn thơ Huyền Quang đã vĩnh cửu hóa khoảnh khắc tương giao hội tụ những vẻ đẹp tượng trưng cho thú tiêu dao hồ hải: bóng trăng, dòng trôi, tiếng sáo, màn sương,...
Với tâm hồn của kẻ giang hồ tiêu dao, người nghệ sĩ khoáng đạt không chỉ thưởng lãm cảnh vật thiên nhiên quanh mình mà còn chủ động tìm kiếm những cảnh sắc kỳ tuyệt trên bước đường phiêu du để sáng tạo thêm vô số vẻ đẹp khác nữa. Đó là bản lĩnh của con người không chỉ biết tận hưởng cái đẹp mà còn biết chơi đùa với cái đẹp trong cuộc rong chơi sáng tạo vô biên.
Với tâm hồn một thi sĩ dạt dào cảm xúc trước thiên nhiên, Huyền Quang nắm bắt một vẻ đẹp dù nhỏ bé hiện diện trước mắt. Tâm hồn nhà nghệ sĩ rung động trước những cánh hoa rơi:
Đạm Thủy đình biên dã thảo đa, Không sơn vũ tễ tịch dương tà. Nhân qua liễn lộ đầu thiền thất, Ủng phạm xao chung giản lạc hoa.
(Đề Đạm Thủy tự) (Bên đình Đạm Thủy nhiều cỏ nội,
Núi quang, mưa tạnh, bóng chiều chênh chếch. Nhân qua con đường bụi mà đi vào am thiền, Giúp nhà chùa thỉnh chuông và nhặt hoa rơi)
Trong bóng chiều mới buông, núi mây quang đãng sau cơn mưa, hoa rơi lác đác trên cỏ, cảnh vật chìm trong cảm giác thanh tịch đến mát lạnh. Huyền Quang nhận ra được vẻ đẹp thanh thản của những cánh hoa trong chính sự rơi
rụng của nó, bình thản như tiếng chuông chùa chậm rãi quyện vào vạn vật, như là tâm trạng của con người minh triết đã hiểu thấu lẽ sinh tử ở đời.
Tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm của Huyền Quang không bỏ qua từng biến chuyển rất đỗi tế vi của trời đất. Một làn gió mát của đêm đầu thu cũng đủ sức gợi dậy trong tâm hồn thi nhân cả một không gian bàng bạc hơi thu:
Dạ khí phân lương họa nhập bình, Tiêu tiêu đình thụ báo thu thanh.
(Tảo thu)
(Khí đêm chia hơi mát vào đến bức rèm vẽ, Cây trước sân xào xạc báo tiếng thu)
Cảm thức giải thoát thường hiện diện trong thơ Huyền Quang. Con người vẫn sống giữa cuộc thế nhưng với một niềm hoan lạc thầm kín, an nhiên tự tại, kết đọng trong những khoảnh khắc “quên” thần diệu, khi con người đạt được trọn vẹn niềm hạnh phúc tự nhiên, tự tại của cuộc sống. Ông thể hiện sự giải thoát của mình bằng cách trở về với thiên nhiên. Sự trở về với thiên nhiên ở đây chính là sự hòa làm một với thiên nhiên. Nói một cách nôm na: hòa nhập với thiên nhiên là phương pháp, “quên” là
phương thức nhằm đạt tới mục đích giải thoát, để có niềm an lạc vô biên. Tảo thu (Thu sớm) là bài thơ thể hiện rõ nét cảm thức giải thoát ấy:
Dạ khí phân lương nhập họa bình, Tiêu tiêu đình thụ báo thu thanh. Trúc đường vong thích hương sơ tận, Nhất nhất tùng chi võng nguyệt minh.
(Hơi đêm tỏa mát vào bức bình phong vẽ, Cây trước sân xào xạc báo tiếng thu.
Dưới mái tranh quên bẵng nén hương vừa tắt, Mấy khóm cây cành giăng lưới vầng trăng sáng)
Trong bài thơ, hơi đêm mát lạnh, tiếng cây xào xạc báo âm thanh mùa thu, nén hương thắp là những yếu tố thước đo của thời gian, minh chứng sự hiện diện của thời gian hiện thực. Nén hương vừa tắt là một khắc thời gian nào đó vừa đi qua. Nếu hơi đêm lạnh, tiếng cây lá thu nhắc nhở mọi người về sự hiện diện của thời gian đang trôi đi không ngừng, thì trạng thái quên bẵng nén hương vừa tắt bởi một sự hòa nhập trọn vẹn giữa tâm hồn người với ánh trăng sáng tràn ngập cỏ cây cho thấy có một thời gian thường tại, không trôi đi, một khoảnh khắc cũng là mãi mãi. Thời gian hằng thường ấy xuất hiện khi tâm con người hòa nhập cùng “đại ngã”. Lúc ấy sự lưu chuyển của thời gian hiện thực dường như trở nên không có thực nữa mà chỉ cái khoảnh khắc hằng thường kia mới là thực tại đích thực. Và lúc ấy cả thế giới hiện thực giống như một bức màn giả tạo được vén lên để lộ chân lý tuyệt đối.
Giây phút “quên” đó của nhà Thiền cũng chính là giây phút xuất thần của nhà thơ, vì theo Nghiêm Vũ đời Tống, người chủ trương lấy Thiền để xét thơ vì giữa hai bên có chỗ đồng điệu đặc biệt, vì “đạo Thiền cốt ở chỗ
diệu ngộ, đạo của thơ cũng cốt ở chỗ diệu ngộ, và thơ có thú riêng, không liên quan đến lý, thơ hay là đạt đến chỗ kỳ diệu, thấu triệt, lung linh, không thể nắm bắt, như âm thanh trong không trung, sắc đẹp trên nét mặt, ánh trăng dưới đáy nước, hình ảnh ở trong gương, lời có lúc hết mà ý vô cùng”.
Điều này cho thấy không có sự mâu thuẫn giữa Thiền gia và nghệ sĩ xét về mặt cảm thức, và Huyền Quang là một trường hợp tiêu biểu cho sự hài hòa đó, đưa Thiền vào hồn thơ, để cho Thiền thấm đẫm chất thơ, chan hòa cùng thế tục, như một ứng dụng nhuần nhuyễn từ quan điểm của Tuệ Trung trước đó: “Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền; Trong lửa lò hồng một đóa sen”. Huyền Quang trước khi là Thiền sư vẫn là một con người, hơn nữa một con người được phú bẩm tố chất nghệ sĩ, nên cốt cách nghệ sĩ thiên phú ấy gặp
gỡ với Thiền học sau này nơi Huyền Quang đã tạo nên một Thiền sư - nghệ sĩ hiếm gặp trong văn học trung đại, người đã đưa Thiền vào thơ và đưa thơ Thiền vào thế tục.