xâm lược và sự nghiệp “Nam tiến”, mở mang bờ cõi Đại Việt
Nước Đại Việt cần phải và đã là một quốc gia độc lập, có hoàng đế riêng của mình, có nhân tài vật lực và đầy đủ hình thế để dựng cơ nghiệp, không thua bất kì quốc gia nào. Khẳng định điều đó cũng có nghĩa là khẳng định quyền bình đẳng của dân tộc ta so với các triều đại phong kiến phương Bắc trong khi họ luôn theo đuổi chính sách bành trướng và thôn tính nước nhỏ.
Trải qua các triều đại, từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV, trên con đường đấu tranh dựng nước và giữ nước, quốc gia Đại Cồ Việt rồi Đại Việt không
ngừng được củng cố, trưởng thành và vững mạnh. Để có một đất nước hùng cường, bên cạnh việc đấu tranh chống xâm lược, bảo vệ độc lập, một vấn đề đặt ra không kém phần quan trọng là đấu tranh cho nền thống nhất vững bền của đất nước. Đã từ lâu đời, đại gia đình các dân tộc Việt chung sống ổn định trên lưu vực sông Hồng và sông Mã đã biết chụm nhau lại, đoàn kết thành một khối để tồn tại và phát triển. Chân lý đó đã thấm vào xương tủy và biến thành hành động đối với mọi thành viên trong xã hội. Nói một cách khác, không phải chỉ có khởi nghĩa và kháng chiến, mà toàn bộ cuộc sống lịch sử, với nhiệm vụ bảo vệ dân tộc, bảo vệ đất nước trước âm mưu bành trướng và đồng hóa của kẻ xâm lăng hùng mạnh ở ngoài cửa ngõ, đã nhào nặn tâm hồn, đức tính, giá trị tinh thần của dân tộc Việt Nam. Trong sức mạnh tinh thần ấy, thực tiễn đã chứng minh có tư tưởng chủ đạo của Phật giáo, mà các vị vua Trần là những Phật tử thuần thành, những Thiền sư, đã sống và làm việc với tâm “vô ngã”, “vị tha” của đạo Phật. Nhờ vậy đã hội tụ được những tướng sĩ tài ba thao lược, dân và quan một lòng yêu nước thương nhà, đồng tâm đoàn kết. Tinh thần vị tha, từ bi bác ái của Phật giáo thời Trần, đặc biệt là tinh thần nhập thế tích cực của chủ thuyết “Cư trần lạc đạo” kết hợp với tư tưởng yêu nước truyền thống của dân tộc không chỉ làm nên một bản lĩnh ý chí chiến đấu mà còn là nền tảng của chính sách ngoại giao mềm dẻo với cường địch, tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc, biến thành những làn sóng quét sạch bè lũ cướp nước.
Lãnh thổ và dân số của Đại Việt thật không đáng kể so với đế quốc Nguyên Mông. Tiềm lực kinh tế của quốc gia Đại Việt so với Nguyên Mông cũng thật bé nhỏ. Nhưng kỳ diệu thay, nước Đại Việt nhỏ bé lại chiến thắng và thậm chí là hiển hách trong cả ba cuộc đọ sức liên tiếp (1258, 1285, 1288) với kẻ thù hùng mạnh. Đó là sự chuyển hóa kỳ diệu tinh thần nhập thế của Thiền Trúc Lâm vào tư tưởng yêu nước truyền
thống, là sự thể hiện quyết tâm giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước đồng thời nâng cao thể diện quốc gia trên cơ sở “vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước góp sức, nên bọn giặc phải chịu bị bắt” [36; tr.107]. Địch quân chiến thắng khắp Á, Âu, đến xứ ta, nó liên tiếp
bị đánh bại ba lần, không thể nói rằng ta thắng vì may, địch thua vì rủi. Trong vòng 30 năm (1258 - 1288), Đại Việt đã ba lần đương đầu với những đạo quân xâm lược khét tiếng của đế quốc Mông Cổ nhưng mỗi lần kháng chiến, dân tộc ta lại càng kiên cường, sáng tạo và thắng lợi càng vang dội hơn. Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược thế kỷ XIII của triều đại nhà Trần là một bài ca anh hùng bất hủ, là sự kết tinh lòng yêu nước, khí phách anh hùng, trí thông minh sáng tạo và sức mạnh đoàn kết của dân tộc. Từ mọi tầng lớp xã hội, từ các thành phần dân tộc, và các lứa tuổi khác nhau, qua kháng chiến, đã xuất hiện biết bao con người và sự tích anh hùng tiêu biểu cho phẩm chất cao quý của “hào khí Đông A”: Trần Thủ Độ khẳng khái: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo!” [36; tr 105]; Trần Quốc Tuấn đanh thép: “Nếu bệ hạ xin hàng, xin hãy chém đầu thần
trước đã!” [36; tr. 106]; Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản vì nhỏ tuổi không
được dự họp Hội nghị Bình Than đã uất ức bóp nát trái cam trên tay lúc nào chẳng hay, trở về mộ quân, may cờ lớn: “Phá cường địch, báo hoàng ân” (phá giặc mạnh, đền ơn vua), trở thành bậc thiếu niên anh hùng thời Trần; Phạm Ngũ Lão - người trai làng Phù Ủng vì bận lòng việc nước, đến giáo đâm vào đùi cũng chẳng mảy may suy chuyển; và còn bao nhiêu nghĩa sĩ thời Trần đã khắc lên tay mình hai chữ “Sát Thát” thể hiện quyết tâm diệt giặc,…
Thắng lợi to lớn của Đại Việt đã nêu cao tấm gương về sức mạnh và khả năng chiến thắng của một dân tộc kiên quyết chiến đấu bảo vệ từng tấc đất non sông, góp phần làm thất bại âm mưu của kẻ bành trướng muốn biến nước ta thành bàn đạp để mở rộng xâm lược xuống các nước Đông Nam Á
ở thế kỷ XIII. Rõ ràng, tinh thần nhập thế từ tư tưởng “Cư trần lạc đạo” đã góp phần quyết định tính chất anh hùng như thế của một thời đại.
Sau thời kỳ Bắc thuộc, Đại Việt không ngừng vạch định chính sách phát triển đất nước bằng cách mở rộng bờ cõi. Nhà Lý đã sáp nhập ba châu Đại Lý, Ma Linh và Bố Chính, cùng với việc thành lập Thiền phái Thảo Đường. Đến đời Trần, yêu cầu phát triển kinh tế, phục hưng các giá trị văn hoá, việc gia tăng dân số trong thời bình trở thành vấn đề hàng đầu. Trước đó, Trần Thánh Tông đã cho phép các vương hầu, công chúa, phò mã, cung phi chiêu mộ dân nghèo các địa phương khai hoang, lập ấp nhằm đáp ứng việc gia tăng dân số mà Đại Việt sử ký toàn thư ghi rất rõ: “Tháng 10
(1266) xuống chiếu cho vương hầu, công chúa, phò mã, cung tần chiêu tập dân phiêu tán không có sản nghiệp làm nô tỳ để khai khẩn ruộng bỏ hoang, lập thành điền trang. Vương hầu có trang thực từ đấy” [36; tr. 92].
Sự phát triển đất nước sau chiến tranh khiến nhà Trần có chính sách lâu dài về dân số, kéo theo vấn đề kinh tế, an ninh chính trị. Trần Nhân Tông tiếp tục sự nghiệp Nam tiến của tiền nhân bằng việc sáp nhập hai châu Ô Mã và Việt Lý (Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam - Đà Nẵng ngày nay) vào bản đồ Đại Việt. Từ đây, Đại Việt không chỉ giải quyết được vấn đề áp lực gia tăng dân số mà còn thiết lập được một nền an ninh vững mạnh.
Châu Ô và châu Lý vừa có núi cao hiểm trở chắn ngang ra biển (từ Bắc vào Nam phải lần lượt qua các đèo: Phước Tượng, Phú Gia và Hải Vân, cao nhất và nguy hiểm nhất là đèo Hải Vân), vừa có cảng sâu thuận lợi cho thủy quân như cảng Tư Hiền, Tiên Sa. Có thể nói rằng, trên cả ba lĩnh vực dựng nước, giữ nước và mở nước, vùng đất này giữ một vị trí chiến lược xung yếu. Mở nước về phía nam, trước tiên là nắm lấy châu Ô và châu Lý, đã trở thành một xu thế tất yếu đối với sự sống còn của Đại Việt lúc bấy giờ. Song tiến hành bằng biện pháp nào để đạt được “nhân
quần hòa hợp, chúng sinh an lạc” đang là một vấn đề thách thức đối với triều Trần, trước hết là Trần Nhân Tông.
Tháng 3 năm 1301, với tư cách là một tăng sĩ đến quốc gia lân bang để truyền giảng giáo lý nhà Phật, Trần Nhân Tông mở cuộc vân du Champa, đến tháng 11 cùng năm mới trở về Đại Việt. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, một vị hoàng đế với tư cách của một tăng sĩ đã có chuyến hành trình ngoại giao dài nhất. Sử liệu không ghi lại đầy đủ nội dung những cuộc đàm đạo giữa Chế Mân, vua Champa và Trần Nhân Tông, trừ việc Chế Mân đồng ý dâng châu Ô và châu Lý cho Đại Việt để kết duyên với công chúa Huyền Trân, người con gái duy nhất của Trần Nhân Tông.
Châu Ô và châu Lý “vuông ngàn dặm” đã thực sự được sát nhập vào Đại Việt (1306). “Sau cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông thắng lợi
(1288), thanh thế Đại Việt lẫy lừng khắp cõi Đông Á mà chọn kế sách mở nước bằng con đường hữu nghị và hòa bình thì thật là vĩ đại. Bởi lẽ xưa nay trong lịch sử dân tộc cũng như lịch sử thế giới, việc mở nước theo con đường phi binh đao thì hiếm thấy” [36; tr. 110].
Việc mở nước vượt qua đèo Hải Vân, một dãy núi cao và hiểm trở nhất, chắn ngang con đường thiên lý Bắc - Nam, không bằng con đường đao binh mà bằng biện pháp hòa bình (và chắc chắn nếu lịch sử không chọn cuộc hôn nhân Chế Mân - Huyền Trân mà bằng con đường khác thì xương máu đồng loại cũng phải chất thành sông núi) là thành quả của sự kết hợp khôn khéo giữa Nho và Phật trong quan điểm xây dựng và phát triển đất nước của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Việc vượt qua đèo Hải Vân đem lại cho Đại Việt hai cửa biển: Tư Hiền và Tiên Sa vừa sâu, vừa thuận lợi cho thủy quân; kết hợp với núi cao hiểm trở không chỉ góp phần bảo vệ biên cương phía nam mà hơn thế, nó đã mở ra bước phát triển mới về phía nam
của Đại Việt. Thật vậy, từ đây dòng Nam tiến của người Việt ngày càng dồn dập như một cơn hồng thủy đang cuồn cuộn dâng lên. Chưa đầy một trăm năm sau khi Ô - Lý đã thành châu Thuận và châu Hóa, thì Hồ Quý Ly đã có thêm Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa. Thêm nửa thế kỉ nữa, Lê Thánh Tông đã cắm mốc trên núi Đá Bia ở Phú Yên. Đến triều Nguyễn thì cuộc Nam
tiến mở mang bờ cõi của dân tộc hoàn thành.
Khách quan mà nhận định, trong lần mở rộng lãnh thổ này và cả chặng đường Nam tiến về sau của dân tộc, Trần Nhân Tông giữ một vai trò vô cùng quan trọng. Mặc dù đã nhường ngôi cho con là Anh Tông, trở thành Thượng hoàng và đi tu trên non cao Yên Tử, trở thành một Thiền sư đắc đạo, nhưng Nhân Tông vẫn đem sức bình sinh mà cáng đáng việc nước. Đó chẳng phải là tinh thần nhập thế đầy hăm hở mà tư tưởng “Cư trần lạc đạo” đã đề ra và thực hành trong đời sống thực tiễn đó sao?