Xây dựng triết lý sống tích cực trong tâm thức người Việt

Một phần của tài liệu Sự vận động của tư tưởng “Cư trần lạc đạo” trong văn chương Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (Trang 111 - 118)

Đã có không ít những nhà nghiên cứu lịch sử công nhận rằng ngay từ thời kỳ đầu của đất nước, lịch sử dân tộc Việt Nam gắn liền với lịch sử Phật giáo Việt Nam. Như vậy, triết lý sống của người Phật tử Việt Nam có thể bắt nguồn, một mặt từ tiến trình hình thành, phát triển của lịch sử dân tộc, mặt khác từ quá trình tiếp biến giáo lý căn bản Phật giáo mà dân tộc ta đã trải nghiệm, hành trì trong viêc thực nghiệm đời sống tâm linh. Chính hai cội nguồn đó đã tạo ra và phát triển những nét chung, nét riêng trong triết lý sống của người Phật tử Việt Nam, được thể hiện qua quá trình dựng nước và giữ nước, góp phần vào việc phát triển và hội nhập của đất nước cũng như trong việc truyền bá Chính pháp, đem lại hạnh phúc cho mọi người dân nước Việt.

Trong bài tựa Thiền tông chỉ nam, vua Trần Thái Tông khi gặp Quốc sư Viên Chứng trên núi Yên Tử đã nghe lời khuyên của Quốc sư: “Phàm đã là bậc nhân quân thì phải lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình, ý muốn thiên hạ làm ý muốn của mình”. Sau đó, vua Trần Thái Tông đã dựa vào sự

thấy biết của chính mình để khẳng định chân lý: cội nguồn của mọi sức mạnh thực sự nằm sâu trong nội tâm của mỗi người, chứ không phải ở bên ngoài hay ở đâu khác. Vua Trần Thái Tông đã khẳng định tư tưởng siêu việt như thế trong Khóa hư lục: “Phật thân tức ngã thân thị, vô hữu nhị tướng” (Thân Phật tức thân ta, không có hai tướng). Vua Trần Nhân Tông

cũng nói lên ý tưởng đó trong Cư trần lạc đạo phú:

Bụt ở trong nhà Chẳng phải tìm xa.

Nhân khuấy bổn nên ta tìm Bụt, Đến cốc hay chỉn Bụt là ta.

Tất cả chứng minh rằng chính triết lý sống mà giới lãnh đạo Phật giáo và lãnh đạo quốc gia Đại Việt thời đó phổ cập đã thực sự được lòng dân, thật sự giải đáp được những nhu cầu tâm linh và tình cảm của đông đảo quần chúng, hướng dẫn được đông đảo dân chúng sống an lành, hạnh phúc.

Tự tin ở mình, tin rằng Phật chính là mình, nếu biết tu tập sẽ được sức mạnh phi thường - Đức tin đó là một trong những giá trị tinh thần quý báu nhất mà Phật đã đem lại cho người Việt Nam. Tư tưởng tự lực, tự cường, tin ở sức mình, không “vọng ngoại” là một truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc ta.

Tư tưởng đó đi vào dân gian thành những câu ca bình dị, hồn hậu nhưng vẫn chứa đựng nội dung triết lý sâu sắc: “Phật ở trong nhà, chẳng

cầu Thích Ca ở ngoài đường” hay: “thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”. Hóa ra Phật chính là lòng mình, Phật chính là bà con

quyến thuộc trong gia đình, những người đang sống xung quanh mình: “Gần chùa gọi Phật bằng anh / Trông thấy Bụt hiền, bế Bụt đi chơi”.

Phật đã gần người dân như vậy, thì chùa cũng không thể xa dân. Nếu ngôi đình biểu trưng cho ngôi thứ tôn ty trật tự của Nho giáo, thì ngôi chùa khẳng định tinh thần bình đẳng dân chủ - truyền thống của đạo Phật: “Đất

vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”. Chùa không phải của sư mà của dân

làng. Sư là thầy hướng dẫn nếp sống đạo đức và tâm linh của dân chúng mà thôi. Chùa là trung tâm của các lễ hội tôn giáo, là trường học, là nhà thương, là nơi nghỉ tạm của khách qua đường, thậm chí còn là nơi ở trọ thường xuyên của những kẻ không nhà không cửa. Chùa là nơi kết nối yêu thương, hòa hợp và đoàn kết của muôn dân: “Mái chùa che chở hồn dân

tộc, Nếp sống muôn đời của tổ tông”. Rõ ràng, chùa trở thành thành lũy

chiến tranh; khi hòa bình, chùa là nơi hội tụ, kết tinh, phát huy những truyền thống văn hóa dân tộc, xây dựng đời sống hạnh phúc cho muôn dân.

Sức mạnh nội tại của triết lý sống của người Phật tử Việt Nam không phải chỉ ở chỗ nó vũ trang cho con người niềm tin ở tự thân và dân tộc, đất nước mình, mà còn ở chỗ thật sự giải đáp được những nhu cầu của đại chúng, của những tầng lớp nhân dân đông đảo. Nói cách khác, tính đại chúng quyết định sức mạnh của đạo Phật. Đạo Phật đi vào làng với chùa làng và những sinh hoạt Phật giáo dân gian. Trẩy hội chùa hàng năm là một trong những minh chứng cho sự thể nhập triết lý sống, nét sinh hoạt văn hóa độc đáo và đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam:

Trên đường cát mịn một đôi cô, Yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa. Gậy trúc dắt bà già tóc bạc, Lần lần tràng hạt niệm Nam mô

(Nguyễn Bính)

Từ bi kết hợp với trí tuệ, tình thương đi đôi với lẽ phải và lý trí - đó là nền tảng của triết lý sống của người Phật tử Việt Nam qua các thời đại. Đây chính là cội nguồn sức mạnh của dân tộc trải qua ngàn năm chống lại sự đồng hóa của phong kiến Trung Hoa; cũng là sức mạnh làm nên ngàn năm văn hóa Thăng Long, mà ngày nay chúng ta kế thừa và thọ hưởng với xu thế hội nhập và phát triển, nhưng vẫn đậm đà bản sắc Việt.

Tiểu kết: Triết lý “Cư trần lạc đạo” mà Trần Nhân Tông khái quát đã mở ra một phong trào nhập thế tích cực của Phật giáo Việt Nam: kết hợp phát triển cả tăng sĩ và cư sĩ, đặc biệt coi trọng vai trò cư sĩ trong các hoạt động chính trị của Phật giáo với tư cách tôn giáo dân tộc, với phương châm luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên hết. Triết lý kết hợp đạo với đời thể hiện rõ hơn, nhân văn hơn đặc trưng khoan dung, vị tha của Phật giáo Đại Việt, mà

Trần Nhân Tông đã chắt lọc từ Phật giáo kết hợp với truyền thống dân tộc Việt Nam. Từ đó đến nay, tinh thần nhập thế của “Cư trần lạc đạo” đã trở thành một khuynh hướng lành mạnh để Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc trong thời chiến cũng như trong thời bình, trong kiến thiết cũng như trong giao lưu, hội nhập kinh tế và văn hóa, mà Phật giáo thực sự đóng vai trò là một tôn giáo dân tộc. Phật giáo Việt Nam thời Trần được đánh giá như một hệ thống tư tưởng tích hợp phù hợp với thực tiễn của dân tộc Đại Việt và trở thành phương thức sống của Phật giáo Việt Nam. Trong cả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước cũng như công cuộc chấn hưng nền văn hóa dân tộc, tư tưởng “Cư trần lạc đạo” đều có những đóng góp quyết định. Tinh thần nhập thế được khai phóng từ chủ thuyết này đã động viên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, không chỉ bảo vệ thành công từng tấc đất của non sông trước kẻ thù hung bạo mà còn khẳng định tính tự lực và sức sống bất diệt của nền văn hóa dân tộc trước âm mưu đồng hóa của người phương Bắc. Có thể thấy, cứ mỗi lần phục hưng, chấn hưng là một lần Phật giáo Việt Nam trở về và tiếp tục triển khai tinh thần nhập thế của “Cư trần lạc đạo” để phát huy hơn nữa sức sống nội tại của dân tộc Việt trong Phật giáo truyền thống. Ngày nay, triết lý “Cư trần lạc đạo” của Phật giáo Việt Nam càng có cơ hội phát huy tính tích cực của Phật giáo dân tộc trong hình thức các thể chế xã hội công dân để tham gia vào các hoạt động xã hội, thậm chí các hoạt động chính trị, kinh tế của toàn dân.

KẾT LUẬN

Thời đại nhà Trần với hai đỉnh cao là tư tưởng Phật giáo và sức mạnh chống ngoại xâm cùng với những yêu cầu cấp bách của lịch sử đã hun đúc nên một hệ tư tưởng triết học mang tinh thần nhập thế và đậm đà bản sắc dân tộc. Là một dòng Thiền thuần Việt, Trúc Lâm Yên Tử không chỉ tiếp thu tinh hoa tư tưởng của Tam giáo mà còn thể nhập nó trong đời sống thực tiễn, tạo nên bản sắc riêng không thể trộn lẫn. Chủ thuyết “Cư trần lạc đạo” ra đời là một tất yếu lịch sử, đồng thời là một sáng tạo độc đáo của người Việt, khẳng định sức mạnh của nền văn hóa Việt Nam.

Tư tưởng “Cư trần lạc đạo” khởi sinh và phát triển bằng sự kế thừa truyền thống, qua hoạt động “hoằng pháp độ sinh” của các Thiền sư cuối đời Lý, đầu đời Trần. Quá trình vận động của tư tưởng bắt đầu từ Thường Chiếu với chủ trương “tùy tục”, qua “biện tâm” của Trần Thái Tông, đến “hòa quang đồng trần” của Tuệ Trung Thượng sĩ, trở thành nền tảng tư tưởng và tôn chỉ hoạt động của Thiền phái Trúc Lâm với tinh thần “tùy duyên lạc đạo” của Trần Nhân Tông. Theo khuynh hướng đưa Thiền trở về với cuộc sống của đời Trần, Huyền Quang đã thế tục hóa Thiền, đưa tư tưởng “Cư trần lạc đạo” hòa vào thế tục. Đến đây, “Cư trần lạc đạo” với hạt nhân là tính chất nhập thế tích cực của nó đã chuyển hóa vào trong tư tưởng phụng sự quốc gia, dân tộc mà Nho giáo đã cố công xây dựng trong hệ thống chuẩn mực giá trị của mình. Tư tưởng “Cư trần lạc đạo”, cùng với Thiền Trúc Lâm và Phật giáo nói chung đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử để nhường lại vũ đài chính trị cho Nho giáo, tiếp tục sống trong dân gian với một sinh thể bất diệt. Trước khi rời vũ đài chính trị, nó cũng kịp để lại cho nền văn học Thiền nói riêng, nền văn học Việt Nam trung đại nói chung

những bông hoa ngát hương sắc, kết tinh vẻ đẹp của hệ tư tưởng dân tộc trong một thời đại hào hùng.

Văn chương Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử lấp lánh ánh sáng của những triết lý Phật giáo thâm viễn hòa với những cảm xúc nhân sinh của con người thế tục. Những vần thơ Thiền thuần lý tính ở đời Lý sang đời Trần đã trở thành những khúc ca của trí tuệ, của tâm hồn, mang đậm hơi thở cuộc sống trần thế. Có được điều đó, trước hết phải kể đến tính chất khai phóng của Thiền học đời Trần mà “Cư trần lạc đạo” chính là hạt nhân tư tưởng tạo nên sự khác biệt lớn. Tinh thần nhập thế của Thiền tông Đại Việt đời Trần được khơi dậy một cách mạnh mẽ không chỉ trong giới Phật tử mà toàn thể dân tộc đã tạo nên sức mạnh tổng hợp đập tan cuộc xâm lăng của Đế quốc Nguyên Mông hùng mạnh nhất thế giới thời đó, đồng thời mở mang bờ cõi đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước. Việc ổn định trật tự xã hội, giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc trước âm mưu đồng hóa của văn hóa Hán là một thành công trong sự nghiệp giữ nước, chấn hưng văn hóa của Đại Việt. Trên phương diện này, tư tưởng “Cư trần lạc đạo” giữ vai trò quyết định.

Ngày nay, chúng ta đang sống trong thời đại mà khoa học công nghệ phát triển từng giờ. Con người, chưa bao giờ được thụ hưởng nhiều thành quả do nền văn minh công nghiệp mang lại như hiện tại. Tuy nhiên, những giá trị văn hóa mà thời gian để lại vẫn trường tồn. Việc ôn lại những trước tác của tiền nhân với tinh thần “ôn cố tri tân” thực sự trở nên cấp thiết trong thời đại hội nhập ngày càng sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội hiện nay. Đối với những đệ tử nhà Phật, sống “tốt đời

đẹp đạo”, khôi phục những giá trị văn hóa Phật giáo thuở trước, xiển

dương đạo pháp và tích cực chung tay đóng góp cho xã hội là những chủ trương hoàn toàn phù hợp với tinh thần của tư tưởng “Cư trần lạc đạo” mà

các vị Phật gia tiền bối đời Trần đã khai sáng. Đối với mỗi người con nước Việt, tinh thần “tùy duyên bất biến” không chỉ định hướng, giúp con người đạt được thành công trong hoạt động thực tiễn mà quan trọng, tạo nên sự cân bằng, thanh thản trong tâm hồn giữa cuộc sống còn bộn bề những lo toan. Đối với cả dân tộc, tinh thần khoan dung Phật giáo góp phần duy trì một xã hội ổn định, thanh bình cùng ước mơ xây dựng một thế giới hòa bình, một tương lai tươi sáng cho toàn nhân loại.

Bài học mà tư tưởng “Cư trần lạc đạo” để lại cho những người Việt hậu thế vẫn còn nguyên giá trị. Điều quan trọng là mỗi người, trong đời sống thực tiễn của mình phải tích cực tu tập, rèn luyện theo tinh thần “rèn lòng làm Bụt” trên cơ sở thực sự giác ngộ yếu chỉ “phản quan tự kỷ” của Thiền Trúc Lâm. Bởi nếu “hướng ngoại cầu huyền”, con người mãi mãi chẳng thể công thành, mà việc làm cũng không khác gì tìm “lông rùa sừng thỏ”. Ta còn nhớ lời Tuệ Trung Thượng sĩ dặn dò kín đáo Trần Nhân Tông, rằng tự pháp mà ông trao không thể nói cho kẻ phàm nhân được. Vì sao vậy? Triết lý của thầy trò họ giản dị, chan chứa nhân tình, nhưng cũng rất cao sâu, đi mãi không cùng. Kẻ phàm dễ hiểu lầm mà sinh ra xằng bậy. Giữa “Cư trần lạc đạo” của kẻ đắc pháp với cái tùy tục vô nguyên tắc, đem cái lòng tục hòa với cái tục của đời, cách biệt nghìn trùng nhưng lại cũng gần trong gang tấc. Hiểu đúng đạo của đấng Giác Hoàng mà noi theo, thì tịnh tiến không ngừng trong Thiền hải, lại có thể đem tấm lòng Bồ tát cứu thế mà sửa trị, dẫn dắt nhân tâm trong thời vị lợi cạnh tranh khốc liệt ngày nay. Nhưng nếu hiểu sai, hoặc cố ý hiểu sai, thì trước hết đắc tội với tiền nhân, sau lại nặng nề thêm “nghiệp”:

Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tấc, Sơn lâm chẳng cốc, họa kia thực cả đồ công.

Một phần của tài liệu Sự vận động của tư tưởng “Cư trần lạc đạo” trong văn chương Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (Trang 111 - 118)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(124 trang)
w