Trước tiên, cần phải quán triệt một điều: tư tưởng “Cư trần lạc đạo” với nội dung phong phú mà nhất quán (như đã trình bày ở trên) đã tạo nên
tính chất nhập thế tích cực của dòng Thiền Trúc Lâm. Chính tính chất nhập
thế này đã khiến Thiền Trúc Lâm Yên Tử có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như trong công cuộc chấn hưng nền văn hóa Đại Việt. Như thế, tư tưởng “Cư trần lạc đạo” đã gián tiếp cống hiến cho lịch sử và văn hóa nước nhà. Nói cách khác, tư tưởng này là kim chỉ
nam, “dẫn đạo cho thiên hạ”. Phương tiện, cách thức để hành trì tư tưởng
này trong đời sống thực tiễn của các Phật tử, nhờ thế đã hiện thực hóa chủ trương “Nho - Phật tương hỗ” (Nho và Phật cùng bổ sung cho nhau) của Trần Nhân Tông, vị Tổ khai sinh Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Khái niệm nhập thế ra đời từ sớm. Mâu Tử đưa khái niệm nhập thế như sau: “Cư gia khả dĩ sự thân, tế quốc khả dĩ độ dân, độc lập khả dĩ trị
thân” (Ở trong nhà thì hiếu thảo với mẹ cha, ra ngoài thì cứu nhân giúp nước, khi ngồi một mình thì tự hoàn chỉnh bản thân). Như vậy, có thể thấy
khái niệm nhập thế không chỉ dành riêng cho Nho giáo như một vài ý kiến của trường phái Nho gia đã nói. Thật ra tư tưởng nhập thế đã được đức Phật nói từ lâu: “Này các tỳ kheo, vì hạnh phúc, an lạc cho quần sinh, vì
lợi ích cho chư thiên và loài người, hãy đi mỗi người một ngả, đừng đi hai người trên một đường, vì lòng thương tưởng cho đời hãy đem chính pháp đến ban phát khắp nơi”. Rõ ràng, tư tưởng nhập thế có nguồn gốc sâu xa
trong chính tính từ bi, bác ái, vị tha của nhà Phật.
Yếu tố đưa đến thành công và những đặc sắc của Phật giáo thời Trần là không tách rời với sự nghiệp gìn giữ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đạo
Phật được gieo mầm và trải qua bao thế kỷ đã thật sự thích nghi với phong tục, tín ngưỡng và con người Việt Nam. Dưới thời Trần, Phật giáo đã trở thành cốt tuỷ và hoà nhập với nền văn hóa dân tộc. Do đó, đạo Phật hoàn toàn phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của một dân tộc khao khát hoà bình, yêu độc lập, tự do. Khi đất nước bước vào cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, đạo Phật trí tuệ tập hợp những tâm hồn yêu nước, thương dân, đoàn kết nhân tâm với ông Bụt từ bi, với Quan Âm cứu khổ và giáo lý thực tiễn không tách rời cuộc sống bằng thân, khẩu, ý (tam nghiệp) đã làm nên một sức mạnh vô song đủ sức chống lại mọi kẻ thủ xâm lược.
Trong khuôn khổ chương 3 của luận văn, chúng tôi trình bày về những đóng góp của tư tưởng “Cư trần lạc đạo” đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước và công cuộc chấn hưng nền văn hóa Đại Việt dựa trên tinh thần nhập thế tích cực của nó.