mang bản sắc Thiền tông Đại Việt
Việt Nam là xứ sở của sự giao thoa các trào lưu tư tưởng nhưng vẫn khẳng định một nền văn minh mang tính đặc thù dân tộc. Đạo Phật Việt Nam chung hưởng hai suối nguồn Phật giáo lớn là Ấn Độ và Trung Hoa. Trong suốt chiều dài lịch sử đó, Phật giáo đã tồn tại trong quốc gia chịu nhiều tang thương chinh chiến, chung chịu biết bao cảnh thăng trầm, vinh nhục. Đạo Phật đã hoà nhập vào cuộc sống, nếp suy nghĩ của dân tộc, thể hiện bằng nội dung tư tưởng tiến bộ, thích hợp với cuộc sống hiện tại. Phật giáo đồ Việt Nam có truyền thống yêu nước. Trong quá khứ cũng như trong hiện tại, không bao giờ đi ngược lại truyền thống yêu nước cao đẹp, truyền thống phục vụ và bảo vệ quê hương Việt Nam. Đây là những đặc
tính riêng biệt làm cho đạo Phật có bản sắc nổi bật hơn so với các tôn giáo khác và mang sắc thái dân tộc, trở thành đạo Phật của dân tộc Việt Nam:
Trang sử Phật
Đồng thời là trang sử Việt Trải bao độ hưng suy Có nguy mà không mất.
Lời của nhà thơ hiện đại Hồ Dzếnh đã thể hiện sự thành tựu của quá trình Phật giáo hội nhập vào dân tộc Việt Nam. Giáo lý Phật đà ăn sâu, hội nhập các mặt sinh hoạt trong đời sống tư tưởng, văn hóa, chính trị và xã hội. Dưới ảnh hưởng lớn lao của Thường Chiếu và Trần Thái Tông, ba Thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường đã theo thời gian lịch sử dần sáp nhập làm một. Về sau, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Nhân Tông đã khai mở dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, để nó đi vào lòng dân tộc, một dòng Thiền không chỉ tiếp thu tinh hoa quá khứ mà còn tổng hợp được những cống hiến của thời đại mình.
Nằm giữa hai nền văn mình lớn của thế giới (Ấn Độ và Trung Hoa), dân tộc Việt Nam trong lịch sử dựng nước của mình, luôn có ý thức tiếp thu tinh hoa văn hóa ngoại lai, nhưng đồng thời cũng làm cho nó trở thành một phần máu thịt, gần gũi với chính mình. Nói cách khác, đó là quá trình bản địa hóa,
dân tộc hóa những tinh hoa văn hóa bên ngoài của người Việt. Những tư
tưởng từ Nho, Phật, Đạo khi được du nhập vào Việt Nam đều được biến đổi ít nhiều để phù hợp với bản tính, phong tục, lối sống người Việt.
Quan điểm “Phật tại tâm” của Trần Thái Tông là sự cụ thể hóa của yếu chỉ “tức tâm tức Phật” trong Thiền Huệ Năng Trung Hoa. Về mặt hình thức, nó là một kiểu tiếp biến văn hóa, tư tưởng. Nhưng nếu xét ở tầng sâu tư tưởng và những ảnh hưởng đối với Đại Việt, quan điểm “Phật tại tâm” của Trần Thái Tông mang màu sắc dân tộc rõ nét. Người Việt Nam ưa
những gì vừa phải, cái đẹp trong tâm thức là sự hài hòa, “phải khoảnh”, và đặc biệt là những điều thân thuộc, gần gũi. Một ông Phật trong chính tâm mình là một triết lý tưởng chừng giản đơn nhưng lại vô cùng thấm thía đối với những người Việt Nam vốn quen tư duy hướng nội. Chỉ có điều, vì không biết bản thân mình có “Phật tính”, hay mỗi người đều là “Phật sẽ thành” nên Trần Thái Tông gọi đó là “hoạt Phật” (Phật sống) mà thôi.
Tuệ Trung Thượng sĩ là một nhà Thiền học tài hoa và bản lĩnh. Tinh thần Thiền của ông mang tính cách khai phóng triệt để. Đặc biệt, chúng ta không thể tìm thấy một cốt cách, một bản lĩnh Thiền học như thế ở bất kỳ một nền Phật giáo nào. Ông là “một gương mặt lạ trong vườn Thiền”, nhưng là một gương mặt Thiền “thuần Việt”. Cái ý vị tiêu dao, tự tại của bậc ẩn sĩ, nơi ông đã trở thành một cốt cách Thiền mang tinh thần khai phóng đầy sảng khoái, đậm chất Việt Nam. Không phụ thuộc giáo lý kinh điển, không xuất gia tu đạo, vẫn sống cuộc đời thế tục với tâm thế ung dung của một người thấu tỏ lẽ sinh tử, được mất, vinh nhục,… Tuệ Trung, bằng cốt cách Thiền phi thường, đã làm rạng danh cho Thiền học đời Trần. Những khai triển của Trần Nhân Tông về “bản” đã sáp hợp với triết lý hướng thiện, tôn trọng sự bình yên, coi trọng đời sống tâm linh của người Việt. Vì thế nó là triết lý đi gần ý thức dân tộc nhất, nhập thế nhất. Chính điều này đã để lại một dấu ấn sâu đậm của Thiền trong văn hóa Việt Nam về sau, cũng có thể rút ra ở đây một khẳng định rằng, Thiền học đã trở thành một trong những thành tố của văn hóa Phật giáo Việt Nam. Đó không phải là việc bê nguyên xi một hệ tư tưởng từ Ấn - Trung vào nền văn hiến Việt, mà đã mang trong nó tinh thần nhập thế, đã trở thành một yếu tố hữu cơ của triết lý nhân sinh người Việt.
Chủ thuyết “Cư trần lạc đạo” với những biểu hiện khác nhau của nó ở các nhân vật Thiền phái Trúc Lâm đã thực sự trở thành một yếu tố quán xuyến trong quy cách tu tập, hành trì của Phật tử thời Trần. Việc xác lập một
kim chỉ nam định hướng tư tưởng và hành động cho toàn thể Phật tử Đại Việt
trong thời đại lịch sử đang hối thúc phải có những đóp góp của toàn dân như thời Trần, rõ ràng là điều cần thiết. Còn gì thích hợp hơn là một chủ thuyết khơi dậy ở mỗi người dân Đại Việt khi đó tinh thần nhập thế tích cực, chung tay góp sức xây dựng đất nước. Và với tư tưởng mang đậm tính dân tộc ấy, Thiền phái Trúc Lâm đã thực sự trở thành một dòng Thiền dân tộc, từ cơ sở lý luận, giáo lý tu tập đến “công đức vô lượng” trong đời sống thực tiễn.
Trong Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang đã nhận xét: “Phật giáo Trúc Lâm là một nền Phật giáo độc lập, uy tín tinh thần của nó là uy tín tinh thần quốc gia Đại Việt. Nó là xương sống của một nền văn hóa Việt Nam độc lập. Nền Phật giáo này tuy có tiếp nhận những ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa, Ấn Độ và Tây Tạng nhưng vẫn giữ cá tính đặc biệt của mình” [34; tr. 256]. “Cá tính đặc biệt” mà Nguyễn Lang nói ấy, chính là tinh thần dân tộc, là bản sắc dân tộc của tư tưởng “Cư trần lạc đạo” nói riêng và Thiền phái Trúc Lâm nói chung.