Định hình phong cách riêng của văn học Phật giáo thời Trần

Một phần của tài liệu Sự vận động của tư tưởng “Cư trần lạc đạo” trong văn chương Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (Trang 107 - 111)

Tinh thần thực tiễn, ý thức dân tộc từ tư tưởng “Cư trần lạc đạo” của Thiền Trúc Lâm đã thổi vào đời sống Phật giáo thời Trần một luồng gió mới. Nó làm cho Phật giáo ngày càng thêm gần gũi với đời sống con người. Về mặt văn học, tư tưởng “Cư trần lạc đạo” tiếp thêm sức mạnh cho thơ Thiền được chắp cánh bay cao. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy thành tựu này qua việc so sánh thơ Thiền thời Lý và thời Trần. Thời Lý, mặc dù số lượng tác giả sáng tác thơ Thiền đông đảo nhưng thành tựu còn hạn chế. Bởi một lẽ, thơ Thiền thời Lý mang tính kinh viện, thiên về giáo lý, khó tiếp nhận. Vào thời Trần, tư tưởng “Cư trần lạc đạo” đã giúp Phật giáo có điều kiện xâm nhập sâu hơn vào đời sống xã hội, nhất là giới bình dân. Việc sáng tác văn học Phật giáo không chỉ nằm trong phạm vi của giới

tu hành mà có sự tham gia của nhiều thành phần khác. Đối tượng sáng tác được tăng cường là tiền đề cho một nền thơ ca Phật giáo phát triển nở rộ vào thời Trần. Rõ ràng, khuynh hướng văn học Thiền thời Trần có một bước tiến vượt bậc cả về số lượng tác phẩm và phạm vi phản ánh. Nó cũng có sự thay đổi đáng kể về tư tưởng và nghệ thuật so với khuynh hướng văn học Thiền thời Lý.

Trước hết, ở thời Trần, những tư tưởng nghệ thuật mới xuất hiện trong văn học Thiền. Thời Lý chủ yếu phát triển loại hình văn học duy lý, phần nhiều mang tính triết học cao. Các tác phẩm văn học Thiền thời Lý thường là những bài kệ, những Thiền ngữ ngắn, tập trung vào việc giải thích và chứng minh các giáo lý, các khái niệm, hay các phép tu hành của Phật giáo. Vì thế nó thường cao siêu, kỳ bí và có phần khô khan. Nhưng đến thời Trần, dưới sự dẫn dắt của tinh thần Thiền Trúc Lâm, các nhà tu hành đã đem Thiền học về gần hơn với đời sống hiện thực của cộng đồng dân tộc. Văn học nghệ thuật Thiền của thời kì này mang tính hiện thực sống động hơn. Nó đa dạng và phong phú hơn. Vẫn có những vần thơ suy lý, những luận thuyết tôn giáo, những thuyết giảng về giới, định, tuệ, về các khoa nghi sám hối, các tụng cổ và đối cơ… nhưng bên cạnh đó, bắt đầu le lói những thế giới tâm hồn con người cụ thể với niềm vui và nỗi buồn, thất vọng và hi vọng, hạnh phúc và khổ đau… Tất cả đã tạo nên một thế giới nghệ thuật mang đậm hơi thở của cuộc sống trần thế. Nói một cách khác, “Cư trần lạc đạo” đã góp phần đem cuộc sống nhân sinh trong chốn “trần ai” vào thơ Thiền, và đem thơ Thiền hòa vào thế tục. Chính vì vậy, thơ Thiền thời Trần đa dạng, nhiều vẻ như chính cuộc sống.

Lần đầu tiên, chúng ta thấy khuynh hướng văn học Thiền thời Trần bắt đầu có sự phân hóa thành các dòng tâm trạng có sự khác biệt nhau nhất định cùng đồng thời tồn tại. Nó bắt đầu có dấu hiệu phân hóa như chính đời

sống chứ không nhất dạng như trước đây nữa. Chúng ta có thể thấy ba chi lưu chính về tư tưởng và cảm xúc của văn học Thiền thời Trần như sau:

Khuynh hướng thiên về suy lý, lý tính; Khuynh hướng thiên về trữ tình, cảm xúc; Khuynh hướng thiên về bày tỏ nỗi niềm thế sự [43; tr. 205].

Sự phân hóa thành các khuynh hướng tư tưởng và cảm xúc như trên tất yếu dẫn đến sự mở rộng chủ đề của văn học Thiền. Rất nhiều tác phẩm văn chương Thiền thời Trần đề cập tới những vấn đề thường nhật của người tu hành. Nói như Nguyễn Phạm Hùng thì “văn học Thiền thời Trần

đã thực sự thực hiện một cuộc hành hương trở về cùng đời sống tâm hồn dân tộc”. [43; tr. 205]

Nói như vậy không phải là văn học Thiền thời Trần bị phân tán và xé thành từng mảnh nhỏ, trái lại khuynh hướng văn học Thiền thời Trần vẫn có tính thống nhất cao. Dù cho tác phẩm văn học đó thuộc chi lưu cảm xúc nào, thì chúng vẫn có một điểm chung thống nhất, đó là sự quán chiếu của tư tưởng Thiền dân tộc Trúc Lâm. Tư tưởng “Cư trần lạc đạo” của Thiền Trúc Lâm đã quán chiếu cả những vần thơ suy lý, những luận thuyết tôn giáo khô khan, đến những vần thơ trữ tình tràn trề cảm xúc với thiên nhiên và cuộc sống, cũng như nỗi niềm thao thức vì dân vì nước của nhiều vị tu hành, cư sĩ và Phật tử thời này.

Một điểm rất đáng chú ý nữa là các thể loại văn học Phật giáo phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng. Những thể loại văn học Phật giáo đã xuất hiện từ thời Lý có những thay đổi về chất. Luận thuyết tôn giáo có bước tiến vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, có những tác phẩm giáo thuyết nhưng hết sức độc đáo và đầy chất thơ như Khóa hư lục của Trần Thái Tông. Loại hình ngữ lục Thiền tông đem đến những khả năng biểu hiện mới, mà tiêu biểu là Thượng sĩ ngữ lục của Trần Tung kết hợp sâu sắc giữa Thiền lý với hồn thơ bay bổng. Những bài thơ Thiền tràn trề cảm xúc

của Trần Nhân Tông trong Thiên Trường vãn vọng, của Trần Thánh Tông trong Hạnh Thiên Trường hành cung, của Huyền Quang trong Phiếm chu,

Chu trung… luôn làm ngây ngất tâm hồn con người về một thế giới lắm

sắc màu, trong trẻo, huyền hoặc mà hiện thực. Con đường đến với kinh điển Phật học không chỉ bằng những giáo lý cao viễn, uyên áo mà còn bởi những xúc cảm rất người khi nhận diện được cái thường hằng, vĩnh viễn của thời gian chân như bất biến. Những Thiền sư - thi sĩ thực thụ xuất hiện và để lại cho đời những vần thơ triết lý vừa sâu sắc, thâm trầm nhưng cũng rất giàu hình tượng và dạt dào cảm xúc. Sự xuất hiện một hình thức văn học mới - thể ca ngâm - đã đánh dấu sự trưởng thành và tính tự lực của nền văn hóa Việt. Tác giả tiêu biểu của thể loại văn học này là Trần Tung. Ông đã cống hiến cho lịch sử văn học những bài ca bằng chữ Hán đầu tiên như:

Phật tâm ca, Phóng cuồng ngâm, Trừu thần ngâm… Trong đó ông chủ

trương đập vỡ thái độ bám víu vào khái niệm, đả phá quan niệm lưỡng nguyên, phá vỡ những vấn đề giả tạo của đời sống đạo để “ca lên khúc nhạc huyền diệu của muôn đời” (Diệu khúc bản lai tu cử xướng – Thị chúng)… Khuynh hướng văn học Thiền thời Trần không những không mất đi cái siêu thoát, kỳ bí và trong trẻo vốn có từ thời Lý, mà còn được tô đắp thêm những hương vị ngọt ngào và nồng nàn của cuộc đời trần thế.

Sự xuất hiện những yếu tố mới trong tư tưởng nghệ thuật và trong những hình thức nghệ thuật Phật giáo đã làm cho khuynh hướng văn học Thiền thời Trần trở nên phong phú, sinh động và hấp dẫn. Nói tới vai trò của khuynh hướng văn học Thiền thời Trần, công bằng tức là nói tới vai trò của chủ thuyết “Cư trần lạc đạo”. Chính nó đã góp phần hình thành nên phong cách riêng của văn học Phật giáo thời Trần, qua đó đóng góp quan trọng trong sự phát triển của văn học dân tộc.

Một phần của tài liệu Sự vận động của tư tưởng “Cư trần lạc đạo” trong văn chương Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (Trang 107 - 111)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(124 trang)
w