Trái với tâm hồn thanh thản được thể hiện trong bài phú Nôm (Vịnh
Vân Yên tự phú), người đọc có thể nhận thấy “cái tôi” tác giả thấp thoáng
trong từng vần thơ chữ Hán còn lại của Huyền Quang. Trừ trường hợp bài
Diên Hựu tự tác giả nói về quan niệm “bất nhị pháp môn”: “Tham thấu thị phi bình đẳng tướng; Ma cung Phật quốc hảo sinh quan” (Đã coi đúng sai
cũng như nhau / Cung Ma nước Phật khác gì nữa đâu), tất cả các bài khác đều nổi lên đậm nét những tâm trạng và suy tư của Huyền Quang. Đó là nỗi day dứt vì tài sức mình có hạn mà trách nhiệm với đạo quá nặng nề:
Đức bạc thường tàm kế tổ đăng, Không giao Hàn, Thập khởi oan tăng. Tranh như trục bạn quy sơn khứ, Điệp chướng trùng sơn vạn vạn tằng.
(Thường thẹn mình đức mỏng mà được nối ngọn đèn tổ,
Luống để cho Hàn Sơn và Thập Đắc (hai vị cao tăng đời Đường) phải sinh niềm oán giận.
Sao bằng theo bạn về núi,
Sống giữa vạn tầng núi non trùng điệp)
(Nhân có việc, đề thơ ở chùa Cứu Lan) Thơ ca Huyền Quang man mác một niềm cô liêu khó tả. Nếu sự cô đơn hay đem đến những cảm xúc bi ai, sầu não ở người thường, thì với Huyền Quang, bản lĩnh bình tâm thấu hiểu trước mọi biến đổi của cuộc sống khiến ông coi cô liêu là một niềm an lạc, được cô đơn trong sự an nhiên tự tại là một niềm hạnh phúc, bởi trong cô liêu con người có thể khám phá và thưởng thức vô vàn vẻ đẹp. Đó là hoa mai lẫm liệt trên núi tuyết, hoa cúc cuối năm trong núi, con thuyền nhỏ giữa mênh mông nước liền trời, vài cánh nhạn cô lẻ trong ánh tà huy,…
Dục hướng thương thương vấn sở tòng Lẫm nhiên cô trĩ tuyết sơn trung
Dịch thơ:
Hoa từ đâu tới, hỏi thiên không Núi tuyết cô đơn đứng lẫy lừng
Đó không phải là niềm cô đơn thường tình của thế gian, niềm cô đơn thường đi liền với khổ đau, thất vọng mà là niềm cô đơn của người biết sống một mình. Nói cách khác, niềm cô đơn ấy là sự dừng lại (chỉ) những dục vọng và thấu thị (quán) những huyền diệu của vũ trụ. Và phải chăng, tâm hồn cô liêu ấy đã tìm đến mùa thu, tìm đến hoa cúc như một sự đồng điệu của những điệu hồn:
Thượng phương thu dạ nhất chung lan Nguyệt sắc như ba phong thụ đan
(Đêm thu, trên chùa vẳng một tiếng chuông tàn Ánh trăng như sóng, cây phong lá đỏ)
Đằng sau tấm áo cà sa ẩn giấu một trái tim thi sĩ vô cùng nhạy cảm với thiên nhiên. Có thể quên đời, quên thân nhưng làm sao quên được những quen thuộc của cỏ cây, hoa lá. Vũ trụ xoay vần biến thiên, mùa nào hoa cỏ ấy, những thân thuộc muôn đời đâu dễ mất đi. Vẫn có đây những xào xạc đời thường, những yêu dấu nhân sinh nơi chốn tĩnh hòa rất mực ấy... Khi đã về với núi rừng rồi, Huyền Quang đã tự bày tỏ: “Bào chuyết vô
dư sách” (Giữ thói vụng về, không có mưu chước gì).
Đối với những kẻ chỉ biết vui vật dục tầm thường thì ngồi nhìn cuộn khói tỏa ra từ bếp lửa trong đêm sắp tàn, thấy có gì vui đâu? Vậy mà Huyền Quang cùng với chú tiểu đồng dường như bắt gặp được niềm vui chứa chan trong lòng:
Ổi dư cốt đột tuyệt phần hương,
Khẩu đáp sơn đồng vấn đoản chương. Thủ bả xuy xương hòa thái thác, Đồ nhân giao tiếu lão tăng mang.
(Địa lô tức sự) Nguyễn Lang dịch thơ:
Củi hết, lò còn vương khói nhẹ,
Sơn Đồng hỏi nghĩa một chương kinh. Tay cầm dùi mõ, tay nâng sáo,
Thiên hạ cười ta cứ mặc tình.
Và trên những nẻo đường của trần gian, dù vẫn đầy cát bụi nhưng những nàng con gái đôi tám xinh đẹp vẫn ngồi dệt mộng yêu đương, khi mùa xuân chợt đến:
Nhị bát giai nhân thích tú trì, Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly. Khả liên vô hạn thương xuân ý, Tận tại đình châm bất ngữ thì.
(Người đẹp tuổi vừa đôi tám ngồi thêu gấm chậm rãi, Dưới lùm hoa tử kinh đang nở, líu lo tiếng chim oanh vàng Thương biết bao nhiêu cái ý thương xuân của nàng,
Cùng dồn lại ở một giây phút dừng kim và im phắc)
Dù đó là bài thơ Thiền thuộc đời Tống của Trung Quốc, như một bài báo gần đây đã tìm được xuất xứ, nhưng đó vẫn là bài thơ của thế giới Thiền. Như vậy ta có thể đoán rằng, khi Huyền Quang ghi lại bài thơ này vào trong tập thơ của mình, Huyền Quang chỉ muốn dùng nó để phát biểu một điều mà ngôn ngữ bình thường không thể diễn đạt được. Ông nắm bắt tức thì vẻ đẹp vô ngôn của cô gái khi tay dừng thêu vì lặng ngắm cảnh sắc tuyệt đẹp của mùa xuân. Cô dừng kim, không nói vì thương ý xuân chăng, mùa xuân đầy sức sống như thế sao lại phải cảm thương, hay là cô nghĩ đến sự lẻ loi của mình giữa cảnh vật tưng bừng thế kia, hay thương ở đây là sự lặng người xao xuyến trước vẻ đẹp huy hoàng của cảnh xuân? Vẻ đẹp không lời của thiếu nữ dường như hoàn toàn hòa hợp với cảnh xuân kia. Sự bén nhạy của tâm hồn nghệ sĩ trong Huyền Quang đã không bỏ qua bức tranh tình ý hòa hợp và gợi nhiều tầng cảm hứng ấy.
Có thể mượn thuật ngữ “đa thanh” của Bakhtin để nhận định về thơ Huyền Quang. Quả thật, thơ của ông có nhiều tiếng nói: khi vui, khi buồn;
khi thương mình, khi thương người; khi phiền trách, khi an ủi; khi cô đơn, khi hòa đồng… “Thơ Thiền đến Huyền Quang đã đạt tới chỗ vi diệu của ranh giới gặp gỡ giữa Thiền và thơ. Ở đó, con người - Thiền sư đứng ngoài sự trói buộc của những thịnh suy, được mất, nhưng vẫn để trái tim nhà thơ của mình rung theo những nỗi niềm nhân thế” [68; tr. 68].
Huyền Quang là vị tổ thứ ba của phái Thiền Trúc Lâm Đại Việt khai sáng ở đời Trần và cũng có thể nói là vị tổ sau cùng khép lại phái Thiền danh tiếng lừng lẫy một thời ấy. Sau ông, Thiền Trúc Lâm không còn được
nghe nhắc đến nữa. Theo Đoàn Thị Thu Vân [68; tr. 68], có thể giải thích điều này từ hai lí do:
Thứ nhất, tính chất nghệ sĩ của Huyền Quang không thích hợp với
chức trách của một vị giáo chủ, ít nhiều phải bị ràng buộc trong việc tổ chức môn phái, xiển dương đạo pháp, trước thuật sách vở, mà người tiền nhiệm của ông là Thiền sư Pháp Loa đã đảm nhiệm khá trọn vẹn.
Thứ hai, có thể Huyền Quang đã đi đến tận cùng tôn chỉ của Thiền
nói chung và Thiền Trúc Lâm nói riêng bằng cách dùng “vô tự chân kinh” (kinh không chữ) thay cho truyền đạo, giảng pháp, tức để Thiền hòa vào đời sống một cách tự nhiên, như người ta cần phải hít thở, ăn uống, đi lại…
Cũng có thể giải thích như PGS.TS Nguyễn Kim Sơn: “Thiền tự giải
thể khi đi vào thế tục quá giới hạn của nó. Khi ấy nó chuyển giao cho một đội ngũ những nhà nho còn mang nhiều phẩm chất của Thiền. Dĩ nhiên sự kết thúc của Thiền đời Trần là sự bàn giao tư tưởng xét trên diện rộng. Nó có những lí do quan trọng khác có liên quan tới nhu cầu của sự phát triển xã hội, của nền chuyên chế... Thiền đi vào thế tục như đời Trần có lẽ đã tạo ra sự kết thúc cho chính nó” [45; tr. 40]. Từ đây, Phật giáo đã hoàn thành
sứ mệnh lịch sử vẻ vang của nó và tiếp tục sống trong dân gian để nhường lại vũ đài chính trị cho Nho giáo, một học thuyết chính trị - xã hội của chế độ phong kiến trung ương tập quyền Trung Hoa. Trong văn học, hiện tượng này được biểu hiện ở quá trình điển phạm hóa loại hình văn học nhà Nho, bắt đầu từ Trần Nhân Tông qua Nguyễn Trãi đến Lê Thánh Tông.
Tiểu kết: Tư tưởng “Cư trần lạc đạo” là tôn chỉ hoạt động của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, được Sơ tổ Trần Nhân Tông tổng kết từ chính cuộc đời hành đạo của mình, trên cơ sở kế thừa tinh hoa Thiền học từ các bậc tiền bối như Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng sĩ. Khi xem xét sự vận động của tư tưởng “Cư trần lạc đạo”, cần thiết phải nhìn nhận nó trong một
quá trình lịch sử lâu dài gắn với vận mệnh dân tộc. Cảm hứng “Cư trần lạc đạo” xuyên suốt trong các sáng tác của Thiền phái Trúc Lâm là một phương diện mang tính chất nhập thế của Thiền, từ trong bản chất đã có điểm gặp gỡ với Nho giáo. Có thể tìm thấy những biểu biện đầu tiên của tư tưởng này ở chủ trương “tùy tục” của Thiền sư Thường Chiếu đời Lý, người đóng vai trò là dấu nối trong việc biến Phật giáo “tam tông” đời Lý thành Phật giáo “nhất tông” đời Trần. Đến đời Trần, Thái Tông Trần Cảnh, xuất phát từ những uẩn ức bi thương trong cuộc đời cá nhân, lại chịu ảnh hưởng của Pháp bảo đàn kinh (Lục tổ Huệ Năng), đã quan niệm con người phải “biện tâm” (uốn nắn tâm, điều chỉnh tâm) để đạt tới sự tự tại giải thoát ngay giữa cõi trần. Theo ông, Tâm chính là Phật, mỗi người đều là “Phật sống”, chỉ cần nhận chân được Tâm, được “Phật tính” trong tâm thì tức khắc thành Phật, khỏi tìm kiếm cực nhọc đâu xa. Đến Tuệ Trung Thượng sĩ, với bản lĩnh Thiền học phi thường của vị cư sĩ này, “Cư trần lạc đạo” đã khoác lên mình một phong thái khoáng đạt, tiêu dao chưa từng có. Ông chủ trương “hòa quang đồng trần” (hòa ánh sáng cùng thế tục), không câu chấp nghi lễ, không vin vào giáo lý, kinh điển, đả phá quan niệm lưỡng nguyên. Đặc biệt, phương châm “phản quan tự kỷ bản phận sự, bất tòng tha đắc” của ông đã trở thành yếu chỉ trong cuộc đời hành đạo của Trần Nhân Tông, Đệ nhất tổ của Thiền phái Trúc Lâm sau này. Tất cả những luận điểm quan trọng: Phật tại tâm, hòa quan đồng trần của những vị tiền bối đã đặt nền móng cho sự ra đời của dòng Thiền dân tộc Trúc Lâm đã được Trần Nhân Tông khái quát và hệ thống hóa thành chủ thuyết “Cư trần lạc đạo”. Tinh thần “tùy duyên lạc đạo” mà Trần Nhân Tông phát biểu đã trở thành phương chấm sống đời vui đạo của toàn thể quốc gia Đại Việt khi ấy. Có thể nói, Trúc Lâm Sơ tổ chính là người lập thuyết cho Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử với tư tưởng “tùy duyên lạc đạo” đầy tinh thần khai phóng của
mình. Đến Đệ tam tổ Huyền Quang, tư tưởng “Cư trần lạc đạo” được đẩy tới tận cùng, đã hòa vào thế tục. Biên giới giữa đạo và đời trong thơ ca Huyền Quang dường như bị xóa nhòa. Ở đó, ta bắt gặp một Thiền sư ngộ đạo, ung dung sống giữa cõi trần ai mà vẫn để lòng rung động với những nỗi niềm nhân thế. Như vậy, sự vận động của tư tưởng “Cư trần lạc đạo” được phản ánh trong trước tác của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài, với sự tiếp nối và kế thừa, gắn với khuynh hướng thế tục hóa, để rồi Phật học dần nhường bước cho Nho giáo trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc.
CHƯƠNG 3: