Trần Thái Tông, người đặt nền móng tư tưởng cho Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử với triết lý “biện tâm”

Một phần của tài liệu Sự vận động của tư tưởng “Cư trần lạc đạo” trong văn chương Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (Trang 34 - 39)

Trúc Lâm Yên Tử với triết lý “biện tâm”

Thái Tông Hoàng đế, “họ Trần, tên húy là Cảnh, trước tên húy là

Bồ, làm Chi hậu chính triều Lý, được Chiêu Hoàng nhường ngôi, ở ngôi 33 năm (1226 - 1258), nhường ngôi 19 năm, thọ 60 tuổi (1218 – 1277), băng ở cung Vạn Thọ, táng ở Chiêu Lăng. Vua khoan nhân đại độ, có lượng đế vương, cho nên có thể sáng nghiệp truyền dòng, lập dựng kỉ cương chế độ nhà Trần thực to lớn vậy” [36; tr 37].

Toàn bộ các quan điểm triết học của Trần Thái Tông được biểu hiện tập trung trong các tác phẩm Thiền tông chỉ nam và Khóa hư lục. Đây là tác phẩm được viết như “máu chảy đầu ngọn bút, nước mắt thấm từng trang

giấy” sau bao khát khao tìm tòi chân lý với nỗi đau thế thái nhân tình, để

rồi đạt đến chỗ sở đắc “chân tâm”.

Xu hướng hướng nội để tìm cầu chân lý tối hậu, có thể nói là rất sáng tỏ trong đời sống Phật giáo đời Trần, nó mở đầu bằng một câu nói của Quốc Sư Phù Vân (Viên Chứng) khuyên vua Trần Thái Tông, khi lánh lên núi Yên Tử để cầu Phật: “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong

lòng, lòng lặng mà hiểu, đó chính là chân Phật. Nay nếu bệ hạ giác ngộ tâm đó thì lập tức thành Phật, không nhọc tìm kiếm bên ngoài”.

Muốn được giác ngộ và giải thoát, Trần Thái Tông khuyên mọi người, không kể tăng hay tục, hãy “biện tâm”. “Biện tâm” là thế nào? “Biện tâm” có phải là “điều phục tâm”, như trong Kinh Pháp Cú nói: “Khó

nắm giữ khinh động, theo các dục quay cuồng. Lành thay điều phục tâm, tâm điều an lạc đến.” [18; tr 15]; có phải là “phòng hộ tâm”, như trong câu

kệ:“Người trí phòng hộ tâm, Tâm hộ an lạc đến” [18; tr. 15]; có phải là “an trú tâm”, như trong câu kệ:“Ai tâm không an trú, không biết chân diệu

pháp” [18; tr. 15].

Nói tóm lại, theo Kinh Pháp Cú, “biện tâm” là uốn nắn cho tâm thẳng, như thợ làm tên uốn nắn cho tên thẳng, là “điều phục tâm”, “phòng hộ tâm”, “an trú tâm”, khiến cho tâm không còn tham lam, sân hận, siêu việt lên trên thiện ác, giữ vững tâm như giữ thành trì.

Qua những lời tâm huyết mà Trần Thái Tông viết trong Niệm Phật

luận, chúng ta có thể hình dung công phu “biện tâm” mà ông nói là như thế

nào: “Giữ cho tâm không một niệm nào bật khởi lên trong tâm thức, bởi vì

niệm là ngoại trần, là hư giả không thật. Khiến cho cả trần và niệm bình lặng, không khởi lên nữa, thời sẽ đạt tới cảnh như như bất động” [20; tr. 134].

Trần Thái Tông ở một đoạn sau của bài Niệm Phật luận cũng trở lại ý tứ đó: “Hạng trí tuệ trung bình,... chỉ còn lại thiện niệm, lấy (thiện) niệm

để đối trị ác niệm, diệt bất cứ niệm nào mống lên. Và khi mọi niệm diệt hết, thì tức là ngộ đạo” [20; tr. 145]

Vì sao Trần Thái Tông nói là phải diệt hết mọi niệm? Phải chăng, theo ông, mọi niệm thiện, ác cũng đều là tạo nghiệp không phải là giải thoát, chỉ khi đạt tới cảnh “như như bất động” mới là “chân giải thoát”. Thế nhưng, “như như bất động” là cảnh giới thế nào? Tất nhiên, “bất động” ở đây không phải là thân không động. “Bất động”, nên hiểu là không động niệm, không thủ chấp, không vướng mắc. Như vậy, đó là tâm thức sáng suốt biết mình đã giải thoát. Chúng ta nhớ câu của Quốc sư Phù Vân nói với Trần Thái Tông, khi vua lên núi Yên Tử: “Lòng lặng mà hiểu, đó chính

là chân Phật.”

Khi trả lời câu hỏi đạo của nhà sư Trung Quốc là Tống Đức Thành, vua nói “tâm vô” chưa phải là giác ngộ. Ý vua nói, dù đạt tới cảnh giới “vô niệm” rồi cũng chưa phải là giác ngộ:

“Đừng nói tâm vô tức là đạo, vô tâm còn cách đạo đến hai cửa ải

nữa...”.

Đức Thành lại hỏi:“Tâm đã rỗng không rồi, lại còn phải đi qua hai cửa ải sao?”

Vua trả lời:“Nước chảy xuống núi không có ý thức gì, Mây trắng ra khỏi hang núi cũng là vô tâm”[20; tr. 68].

Ý vua nói “lặng” không chưa đủ, “vô niệm” mà thôi thì chưa đủ, mà trí tuệ phải chiếu sáng thì mới giác ngộ được.

Trong bài Tọa thiền luận, Trần Thái Tông có viết: “Người học đạo

chỉ cốt thấy được bản tính. Tuy chịu tất cả mọi tịnh giới mà không ngồi thiền thì định lực không sinh. Định lực không sinh thì ý nghĩ sai lầm không

diệt được” [20; tr. 36]. Ông cho rằng những ai đã lĩnh hội được Phật tính

nơi mình rồi thì người đó không còn tạo nghiệp nữa. Bởi lẽ chính cái tâm “vô minh”, vọng động là nguyên nhân tạo tác của nghiệp, nhưng khi con người đã tìm lại được chân tâm, bản tính của mình, đã biến tâm mình thành tâm Phật rồi thì không còn tham, sân, si; tâm trở nên thanh tịnh, trong sáng bản nhiên, nên nghiệp tự khắc không còn. Do vậy, họ cũng không còn tái sinh trong vòng luân hồi sinh tử. Thực chất của “kiến tính”, đó là một sự trở về, trở về với “quê hương” bản tâm nguyên sơ, tĩnh lặng mà thuần khiết của mỗi chúng sinh. Và giải thoát theo triết lý Thiền ở đây chẳng khác gì hơn là sự tỉnh thức tuyệt đối, cao độ, vượt lên trên mọi chấp trước và lầm kiến, để sống sinh động và trọn vẹn trong cái hữu hạn của cuộc đời và cái vô hạn của bản nguyên tuyệt đối thanh tịnh.

Trong Phổ khuyến phát Bồ đề tâm (Khoá hư lục), Trần Thái Tông viết “Khởi thức Bồ đề giác tính cá cá viên thành, tranh tri Bát Nhã thiện

căn nhàn nhàn cụ túc” [20; tr. 89] (Hay đâu Bồ đề tính giác, ai nấy đều có

đầy đủ, sao biết căn lành Bát Nhã, người người đều tròn đầy). Ý muốn nói, sự giác ngộ đã có sẵn trong mọi người, trí tuệ Bát Nhã cũng có đầy đủ trong mọi người, chẳng cần tìm đâu xa cả mà hãy tìm ở thân mình, tức phải “biện tâm” thì sẽ thấy được tính, giác ngộ mà thành Phật. Do đó, cầu Phật, cầu chân lý không thể hướng ngoại mà phải hướng nội. Nói như Quốc sư Phù Vân, Phật chỉ có ở trong tâm và ai cũng có sẵn trong mình Phật tính, vì vậy mà “chẳng cứ đại ẩn, tiểu ẩn, chẳng kể tại gia, xuất gia; hỏi chi tăng,

tục chỉ cốt rõ tâm. Nếu biết chiếu rọi ánh sáng (của trí tuệ) trở lại, sẽ thấy tính mà thành Phật” [20; tr. 45]. Cho nên suốt cuộc đời, Trần Thái Tông rất

tích cực trong việc trị nước an dân và đặc biệt, ông đã trực tiếp cầm quân, chỉ huy cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ năm 1258 thắng lợi. Nhân sinh quan của Trần Thái Tông là “nhìn thẳng vào thực tại con người và

cuộc đời để tự phản tỉnh, bước nhanh trên con đường trở về cội nguồn quê hương cao đẹp”. Nhân sinh quan đó được trình bày rõ qua bài Tứ sơn kệ

[20; tr. 13] trong Khoá hư lục:

Tứ sơn tiễu bích vạn thanh tùng Ngộ liễu đô vô vạn vật không Hỉ đắc lư nhi tam cước tại

Mịch kỵ đả sấn thướng cao phong

(Chanh vanh bốn núi vạn cây tùng Liễu ngộ đều không vạn vật không Ba cẳng lừa kia mừng vướng đó Cưỡi lên thẳng tới đỉnh non bồng)

Trở về với bản thể thanh tịnh tự nhiên vốn có của tâm thức tức là “Phật tính”. Cái nhìn này vốn là tư tưởng đặc trưng của đông phương, nhất là Phật giáo. Đức Phật từng tuyên bố: “Tất cả chúng sinh đều có Phật

tính”, “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Bằng cái nhìn

phóng khoáng, viên dung “tất cả là một, một là tất cả” như vậy, đạo Phật đã phá tan mọi bức tường ngăn cách, vén lên bức màn đen tối đã bao trùm lên tâm thức của chúng ta. Thái Tông có cái nhìn rất thoáng:

Trong hang quỉ vẫn là lâu đài Di Lặc,

Dưới hắc sơn chẳng khác cảnh giới Phổ Hiền.

Đó là đạo Phật của mọi người, một đạo Phật hướng nội và “biện tâm” giúp mọi người trở về với thực tại của mình, không phải đi tu vào chùa, cạo đầu, mặc cà sa mới giác ngộ; xem mọi người đều là Phật, là những vị “Phật sống” mà không tự biết. Trong bài luận về niệm Phật ông viết: “Phật thân tức ngã thân thị, vô hữu nhị tướng, tướng tướng vô nhị,

tịch nhiên thường tồn, tồn nhi bất tri, thị vi hoạt Phật”[20; tr 120] (thân ta

tức là thân Phật, không có hai tướng, tướng Phật và tướng ta không phải hai, lặng vậy thường tồn tại, tồn tại mà không biết, đó là Phật sống vậy). Người là Phật, nhưng người lại không tự biết, cho nên Trần Thái Tông gọi người là “Phật sống”.

Triết lý “biện tâm” của Trần Thái Tông đã đặt nền móng tư tưởng cho Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử về sau. Tựa hồ nó như một giọt nước cam lộ tắm mát chúng sinh, giúp cho người tu đạo tìm thấy Phật trong tâm mà không phải vất vả tìm kiếm bên ngoài. Phật giáo “biện tâm” là Phật giáo của mọi người, nó không hạn chế trong tăng sĩ cũng không hạn chế trong chùa chiền. Ai cũng “biện tâm” được, không kể là xuất gia hay tại gia, ở giữa trần tục vẫn có thể vui với đạo. Tư tưởng đó làm cho đạo Phật mặc dù có giáo lý cao siêu, thâm diệu nhưng vẫn có nền tảng quần chúng rộng rãi.

Một phần của tài liệu Sự vận động của tư tưởng “Cư trần lạc đạo” trong văn chương Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (Trang 34 - 39)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(124 trang)
w