Chủ trương “tùy tục” của Thường Chiế u dấu gạch nối giữa ba tông phái Thiền đời Lý với dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử

Một phần của tài liệu Sự vận động của tư tưởng “Cư trần lạc đạo” trong văn chương Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (Trang 31 - 34)

tông phái Thiền đời Lý với dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử

Thường Chiếu (? - 1203), là một thiền sư đời Lý, thuộc thế hệ thứ 12 của Thiền phái Vô Ngôn Thông trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Thường Chiếu người làng Phù Ninh, họ Phạm. Hồi chưa xuất gia, ông đã từng làm quan dưới triều vua Lý Cao Tông. Sau đó, ông bỏ quan tước để đi xuất gia dưới sự hướng dẫn của Thiền sư Quảng Nghiêm, chùa Tịnh Quả.

Ðược tâm truyền của thiền sư Quảng Nghiêm, ông ở lại chùa Tịnh Quả thêm vài ba năm để hầu thầy, rồi lui về một ngôi chùa cổ ở làng Ông Mạc để dạy học trò. Sau đó không lâu, thiền sư Thường Chiếu dời sang chùa Lục Tổ, vốn là một tổ đình rất xưa của phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi. Ngoài công xiển dương và truyền dạy giáo lý Phật pháp cho tăng chúng, Thiền sư còn có công thống nhất ba Thiền phái lúc bấy giờ.

Ở đời Lý, lối sống “Cư trần lạc đạo” với chủ trương “tùy tục” đã hình thành và đi vào đời sống thực tiễn. Các nhà sư ở giai đoạn này không chỉ đóng khung trong những hoạt động nhà chùa, họ kết hợp với các Phật tử tham gia công tác xã hội như: chữa bệnh, đắp đường,… Thiền sư Trường Nguyên chủ trương “Tại quang tại trần, thường ly quang trần” (Ở chỗ ánh sáng bụi trần, thường lìa ánh sáng bụi trần). Thường Chiếu, người làm gạch nối giữa Phật giáo “ba tông phái” đời Lý và Phật giáo “một tông phái” đời Trần, cũng nói đến chữ “tùy”. Trong Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang có dẫn câu chuyện từ sách Thiền uyển tập anh:

Trước khi Thường Chiếu viên tịch, đệ tử của ông là Thần Nghi hỏi: “Những nhân vật như sư phụ khi thời tiết đến cũng phải tùy tục chết như người thường sao?”. Thường Chiếu hỏi: “Người thấy được ai là kẻ không tùy tục nào?”. Thần Nghi đáp: “Bồ Đề Đạt Ma là một. Ông ta không chết mà chỉ lướt biển trở về Ấn Độ”. Thường Chiếu lại nói: “Đó chẳng qua chỉ là chó sủa bóng thôi”. Thần Nghi hỏi: “Vậy hòa thượng có tùy tục không?” Thường Chiếu nói: “Ta cũng tùy tục”. Thần Nghi lại hỏi: “Tại sao lại như thế?”. Thường Chiếu trả lời: “Để cho giống với kẻ khác” [34;

tr. 125].

Qua câu chuyện, Thường Chiếu đã truyền dạy cho học trò của mình nguyên tắc “tùy tục”, nghĩa là làm giống cuộc đời. Tuy nhiên, ông chủ yếu nhấn mạnh chữ “tùy” với ý nghĩa “tùy tục” về lẽ sống chết chứ chưa hẳn là

sự “tùy nghi”, “tùy duyên”. Khi người học trò hỏi về “pháp thân”, Thường Chiếu đã trả lời bằng bài kệ:

Tại thế vi nhân thân, Tâm vi Như Lai tạng. Chiếu diệu thả vô phương, Tầm chi cánh tuyệt khoáng.

(Ở thế là nhân thân Tâm là Như Lai tạng

Chiếu dọi khắp muôn phương, Nếu tìm không thấy bóng)

“Pháp thân” hay “tự tính giác ngộ” được Thường Chiếu gọi là “Như Lai tạng” thì tồn tại khắp nơi. Có điều con người tồn tại qua xác thân ngũ uẩn. Vậy “Pháp thân” cũng có nghĩa là “nhân thân”. Quan điểm này có được là do Thường Chiếu đã biết y cứ vào tư tưởng “Một là tất cả, tất cả là

một” của kinh Hoa Nghiêm để làm cơ sở lý luận. “Pháp thân” chính là

“Phật thân”, là thân sinh diệt của con người. Xác thân hiện hữu có vai trò rõ nét trong quá trình đi tìm sự giác ngộ. Chân lý chỉ hiện khởi cho bất cứ ai tìm thấy trong đời sống thực, chứ không ở đâu xa cả. Và như thế, dù tăng hay tục, dẫu ở trong chùa hay ngoài xã hội, đều có thể ngộ đạo. Quan điểm này rất gần gũi với tư tưởng của các nhà Thiền học phái Trúc Lâm sau này. Đó là biểu hiện của tinh thần tự tín, tự lập đã được soi chiếu trong phương pháp tu tập, rèn luyện của Thiền Nam Trung Hoa, mà Lục tổ Huệ Năng là người có công lớn nhất.

Tư tưởng “tùy tục” của Thường Chiếu, nói một cách dễ hiểu là làm giống như cuộc đời, không phân biệt với cuộc đời. Chính vì không phân biệt với cuộc đời như thế mà Thiền sư có thể ung dung đón nhận tất cả, kể cả cái chết một cách bình thản. Bài kệ ông đọc trước lúc lâm chung biểu lộ

phong thái của người đã giải thoát, tìm thấy rằng thực hữu tràn đầy kia không nơi đâu và không lúc nào không phải là quê hương mình:

Ðạo bản vô nhan sắc Tân tiên nhật nhật khoa Ðại thiên sa giới ngoại Hà xứ bất vi gia?

Dịch thơ:

Ðạo vốn không nhan sắc Mà ngày càng gấm hoa Trong ba ngàn cõi ấy Ðâu chẳng phải là nhà?

Chủ trương “tùy tục” của Thường Chiếu đã đặt “những viên gạch” đầu tiên cho sự hợp nhất tư tưởng của Thiền “tam tông” thời Lý (Tỳ-ni-đa- lưu-chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường), gợi mở đường hướng cho sự ra đời của Thiền phái duy nhất đời Trần. Tư tưởng “tùy tục” của ông, về sau được Tuệ Trung Thượng sĩ vận dụng linh hoạt với một tinh thần khai phóng “vô tiền khoáng hậu”, trở thành nếp sống đạo trộn lẫn cùng thế tục (“hòa quang đồng trần”) mang cốt cách và bản lĩnh Thiền tông Đại Việt.

Một phần của tài liệu Sự vận động của tư tưởng “Cư trần lạc đạo” trong văn chương Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (Trang 31 - 34)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(124 trang)
w