Khác với với ý vị tiêu dao tự tại “phóng cuồng” của Tuệ Trung ít nhiều mang ý vị triết học, thi hứng của Huyền Quang ký thác nơi cuộc sống hiện thực quanh mình, đặc biệt là thiên nhiên nơi nhà thơ sống và đặt bước ngao du đến. Cảnh thiên nhiên trong thơ Huyền Quang bình dị, đơn sơ nhưng để lại ấn tượng sâu sắc khó quên bởi được lọc qua tâm hồn nghệ sĩ nhạy bén và giàu rung cảm. Một cảnh rất bình thường nơi thôn dã là đi thuyền trên sông nước đã được ghi lại bằng bài thơ tứ tuyệt ý vị:
Nhất diệp biển chu hồ hải khách, Xanh xuất vi hàng phong thích thích. Vi mang tứ cố vãn triều sinh,
Giang thủy liên thiên nhất âu bạch.
(Chu trung)
(Một lá thuyền con, một khách hải hồ, Chèo khỏi hàng lau, tiếng gió xào xạc.
Bốn bề mịt mù, con nước buổi chiều đang lên,
Một cánh chim âu trắng giữa khoảng nước trời liền nhau) Ấn tượng bài thơ là để lại sự tương phản giữa cái một bé nhỏ (một lá thuyền con, một khách hải hồ, một cánh chim âu trắng) và cái mênh mông vô hạn của nước liền trời, của gió chiều xào xạc bất tận. Cánh chim âu trắng nổi bật giữa trời nước xanh bát ngát ở cuối bài thơ để ngỏ một trường liên tưởng thú vị. Ở bài Phiếm chu, cảnh thiên nhiên càng hữu tình bởi người đọc cảm nhận được cả tâm hồn người trên thuyền chơi vơi cùng sóng
nước, man mác cùng hơi thu, hòa âm trong tiếng sáo thuyền câu và mênh mang cùng lòng sông tràn ngập ánh trăng. Đó là một sự buông thả hết mình, trọn vẹn:
Thủy đỉnh thừa phong phiếm diễu mang, Sơn thanh thủy lục hựu thu quang.
Sổ thanh ngư địch lô hoa ngoại, Nguyệt lạc ba tâm giang mãn sương.
(Lướt gió thuyền con ruổi tít mù, Non xanh nước biếc, ánh trời thu, Khuất lau sáo nổi vài ba tiếng,
Sương phủ, trăng chìm dưới sóng sâu)
Thơ thiên nhiên của Huyền Quang trao gửi cho người đời sau chiếc chìa khóa để mở vào thế giới sáng tạo không giới hạn. Đó là không đứng ngoài quan sát mà hòa nhập tâm vào cảnh để cảm nhận được hết cái huyền diệu của thiên nhiên. Hãy nghe nhà thơ cười người không biết thưởng thức vẻ đẹp của hoa:
Kham tiếu bất minh hoa diệu xứ, Mãn đầu tùy đáo tháp quy lai.
(Cúc hoa, IV)
(Thật đáng cười kẻ không hiểu chỗ huyền diệu của hoa, Đến đâu là hái hoa giắt đầy đầu mà về)
Những người ấy không biết rằng hoa chỉ có thần khi nó còn ở trên cành, lúc đó, hoa đầy sức sống, lung linh, kỳ diệu, như nói, như cười. Thấy hoa đẹp bẻ về để riêng mình sở hữu thì lúc ấy sẽ chỉ chiếm giữ được một vật vô tri mà thôi. Con mắt thiền đã giúp nhà thơ khám phá ra được những lý lẽ vi diệu của sự vật. Trước hết, cái đẹp tự nhiên (hoa) cũng như cái đẹp do con người sáng tạo (thơ ca, nghệ thuật) không bao giờ là sở hữu của riêng ai. Kẻ nào càng có tham vọng chiếm hữu, độc quyền cái đẹp, sẽ càng
không bao giờ chạm tới được nó. Mặt khác, để sáng tạo thiên nhiên có hồn mà chỉ đứng ngoài quan sát thì có khác nào bẻ cành hoa cúc đem về cắm vào bình để nhìn ngắm. Chỉ vẽ được xác chứ không vẽ được hồn. Vì làm thế nào có thể thấy được thần thái của hoa cúc? Phải hòa nhập trọn vẹn, hết mình cùng thiên nhiên mới có thể vượt qua những hữu hạn của giác quan để cảm nhận được những sắc màu, âm thanh vi diệu mà thiên nhiên hào phóng sẵn dành. Vì có thể buông thả để xóa bỏ ranh giới giữa ta và vật nên nhà thơ đã có được những phút giây thể nhập vào cõi sống vô thủy vô chung của đất trời, vượt khỏi dòng chảy của thời gian hữu hạn. Đó là những giây phút “quên”, để sự hữu hạn của tư duy lý tính được thay bằng ánh sáng sâu thẳm, huyền diệu của tâm linh. Người đọc thường bắt gặp trong thơ Huyền Quang những giây phút “quên” đó. Có khi nhà thơ trực tiếp nhắc đến nó:
Vong thân, vong thế, dĩ đô vong, Tọa cửu tiêu nhiên nhất tháp lương.
(Cúc hoa, III) (Quên mình, quên đời, đã quên tất cả,
Ngồi lâu trong hiu hắt, mát lạnh cả giường.) Hay:
Hoa tại trung đình, nhân tại lâu, Phần hương độc tọa tự vong ưu.
(Cúc hoa, VI) (Hoa ở dưới sân, người ở trên lầu,
Đốt hương ngồi một mình, tự nhiên quên hết phiền muộn) Nhưng cũng có khi nơi gian nhà đá, hòa lẫn cùng mây... sư ở trên giường Thiền, kinh ở trên án không còn để ý thời gian, đến khi chợt nhớ ra
thì lò tàn, củi lụi, mặt trời lên đã ba cây sào. Có khi một tấm lòng đã lặng nên không biết tiếng dế vì ai mà cứ nỉ non mãi.
Người nghệ sĩ không chỉ chiêm ngưỡng cảnh đẹp mà dường như còn có thể giao tiếp với cảnh vật:
Hoang thảo tàn yên dã tứ đa Nam lâu Bắc quán tịch dương tà. Xuân vô chủ tích thi vô liệu, Sầu tuyệt đông phong kỷ thụ hoa.
(Thứ Bảo Khánh tự bích gian đề) (Cỏ hoang khói nhạt, tứ quê chan chứa,
Lầu nam, quán bắc dưới bóng chiều tà.
Tiếc thay cảnh xuân không có chủ, thơ không có nguồn thơ, Mấy cây hoa buồn bã trước gió xuân)
Cảnh chiều quê khói nhạt bóng chiều tà đầy thi tứ, nhưng vì cảnh xuân không có chủ, không có người thơ nào thưởng lãm vẻ đẹp kỳ ảo của mùa xuân trong thời khắc này, không có vần thơ nào ghi lại khoảnh khắc tuyệt đẹp ấy nên những bông hoa chợt buồn thiu dù gió đông ấm áp vẫn không ngớt vỗ về. Thật đáng ngạc nhiên vì tâm hồn nhà thơ tinh nhạy đến thế. Nhà thơ cổ điển thường tức cảnh mà sinh tình, nói lên nỗi lòng của mình trước cảnh vật. Còn Huyền Quang thì nhập vào làm một với cảnh mà nói hộ cái tình, cái khao khát giao hòa của cảnh vật nơi đây. Có vậy mới phần nào lý giải được tứ thơ “Xuân vô chủ tích thi vô liệu” này. Nhà thơ có ở đấy thôi, đang thưởng ngoạn cảnh vật đấy thôi, vậy mà nói rằng cảnh xuân không có chủ, thơ không có nguồn thơ! Thực ra thì người thơ và cảnh thơ đã hòa làm một rồi, để cảm nhận vẻ đẹp hoang liêu tịch mịch của hoa cỏ một chiều xuân muộn.
Hòa nhập với thiên nhiên, người với thiên nhiên như bạn bè là niềm mong muốn, niềm vui mà Huyền Quang luôn ngóng vọng. Đó cũng là triết lý nhân sinh của ông về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, mối quan hệ mà con người chúng ta, từ khởi thủy mỗi giây mỗi khắc đều phải nỗ lực điều hòa. Con người sinh ra từ thiên nhiên, sống hòa hợp với thiên nhiên, song đồng thời cũng không ngừng sáng tạo nên thiên nhiên bằng sự tự do của mình. Tự do và sáng tạo, đó là cách để con người tồn tại một cách có ý nghĩa trong cuộc sống.