Từ trước, người ta thường nghĩ rằng Phật giáo xuất thế nghĩa là ra khỏi thế gian. Chúng ta thường nói xuất gia là ra khỏi thế tục, ra khỏi tam giới và thoát khỏi phiền não, tức lìa bỏ cuộc đời, lìa bỏ thế giới sống. Nếu hiểu sai quan niệm này, người tu xuất thế sẽ bỏ thế gian, bỏ cuộc sống mà đi vào thế giới không tưởng nào đó, dẫn tới bị lạc đường. Vì vậy, trong kinh Viên Giác, Đức Phật đã nhắc nhở người từ bỏ cuộc đời để đi tìm Niết bàn ở nơi khác để sống thì chẳng khác gì tìm lông rùa, sừng thỏ. Đây là điều không tưởng. Trần Nhân Tông đã tỏ ngộ lý này, nên ông sống thanh thản trong cuộc đời để tu hành, không có ý niệm ra khỏi cuộc đời, không tìm an lạc giải thoát ở ngoài cuộc đời. Ông quan niệm tất cả những gì tốt lành đều hiện hữu đầy đủ trong cuộc sống nhân gian này.
“Cư trần” - sống trong cõi đời, Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông đã thừa nhận sự tồn tại của huyễn thân. Cõi trần là một giả cảnh, chỉ là một chặng đường trong luân hồi, nhưng lại là một giai đoạn không thể bỏ qua, chính là giai đoạn để giác ngộ chân lý. Phật hoàng tập trung vào hiện tại, giải quyết các vấn đề nảy sinh ở thời điểm hiện tại, lấy hiện tại, khi con người mắc lại ở cõi trần, làm căn bản để giải quyết mối tương quan con người - cõi đời - đạo. Như vậy, con người, kẻ tu hành chấp nhận thực tại như một giả tướng, nhưng không xa lánh, không trốn tránh, không phủ nhận, mà hơn nữa, chấp nhận sống trong thực tại - giả tướng - với những luật của giả tướng một cách nhẹ nhõm, an nhàn, tự do bởi sự ngộ đạo, bởi tuệ nhãn đã được khai mở:
Mình ngồi thành thị, nết dụng sơn lâm Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tính.
(Cư trần lạc đạo phú, hội thứ nhất)
“Lạc đạo” - vui với đạo, là một tâm thế hành đạo. “Lạc” ở đây là Niết bàn tại thế, là niềm vui, hạnh phúc chân thật, xuất phát từ nội tâm, từ sự trực ngộ được thể tính thanh tịnh của tâm. Nghe được đạo và hiểu được đạo mới chỉ là cấp độ đầu tiên; phải tu theo đạo, làm theo đạo thì từ đó mới thực chứng và cảm nhận được hương vị giải thoát, an lạc của đạo, gọi là “lạc đạo”. “Lạc đạo” chính là cảnh giới cao nhất của tu đạo. Tất nhiên, niềm vui này sẽ giá trị và tuyệt diệu hơn nếu nó được lớn lên và hiện hữu sống động giữa cuộc đời:
Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tấc
(Cư trần lạc đạo phú, hội thứ mười)
Yếu chỉ “Cư trần lạc đạo” muốn nói rằng: ngay giữa cõi đời náo nhiệt vẫn có thể hưởng được cái thú thanh tao của Thiền. Rõ ràng, đó là
một nhân sinh quan phóng khoáng của những con người “vô cầu”, “vô trước” mà vẫn “nặng tình non nước”.
Nhưng không phải với nhân sinh quan đó, Thiền sư là một kẻ theo chủ nghĩa hưởng lạc, phóng túng hình hài theo thú vui. Trái lại, Thiền luôn luôn vẫn có sự câu thúc - một sự câu thúc tự nhiên, nghĩa là:
Chuyển tam độc mới chứng tam thân Đoạn lục căn nên trừ lục tặc.
(Cư trần lạc đạo phú, hội thứ tư) Và như vậy, thú vui của Thiền chỉ có, một khi:
Tham ái nguồn dừng, chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quí, Thị phi tiếng lặng, được dù nghe yến hót oanh ngâm.
(Cư trần lạc đạo phú, hội thứ nhất)
Thiền chủ trương tìm mọi cách để giải thoát, nhưng không vì thế mà chủ trương hủy diệt cuộc sống, thoát khỏi bể khổ không phải bằng hủy diệt thân xác. Chăm chăm mong thoát khỏi cuộc sống là con đường sai lầm chỉ chuốc thêm phiền não, khổ đau. Tâm bản thể đạt tới thinh không tĩnh tịch thì ở cõi trần có gì khác nơi tịnh thổ, cần gì tìm kiếm bên ngoài. Tìm kiếm bên ngoài thì vọng niệm nổi lên bời bời, diệt trừ mãi không xong, “của quý ngay trong nhà” không cần tìm kiếm. Đó chính là cảm hứng “cư trần lạc đạo”. Lạc thú của Thiền là lạc thú giải thoát, là cảnh giới tâm lạc, nhưng tâm lạc giữa thực tại, giữa cuộc đời. Đó không phải là việc tìm kiếm lạc thú chân thực trong cuộc sống, không phải "lạc đạo" trong nhân tình thế tục như Nho gia, mà là tìm cái "tâm lạc" ngay chính cuộc đời, ở trong cuộc đời mà không còn bị cuộc đời trói buộc.
“Cư trần lạc đạo” là minh triết siêu việt thế tục, là một phương châm sống, là khí phách siêu thoát, phóng dật của bậc trượng phu đã thật sống và thấm hiểu luận đề nổi tiếng: “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”
của Huệ Năng. Sống với đời nhưng vẫn vui với đạo hay vui với đạo nhưng vẫn sống với đời. Người làm được điều này phải là bậc siêu việt thế tục, vượt lên trên thế tục, không vướng mắc thế tục, chứ không phải chán đời, trốn tránh cuộc đời. Đã sống trong thế gian, đã làm người thì không ai có thể thoát khỏi thế gian được, kể cả những bậc ẩn tu nơi thâm sơn cùng cốc. Phải thật sự hiểu đời thì mới có khả năng siêu việt vượt lên cuộc đời. Nhờ hiểu bản chất cuộc đời mà không bị thị phi, danh lợi của đời chi phối, đưa đẩy. Đồng thời, cũng nhờ thật sự hiểu đạo và đời thì mới tự tại sống trong bụi bặm trần ai mà vẫn ung dung giữ niềm vui cao quý, trong sáng, lâu bền, chứ không vui cái vui tạm bợ, hư giả của cuộc đời. Những con người “hào khí Đông A” - anh hùng một thuở của Phật giáo thời Trần mà tiêu biểu là Trần Nhân Tông đều là mẫu hình đời - đạo song toàn như thế.