Paul Erhlich, vào đầu thế kỷ 20, đã đề xuất rằng các kháng thể được sản xuất sẵn trong cơ thể, độc lập với mọi kích thích từ bên ngoài. Vai trò của kháng nguyên là đẩy mạnh sự sản xuất kháng thể đặc hiệu tương ứng.
Mô hình của Erhlich đã được chứng minh là đúng mặc dù ở thời của ông người ta chưa phân biệt được 2 loại lympho B và lympho T. Cơ thể đã chuẩn bị sẵn kháng thể cho hầu như mọi "kẻ xâm nhập" tiềm năng.
Trong quá trình phát triển và biệt hóa các tế bào lympho B, có sự tái tổ hợp các gene mã hóa immunoglobulin. Trong mỗi tế bào lympho B, tổ hợp gene của phần biến thiên chỉ xảy ra 1 lần sẽ giữ nguyên đến hết đời sống của tế bào đó. Nếu vượt qua được các cơ chế chọn lọc, lympho B sẽ tiếp tục sống:
Lympho B sẽ tồn tại ở dạng naive cho đến khi gặp kháng nguyên tương ứng. Nếu không gặp kháng nguyên, lympho B hoạt động cầm chừng dưới dạng
naive đến hết đời của nó.
Khi gặp kháng nguyên đặc hiệu, với sự trợ giúp của lympho TH1 qua các cytokine, lympho B sẽ phân chia thành dòng. Một số biệt hóa thành tương bào nhằm sản xuất kháng thể hàng loạt, một số khác sẽ trở thành tế bào lympho B ghi nhớ và tiếp tục phân bào, duy trì sự tồn tại của dòng tế bào đó trong cơ thể.
Các tế bào B ghi nhớ này sẽ giúp cơ thể khi tiếp xúc lại với kháng nguyên tương ứng sẽ có đáp ứng nhanh, mạnh và hiệu quả hơn. Ưu điểm này của đáp ứng miễn dịch đặc hiệu là nguyên tắc của việc ngừa bệnh bằng vaccine.
Liên kết giữa kháng thể và kháng nguyên, tương tự như giữa enzyme và cơ chất, có tính thuận nghịch. Liên kết mạnh hay yếu tùy vào số lượng liên kết, độ đặc hiệu giữa vùng nhận diện kháng nguyên trên kháng thể và cấu trúc epitope tương ứng.
Ái lực của kháng thể đối với kháng nguyên là hợp lực của các lực liên kết yếu không đồng hóa trị (liên kết hydro, liên kết tĩnh điện, liên kết Van der Waals, liên kết kỵ nước). Các lực liên kết yếu này chỉ có tác dụng trong một bán kính nhỏ, do đó sự đặc hiệu (hay tính chất bổ sung) trong cấu trúc không gian 3 chiều của 2 vùng phân tử có vai trò quyết định đối với ái lực của kháng thể với kháng nguyên.
Một kháng thể nhất định có thể kết hợp với một hay nhiều epitope có cấu hình không gian tương tự ở một mức độ nào đó và ngược lại, một epitope cũng có thể kết hợp với một hay nhiều vị trí kết hợp kháng nguyên của các phân tử kháng thể khác nhau. Tuy nhiên trong những trường hợp như vậy, lực liên kết giữa chúng thay đổi tùy theo cấu hình bổ túc của chúng phù hợp với nhau cao hay thấp. Cấu hình bổ túc càng phù hợp cao thì lực liên kết càng mạnh và ngược lại.