Mục đích của mua bán nợ

Một phần của tài liệu Lựa chọn các mô hình định giá doanh nghiệp ứng dụng trên thị trường tài chính Việt Nam (Trang 25 - 26)

Vấn đề mua bán nợ được đặt ra với những doanh nghiệp có nợ xấu hay nợ trả chậm. (Tổng quan về nợ xấu và thị trường mua bán nợ xin xem chi tiết tại Luận văn tốt nghiệp của sinh viên Trần Thị Bích Thủy_ Toán Tài chính 45).

“Định nghĩa về nợ xấu của các tổ chức cơ bản là thống nhất và được áp dụng phổ biến là được xác định dựa trên 2 yếu tố: quá hạn trên 90 ngày và khả năng trả nợ nghi ngờ.”

Nợ xấu có tác động rộng đến nhiều chủ thể kinh tế. Đối với doanh nghiệp có nợ tồn đọng, khoản nợ này là một gánh nặng gây áp lực cho doanh nghiệp. Lãi suất đối với khoản vay được gia hạn thường gấp 1.5 lần lãi suất cho vay làm cho chi phí đối với khoản vay tăng lên. Các chủ nợ sẽ tìm mọi biện pháp để thu hồi nợ khiến doanh nghiệp có thể bị đẩy đến bờ vực phá sản.

Đối với ngân hàng thương mại, nợ xấu làm giảm hiệu quả tín dụng và làm tăng chi phí cho ngân hàng. Tỉ lệ nợ xấu là một trong những con số được đưa vào để tính hàng loạt chỉ tiêu phản ánh chất lượng tín dụng của ngân hàng. Hoạt động tín dụng kém hiệu quả sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản của ngân hàng. Chi phí phát sinh do nợ xấu là rất lớn. Nó làm giảm thiểu đáng kể, thậm chí gây lỗ cho các ngân hàng khi hạch toán kết quả kinh doanh. Nợ xấu cũng gây cản trở cho quá trình cổ phần hóa của các ngân hàng thương mại.

Đối với nền kinh tế, tác động của nợ xấu chủ yếu là tác động gián tiếp thông qua mối quan hệ hữu cơ: Ngân hàng – Khách hàng – Nền kinh tế. Nợ xấu ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh ngân hàng. Do đó, nó ảnh hưởng mạnh đến kênh huy động vốn, luân chuyển vốn quan trọng của nền kinh tế. Mặt khác, nợ xấu phát sinh do khách hàng, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh kém hiệu quả. Điều này tác động đến toàn bộ nền kinh tế, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển nền kinh tế do vốn ứ đọng, sản xuất kinh doanh đình trệ.

Thị trường mua bán nợ được hình thành nhằm giải quyết những khoản nợ xấu này. Theo đó, trước thời gian đáo hạn của khoản nợ xấu, ngân hàng sẽ bán nó cho một công ty mua bán nợ. Công ty mua bán nợ không chỉ mua khoản nợ mà còn thực hiện tái cấp vốn cho doanh nghiệp có nợ xấu. Việc tái cấp vốn còn đi kèm với những tư vấn về tái cơ cấu hay chiến lược đầu tư. Bởi doanh nghiệp rơi vào tình trạng không thể trả nợ cho ngân hàng, bị liệt vào dạng nợ xấu thì gặp vấn đề không chỉ trong khâu quản lý mà có thể phạm sai lầm cả trong lập dự án đầu tư và hoạch định chiến lược.

Thực tế tại Việt Nam, kể cả doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp ngoài Nhà nước, tình trạng nợ là rất phổ biến. Một biện pháp thiết thực là bán nợ cho các công ty mua bán nợ. Nhờ vào kinh nghiệm và khả năng về vốn, các công ty này có thể giúp vực dậy doanh nghiệp. Tất yếu một thị trường mua bán nợ đang dần hình thành ở Việt Nam.

Một phần của tài liệu Lựa chọn các mô hình định giá doanh nghiệp ứng dụng trên thị trường tài chính Việt Nam (Trang 25 - 26)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(134 trang)
w