Các phương pháp định giá đang áp dụng

Một phần của tài liệu Lựa chọn các mô hình định giá doanh nghiệp ứng dụng trên thị trường tài chính Việt Nam (Trang 89 - 92)

ÁP DỤNG CÁC MÔ HÌNH ĐỊNH GIÁ DOANH NGHIỆP TRÊN THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH VIỆT NAM

3.1.1 Các phương pháp định giá đang áp dụng

Thực tế trong thời gian qua đã cho thấy vấn đề định giá doanh nghiệp là vấn đề phức tạp và tốn kém. Xác định giá trị doanh nghiệp là quá trình xác định giá trị thực tế của doanh nghiệp tại thời điểm định giá. Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 187) quy định: “Giá trị thực tế của doanh nghiệp cổ phần hóa là giá trị toàn bộ tài sản hiện có của doanh nghiệp tại thời điểm cổ phần hóa có tính đến khả năng sinh lời của doanh nghiệp mà người mua, người bán cổ phần đều chấp nhận được”. Những căn cứ để xác định giá trị thực tế của doanh nghiệp gồm: số liệu trên sổ kế toán của doanh nghiệp; số lượng và chất lượng tài sản theo kiểm kê phân loại thực tế; tính năng kỹ thuật của tài sản, nhu cầu sử dụng và giá thị trường; giá trị quyền sử dụng đất, khả năng sinh lời của doanh nghiệp (vị trí địa lý, uy tín của doanh nghiệp, mẫu mã, thương hiệu…).

Thông tư số 126/2004/TT-BTC ngày 24/12/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 187/2004/NĐ-CP về việc chuyển công ty Nhà nước thành công ty cổ phần có quy định phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp, gồm hai phương pháp: phương pháp tài sản và phương pháp dòng tiền chiết khấu. Ngoài hai phương pháp này, cơ quan quyết định giá trị doanh nghiệp và tổ chức định giá được áp dụng các phương pháp định giá khác sau khi có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính.

Phương pháp tài sản là phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp trên cơ sở đánh giá giá trị thực tế toàn bộ tài sản hiện có của doanh nghiệp tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp. Có thể nhận thấy phương pháp tài sản là phương pháp trực tiếp đánh giá giá trị của các tài sản của doanh nghiệp dựa trên các thông tin quá khứ của doanh nghiệp. Việc dựa trên thông tin quá khứ có thể không phản ánh được hiện tại và tương lai của doanh nghiệp.

Phương pháp dòng tiền chiết khấu (DCF) là phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp trên cơ sở khả năng sinh lời của doanh nghiệp trong tương lai. Phương pháp này đánh giá giá trị gián tiếp của doanh nghiệp dựa trên các dự đoán về tương lai của doanh nghiệp. Căn cứ để xác định giá trị doanh nghiệp bao gồm: báo cáo tài chính của doanh nghiệp trong 5 năm liền kề trước khi xác định giá trị doanh nghiệp; phương án hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cổ phần hóa từ 3 năm đến 5 năm sau khi chuyển thành công ty cổ phần; lãi suất trả trước của trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn từ 10 năm trở lên ở thời điểm gần nhất với thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp và hệ số chiết khấu dòng tiền của doanh nghiệp. DCF theo Thông tư này chỉ giới hạn trong việc chiết khấu dòng cổ tức của doanh nghiệp. Số năm tương lai được chọn cũng chỉ bó hẹp trong 3-5 năm.

Theo Nghị định 187, việc xác định giá trị doanh nghiệp đã tính đến giá trị tài sản vô hình thông qua việc tính toán lợi thế doanh nghiệp nhưng mới chỉ dừng lại ở công thức cứng. Đó là xác định theo tỷ suất lợi nhuận và lãi suất trái phiếu Chính phủ. Nhưng văn bản này chưa có tiêu chuẩn cụ thể để định giá các tài sản vô hình khác như thương hiệu, uy tín, vị trí địa lý. Do đó, quá trình định giá chưa tính hết được giá trị tiềm năng của doanh nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp mà giá trị của chúng chủ yếu là từ tài sản vô hình như các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng.

Các quy định về giá trị quyền sử dụng đất cũng gây ra khó khăn trong việc định giá doanh nghiệp. Theo Luật đất đai và Nghị định 187 thì khi cổ phần hóa, doanh nghiệp có thể chọn hình thức giao đất hoặc thuê đất đối với những diện tích đất doanh nghiệp đang sử dụng làm mặt bằng sản xuất kinh doanh. Nó đã tạo ra kẽ hở khiến nhiều đối tượng trong và ngoài doanh nghiệp lợi dụng để chia chác tài sản của Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Quyền sử dụng đất của nhiều doanh nghiệp Nhà nước tính theo giá thị trường là rất lớn, thậm chí có thể còn lớn hơn cả giá trị của tất cả các tài sản khác của doanh nghiệp. Nếu không tính đến giá trị quyền sử dụng đất thì doanh nghiệp có thể bị định giá quá thấp. Vụ việc đấu giá hụt cổ phần của Công ty Intimex là một ví dụ điển hình.

Một hạn chế khác là nhiều doanh nghiệp Nhà nước có vốn góp tham gia liên doanh đang gặp khó khăn trong việc xác định giá trị phần vốn góp này khi cổ phần hóa. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp Nhà nước góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Một số doanh nghiệp Nhà nước giờ đây thừa nhận rằng quyền sử dụng đất đó có thể đã được định giá quá cao khi thành lập liên doanh. Mặt khác, phần lớn các liên doanh phát sinh lỗ trong những năm đầu hoạt động. Do đó, nếu tính giá trị phần vốn góp tại thời điểm doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa thì phần vốn góp đó thường bị thấp hơn so với số liệu ban đầu khi thành lập liên doanh. Trong những trường hợp này, cơ quan tài chính không chấp nhận xác định giá trị phần vốn góp liên doanh theo sổ sách tại thời điểm cổ phần hóa nhưng cũng chưa tìm được một giải pháp định giá nào hợp lý.

Các quy định về xác định giá trị các khoản phải thu khó đòi cũng bộc lộ sự bất cập. Ví dụ như doanh nghiệp chỉ được phép xóa nợ khi chứng minh được con nợ đã chết hoặc phá sản. Do vậy, có những doanh nghiệp buộc phải tính các khoản phải thu hầu như không có khả năng thu hồi vào giá trị tài sản của doanh nghiệp để cổ phần hóa. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại quốc doanh cũng không xóa các khoản nợ đã bị quá hạn hoặc treo cho những doanh nghiệp này. Kết quả là những doanh nghiệp đó có thể bị định giá quá cao nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/2007/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần (có hiệu lực từ 1/8/2007) nhằm thay thế Nghị định 187. Ngày 6/12/2007, Thông tư 146/2007/TT-BTC cũng đã được ban hành (có hiệu lực từ 2/1/2008) nhằm hướng dẫn cho Nghị định 109. Sự ra đời của hai văn bản này đã phần nào khắc phục được những hạn chế của Nghị định 187, trong đó có nêu cụ thể việc đánh giá giá trị thương hiệu và lợi thế đất đai trong khi xác định giá trị doanh nghiệp. Điểm đột phá thứ nhất là Thông tư 146 đã bổ sung thêm việc xác định giá trị doanh nghiệp trên cơ sở lợi thế về vị trí địa lý và giá trị thương hiệu. Đây được coi là bước tiến lớn về xác định giá trị tài sản vô hình. Tuy nhiên, việc xác định giá trị thương hiệu chỉ được xác định trên cơ sở chi phí

thực tế cho việc tạo ra, xây dựng và bảo vệ nhãn mác, tên thương mại của doanh nghiệp trong 10 năm (bao gồm cả chi phí quảng cáo, tuyên truyền trong và ngoài nước để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, công ty, xây dựng web…). Với cách tính này, rõ ràng chưa tính hết giá trị tài sản vô hình của doanh nghiệp.

Điểm đột phá thứ hai là giá trị quyền sử dụng đất bắt buộc phải tính vào giá trị doanh nghiệp. Nghị định 187 quy định trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa chọn hình thức thuê đất thì không tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp. Tại điều 30 Nghị định 109 quy định rõ về trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa chọn hình thức thuê đất: Nếu doanh nghiệp trả tiền thuê đất một lần cho toàn bộ thời gian thuê đất thì tính tiền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp theo giá sát với giá thị trường tại thời điểm định giá được Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định và công bố. Đối với những doanh nghiệp trả tiền thuê đất hàng năm thì không tính tiền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp. Quy định này có ý nghĩa rất lớn khi mà trong thời gian qua, việc không tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp đã khiến cho giá trị thực tế của doanh nghiệp và giá trị được định giá trên sổ sách có một khoảng cách khá lớn.

Một phần của tài liệu Lựa chọn các mô hình định giá doanh nghiệp ứng dụng trên thị trường tài chính Việt Nam (Trang 89 - 92)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(134 trang)
w