Tính bảo thủ về măt đạo đức

Một phần của tài liệu Nhóm tân dân trong đời sống văn học việt nam trước 1945 (Trang 109 - 113)

1945: Đình bản Phổ Thông Bán Nguyệt San.

3.3.1 Tính bảo thủ về măt đạo đức

Chúng tôi nhận thấy rất nhiều nhà văn trong nhóm Tân Dân có tư tưởng bảo thủ về mặt đạo đức. Mô hình đạo đức mà họ hướng tới vẫn là theo mô hình đạo đức cổ truyền, Nho giáo, luân lý. Ở đó con người cá nhân không được giải phóng mà chấp nhận số phận, “lấy cứu cánh là bổn phận, cái bổn phận khắc khổ vạch ra bởi luân lí từ ngàn xưa”, “chung cục vẫn rập khuân theo mẫu của luân lý”. Xu hướng bảo thủ, đề cao một chiều đạo đức, Nho phong, tinh thần cố gắng gìn giữ đạo lý... xuất hiện ở nhiều nhà văn trong nhóm. Không phải vô lý khi Lãng Nhân Phùng Tất Đắc gọi tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy là “tập báo của mọi gia đình lễ giáo”. Đây là đặc điểm khác biệt với nhóm Tự lực văn đoàn. Ngay từ 1932, Tự lực văn đoàn đã “mở ra một thời kì văn học nghiêng về những quan niệm nhân sinh và xã hội của phương Tây”, “chủ trương một sự cách tân hoàn toàn trong văn học”, “đấu tranh cho giải phóng cá nhân, coi cá nhân là cơ sở của xã hội” và nhất là trong Tôn chỉ 9 điểm của họ có một nội dung đặc biệt quan trọng là: “Làm cho người ta

biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa”. Dưới đây chúng tôi xin phân tích những hiện tượng văn học tiêu biểu trong nhóm Tân Dân để làm sáng tỏ luận điểm này.

Trước hết chúng tôi xin nói về trường hợp nhà văn Nguyễn Công Hoan với tiểu thuyết Cô giáo Minh. Như chúng ta đã biết, Nguyễn Công Hoan viết Cô giáo Minh là để phản đối lại tiểu thuyết Đoạn tuyệt của Nhất Linh. Nếu trong Đoạn tuyệt Nhất Linh tỏ một thái độ khước từ dứt khoát và mạnh mẽ với cái cũ là những lễ giáo phong kiến, là chế độ gia đình gia trưởng để khuyến khích giải phóng cá nhân, giải phóng người phụ nữ thì ngược lại trong Cô giáo Minh Nguyễn Công Hoan lại tỏ một thái độ bảo thủ khi cho rằng cái mới phải điều hòa với cái cũ, đứng trên lập trường đạo đức bảo thủ phong kiến để giải quyết mâu thuẫn phụ nữ và hôn nhân gia đình. Ông đã để cho Minh – một cô gái mới (mà theo Lê Thị Đức Hạnh thì xét cho cùng Minh cũng chưa hẳn là gái mới) cố gắng điều hòa với bà mẹ chồng – đại diện cho cái cũ, và cuối cùng cảm hóa được bà. Nguyễn Công Hoan viết trong tiểu thuyết Cô giáo Minh rằng: “Gia đình ta chưa thể hoàn toàn theo gia đình Âu Mỹ. Xã hội ta trọng về luân lý gia đình. (...). Nếu ai cũng lìa bỏ gia đình cũ cả, thì còn chi là xã hội. Cái mới chưa hẳn hoàn toàn là hay. Cái cũ chưa hẳn hoàn toàn là dở. Chỉ có người dở với người hay. Chỉ có lẽ phải hợp thời”. Không chỉ trong tiểu thuyết Cô giáo Minh mà trong năm 1939, trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy Nguyễn Công Hoan cũng đã đăng một số chương của tiểu thuyết Thang Đạm – tiểu thuyết ngay khi ra đời đã bị dư luận tiến bộ phê phán mạnh mẽ do đề cao tư tưởng Nho phong qua hình tượng quan huyện và về sau thành cụ nghè Lê Sĩ Cư. Các tiểu thuyết Tơ vương, Trên đường sự

nghiệp, Danh tiết cũng đều đề cao những mẫu phụ nữ theo tư tưởng đạo đức phong kiến

rất bảo thủ.

Trường hợp tiêu biểu thứ hai cho tính chất bảo thủ về mặt đạo đức trong nhóm Tân Dân chính là Lê Văn Trương. Mặc dù nhà văn này đưa ra một triết lí hành động rất mạnh mẽ nhưng ta dường như không thấy hành động nào để giải phóng con người cá nhân ở Lê Văn Trương. Hàng loạt các tiểu thuyết của ông đều đề cao một thứ đạo đức cổ truyền mà ở đó con người sống theo bổn phận chứ không phải cho cá nhân. Đó là Vượng

trong Người anh cả, Vân trong Tôi là mẹ, Vũ Đại trong Một người cha... Không phải không có lí khi đương thời Vũ Ngọc Phan xếp Lê Văn Trương vào loại “Tiểu thuyết luân lý” và nhận xét rằng: “Lê Văn Trương là một nhà tiểu thuyết luân lý, nhưng cái luân lý của Lê Văn Trương là một thứ luân lý rất thông thường, vợ phải theo chồng, em phải nghe anh, phải ở dưới quyền che chở của anh”. Đặc biệt, Lê Văn Trương tỏ rõ sự thiện cảm của mình với những luân lý mang màu sắc phong kiến. Trong tiểu thuyết Người anh cả ông đã để cho Vượng kể lại đầy hào hứng và tự hào về cách ứng xử đầy tính khuôn

phép và lễ giáo trong gia đình cho các em của chàng nghe: “Bác cả hiền như đất ấy, có mắng ai, nhưng chú Lý cũng sợ bác cả lắm. Đi đâu với bác cả, chú ấy không dám mang tráp điếu đi theo. Tôi nhớ năm nào về quê ăn Tết bao giờ thầy cũng tạt vào thăm bác cả trước, rồi mới về nhà. Mà chú Lý thì bao giờ cũng đến thăm thầy ngay. Thầy không bao giờ dám ngồi cùng bác cả, cũng như chú lý không bao giờ dám ngồi cùng giường với thầy. Kể như thế cũng khí quá, nhưng tôi xem sự thủ lễ ấy cũng có chỗ hay. Nó cũng là một đặc điểm của phong tục Á Đông. Nhờ nó mà không bao giờ có sự cãi cọ trong anh em. Trong làng ta, hễ nhà nào có anh em chị em cãi nhau là y như người ta nhắc đến sự trên kính dưới nhường của nhà ta. Các chị em dâu cũng ăn ở với nhau như bát nước đầy, và một khi anh em đã như thế thì đời nào các chị em dâu dám cãi nhau. Gia đình lúc nào cũng vui vẻ và cứ êm như ru”.

Lan Khai cũng tỏ rõ là một người bảo thủ về mặt đạo đức khi ông viết tiểu thuyết

Cô Dung – một tác phẩm mà mọi diễn biến và hành động đều diễn ra trong một môi

trường xã hội đạo lý thanh bình như nhận xét của Vũ Văn Sỹ. Như chúng tôi đã nói, Lan Khai viết tiểu thuyết này như một sự phản ứng mạng mẽ trước phong trào giải phóng phụ nữ đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam lúc đó. Ông đã dựng lên một bức tượng đài uy nghi, sừng sững về phụ nữ Việt Nam với “tâm hồn thuần túy” là phải biết hi sinh cho gia đình, phụng dưỡng chồng con, thờ cha kính mẹ và quên đi bản thân để ngăn chặn người phụ nữ tìm đến hạnh phúc đích thực của mình.

Ngọc Giao cũng là một nhà văn đặc luân lý, một thứ luân lý cổ truyền từ ngàn xưa. Chúng tôi quan sát thấy trong sự nghiệp của Ngọc Giao mặc dù đó đây chúng ta thấy ông phơi bày những cảnh sống cơ cực, cay đắng của những phận người xong bao giờ những kết thúc câu chuyện kiểu có hậu, hợp với luân lý mà tiêu biểu nhất là truyện

Cô gái làng Sơn Hạ. Những nhân vật trong văn chương Ngọc Giao thường không có cá

tính mạnh liệt, không đủ sức để phá phách vượt ra được những ràng buộc của truyền thống. Chúng tôi xin nhắc lại ở đây nhận xét rất tinh tế của Phùng Tất Đắc về đặc tính luân lý trong văn chương Ngọc Giao, rằng “ngòi bút của ông (tức Ngọc Giao) rút lại bao giờ cũng lấy cứu cảnh là bổn phận, cái bổn phận khắc khổ vạch ra bởi luân lý ngàn xưa”. Đọc truyện ngắn Thời gian đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy năm 1943 chúng ta thấy rất rõ điều này qua nhân vật bà Tú. Bà Tú được miêu tả như một phụ nữ điển hình của truyền thống, cả đời lam lũ tần tảo nuôi chồng nuôi con. Đặc biệt đức tính “kính chồng” được tác giả nhấn mạnh: “Bà tần tảo buôn bán, ngày ngày gánh rau lên chợ Đồng Xuân bán (...) Mỗi khi không chiều đúng ý chồng, bà lại bị mắng mỏ rày la cực nhục. Đã một lần, bà bị ông ném cả cây điếu ống vào đầu, đau phát ốm, nhưng bà vẫn giữ mặt ôn hòa vui vẻ, gánh rau lên chợ bán như thường và lại càng chiều quý ông hơn nữa”. Khi ông Tú

qua đời, cô con gái duy nhất bỏ nhà ra đi bà Tú chỉ biết dựa vào những hoài niệm của một thời để mà sống. Đó là cái thời mà đạo Khổng còn thịnh, gia đình còn sống trong cảnh yên ấm an vui, chồng ra chồng vợ ra vợ. Trong truyện ngắn Chợ chiều in trong tập Một đêm vui (1937) sau khi thuật lại câu chuyện bại hoại trong nhà bà Hoàng kết thúc tác

phẩm là cả một đoạn văn dài Ngọc Giao lên tiếng giảng giải và cảnh báo cho những kẻ nào sống không theo luân lý, đạo đức và kết thúc bằng câu: “Hỡi gái giang hồ! Có nên dừng chân trước cảnh chợ chiều hôm?”. Tư tưởng này của Ngọc Giao là một sự đối lập hoàn toàn với những gì mà các tác giả Nhất Linh – Khái Hưng gửi gắm vào nhân vật gái giang hồ Tuyết – một đại diện tiêu biểu cho ý thức cá nhân cực đoan, suy đồi trong quan niệm sống – trong tác phẩm Đời mưa gió.

Nguyễn Công Hoan, Lan Khai, Lê Văn Trương và Ngọc Giao là những nhà văn đại diện tiêu biểu cho tư tưởng bảo thủ về mặt đạo đức trong nhóm Tân Dân. Xét trong

bối cảnh đương thời ta có thể coi đó là lạc hậu và phản động khi nó chống lại cái mới, chống lại sự giải phóng con người. Nhưng ngày sau nhìn lại, với độ lùi gần một thế kỉ, những vấn đề mà những nhà văn này theo đuổi và cổ vũ không phải không có cái lí của nó, khi mà cùng với phong trào giải phóng con người, chạy theo lối sống cá nhân ích kỉ, quên đi gia đình, quên đi trách nhiệm và bổn phận đã dẫn tới bao hệ lụy cho các gia đình và xã hội.

Một phần của tài liệu Nhóm tân dân trong đời sống văn học việt nam trước 1945 (Trang 109 - 113)