1945: Đình bản Phổ Thông Bán Nguyệt San.
2.2.6 Phiêu lưu, ma quái và kiếm hiệp
Đây là đề tài có một số lượng tác phẩm khá lớn và có nhiều gương mặt nhà văn tiêu biểu tham gia viết như Lan Khai, Tchya Đái Đức Tuấn, Lê Văn Trương, Lưu Trọng Lư.... Kể đến đề tài ma quái phải nhắc đến di sản của La Khai và Tchya Đái Đức Tuấn. Trước hết chúng tôi nói đến là nhà văn Lan Khai với những truyện ma quái nơi đường rừng đầy bí hiểm. Tập truyện ngắn Truyện đường rừng (1940) gồm 9 truyện mà truyện nào cũng mang không khí ma quái, rùng rợn. Thế giới trong những truyện này là thế giới kì bí, rừng thẳm núi cao, hoang dã và mang âm hưởng liêu trai, nơi người và ma quỷ sống chung với nhau. Truyện Người lạ làm người đọc ấn tượng và kinh hãi trước vẻ đẹp vừa hoang dã, kì dị vừa ghê rợn của người con gái ma: “Cô ta đẹp một cách dị thường, mặt dài thon thon; da trắng mòng mọng lại có những vân đỏ và phủ một lớp lượt tơ như vỏ đào non; lông mày rậm, vàng như râu ngô lượn tròn trên cặp mắt sáng quắc. Lạ một điều là lòng đen mắt cô ta đỏ và trong suốt như mắt thỏ trắng. (...) Đến hai hàm răng thì ghê quá...! Răng người đâu mà nhọn hoắt như răng mèo! Y phục không ra Kinh không ra Mán, chẳng phải Khách chẳng phải Nùng. Toàn thân có một mùi thơm như hoắc hương...”. Những truyện khác trong tập như Ma thuồng luồng, Đôi con vịt, Người hóa
hổ, Gò thần... đều có một không khí lạnh lẽo, rùng rợn và căng thẳng bao phủ từ đầu đến
cuối truyện. Đọc tập truyện ma quái này Vũ Ngọc Phan phải thốt lên rằng Lan Khai là “cây bút tài tình” và cảm thấy tiếc khi nhà văn ít viết truyện ngắn. Cùng đề tài ma quái, đường rừng trong nhóm Tân Dân còn có Tchya Đái Đức Tuấn với tập truyện kinh dị nổi tiếng Ai hát giữa rừng khuya (1942) gồm 13 chương (truyện) nối tiếp nhau. Độc giả không khỏi kinh hãi khi chìm đắm trong không khí âm u lạnh lẽo với hình ảnh hai oan
hồn cụt đầu múa võ (truyện Ma không đầu), kinh hãi trước nơi rừng thiêng nước độc với nạn cướp bóc, giết người và mãnh thú ăn thịt người (truyện Hạt Đồng Giao), rợn tóc gáy
với tiếng đàn tiếng hát văng vẳng trong đêm khuya tịch mịch đầy ai oán, não nề (truyện
Ngàn khuya văng vẳng), kinh hãi và xót xa cho số phận của hai nàng Oanh Cơ và Huyền
Cơ phải hầu hạ hổ tinh... Hổ tinh còn xuất hiện trong tiểu thuyết Thần Hổ (1936) được
miêu tả rất ghê rợn. Đó là một con hổ đã thành tinh với lông bờm trắng xóa, mắt sáng quắc, tiếng lanh lảnh như chuông, đã ăn thịt trên một trăm người. Hơn thế nữa sau khi giết người nếu đó là cô gái xinh đẹp thì bị biến thành ma trành để hầu hạ nó (nàng Peng Slao). Hổ trong các truyện ma quái của Tchya hay biến thành người để bắt những hồn ma mà nó ăn thịt phải hầu hạ. Nó cũng “ân đền oán trả” như con người và trả thù một cách khốc liệt. Trong Thần Hổ con hổ tinh đã làm dòng họ Đèo tuyệt tự khi nó đeo đuổi và giết đi giọt máu duy nhất là Đèo Lầm Khẳng. Tập truyện ngắn Oan nghiệt đăng trên Phổ
Thông Bán Nguyệt San số 39 năm 1939 gồm 5 truyện thì có 3 truyện mang không khí thần bí, quái đản mà tiêu biểu nhất là truyện Oan nghiệt.
Ở mảng các truyện phiêu lưu có thể nhắc đến Lê Văn Trương với các tác phẩm kể về quá trình bôn ba khắp xứ Đông Dương, sang cả Trung Hoa trên con đường sự nghiệp của ông. Tiểu biểu cho mảng đề tài này là hai tác phẩm “phiêu lưu kí sự” Tôi thầu khoán hay là: Ba tháng ở Trung Hoa (1940) và Một cuộc săn vàng (1941) và đặc biệt là hàng
loạt những bài bút kí đăng trong mục Đó... đây (sau đổi thành Mười năm luân lạc) đăng trên báo Ích Hữu. Qua việc kể lại những chuyến đi của mình Lê Văn Trương đã đem lại cho độc giả những bức tranh muôn màu và sinh động về các xứ Cao Miên, Xiêm La, Diến Điện, về văn hóa và phong tục của người Xiêm, người Cồ La... Những cảm xúc và kinh nghiệm cá nhân được ghi lại một cách sinh động và truyền cảm nên có sức thu hút với độc giả ưa sự khám phá, mạo hiểm, phiêu lưu.
Truyện kiếm hiệp đăng nhiều trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy chủ yếu là dịch lại từ các tác phẩm của Trung Quốc của dịch giả Nguyễn Đỗ Mục. Vào thời này, lượng độc giả thích thú tìm đọc những tiểu thuyết kiếm hiệp Trung Hoa không phải là ít nên việc Vũ
Đình Long cho đăng tải những tác phẩm ấy trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy cũng là điều dễ hiểu để thỏa mãn sự giải trí của nhiều tầng lớp độc giả. Đây là thể loại dịch nên chúng tôi chỉ nhắc đến mà không phân tích.
*
* *
Ở trên chúng tôi vừa tiến hành khảo sát một cách khái quát nhất di sản văn chương của nhóm Tân Dân dưới góc độ thể loại và đề tài. Có thể thấy rằng nhóm Tân Dân trong khoảng một thập kỉ hình thành và phát triển đã để lại một sự nghiệp văn chương đồ sộ ở mọi thể loại từ tiểu thuyết đến truyện ngắn, thơ ca, kịch, phê bình khảo cứu, ký... và đề cập đến rất nhiều những vấn đề khác nhau từ lịch sử đến hiện đại, từ tình yêu gia đình đến những vấn đề xã hội... Nhiều tác phẩm đã đạt đến mẫu mực về mặt thi pháp thể loại cũng như độ sâu sắc về mặt nội dung, tư tưởng để trường tồn mãi với thời gian.
Chương 3