1945: Đình bản Phổ Thông Bán Nguyệt San.
3.4 Tính đấu tranh xã hộ
Chúng tôi nhận thấy tư tưởng bình dân, thân với tầng lớp dưới đáy xã hội là sợi dây nối kết các nhà văn trong Tân Dân với nhau. Các tác phẩm của họ không chỉ phản ánh xã hội theo cảm hứng phê phán mà còn lên án, đấu tranh cho quyền lợi và hạnh phúc của những tầng lớp khốn khổ trong xã hội xưa. Những sáng tác của Nguyễn Công Hoan, Ngọc Giao, Lan Khai, Nguyên Hồng, Thanh Châu, Lưu Trọng Lư, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng... đã dựng nên một bức tranh chân thực, đầy xót xa cay đắng cho những số kiếp con người trong xã hội cũ. Họ vừa là nạn nhân của những hủ tục thôn quê, của những tập quán văn hóa truyền thống theo kiểu gia trưởng, quyền huynh thế phụ và đồng thời họ cũng phải chịu cảnh xã hội kim tiền, tư sản đang lên ngôi làm thoái hóa và biến chất những tình cảm thiêng liêng, quý báu. Nguyễn Công Hoan đả kích sâu cay những thảm cảnh xã hội đó bằng tiếng cười, Ngọc Giao thì dựng nên những bức tranh u sầu với một
niềm cảm thông sâu sắc, Vũ Trọng Phụng vạch trần những u nhọt xã hội một cách không thương tiếc và làm người ta phải rùng mình sợ hãi, Nam Cao làm người ta phải day dứt và đau đáu không nguôi về thân phận con người, Thanh Châu đem đến cho cho độc giả những suy nghĩ, tâm trạng và uẩn khúc của một lớp tiểu tư sản thị dân nghèo... Do điều kiện khách quan (sự kiểm duyệt chặt chẽ của Pháp) nên trong các sáng tác của mình các nhà văn không đứng ra kêu gọi trực tiếp phải tiến hành một cuộc cách mạng nhằm đấu tranh lật đổ áp bức, tiêu diệt cái xấu nhưng rõ ràng đó cũng là một sự phản ứng mạnh mẽ để đấu tranh chống lại cái xấu đang lan tràn trong xã hội. Một thái độ được xem là quyết liệt và mạnh mẽ nhất của nhóm Tân Dân mà Lê Văn Trương (lúc này đang làm chủ nhiệm tờ Ích Hữu) là người chủ xướng xuất hiện trên Phổ Thông Bán Nguyệt San năm 1938. Chúng tôi xin trích lại ở dưới đây những lời lẽ đầy mạnh bạo, quyết liệt kêu gọi một cuộc cách mạng trong văn hóa nhằm phủ định và “đánh đổ” một nền văn chương xa lánh những vấn đề xã hội, chạy theo sự “xùng một vật chất” và “phóng đãng” của Lê Văn Trương đăng trên Phổ Thông Bán Nguyệt San bìa màu số 1 ra ngày 16/1/1938: “Cách
mạng văn hóa – Nhận thấy phong trào xùng mộ vật chất mỗi ngày một bành trướng, đã
gieo rắc vào xã hội Việt Nam nhiều mầm độc, làm thối nát những giá trị luân lý của nhân sinh; nhận thấy văn chương phóng đãng và ủy mị, tôi tớ mẫn cán của những ác tập trưởng giả, có phương hại lớn đến tinh thần tranh đấu của thành niên trong thời khắc nghiêm trọng này. Chúng tôi đề xướng khẩu hiệu: văn hóa cách mạng và kêu gọi tất cả những phần tử tâm huyết, trẻ trung của xã hội Việt Nam đồng lòng hiệp sức với chúng tôi thi hành nó đến triệt để, phản công kịch liệt phong trào xùng mộ vật chất và văn chương phóng đã, ủy mị”. Thứ “văn chương ủy mị” và “phóng đãng” được nhắc đến chính là văn chương lãng mạn của Tự lực văn đoàn. Thế giới nhân vật trong sáng tác của các nhà văn nhóm Tân Dân về cơ bản thật khác xa với những “chàng” và “nàng” trong tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn. Các vấn đề xã hội và tư tưởng đặt ra trong di sản văn chương của nhóm Tân Dân cũng khác hoàn toàn so với Tự lực văn đoàn vì một bên hướng về xã hội, luân lý và đạo đức còn một bên lại hướng về con người cá nhân.
Tính đấu tranh xã hội của nhóm Tân Dân không chỉ thể hiện trong các sáng tác. Nếu để ý kĩ phần tiểu sử chúng ta dễ dàng nhận thấy phần lớn các nhà văn trong nhóm Tân Dân đều đã từng tham gia vào các phong trào yêu nước trước và sau 1945. Trước 1945, Lan Khai và Nguyễn Triệu Luật tham gia Việt Nam quốc dân đảng; Lê Văn Trương từng tổ chức phong trào bãi khóa và bị đuổi học (1923); Thâm Tâm, Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng... sau này đều tham gia vào phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản– một tổ chức đấu tranh cho quyền sống của tầng lớp bình dân và giai cấp công nhân, những đối tượng chủ yếu trong sáng tác của nhà văn nhóm Tân Dân - lãnh đạo.
*
* *
Ở phần trên chúng tôi vừa phân tích những khuynh hướng văn chương, tư tưởng nghệ thuật của nhóm Tân Dân nhìn từ những tuyên bố, tuyên ngôn của nhóm trên các cơ quan ngôn luận như Tao Đàn, Phổ Thông Bán Nguyệt San, Tiểu Thuyết Thứ Bảy và thực tiễn sáng tác của nhóm. Nhìn chung có thể thấy nhóm Tân Dân có một quan điểm văn chương khá rộng mở, sáng tác mở ra nhiều khuynh hướng khác nhau từ hiện thực đến lãng mạn nhưng về mặt tư tưởng nhóm Tân Dân có một điểm khác biệt, nhất là trong sự đối sánh với Tự Lực Văn Đoàn, đó là sự quay trở về và trân trọng những giá trị của quá khứ, ủng hộ và ngợi ca nếp sống và đạo đức cổ truyền.