1945: Đình bản Phổ Thông Bán Nguyệt San.
3.2.3 Sự đan xen của hai khuynh hướng lãng mạn và hiện thực
Sự phân chia các nhà văn trong nhóm Tân Dân thành hai khuynh hướng lãng mạn và hiện thực chỉ là tương đối. Trên thực tế một nhà văn có thể vừa sáng tác theo khuynh hướng lãng mạn vừa sáng tác theo khuynh hướng hiện thực hay ngay trong một tác phẩm cũng vừa có yếu tố lãng mạn vừa có yếu tố hiện thực. Đây cũng là một đặc điểm điểm chung của văn học Việt Nam. Phan Cự Đệ cũng từng thừa nhận rằng “văn học hiện thực Việt Nam là một hiện tượng không thuần nhất” (Giáo trình văn học Việt Nam 1900 – 1945, tr.354). Dưới đây chúng tôi xin phân tích một vài hiện tượng tiêu biểu trong nhóm Tân Dân để làm rõ tính chất này.
Nguyễn Công Hoan là một nhà văn hiện thực bậc thầy nhưng không phải mọi tác phẩm ông viết đều là văn chương hiện thực. Tiểu thuyết Tắt lửa lòng đăng trên Phổ Thông Bán Nguyệt San số 1 năm 1936 là một tác phẩm thuộc loại lãng mạn khi nó mua sầu chuốc não, lấy đi bao nước mắt của độc giả về mối tình éo le của Lan và Điệp. Phạm Thế Ngũ nhận xét rằng Tắt lửa lòng là một “câu truyện có tính cách lãng mạn bi ai (...). Việc Lan ở chùa chôn con bướm cùng con dao tây sáu lưỡi (kỉ vật của Điệp) vào một cái mả cao nhắc ta nhớ lại bao chuyện chôn hoa khóc bướm của văn học lớp trước, lớp Tuyết Hồng, Tố Tâm” [31, tr.508]. Ngoài Tắt lửa lòng Nguyễn Công Hoan còn viết một tiểu thuyết lãng mạn khác là Lá ngọc cành vàng (1939). Nếu Tắt lửa lòng bị xếp vào loại lãng mạn tiêu cực thì Lá ngọc cành vàng lại được các nhà nghiên cứu coi là lãng mạn tích cực. Tuy nhiên ở cả hai tác phẩm được coi là lãng mạn này người ta không khỏi chú ý đến những vấn đề xã hội được đặt ra. Đó là sự đấu tranh chống lại những lễ giáo phong kiến, chế độ gia trưởng và đòi quyền được tự do hôn nhân.
Ngược với Nguyễn Công Hoan là một cây bút hiện thực viết tác phẩm lãng mạn thì Lan Khai là một nhà văn lãng mạn tiêu biểu nhưng trong sự nghiệp của ông lại có những tác phẩm viết theo khuynh hướng hiện thực có giá trị. Không kể tác phẩm hoàn
toàn hiện thực như tiểu thuyết Lầm than, Cô Dung thì ngay chính những tác phẩm viết về đường rừng của ông chất hiện thực cũng rất đậm đặc. Đọc Tiếng gọi của rừng thắm,
Mọi rợ... chúng ta được chứng kiến một bức tranh hiện thực sinh động về cuộc sống và
con người nơi rừng sâu núi thẳm với tất cả sự hoang sơ, mông muội cùng những nét văn hóa, đời sống tinh thần, tâm lý rất đặc trưng. Lưu Trọng Lư cũng là một hiện tượng tiêu biểu về sự đan xen giữa hai khuynh hướng lãng mạn và hiện thực trong nhóm Tân Dân. Các truyện ngắn và tiểu thuyết của Lưu Trọng Lư vừa đưa độc giả chìm đắm trong thế giới thần tiên ma quái, lý kì, với những câu chuyện dã sử (Con đười ươi, Con voi già của
vua Hàm Nghi, Chạy loạn, Hổ với mọi...), trong những khung cảnh thiên nhiên thơ mộng
và đậm chất thơ đất thần kinh xứ Huế nhưng cũng đồng thời làm cho ta thương cảm, xót xa cho những phận người không may mắn. Cầu sương điếm cỏ là câu chuyện thương tâm về gia đình bác hai Thìn. Vì miếng cơm cho con, trong một ngày mưa lũ dữ dội, dù linh cảm trước “một cuộc vĩnh biệt não nùng sắp đến” nhưng bác hai Thìn vẫn “rứt áo ra đi”, một mình “một chiếc thuyền nan bồng bềnh trên dòng nước lũ để kiếm bữa cơm chiều cho con” để rồi không trở về. Hai đứa con bác là cái Bẹ và thằng Tỵ từ đó phải lang thang kiếm sống cong cay cực. Cô bé hái dâu cũng là câu chuyện bất hạnh của hai kẻ lỡ dở tình duyên, để chàng thì nheo nhóc với một đàn con, vùi mình trong cờ bạc thuốc phiện, còn nàng thì sống trong chuỗi ngày cô đơn, ôm mối hận tình đến chết. Trong tiểu thuyết Cô Nguyệt chúng ta còn thấy cả một thế giới quân chủ quan liêu lỗi thời với những nạn chạy chức, chạy quyền, bóp nặn tiền của và tài sản của những kẻ khốn khổ... Những sáng tác của Lưu Trọng Lư chất lãng mạn biểu hiện đậm nét ở nghệ thuật ngôn từ, ở lối kết cấu kiểu truyện không có chuyện, ở mạch triển khai theo tư tưởng, tâm lý nhân vật mà không bám sát vào các sự kiện nhưng chất hiện thực vẫn hiện ra đằng sau những câu chuyện tưởng như không có chuyện ấy. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân trong một tuyển tập văn xuôi Lưu Trọng Lư đã nhận xét rằng: “(...) lãng mạn là nét phong cách khá nổi bật ở văn xuôi tự sự trước 1945 của Lưu Trọng Lư. Tất nhiên điều này không ngăn cản việc ở phần sáng tác này của ông, ta còn có thể tìm thấy những minh chứng về sự tố cáo
những biểu hiện phi nhân tính, phản xã hội của cuộc sống đương thời, - tức là những thuộc tính thường vẫn được gắn cho văn chương “tả thực phê phán”.
Ở trên chúng tôi vừa phân tích một số hiện tượng tiêu biểu cho sự pha trộn giữa hai khuynh hướng hiện thực và lãng mạn trong nhóm Tân Dân qua các trường hợp Nguyễn Công Hoan, Lan Khai, Lưu Trọng Lư. Sự đan xen giữa hai khuynh hướng văn học này còn biểu hiện ở những sáng tác của Nguyễn Xuân Huy, Nguyên Hồng (với Cuộc
sống – tác phẩm chan chứa chất lãng mạn cách mạng và có phần vượt qua khuôn khổ của
chủ nghĩa hiện thực phê phán (Phan Diễm Phương), Ngọc Giao... Chúng tôi cho rằng đây là một đặc điểm không chỉ của riêng một nhóm nhà văn mà là của cả một giai đoạn văn học Việt Nam trước 1945. Điều đó góp phần tạo nên sự đang dạng trong sự nghiệp của mỗi nhà văn cũng như của cả một nền văn học, tạo điều kiện cho các nhà văn phát huy được thế mạnh của mình trong biểu hiện cuộc sống.