Khuynh hướng lãng mạn

Một phần của tài liệu Nhóm tân dân trong đời sống văn học việt nam trước 1945 (Trang 100 - 102)

1945: Đình bản Phổ Thông Bán Nguyệt San.

3.2.1 Khuynh hướng lãng mạn

Là một trong hai khuynh hướng sáng tác chính trong văn học Việt Nam giai đoạn trước 1945. Các nhà văn theo khuynh hướng này “bác bỏ cuộc sống tầm thường của xã

hội”, “hướng về một thế giới khác mà thường họ tìm thấy trong các truyền thuyết và sáng tác dân gian, trong các thời đại lịch sử đã qua, trong các bức tranh kì diệu của thiên nhiên, trong đời sống, sinh hoạt, tập quán của các dân tộc và đất nước xa xôi”. “Họ đem những ước vọng cao cả và những biểu hiện cao nhất của đời sống tinh thần như nghệ thuật, tôn giáo, triết học, đối lập với thực tiễn vật chất tầm thường”[11] Các nhà văn viết theo khuynh hướng lãng mạn nổi bật trong nhóm Tân Dân có thể kể tới là Nguyễn Tuân, Lan Khai, Tchya Đái Đức Tuấn... Hầu hết các tác phẩm được viết theo khuynh hướng lãng mạn thường khai thác các đề tài tình yêu, lịch sử, dã sử, những chuyện phiêu lưu, ma quái, hoang đường...

Nếu Nguyễn Tuân hướng về quá khứ, tìm lại cái đẹp của một thời vang bóng trong những phong tục, thú chơi tao nhã của tiền nhân thì Lan Khai hướng về quá khứ là để gửi gắm vào đó những tư tưởng, quan niệm của mình về thân phận của con người, của tình yêu trong những biến cố lịch sử và Lưu Trọng Lư lại đưa ta về với những hoài niệm, tục lệ của mảnh đất thần kinh xứ Huế mộng mơ. Cùng hướng về quá khứ nhưng mỗi nhà văn đem lại cho người đọc những hình ảnh về cuộc sống khác nhau, lay động những giác quan và cảm xúc khác nhau ở độc giả. Tập Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân được Vũ Ngọc Phan đánh giá là “văn phẩm gần tới sự toàn thiện toàn mỹ” do Tân Dân ấn hành thành sách năm 1940 với 11 câu chuyện như 11 bức tranh đặc tả về một thời vừa qua nhưng đã thành dĩ vãng trong cuộc mưa Âu gió Mỹ đang thổi ào ạt ở hiện tại. Đó là những thú vui tao nhã, thanh đạm mà cũng không kém cầu kì, cao đạo của bậc tiền nhân là các ông quan, cụ cử, cụ nghè... những đệ tử cuối mùa của Đạo Khổng nhưng lại đang gìn giữ những quốc hồn, quốc túy của dân tộc. Đó là cụ Sáu trong Những chiếc ấm đất, cụ ấm trong Chén trà sương với tất cả những cầu kì và nghệ thuật trong thưởng thức trà; là cụ phủ trong Thả thơ, ông Phó Sứ và cô Mộng Liên trong Đánh thơ cả đời gắn với thơ ca; cụ Kép trong Hương cuội với thú uống rượu độc đáo có một không hai là thưởng thức rượu với kẹo bọc đá cuội ướp hương lan... Những tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai lại đưa ta về những thời xa xưa hơn, với những câu chuyện tình yêu cảm động của bậc vua chúa như Lý Công Uẩn, Lý Chiêu Hoàng, của Quang Trung Nguyễn Huệ... hoặc của những

bậc anh hùng liệt nữ lưu truyền như Vũ Mật, Lan Anh, nàng Nhạn, Bàn Tuyết Hận... Trong khi các nhà văn hiện thực phơi bày những nỗi đau thương, thống khổ cùng cực của con người trong cuộc sống hiện tại thì Tchya Đái Đức Tuấn lại đưa người ta vào những thế giới huyền bí, rùng rợn với ma, với hổ tinh, với những truyền thuyết hoang đường kỳ ảo. Đó là câu chuyện li kì và bí hiểm, ghê rợn về mối quan hệ giữa người với hổ, với những ân oán giữa Thần Hổ và dòng họ Đèo (trong Thần Hổ), là câu chuyện ma quái, hãi hùng về số kiếp của hai nàng Oanh Cơ và Huyền Cơ (trong Ai hát giữa rừng khuya)...

Khuynh hướng lãng mạn trong nhóm Tân Dân không chỉ tập trung ở các nhà văn viết tác phẩm về quá khứ, về những chuyện phiêu lưu, ma quái, rùng rợn mà còn thấy hiện rõ trong các tác phẩm viết về đời sống hiện tại với những câu chuyện tình yêu say đắm, với những khung cảnh thiên nhiên êm đềm, đẹp như mộng. Đó là trường hợp Nguyễn Xuân Huy với tiểu thuyết Nắng đào kể về câu chuyện tình yêu say đắm, ngọt ngào giữa Đào và Phi trên nền cảnh thiên nhiên thơ mộng của làng quê Việt Nam; là nhà văn Thanh Châu với truyện dài Tà áo lụa kể về câu chuyện tình đắm say nhưng éo le, trắc trở giữa Phương và Bình với những hoài niệm đẹp đẽ về một vùng quê yên ả, thanh bình; là câu chuyện tình cảm phức tạp giữa ba chàng trai Minh, Huy và Miến với hai chị em Ngọc, Thúy trong Huế, một buổi chiều của Lưu Trọng Lư gắn liền với cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng xứ Huế...

Có thể nói, các tác phẩm viết theo khuynh hướng lãng mạn trong nhóm Tân Dân rất phong phú, đề tài mở rộng hơn rất nhiều so với các nhà văn lãng mạn trong nhóm Tự lực văn đoàn (chỉ tập trung khai thác các câu chuyện ở thời hiện tại) từ lịch sử, dã sử đến hoang đường, ma quái và cả cuộc sống đương thời. Những tác phẩm lãng mạn của Tân Dân đều được truyền tải bằng một thứ ngôn ngữ đậm chất thơ, giàu hình ảnh và một nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật rất tinh tế.

Một phần của tài liệu Nhóm tân dân trong đời sống văn học việt nam trước 1945 (Trang 100 - 102)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(120 trang)
w