Khuynh hướng hiện thực

Một phần của tài liệu Nhóm tân dân trong đời sống văn học việt nam trước 1945 (Trang 102 - 107)

1945: Đình bản Phổ Thông Bán Nguyệt San.

3.2.2 Khuynh hướng hiện thực

Đây cũng là một trong hai khuynh hướng sáng tác chính trong văn học Việt Nam giai đoạn trước 1945. Các nhà văn sáng tác theo khuynh hướng này “mô tả cuộc sống

bằng hình tượng tương ứng với bản chất những hiện tượng của chính cuộc sống và bằng điển hình hóa các sự kiện thực tế đời sống”, “thừa nhận sự tác động qua lại giữa con người và môi trường, giữa tính cách và hoàn cảnh”, “coi trọng những chi tiết cụ thể và độ chính xác của chúng trong việc mô tả con người và cuộc sống”. Và quan trọng hơn qua tác phẩm nhà văn phải bộc lộ được thái độ, tư tưởng của mình với một ý thức chủ động khám phá hiện thực chứ không phải dửng dưng, ghi chép máy móc hiện thực. Các nhà văn tiêu biểu theo khuynh hướng hiện thực trong nhóm Tân Dân có thể kể đến như Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Tô Hoài, Lan Khai, Ngọc Giao.... Hầu hết các đề tài mà các nhà văn theo khuynh hướng hiện thực hướng đến là các đề tài về xã hội với những tệ nạn, xung đột giai cấp, cuộc sống lầm than, cực khổ của tầng lớp bình dân và dưới đáy xã hội...

Vai trò của Nguyễn Công Hoan trong dòng văn học hiện thực Việt Nam đã được khẳng định một cách rõ ràng với 6 tập truyện ngắn và hơn 10 tiểu thuyết đã làm nên vị thế nhà văn hiện thực lớn của dân tộc. Tất cả các tiểu thuyết và truyện ngắn của ông đều tập trung khai thác vào đời sống đương thời với tất cả những cái nhố nhăng, nghịch đời, đảo điên trong xã hội bằng một con mắt tinh ranh và hài hước. Với tiểu thuyết Bước đường cùng xuất bản trên Phổ Thông Bán Nguyệt San số 23 ra ngày 1/10/1938 Nguyễn

Công Hoan đã ghi lại dấu ấn của một kiệt tác văn học hiện thực. Cùng với Nguyễn Công Hoan – thành viên chủ chốt của Tân Dân – còn có các nhà văn hiện thực lớn của dân tộc từng tham gia viết cho nhà xuất bản Tân Dân như Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Tô Hoài... Những tên tuổi vừa kể trên đã được rất nhiều nhà nghiên cứu phê bình đánh giá, nên ở đây chúng tôi xin được nói nhiều hơn về các nhà văn viết theo khuynh hướng hiện thực khác trong nhóm Tân Dân như Ngọc Giao, Lan Khai, Mạnh Phú Tứ, Trần Huyền Chân, Thanh Châu... là những gương mặt ít được chú ý trong giới nghiên cứu.

Ngọc Giao viết nhiều về các vấn đề hiện thực như cuộc sống hôn nhân gia đình với những bi kịch chua xót. Truyện Tội lỗi ngoài ngưỡng cửa là tình cảnh xót xa của một

gia đình công chức cấp thấp. Vào cuối tháng, sau khi lĩnh lương anh ký cùng đám bạn đang vui vẻ ở xóm cô đầu thì chị Tư vợ anh, chết gục trong nhà thương do kiệt sức trong một ca sinh khó; Chợ chiều là câu chuyện bại hoại luân lý khi bà mẹ ngủ với người yêu của con gái khiến cô gái phải bỏ nhà đi; truyện Một người không sống viết về bi kịch người vợ phải sống trong sự lạnh lùng, vô cảm của người chồng, sống mà như không; Anh gắng nuôi con là tấm lòng yêu thương con vô hạn của người cha và tình cảnh trớ trêu

gà trống nuôi con của Phương... Ngòi bút của ông còn hướng về số phận của những người bất hạnh trong xã hội như bà góa, người đàn ông cô độc, cô đầu, gái muộn chồng.

Tết cô đầu và Phấn hương viết về cuộc sống của những cô gái phải làm nghề bán trôn

nuôi miệng nơi lầu xanh. Ngọc Giao đã viết rất cảm động và chân thực về cuộc sống của gái lầu hồng qua cuộc đời cô gái điếm Hương bằng những câu thật xót xa: “Cuộc đời Hương đã bị người ta giày xéo, thể chất ngọc ngà, trong trắng của Hương đã bị người ta bỏ tiền mua như mua một món đồ cũ bầy ở hiệu tầm tầm, rồi thì... một gã đàn ông đêm hôm ấy, tự do bịt miệng, bóp cổ nàng, hăm họa dỗ dành nàng mà hãm hiếp”. Những cô gái trót xa chân vào chốn thanh lâu như Hương mặc dù ý thức được thể xác và nhân phẩm của mình đang bị chà đạp, giày xéo như đồ vật nhưng các cô chỉ biết khóc và đành buông xuôi: “Hương vội đưa tay lên che mặt, thẹn thùng với cái hồng nhan. Hương cảm thấy hết cả nỗi nhục nhã của đời mình và nhận thấy hết cả sự đểu giả của giống người, tuy nhiên nghề làm đĩ nó vẫn bắt nàng phải chiều chuộng, gần gũi cái giống người ấy mãi”. Kết thúc câu chuyện là một cảnh thật mỉa mai và chua xót: “Lát sau, cơn uất ức dịu dần, Hương xoa lại phấn, ra nhà ngoài ngồi “bày hàng” cùng các bạn đợi khách hát tất niên” (Tết cô đầu). Gái muộn chồng, Lệ vui, Xóm nghèo ăn Tết chó, Mụ Từ đoan... là những truyện rất cảm động viết về số phận hẩm hiu, thua kém của những kiếp người bé nhỏ sống trong sự mặc cảm và nghèo khó. Tâm và Tình là hai chị em ruột sống nhờ vào cửa hàng tạp hóa đang ngày càng lụi đi cho bà mẹ để lại. Cả hai đã có tuổi nhưng “chưa bao giờ được hi vọng xuất giá theo chồng, chưa bao giờ được người con trai nào theo sau gót (...) hai cô gái muộn chồng thường mê thấy hình như có bóng một người con trai nào ẩn nấp đâu kia để nghe trộm tiếng thở dài ngao ngán của mình”. Kết thúc tác phẩm cũng

là một hình ảnh mang tính biểu tượng cho số phận của hai chị em cô: “Tâm mở cửa bước vào nhà, nhọc mệt trèo lên những bậc thang gỗ mục nát như gần đổ gẫy – cái cầu thang của một căn nhà cổ tiều tụy, tượng trưng cả một cuộc đời tối tăm, tiều tụy của chị em cô” (Gái muộn chồng). Truyện Xóm nghèo ăn Tết chó kể về mụ Một, một bà già cô độc bị con bỏ rơi. Vì buồn chán mụ nghiện rượu, nghiện thuốc phiện sống một cuộc sống lay lắt ở ngõ xóm Khâm Thiên. Mụ đã phải bán con vàng là con chó cũng là người bạn duy nhất của mụ để lấy tiền đi tìm con, tìm cháu. Mụ lừa bán con vàng cho dân ngõ nhưng lương tâm mụ cũng giằng xé như khi lừa một con người. Không may con chó trốn thoát nhưng những người dân nghèo không bắt đền mụ Một mà vẫn góp tiền cho mụ đi tìm con. Trên chuyến tàu cuối năm lao vào bóng tối, “mụ Một co ro rét và say, gục đầu vào cánh cửa toa. Mụ se lòng nghĩ đến con vàng của mụ bây chừ nơi mô? Con vàng lang thang, mụ cũng lang thang một mình”. Ở cả 2 tập truyện ngắn Cô gái làng Sơn Hạ và Phấn hương

và hàng chục truyện đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy chúng tôi đều nhận thấy Ngọc Giao có khuynh hướng hiện thực rõ nét khi ông viết rất nhiều về thân phận con người trong xã hội cũ.

Lan Khai không viết nhiều các tác phẩm về đề tài hiện thực nhưng chỉ với tiểu thuyết Lầm than (và sau này ông có viết thêm Mực mài nước mắt do NXB Đời Mới, Hà Nội ấn hành 1941) cũng đủ làm nên tên tuổi ông ở dòng văn học hiện thực. Mạnh Phú Tư ghi dấu ấn ở mảng văn học hiện thực với tiểu thuyết Sống nhờ viết dưới dạng tự truyện kể về cuộc sống của cậu bé Dần. Dần mồ côi cha từ trong bụng mẹ và lên 6 thì mẹ cậu đi bước nữa, từ đó Dần bắt đầu cuộc đời “sống nhờ” cay đắng, tủi nhục hết bên nội đến bên ngoại. Sống nhờ đã có ý nghĩa lớn lao trong việc dựng nên bức tranh chân thực về quyền sống con người bị chà đạp trong xã hội phong kiến. Nguyễn Hoành Khung nhận xét: “Tác phẩm chủ yếu đi vào những quan hệ gia đình ở nông thôn, nghiêng về sinh hoạt phong tục, và ở phương diện này, Sống nhờ là một tiểu thuyết có tính chân thực cao. Tác phẩm không chỉ gợi lên niềm thương cảm xót xa đối với một đứa trẻ mồ côi mà còn phơi trần và lên án lối sống tư hữu sau lũy tre. Chế độ tư hữu khiến cho con người trở nên ích kỉ, nhỏ nhen, tàn ác, đối xử tồi tệ với cả những người ruột thịt và cái gia đình của họ triền

miên trong tình trạng lục đuc căng thẳng” (Từ điển văn học Việt Nam, tr.1560). Đọc

Sống nhờ ta còn thấy hình ảnh một nông thôn Việt Nam trước cách mạng đang trong quá

trình phá sản và bần cùng hóa, nạn đói kém mất mùa, nạn cường hào ác bá hoành hành... Với Sống nhờ Mạnh Phú Tư đã ghi được dấu ấn đáng kể trong dòng văn học hiện thực Việt Nam trước cách mạng (Bích Thu). Trần Huyền Trân ghi dấu ấn ở mảng văn học hiện thực bằng tập truyện ngắn Lẽ sống in trên Phổ Thông Bán Nguyệt San số 105 năm 1942. Hầu hết các truyện trong Lẽ sống viết về cuộc sống của thị dân nghèo. Đó là những văn sĩ chật vật kiếm miếng cơm manh áo, những day dứt suy tư của họ trước cuộc đời (Lẽ sống,

Bộ áo rét của nhà thơ, Những chiều thu nắng, Yêu), là cảnh sống lần hồi qua ngày và vô

vọng của người đàn bà bị đứa con bỏ rơi trên cái đầm nước cạnh bãi tha ma (Một buổi chiều mua), là mạng người chỉ đáng hai hào bạc (Cơn bão rớt), là cuộc sống không lối

thoát của những cô gái làm nghề vũ nữ (Mưa dầm)... “Tập truyện Lẽ sống được viết bằng một ngòi bút hiện thực tương đối nhất quán. Mỗi câu chuyện là một cảnh đời, một số phận của những con người lầm than dưới đáy xã hội” (Lưu Khánh Thơ) [3, tr.458]. Tập truyện ngắn Trong bóng tối cũng góp phần đưa Thanh Châu và đội ngũ những nhà văn hiện thực Việt Nam trước cách mạng. Tập truyện này gồm 13 truyện chủ yếu cũng viết về đời sống của những người dân nghèo thành thị. Đó là câu chuyện cảm động về tình mẹ con trong Ngày sinh nhật, là tiếng sáo buồn rầu vô vọng của người mù trước đồng loại để rồi đến một ngày anh ta như “con ve sầu kêu suốt hạ đã chết khô trên một cành đa”(Tiếng

sáo), là tình cảnh bi ai của gia đình ông bà đồ trong Hiu quạnh, là sự tàn lụi của một tài

năng họa sĩ (Lửa tàn), là sự mòn mỏi của người vợ ngóng đợi chồng trở về sau những cuộc vui chốn lầu hồng và cũng là người mẹ mỏi mòn trong đèn đợi đứa con trai phón đãng trong Mòn mỏi...

Nhìn chung, ở khuynh hướng hiện thực các tác giả trong nhóm Tân Dân đạt được nhiều thành tựu, trong đó nhiều tác phẩm trở thành kinh điển, nhiều nhà văn xác lập được vị vững chắc và đáng kể trong lịch sử văn học. Rất nhiều vấn đề được đặt ra cách đây hơn 70 năm vẫn còn gây nhức nhối với người đọc và còn nguyên ý nghĩa thời sự như tình

người đối với người, thân phận của những cô gái trót xa chân vào chốn lầu xanh, nạn nhũng nhiễu chốn quan trường, sự phân chia giàu nghèo...

Một phần của tài liệu Nhóm tân dân trong đời sống văn học việt nam trước 1945 (Trang 102 - 107)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(121 trang)
w