1945: Đình bản Phổ Thông Bán Nguyệt San.
1.3.1.1 Nguyễn Công Hoan
Nguyễn Công Hoan (1903 - 1977) là nhà văn chủ chốt của nhóm Tân Dân theo khuynh hướng hiện thực xã hội. Trước khi viết cho Tân Dân ông đã sớm có tác phẩm đăng trên báo như tập truyện ngắn Kiếp hồng nhan (1923), rồi tham gia viết mục Truyện
thế gian rồi Xã hội ba đào ký trên An Nam tạp chí của Tản Đà và cũng thu hút được sự
chú ý của độc giả. Tác phẩm sớm nhất mà chúng tôi có được khi Nguyễn Công Hoan gia nhập nhóm Tân Dân là truyện ngắn Godautre đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy số 21 ra ngày 20 – 26 năm 1934. Mốc này được tạm xem là thời điểm đánh dấu sự xuất hiện của Nguyễn Công Hoan trong Tân Dân. Tuy nhiên, sự nghiệp của Nguyễn Công Hoan chỉ thực sự phát triển rực rỡ khi ông được Vũ Đình Long mời tham gia viết cho ấn phẩm đầu tiên của nhà Tân Dân là Tiểu Thuyết Thứ Bảy. Quá trình Vũ Đình Long mời và trao đổi với Nguyễn Công Hoan chúng tôi đã viết khá kĩ ở mục trên nên ở đây xin không được nhắc lại. Tiểu Thuyết Thứ Bảy số 1 ra ngày 1er Juin 1935 đăng tập truyện ngắn Kép Tư
Bền (dung lượng 150 trang) gồm 15 truyện ngắn đã thực sự gây được tiếng vang cho
Nguyễn Công Hoan và nhà Tân Dân. Chỉ tính riêng trên ấn phẩm Tiểu Thuyết Thứ Bảy, theo Phạm Thế Ngũ, trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy số 53 ra ngày 1/6/1935 đăng một bảng liệt kê tác phẩm thì Nguyễn Công Hoan đã viết được 80 truyện ngắn và 9 truyện dài. Hai ấn phẩm chính của Tân Dân mà Nguyễn Công Hoan tham gia viết chính là Tiểu Thuyết Thứ Bảy và Phổ Thông Bán Nguyệt San.
Trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy ông đã cho xuất bản những ấn phẩm nổi tiếng gây được tiếng vang lớn trong đời sống văn học đương thời như tập truyện Kép Tư Bền,tiểu
thuyết Cô giáo Minh, tiểu thuyết Ông chủ, tiểu thuyết Bà chủ, tiểu thuyết Một cái chương
trình quyết thực hành... Trong các năm 1940 đến 1945 trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy xuất
hiện một loại những truyện ngắn tiếp tục mạch hiện thực trào phúng có giá trị như Công dụng của cái miệng, Người thứ ba, Con ve, Cuộc cụ, Cái thủ lợn, Đọc văn, Rước sắc, Phần biếu... Tiểu thuyết Cô giáo Minh (dung lượng 219 trang) đăng trên Tiểu Thuyết
Thứ Bảy năm 1936 là một trong những tác phẩm gây nhiều tranh cãi của Nguyễn Công Hoan và nhà xuất bản Tân Dân. Sau khi Tân Dân xuất bản Cô giáo Minh đã gây ra cuộc
tranh luận giữa Tân Dân và Tự lực văn đoàn. Cùng với Tiểu Thuyết Thứ Bảy, trên Phổ Thông Bán Nguyệt San của Tân Dân cũng đã đăng tải rất nhiều tác phẩm có giá trị của Nguyễn Công Hoan. Có thể kể đến đó là Tắt lửa lòng, Hai thằng khốn nạn, Tấm lòng
vàng, Bước đường cùng, Lá ngọc cành vàng, Đào kép mới, Sóng vũ môn, Trên đường sự nghiệp... Tiểu biểu nhất trong các tác phẩm vừa liệt kê chính là tiểu thuyết Bước đường
cùng đăng trên Phổ Thông Bán Nguyệt San số 23 ra ngày 1er Octobre 1938. Cuốn tiểu
thuyết này sau khi ra đời đã bị cấm lưu hành trên toàn cõi Đông Dương.
Tóm lại, Nguyễn Công Hoan là một nhà văn trụ cột của nhóm Tân Dân, đi theo khuynh hướng hiện thực xã hội với một nghệ thuật trào phúng bậc thầy. Nguyễn Công Hoan với những tác phẩm giá trị của mình đã làm nên giá trị cho nhà Tân Dân nhưng ngược lại, chính Tân Dân đã có công không nhỏ khi thông qua hệ thống phát hành rộng lớn của mình, đưa Nguyễn Công Hoan đến với một lượng độc giả lớn nhất có thể ở khắp cõi Đông Dương.
1.3.1.2 Ngọc Giao
Ngọc Giao (5/5/1911-8/7/1997) tên thật là Nguyễn Huy Giao, là một cây bút truyện ngắn chủ chốt của nhóm Tân Dân và từng làm thơ ký tòa soạn cho tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy. GS.Phong Lê trong bài Ngọc Giao, người khỏi bị lãng quên sau gần nửa thế kỉ đã đưa ra một con số thông kê với 300 truyện ngắn và hàng chục các truyện dài đủ làm nên một gương mặt đáng cho bạn đọc đương thời quen thuộc và kính nể [10, tr.7-8]. Ngọc Giao viết cả truyện ngắn, truyện vừa và truyện dài nhưng dường như chỉ ở thể loại truyện ngắn ông mới thành công.
Theo những tư liệu mà chúng tôi có thì Một đêm vui (262 trang) là tập truyện ngắn đầu tiên của Ngọc Giao do Tân Dân xuất bản. Tập truyện này được in trên Phổ Thông Bán Nguyệt San số 3 ra ngày 1 tháng 2 năm 1937. Trong khi tác phẩm được coi là mốc đánh dấu sự tham gia của Ngọc Giao vào nhóm Tân Dân là truyện ngắn Hi sinh đăng Tiểu Thuyết Thứ Bảy số 21 ra ngày 20 – 26 năm 1934. Đây là một giả thuyết mà chúng tôi tạm chấp nhận trong khi chưa thể tìm được những tư liệu sớm hơn. Năm 1938 ông cho xuất bản tiểu thuyết Cơn gió bấc đăng nhiều kỳ trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy.
Phấn hương là tập truyện ngắn thứ hai của Ngọc Giao xuất bản bởi nhà Tân Dân
năm 1939 gồm 10 truyện (Theo Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại thì còn có 4 truyện nữa là Một chuyện của lòng, Bà ngồi kể chuyện ngày xưa, Một đêm mưa móc, Thời gian). Năm 1940 Ngọc Giao xuất bản tiểu thuyết Đất (389 trang) do Tân Dân ấn hành.
Tập truyện thứ ba mà Tân Dân xuất bản của Ngọc Giao là Cô gái làng Sơn Hạ năm 1942, có dung lượng 206 trang, gồm 12 truyện. Năm 1944, trên Phổ Thông Bán Nguyệt San đăng tập truyện ngắn Chuyện người trẻ tuổi của Ngọc Giao.
Ở trên chúng tôi chỉ xin điểm những tác phẩm quan trọng nhất trong sự nghiệp văn học của Ngọc Giao trước cách mạng có gắn bó chặt chẽ với nhà xuất bản Tân Dân. Còn một lượng lớn những truyện ngắn, bài ký và tạp văn mà do giới hạn dung lượng của luận văn chúng tôi xin không liệt kê hết. (Xin xem Phụ lục Tác gia tác phẩm kèm theo luận văn này).
1.3.1.3 Vũ Bằng
Vũ Bằng (3/6/1913 – 8/4/1984) là một nhà văn lớn của văn học Việt Nam hiện đại. Trong nhóm Tân Dân ông nổi lên với vai trò là người liên kết, dẫn dắt các bạn văn tập hợp xung quanh nhà xuất bản Tân Dân mà hạt nhân là tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy.
Theo hồi kí Bốn mươi năm nói láo thì Vũ Bằng gia nhập nhóm Tân Dân vào lúc tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy đã có “độc giả vững chắc”, “bán chạy nhất nước” và cũng là lúc nhà văn đang muốn tìm tòi, thử nghiệm một lối viết mới, đặc biệt là viết tiểu thuyết học theo “cách viết truyện của người Âu Mỹ”. Vũ Đình Long đã đồng ý “thí nghiệm” những truyện ngắn theo lối mới của Vũ Bằng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy. Theo thời gian, mối
thâm giao giữa Vũ Đình Long và Vũ Bằng ngày càng sâu đậm, Vũ Bằng tăng cường viết cho nhà Tân Dân từ 2 tuần 1 bài lên 1 tuần 1 bài.
Tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy vốn Vũ Đình Long giao cho Ngọc Giao làm thư kí, nhưng về sau Ngọc Giao đi Sài Gòn thì công việc này được chuyển hẳn cho Vũ Bằng. Vũ Bằng đảm nhiệm thư kí cho Tiểu Thuyết Thứ Bảy thì tờ báo này đã phát triển lên một bước, thay từ ra khổ nhỏ thành khổ lớn với dung lượng tăng lên, nhiều chuyên mục mới mở ra để thu hút độc giả, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, như: “Biết Ai Tâm Sự”, “Ý Nghĩ Của Người Dạo Phố”. Đặc biệt ở thể loại tiểu thuyết xuất hiện thêm một loạt những thể loại mới gồm truyện có thật (histoires vraise), truyện cổ tích nhi đồng, truyện dài bằng thơ, truyện ngắn bốn phương, truyện ma quỷ, truyện trinh thám.... Tất cả thể loại này đều học theo lối viết phương Tây theo kiểu của Flammarrion, Les Mille et Une Nouvelles, Mystère Magazine...
Tiểu Thuyết Thứ Bảy đứng vững, Vũ Đình Long ra thêm Ích Hữu (2/1936), tiếp đó, cuối năm 1936 nhà Tân Dân ra tiếp Phổ Thông Bán Nguyệt San. Vũ Bằng được Vũ Đình Long giao cho quản lí bài vở, kĩ thuật hai tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy và Phổ Thông Bán Nguyệt San. Tuy nhiên, hai tờ báo “đội lốt” này vẫn không đủ chỗ cho các nhà văn trong nhóm “thi thố tài năng và phơi bày ý kiến” nên Vũ Bằng đã đề nghị Vũ Đình Long ra thêm một ấn phẩm nữa. Ngày 25/8/1941 báo Truyền Bá chính thức xuất hiện.
Vũ Bằng có thời gian khoảng 8 năm phụ trách việc đọc, sửa lỗi kỹ thuật và nhất là tổ chức bài vở cho các ấn phẩm Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Phổ Thông Bán Nguyệt San, Truyền Bá cho nhóm Tân Dân. Vũ Bằng dừng hẳn công việc này khi chiến tranh Nhật – Pháp nổ ra, Truyền Bá rồi Phổ Thông Bán Nguyệt San đóng cửa và Vũ Đình Long chuyển nhà in về Mục Xá, Hà Đông với tờ báo duy nhất còn lại là Tiểu Thuyết Thứ Bảy. Trong khoảng 8 năm giữ vài trò là thư ký tòa soạn cho ba ấn phẩm quan trọng của Tân Dân nên Vũ Bằng có nhiều cơ hội để tiếp xúc, gặp gỡ và nhất là có công trong việc phát hiện ra những tài năng văn chương. Xin đơn cử trường hợp nhà văn Nam Cao. Nhà văn Nam Cao chỉ thực sự nổi danh khi đăng tải truyện ngắn kiệt tác “Chí Phèo” (1941) nhưng ít ai biết rằng, từ trước đó rất lâu, Nam Cao đã bắt đầu tôi luyện tài năng văn chương của
mình trên ấn phẩm Tiếu Thuyết Thứ Bảy của nhà Tân Dân mà Vũ Bằng chính là người phát hiện ra Nam Cao. Vũ Bằng kể, sau khi Ngọc Giao bàn giao lại công việc của Tiểu Thuyết Thứ Bảy đi Sài Gòn, ông chìm ngập trong đống bài vở gửi đến tòa soạn cũ mới lẫn lộn. Và thật may mắn trong cái đống bài vở cũ đó ông đã tìm được một tác phẩm của Nam Cao gửi đăng và Vũ Bằng phát hiện ra tố chất ở nhà văn này. Vũ Bằng đã viết thư đăng trên mục Thư tín của báo để động viên và khuyến khích Nam Cao tiếp tục viết truyện gửi về Tiểu Thuyết Thứ Bảy. Có thể nói, đây là một giai đoạn quan trọng để hình thành nên một tài năng lớn của Nam Cao thời gian sau đó.
Ngoài Nam Cao, Vũ Bằng cũng phát hiện và tìm ra nhiều tên tuổi văn chương sau này như Tô Hoài, Nguyễn Tất Thứ, Bùi Hiển, Kim Lân, Lý Văn Sâm, nữ sĩ Ngân Giang, Trần Thanh Địch.... Cùng với đội ngũ các nhà văn đã cộng tác với Tân Dân trước khi Vũ Bằng đến và trong quá trình ông đảm nhiệm vai trò thư ký, một loạt tên tuổi của văn học Việt Nam hiện đại như Nguyễn Công Hoan, Lê Văn Trương, Thanh Châu, Ngọc Giao, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Lan Khai, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Trẩm Giự, Vũ Lang... đã cùng nhau hợp lại xây dựng ba tờ báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Phổ Thông Bán Nguyệt San, Truyền Bá do Vũ Bằng làm thư ký rất thành công, ví như “một cánh vườn có trăm hoa, không hoa nào giống hoa nào, mà cả trăm hoa cùng đua nở”.
Ngoài tư cách thư ký tòa soạn trong nhóm Tân Dân thì Vũ Bằng cũng tham gia vào quá trình sáng tác và trong giai đoạn này cũng để lại những tác phẩm có giá trị mà tiêu biểu nhất là tập hồi ký Cai (Tân Dân xuất bản, 1943). Ngoài ra còn có những tác phẩm tiêu biểu khác như tiểu thuyết Truyện hai người (1940), tiểu thuyết Tội ác và hối
hận (1940), tập truyện ngắn Để cho chàng khỏi khổ (1941), tập truyện ngắn Ba truyện mổ bụng (1944)... Nhìn chung trong giai đoạn này văn chương Vũ Bằng nổi lên ở đặc điểm
có cốt truyện giản dị, cách thức trần thuật linh hoạt, hiện đại, giọng văn nhạo đời và có những phân tích tâm lí sắc sảo. Văn của Vũ Bằng có tính chất hiện đại rất rõ do ông chủ động học theo lối văn phương Tây hiện đại. Điều đó đã góp phần cách tân ít nhiều nền văn xuôi Việt Nam trong tiến trình hiện đại hóa.
1.3.1.4 Lan Khai
Lan Khai (1906 - 1945) là một cây bút trụ cột của nhóm Tân Dân với hai tư cách vừa là người sáng tác, viết bài phê bình vừa là người quản lí. Tác phẩm sớm nhất mà chúng tôi tìm được được lấy làm dấu mốc Lan Khai tham gia nhóm Tân Dân là Ai lên phố Cát đăng trên Phổ Thông Bán Nguyệt San số 4 ra ngày 1 tháng 3 năm 1937.
Với tư cách người sáng tác thì Lan Khai là cây bút trụ cột của Phổ Thông Bán Nguyệt San và Tạp chí Tao Đàn. Ngòi bút của ông chủ yếu viết ở thể loại tiểu thuyết gồm: tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết tâm lí xã hội và tiểu thuyết đường rừng.
Trong vai trò một nhà tiểu thuyết lịch sử, Lan Khai để lại nhiều tác phẩm có giá trị như: Ai lên phố Cát (P.T.B.N.S số 4, 1937), Chiếc ngai vàng (P.T.B.N.S số 9, 1937), Cái
hột mận (P.T.B.N.S số 14, 1938), Gái thời loạn (P.T.B.N.S số 20), Đỉnh non thần
(P.T.B.N.S số 91, 92, 1941)... Ở mảng tiểu thuyết tâm lí xã hội Lan Khai cũng để lại nhiều tác phẩm giá trị trong đó đáng kể nhất là tiểu thuyết Lầm than (Tủ sách Những tác phẩm hay, 1938), Cô Dung (1938)... Lầm than được Lan Khai viết trong bối cảnh Mặt trận Dân chủ bình dân (1936 – 1939) đang phát triển mạnh mẽ. Tiểu thuyết có khuynh hướng xã hội có giá trị khác của Lan Khai do Tân Dân xuất bản là cuốn Cô Dung. Lan
Khai viết tiểu thuyết này để chống lại phong trào phụ nữ sống theo chủ nghĩa cá nhân đang lan tràn trong đời sống xã hội lúc đó.
Tiểu thuyết đường rừng là mảng tiểu thuyết thành công nhất và cũng là độc đáo chỉ riêng có ở Lan Khai. Thể loại tiểu thuyết đường rừng đã gắn liền với tên tuổi Lan Khai trong lịch sử văn học Việt Nam. Nhà Tân Dân đã xuất bản những tác phẩm thể loại đường rừng quan trọng nhất của Lan Khai gồm: tiểu thuyết Tiếng gọi rừng thẳm (1939), tiểu thuyết Hồng Thầu (1940), tập truyện ngắn Truyện đường rừng (gồm 9 truyện, 1940)...
Lan Khai trong nhóm Tân Dân không chỉ là một nhà tiểu thuyết mà còn là một nhà nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học tinh tế, già dặn. Những bài viết phê bình và nghiên cứu văn học được ông viết trong tư cách là người quản lí tạp chí văn chương Tao
Đàn. Lan Khai chính là linh hồn của tạp chí Tao Đàn trong suốt thời gian mà nó tồn tại. Ông được Vũ Đình Long tin cẩn giao cho làm Tổng thư kí của tạp chí Tao Đàn. Có thể kể ở đây những bài phê bình và nghiên cứu rất có giá trị của Lan Khai như Tính cách
Việt Nam trong văn chương (Tao Đàn số 4), Thiên chức của văn sĩ Việt Nam (Tao Đàn số
5), Cái nguy mất gốc (Tao Đàn số số 6), Một quan niệm về văn chương và Bàn qua về
nghệ thuật (Tao Đàn số 7), Con người Vũ Trọng Phụng (Tao Đàn số đặc biệt về Vũ
Trọng Phụng), Phác họa hình dung và tâm tính thi sĩ Tản Đà (Tao Đàn số 9, 10)... Những bài viết này thể hiện rõ quan niệm của Lan Khai về văn chương nghệ thuật, về tinh thần dân tộc tích cực, về đòi hỏi ở người nghệ sĩ... Về văn chương, ông cho rằng cái gốc, cái nền tảng phải là tính người, “phải lấy con người làm nền tảng”. Tác phẩm nào xa lạ với con người là sự bịa đặt, giả dối và không phải văn chương. Trong văn chương phải thể hiện và phô diễn được tâm tình và tư tưởng loài người. Ông cũng đặc biệt coi trọng về hình thức thể hiện, bởi tất cả những tâm tình, tư tưởng của loài người được văn chương thể hiện bằng văn tự. Lan Khai phản đối lối viết chỉ chú trọng ý, nội dung mà bỏ qua hình thức thể hiện. Theo ông chính lối viết khác nhau mà tạo nên những phong cách nhà văn khác nhau, những nền văn học khác nhau dựa trên cái nền tảng chung của nhân loại là tính người. Trong một bài viết ông đã đặc biệt đánh giá cao quan niệm sau của nhà văn Pháp Melchior de Vogüé (1848-1910): “... Chỉ thứ văn chương nào trau chuốt, lọc lõi, đẹp đẽ là mới có thể sống lâu mà thôi [...] Cái đặc sắc của một văn sĩ chính là cách riêng để diễn tả tư tưởng và tình cảm của mình vậy” (Một quan niệm về văn chương). Trong
các bài viết trên Tao Đàn Lan Khai thể hiện một tinh thần dân tộc rất tích cực. Ông nhìn nhận thẳng thắn những điểm yếu, điểm mạnh và luôn kêu gọi khơi gợi lại một tinh thần