Tình hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng cỏ làm thức ăn cho bò

Một phần của tài liệu Hiệu quả của việc chuyển đổi đất trồng trọt sang trồng cỏ nuôi bò ở huyện An Nhơn tỉnh Bình Định (Trang 76 - 77)

4. Kết cấu của luận văn

3.1.4.Tình hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng cỏ làm thức ăn cho bò

Quá trình phát triển trồng cỏ nuôi bò phụ thuộc nhiều vào việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Ở An Nhơn, một số giống cỏ mới được chuyển giao và ứng dụng vào sản xuất như: cỏ voi, cỏ voi lai VA – 06, cỏ Ghinê DT – 58 (cỏ sả), cỏ lông Para, cỏ AVEX. Tuy nhiên, ngoài cỏ voi thì hầu hết các loại cỏ trồng khác đang được các cơ quan nghiên cứu tiến hành thăm dò, khảo nghiệm sự thích ứng trên đất An Nhơn và chưa có kết luận.

Các chương trình, dự án đã chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật về giống cỏ, kỹ thuật trồng, chăm sóc… đến tận hộ nông dân qua các mô hình trình diễn trồng cỏ và được các hộ nông dân ủng hộ. Nhưng chủ yếu tập trung vào mô hình sản xuất cỏ, các mô hình trình diễn này được đi kèm với các chương trình dự án chăn nuôi bò lai của tỉnh Bình Định, mà chưa quan tâm đến các mô hình dịch vụ kỹ thuật, thị trường… Hơn nữa, sự quan tâm của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn đối với trồng cỏ không được thường xuyên liên tục, hỗ trợ thị trường chưa được chú ý đúng mức… Chính vì vậy, mặc dù có nhiều nông hộ đã nắm được kỹ thuật trồng cỏ và hiệu quả kinh tế của việc trồng cỏ nhưng họ vẫn chưa mạnh dạn đầu tư trồng cỏ

Từ các phân tích ở trên có thể nhận thấy rằng: số lượng đàn bò ở huyện An Nhơn có tăng lên, nhưng không ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng về lao động, đất đai của huyện. Công tác cải tạo nhằm nâng cao chất lượng đàn bò đã được chú ý, số lượng đàn bò lai chiếm tỷ lệ khá cao. Đến năm 2007, chỉ còn 15% bò nội và thấp hơn so với bình quân chung của cả tỉnh (tỷ lệ đàn bò nội của tỉnh là 35% của tổng đàn).

Diện tích bãi chăn thả tự nhiên của An Nhơn ít và ngày càng bị thu hẹp. Bên cạnh đó, diện tích một số cây trồng có phụ phẩm làm thức ăn cho bò tương đối ổn định và có xu hướng tăng nhẹ, nhưng cũng không đủ cung cấp thức ăn cho bò. Do đó, trong khi giá các loại thức ăn trên thị trường tăng cao thì các nông hộ ở An Nhơn chuyển một số diện tích đất sang trồng cỏ nuôi bò là một giải pháp cần được ưu tiên xem xét để duy trì và phát triển đàn bò của huyện.

Một phần của tài liệu Hiệu quả của việc chuyển đổi đất trồng trọt sang trồng cỏ nuôi bò ở huyện An Nhơn tỉnh Bình Định (Trang 76 - 77)