Quan hệ thương mại của Việt Nam EU ngày càng được củng cố, tăng cường

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam sang thị trường EU.doc (Trang 44 - 47)

1. Những thuận lợi khi xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam sang thị trường EU

1.3. Quan hệ thương mại của Việt Nam EU ngày càng được củng cố, tăng cường

Trong những năm qua, quan hệ Việt Nam - EU luôn được củng cố và tăng cường. Một sự kiện quan trọng đánh dấu bước tiến mới đặc biệt về chất lượng quan hệ Việt Nam - EU diễn ra vào ngày 31/5/1995 tại Brussels, “Hiệp định khung hợp tác Việt Nam - EU’’ được ký chính thức. Sự kiện này là đỉnh cao trong mối quan hệ hợp hữu nghị hợp tác Việt Nam - EU từ trước tới nay. Đây cũng là Hiệp định khung đầu tiên được EU ký kết với một nước Đông Nam á. Bản Hiệp định gồm 21 điều khoản, 03 phụ lục quy định những nguyên tắc trong quan hệ hai bên nhằm tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư, thương mại hai chiều. Hiệp định phục vụ cho 4 mục đích sau:

- Đảm bảo các điều kiện cần thiết nhằm khuyến khích, đẩy mạnh và phát triển quan hệ thương mại, đầu tư hai chiều trên cơ sở hai bên cùng có lợi, đương nhiên có tính đến hoàn cảnh kinh tế của mỗi bên.

- Hỗ trợ kinh tế Việt Nam phát triển vững chắc, trong đó đặc biệt chú ý cải thiện đời sống cho các tầng lớp dân cư nghèo.

- Thúc đẩy hợp tác kinh tế cùng có lợi, bao gồm cả việc việc trợ giúp Chính phủ Việt Nam trong các nỗ lực chuyển sang nền kinh tế thị trường.

- Hỗ trợ về môi trường và sử dụng lâu dài, hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam.

Điều đặc biệt có ý nghĩa là trong Điều 3 của Hiệp định, cả Việt Nam và EU cùng thoả thuận sẽ dành cho nhau Quy chế tối huệ quốc (MFN), đặc biệt là quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) - điều này có ý nghĩa lớn vì trong khi Việt Nam chưa phải là thành viên WTO nhưng vẫn được hưởng quy chế ưu đãi này [18].

Ngoài ra, Hiệp định khung hợp tác Việt Nam - EU còn quy định nhiều vấn đề cụ thể khác có liên quan đến một số lĩnh vực như đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ,

hợp tác kinh tế - khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường, hợp tác khu vực, hợp tác thông tin...Hiệp định cam kết phát triển và đa dạng hoá trao đổi thương mại, cải thiện quá trình tiếp cận thị trường của nhau đến mức cao nhất có thể được, đồng thời sẽ thực hiện các chính sách nhằm tạo thuận lợi cho việc bán sản phẩm vào thị trường của nhau. Các bên sẽ dành cho nhau điều kiện thuận lợi để xuất, nhập khẩu hàng hóa và thoả thuận, xem xét cách thức và biện pháp loại bỏ hàng rào thương mại giữa các bên, đặc biệt là hàng rào phi thuế quan. Các bên cũng thoả thuận khuyến khích trao đổi thông tin về những cơ hội thị trường cùng có lợi và tham khảo ý kiến của nhau về thuế quan, phi thuế quan, dịch vụ, y tế, an toàn hoặc môi trường và yêu cầu về kỹ thuật, tiến hành các chương trình đào tạo trong lĩnh vực này, cải thiện quan hệ hợp tác về hải quan, về khả năng đào tạo nghiệp vụ, đơn giản hoá và đồng nhất các thủ tục hải quan. Theo hiệp định này, hai bên sẽ thành lập Uỷ ban hỗn hợp để đưa ra những khuyến nghị thích hợp nhằm thực hiện mục đích do hiệp định đề ra, xác định ưu tiên các hoạt động mà hai bên cần thực hiện.

Ngay sau khi ký Hiệp định khung với Việt Nam, vào cuối năm 1995, EU đã cử ngay một số quan chức nghiên cứu giúp Việt Nam đẩy nhanh chương trình chuyển sang nền kinh tế thị trường. Từ tháng 9/1995, đại diện của Việt Nam đã bắt đầu tham gia các hoạt động của Uỷ ban ASEAN ở Brussels trong khuôn khổ quan hệ giữa các nước ASEAN và EU. Như vậy, quan hệ thương mại Việt Nam - EU còn tạo thêm điều kiện cho Việt Nam mở rộng hơn nữa các quan hệ nằm trong khuôn khổ hợp tác ASEAN - EU. Ngày 17/1/1996, EU đã cử Đại sứ thường trực của mình tới Việt Nam, sau đó Uỷ ban hợp tác Việt Nam - EU cũng được thành lập. Uỷ ban này có nhiệm vụ thực hiện các chương trình hợp tác kinh tế - thương mại theo sự cam kết của Hiệp định khung [19].

Trong quan hệ thương mại và đầu tư, EU đã nhanh chóng trở thành bạn hàng lớn thứ ba của Việt Nam (sau Nhật Bản và ASEAN), kim ngạch buôn bán hai chiều

tăng lên đáng kể từ 15% - 20%/năm, với tổng trị giá khoảng từ 3,5 - 4 tỷ USD/năm. Tháng 2/1997, EU đã ký chính thức hiệp định hợp tác EU - ASEAN. Điều này đã tạo cho Việt Nam một vị thế mới trong ASEAN đối với quan hệ EU - ASEAN. Qua đó, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn nhất là về các hoạt động kinh tế đối ngoại vì được hưởng thêm nhiều ưu đãi của EU [18].

Những yếu tố trên tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác thương mại giữa 2 nước nói chung và tạo điều kiện cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang thị trường EU. Kim ngạch xuất - nhập khẩu của Việt Nam - EU tăng nhanh trong những năm qua đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu có sự tăng trưởng rất mạnh.

Bảng 2.3: Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - EU

Đơn vị: Triệu USD

Năm Xuất khẩu Nhập khẩu Kim ngạch XNK

2002 3.149,9 1.841,1 4.991,0

2003 3.858,8 2.472,0 6.330,8

2004 4.962,6 2.509,5 7.472,1

2005 5.600,0 2.600,0 8.200,0

2006 6.050,0 2.765,0 8.815,0

Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam

Cùng với sự tăng trưởng mạnh của kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU thì kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam sang thị trường này cũng tăng nhanh.

Bảng 2.4: Một số mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU Đơn vị tính: Triệu USD

Mặt hàng 2002 2003 2004 2005

Hàng dệt và may mặc 551.9 537,0 860,0 826,0

Giày dép các loại 1.327,9 1.602,5 1.850,0 1.700,0

Cà phê 165,8 262,31 467,0 320,0

Thủy sản 97,9 153,2 235,0 430,0

Hàng thủ công mỹ nghệ 119,6 142,3 193,1 225

Sản phẩm gỗ 101,8 158,8 306,0 412,0

Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam

Như vậy kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam sang EU chiếm tỷ trọng 3,7% - 4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này trong giai đoạn 2002 - 2005. Đây là con số còn nhỏ so với tiềm năng xuất khẩu mặt hàng này của nước ta. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 sẽ nâng tỷ lệ này lên trên 6,4% (đạt kim ngạch trên 0,6 tỷ USD).

EU còn có nhiều nỗ lực ủng hộ Việt Nam trong tiến trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Quan hệ Việt Nam - EU chắc chắn sẽ có nhiều bước tiến vượt bậc trong thời gian tới, nhất là khi EU đã thành lập xong Hội đồng kinh doanh và Trung tâm thông tin kinh tế Châu Âu tại Việt Nam. Hai tổ chức này sẽ không chỉ là nơi cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp mà còn đóng vai trò là chiếc cầu nối, là sợi dây liên hệ giữa các doanh nghiệp Việt Nam và EU, đem đến cho cả hai phía nhiều cơ hội thuận lợi trong kinh doanh xuất nhập khẩu cũng như các hoạt động kinh tế khác.

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam sang thị trường EU.doc (Trang 44 - 47)