Qui mô sản xuất nhỏ, không đáp ứng được đơn hàng lớn

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam sang thị trường EU.doc (Trang 50 - 51)

2. Những khó khăn khi xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam sang thị trường EU

2.3. Qui mô sản xuất nhỏ, không đáp ứng được đơn hàng lớn

Hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam được các doanh nghiệp EU đánh giá là có kiểu dáng phù hợp với thẩm mỹ của người dân EU nhưng thật đáng tiếc là nhiều nhà sản xuất Việt Nam đã phải từ chối các đơn hàng lớn vì năng lực sản xuất không đáp ứng nổi. Hầu hết các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đều rất nhỏ lẻ và như đánh giá của các nhà nhập khẩu EU là “thiếu chuyên nghiệp”. Hàng thủ công mỹ nghệ được sản xuất chủ yếu tại các làng nghề truyền thống theo phương thức sản xuất hộ gia đình. Chính vì vậy mà qui mô sản xuất khá nhỏ nên không thể ký kết những hợp đồng xuất khẩu có giá trị lớn. Đến từ làng nghề gốm Bàu Trúc của dân tộc Chăm tỉnh Ninh Thuận, một trong những làng nghề cổ nhất Đông Nam á, ông Nguyễn Văn Tuyên, giám đốc công ty Gốm Bàu Trúc ấp ủ mong ước đưa sản phẩm gốm đặc trưng của dân tộc mình ra thị trường thế giới và nâng cao giá trị cho sản phẩm quê hương. Ông Tuyên cho biết: “có sản phẩm Bàu Trúc bán ra thị trường trong nước thì chỉ có thể đưa giá 15.000 đồng, khi gặp khách hàng Pháp, họ trả chúng tôi đến 100USD/bình nhưng số nghệ nhân làm nghề của làng hiện chỉ coàn 20-30 người, để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu, năng lực của chúng tôi chỉ làm được 1500 sản phẩm/tháng - một con số quá

nhỏ”. Trên thực tế, ông Tuyên đã phải từ chối nhiều đơn hàng lớn của khách hàng nước ngoài vì không thế đáp ứng được.

Còn với ông Nguyễn Minh Phú, chủ cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Minh Phú (Hà Tây), một trong ba tác giả đạt giải đặc biệt của Golden V với sản phẩm bộ bình bách điệp đã có một kinh nghiệm xương máu khi mất khách hàng. “Đó là vào năm 2002, một khách hàng Hà Lan đã đặt của chúng tôi 5 mã bình cốt táng trị giá 1,2 triệu USD, trong đó mỗi mã đòi hỏi 22.000 sản phẩm và thời gian giao hàng rất gấp. Chúng tôi đã phải từ chối đơn hàng lớn đó vì năng lực sản xuất không thể đáp ứng được, hiện chúng tôi chỉ có khoảng 30 công nhân” [22].

Trước thực trạng trên, các cơ sở sản xuất có thế liên doanh, liên kết, tạo khối liên ngành, thành lập các công ty cổ phần để thực hiện các đơn hàng lớn. Nếu như khắc phục được nhược điểm nhỏ bé về năng lực sản xuất, ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng rất lớn khi vươn ra thị trường thế giới nói chung và thị trường EU nói riêng.

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam sang thị trường EU.doc (Trang 50 - 51)