Chiến lược phát triển nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam sang thị trường EU.doc (Trang 64 - 66)

1. Giải pháp về phía Nhà nước

1.5. Chiến lược phát triển nguồn nhân lực

- Phát triển nguồn nhân lực phục vụ sản xuất

+ Đào tạo lao động và thợ thủ công: Thợ thủ công trong các làng nghề truyền thống không được học nghề trong các trường lớp như các ngành nghề khác mà chủ yếu được các nghệ nhân hay thợ giỏi truyền dạy theo phương pháp cầm tay chỉ việc, vừa làm vừa học tại các làng nghề, trong đó có những thủ pháp kỹ thuật, nghệ thuật, bí quyết nhà nghề thường các nghệ nhân, thợ cả chỉ truyền nghề cho con cháu. Họ giữ bí quyết đó với ý thức đầy đủ và cẩn trọng. Do đó, việc đào tạo thợ thủ công cần được triển khai với qui mô lớn hơn, cụ thể.

Đối với lao động có tay nghề cần được bồi dưỡng, bổ sung kiến thức theo hình thức tập huấn ngắn ngày tại các trung tâm dạy nghề địa phương. Các giáo viên là nghệ nhân, thợ giỏi tham gia giảng dạy phải được đào tạo bổ sung về cả mặt thẩm mỹ và mặt kiến thức xã hội.

Đối với lao động chưa có tay nghề có thể đào tạo theo hình thức truyền nghề kèm cặp tại nơi sản xuất hoặc hỗ trợ kinh phí đào tạo tại các trường nghề (nhất là các lao động nông thôn).

Nhà nước cần đầu tư xây dựng các trường dạy nghề, trường mỹ thuật thực hành tại các địa phương để có thế đào tạo thợ thủ công lành nghề theo phương thức vừa học vừa sản xuất tại các làng nghề. Nhà nước cũng nên hỗ trợ một phần kinh phí về giảng dạy như: tiền bồi dưỡng giáo viên và nghệ nhân giảng bài, các chi phí thí nghiệm (nếu có)...Khi có sự tham gia giảng dạy của các nhà thiết kế, các họa sỹ, thợ thủ công tại các làng nghề sẽ được đào tạo một cách bài bản sẽ góp phần quan trọng trong phát triển nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật trang trí, mỹ thuật

ứng dụng trong các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam. Các sản phẩm này sẽ thừa kế những nét nghệ thuật thủ công truyền thống của dân tộc đồng thời lại mang nét cách tân của nghệ thuật đương đại.

+ Đối với nghệ nhân: Các nghệ nhân, thợ cả giữ một vai trò rất quan trọng đối với nghề thủ công truyền thống. Nhưng hiện nay, số nghệ nhân ngày càng ít đi. Vì vậy, muốn duy trì và phát triển ngành nghề hàng thủ công mỹ nghệ cũng như làng nghề hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích họ phát huy tài năng, phát triển nghề và truyền nghề cho con cháu.

Hàng năm, Nhà nước cần có qui chế phong tặng nghệ nhân và tặng thưởng xứng đáng với công lao của họ. Các nghệ nhân sẽ được bồi dưỡng miễn phí kiến thức về hội họa, mỹ thuật. Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu với các sáng chế, mẫu mã kiểu dáng sản phẩm của các nghệ nhân. Đồng thời, các nghệ nhân được miễn các loại thuế đối với các sản phẩm của nghệ nhân mang tính độc đáo, tinh xảo và đạt được giải thưởng tại các hội chợ, triển lãm. Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí cho hoạt động của Câu lạc bộ nghệ nhân nhằm trao đổi kinh nghiệm và tạo điều kiện phát triển nghề [9].

Việc đảm bảo quyền lợi và có chính sách đào tạo cho nghệ nhân, thợ giỏi sẽ tạo động lực cho họ duy trì và phát triển tài năng của bản thân, có thêm hứng thú trong việc đào tạo và truyền nghề cho các thế hệ tiếp theo. Kết quả là ngày càng tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, đa dạng, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam sang thị trường EU.

- Phát triển nguồn nhân lực thực hiện hoạt động ngoại thương

Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang thị trường EU và các chức năng quản lý hoạt động xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang thị trường EU cần có cán bộ có hiểu biết sâu sắc về thị trường và người tiêu dùng EU

để có những hành vi ứng xử phù hợp với đặc điểm của thị trường này, đảm bảo phát triển xuất khẩu hiệu quả sang thị trường này. Vì vậy, Nhà nước cần có kế hoạch đào tạo cán bộ quản lý và kinh doanh của các doanh nghiệp, tổ chức xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang EU hoặc hướng dẫn, giúp đỡ để các doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn tài trợ khác cho hoạt động đào tạo cán bộ. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham quan, khảo sát thị trường EU, học hỏi kinh nghiệm quản lý kinh doanh của các nhà xuất khẩu thành công.

Nhà nước cần khuyến khích các doanh nghiệp tự đào tạo thông qua các biện pháp chính sách về thuế, hỗ trợ tài chính xây dựng quỹ đào tạo ở doanh nghiệp, khuyến khích các hình thức hợp tác đào tạo giữa các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề của cả khu vực Nhà nước và tư nhân, cả trong nước và quốc tế.

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam sang thị trường EU.doc (Trang 64 - 66)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(90 trang)
w